CÁC NGUYÊN TẮC ỨNG XỬ SƯ PHẠM PDF. In Email
Thứ sáu, 15 Tháng 4 2016 13:21

Muốn trở thành một nhà sư phạm khéo léo, tinh tế trong ứng xử, thành công trong việc giáo dục học sinh, bạn cần phải có hiểu biết và tôn trọng các nguyên tắc ứng xử sư phạm sau:

 

  1. Tìm để hiểu một cách toàn diện, sâu sắc về từng học sinh. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý, tính cách, sở thích, thói quen…của từng em để có biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng.
  2. Luôn giữ được sự bình tĩnh cần thiết trước mỗi tình huống sư phạm. Bình tĩnh để tìm hiểu một cách cặn kẽ, thấu đáo nguyên nhân của mỗi tình huống để có cách xử lý đúng đắn, hợp tình, hợp lý. “Hiểu người để dẫn đạo người”, đó là phương phâm cao quý của lao động sư phạm.
  3. Luôn có ý thức tôn trọng học sinh, kể cả những khi học sinh có vi phạm, lỗi lầm với bản thân nhà giáo. Hãy biết tự kiềm chế để không bao giờ có những lời nói, cử chỉ xúc phạm học trò. Ở tuổi này, lòng tự tôn của các em rất cao, “chỉ một lời nói nhục mạ sẽ làm tan nát tâm hồn con trẻ” (Xukhômsinxki).
  4. Luôn đặt mình vào địa vị của học sinh, vào hoàn cảnh của các em, cố gắng nhớ lại bản thân mình khi ở tuổi như các em để hiểu và thấu cảm. Hãy rút ngắn “khoảng cách thế hệ”, gần gũi và cảm thông chân thành, bao dung và độ lượng.
  5. Luôn biết khích lệ, biểu dương các em kịp thời. Đối với học sinh, thầy cô giáo nên ca ngợi những ưu điểm của họ nhiều hơn là phê bình khuyết điểm. Học sinh nào cũng thích được thầy cô giáo biểu dương, vì thế, chúng ta không nên tiết kiệm lời khen của mình. Hãy khen ngợi những ưu điểm, sở trường của các em để các em cảm thấy giá trị của mình được nâng cao, có hứng thú học tập. Nhưng cũng cần chú ý, trong khi khen cũng không quên chỉ ra những thiếu sót của học sinh để các em khắc phục, không ngừng tiến bộ.
  6. Luôn thể hiện niềm tin vào sự hướng thiện của các em. Ngay cả khi các em mắc sai lầm, cũng phải tìm ra những ưu điểm, những mặt tích cực chứ không nên phê phán nặng nề. Đó chính là chỗ dựa, là nguồn khích lệ cho học sinh có động lực phát triển.
  7. Góp ý với học sinh về những thiếu sót cụ thể, việc làm cụ thể, với một thái độ chân thành và giàu yêu thương. Tuyệt đối không nêu những nhận xét chung chung có tính chất “chụp mũ” và xúc phạm như: “Sao ngu thế?”, “Đồ mất dạy!”…
  8. Luôn thể hiện cho học sinh thấy tình cảm yêu thương của một người thấy với học trò. Theo quy luật phản hồi tâm lý, tình cảm của thầy trước sau cũng sẽ được đáp lại bằng tình cảm của trò. Dùng lòng nhân ái, đức vị tha giáo dục, cảm hóa học trò sẽ luôn đạt hiệu quả cao.
  9. Trong mỗi tình huống sư phạm, người thầy cần phải bình tĩnh xem lại bản thân mình. “Nhân vô thập toàn”, nên hãy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nếu nhận ra sự thiếu sót, sai lầm của mình, hãy dũng cảm thừa nhận. Chắc chắn làm như thế, học sinh chẳng những không khinh thầy mà còn rất cảm phục thầy.

Việc vận dụng các quy tắc cơ bản nói trên vào việc xử lý các tình huống sư phạm là nghệ thuật của mỗi nhà giáo.

(Không rõ tác giả)