DỰ ĐOÁN XU HƯỚNG GIÁO DỤC 2016 NỖ LỰC ĐỂ THAY ĐỔI PDF. In Email
Thứ bảy, 16 Tháng 4 2016 14:33

Năm 2015 đi qua với nhiều biến động và thay đổi nổi bật, ngổn ngang những sự kiện ồn ào và báo hiệu một sự day trở mạnh mẽ. Những ồn ào đó cho thấy dường như xã hội không còn có thể chấp nhận duy trì hiện trạng của giáo dục, và đòi hỏi thay đổi đang ngày càng mạnh. Liệu chúng ta có thể dự đoán gì cho những xu hướng có thể sẽ diễn ra trong năm 2016?

Thực học sẽ là một xu hướng ngày càng mạnh

Với giáo dục phổ thông, nếu nhìn rộng ra cả xã hội chứ không chỉ tập trung nhìn vào những việc Bộ GD-ĐT đã và đang làm, có thể thấy các hoạt động giáo dục của xã hội đã lớn mạnh hơn và đang có một vai trò tích cực đối với hệ thống giáo dục trong nhà trường. Phong trào sách hóa nông thôn do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng đã nhận được sự ủng hộ to lớn của xã hội, cả trong và ngoài nước, và nhất là được sự công nhận và hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách của Bộ Giáo dục, đã nói lên một xu hướng vô cùng quan trọng: nhiều người đã nhận ra tầm quan trọng của đọc sách, nghĩa là của tri thức và hiểu biết thực sự, và của việc tự giáo dục là quan trọng như thế nào.

Cùng với sự phát triển của các hệ thống giáo dục phụ trợ: tiếng Anh, kỹ năng mềm, âm nhạc, võ thuật, sinh hoạt ngoại khóa, v.v. rõ ràng là nội dung giáo dục ngày nay đã phong phú hơn thời bao cấp khi xưa, hay những năm mới mở cửa rất nhiều. Mặc dù có ít nhiều điều chưa được như chúng ta mong đợi, những lớp học như thế đã đóng vai trò bổ khuyết cho những gì nhà trường còn khiếm khuyết. Xu hướng học bên ngoài nhà trường sẽ tiếp tục được lớn mạnh, một phần vì đó là nhu cầu có thật của xã hội, một phần khác còn vì đó là một dịch vụ đầy triển vọng.

Còn trong hệ thống giáo dục chính quy, năm 2016 vẫn tiếp tục chương trình hiện hành, nhưng xu thế giảm tải và tập trung vào xây dựng năng lực sẽ bắt đầu hình thành, trước hết là ở một vài trường tư tiên phong, và ở một số lĩnh vực như tiếng Anh theo chương trình mới. Xu hướng này sẽ trở thành chủ đạo từ năm 2018 khi áp dụng chương trình phổ thông mới. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ chứng kiến sự ra đời của nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau khi chương trình GDPT tổng thể được chính thức công nhận. Đã tới lúc xã hội nhận ra tác hại của nền giáo dục nhồi nhét, áp đặt, và sự kiên nhẫn chịu đựng một nền giáo dục như thế đã tới ngưỡng giới hạn của nhiều người. Bằng nhiều cách khác nhau, người ta đang cố thoát khỏi nó: người giàu thì cho con học trường quốc tế, trung lưu thì trường tư. Những người khác đang nỗ lực thay đổi nền giáo dục hiện tại, trong đó đáng kể nhất là nỗ lực của Bộ GD-ĐT với Chương trình GDPT mới.

Trong giáo dục đại học, tình trạng thất nghiệp của cử nhân đang khiến xã hội nhìn nhận lại giá trị của tấm bằng ĐH. Mấy năm gần đây, chúng ta chứng kiến một cuộc chạy đua mới: thay vì coi bằng ĐH là đích đến, người ta chạy theo bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Đến lúc bằng tiến sĩ không còn được tôn trọng nữa, người ta chạy theo bằng cấp nước ngoài. Rồi thì bằng nước ngoài cũng tràn lan đồ dỏm, đồ giả. Như chính bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói, bằng dỏm bằng giả thì chỉ có thể chui vào làm cơ quan nhà nước. Nay thì nhu cầu này đã bão hòa, và thị trường lao động càng phát triển, người ta càng thấy rõ tấm bằng không thể thay thế được năng lực, kỹ năng và phẩm chất của một người.

Phong trào chạy theo bằng cấp gắn liền với việc mở rộng hệ thống trường ngoài công lập (NCL) và các chương trình liên kết với nước ngoài nở rộ trong mấy năm qua. Có những trường NCL hoạt động nghiêm túc và có thành tích đáng kể, nhưng cũng có trường thực chất chẳng khác nào lò bán bằng, do chất lượng kém và đầu tư cho đào tạo quá ít. Có những chương trình liên kết có uy tín và góp phần tích cực nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý cấp trung của Việt Nam. Phong trào chạy theo bằng cấp đơn thuần này đã hầu như bão hòa, và cùng với xu hướng quay trở lại học có thực chất, sẽ chỉ có những trường có tầm nhìn xa và đầu tư cho chất lượng thật là có thể tồn tại được lâu dài.

Bức tranh đa dạng và thị trường giáo dục

Năm 2016 có thể sẽ chứng kiến sự sáp nhập và mua bán của một số trường ĐH ngoài công lập. Đây là một làn sóng đã diễn ra trong vài năm gần đây và vẫn đang tiếp tục. Nó là một xu hướng lành mạnh, vì về nguyên tắc nó sẽ thay thế những bộ máy quản trị không có hiệu quả bằng một bộ máy khác chuyên nghiệp hơn. Cùng với phân tầng, xếp hạng, tự chủ tài chính  và cổ phần hóa ở trường công, bức tranh GDDH sẽ trở nên đa dạng hơn.

Tuy vậy, do bất cập trong việc ban hành chính sách gắn với phân tầng xếp hạng, sẽ cần phải mất nhiều năm để việc sắp xếp lại hệ thống GDĐH đạt tới mục tiêu giúp nâng cao chất lượng từng trường. Thời gian này ngắn dài bao năm sẽ phụ thuộc vào chất lượng việc ban hành chính sách của cơ quan quản lý nhà nước. Mặc dù vậy, sự phát triển đa dạng của các trường là một điều chắc chắn, vì nó đi cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, một xu hướng không thể đảo ngược. Tuy GDĐH chưa thực sự được coi là một bộ phận của kinh tế thị trường, nhưng trong thực tế, nó đã là một thành tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thị trường và đang vận hành theo những quy luật của kinh tế thị trường.

Tự chủ ĐH và trọng tâm đổi mới GDĐH đang chuyển dịch về phía các trường

Có nhiều sự kiện và động thái của chính phủ cho thấy tự chủ ĐH sẽ tiếp tục được mở rộng mạnh mẽ phù hợp với xu thế quốc tế. Quá trình chuyển đổi từ một hệ thống giáo dục của nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường vẫn đang tiếp diễn; trong quá trình đó, nhiều khái niệm và chuẩn mực thông thường của thế giới từ chỗ hoàn toàn xa lạ với Việt Nam, đã trở nên được chấp nhận ngày càng rộng rãi. Trong những khái niệm và chuẩn mực đó, quan trọng nhất là tự chủ. Tuy vậy, chúng ta đã mất một quãng thời gian khá dài để những chuẩn mực này được hiểu đúng. Không thể nói tới tự chủ mà không đề cập tới trách nhiệm giải trình, nhưng ở Việt Nam, trách nhiệm giải trình đã bị hiểu sai thành “tự chịu trách nhiệm”, “trách nhiệm xã hội”, khiến khuôn khổ pháp lý bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các trường cho đến nay vẫn còn rất hạn chế.

Sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội đã góp phần đẩy nhanh tiến trình trưởng thành về trách nhiệm giải trình của các trường. Vụ giảng viên Doãn Minh Đăng ở Cần Thơ, việc đề xướng tự công nhận chất lượng giáo sư của Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản ánh xu hướng này.

Nhu cầu tăng cường chất lượng để cạnh tranh với nhau và với các trường ngoài nước, cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế đã đẩy trọng tâm của đổi mới chuyển dịch dần về phía các trường, phù hợp với chủ trương mở rộng tự chủ đại học của nhà nước. Mặc dù Bộ GD-ĐT vẫn nắm giữ một vai trò can thiệp quan trọng khi ban hành chính sách, nhưng sự sáng tạo, tinh thần đổi mới, tầm nhìn, sự can đảm của lãnh đạo các trường sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong việc tạo ra chất lượng.

Xu hướng quốc tế

Trong khi đó, trên thế giới, một trong những xu hướng nổi bật trước hết là những nỗ lực ghi nhận sự thành công của sinh viên sau khi ra trường như một minh chứng cho chất lượng đào tạo của nhà trường. Sự phát triển của công nghệ truyền thông kỹ thuật số tạo điều kiện cho các trường thực hiện điều này. Minh chứng này ngày càng trở nên quan trọng hơn khi nguồn lực cho GDDH đang bị thu hẹp lại, trong lúc tình trạng thất nghiệp thì gia tăng, và cạnh tranh giành sinh viên ngày càng khốc liệt.

Cũng trong xu thế tăng cường chất lượng, đang có khuynh hướng cá nhân hóa những trải nghiệm giáo dục của sinh viên. Nghiên cứu cho thấy mỗi học sinh hấp thụ tri thức và kỹ năng theo những cách thức và nhịp độ khác nhau, vì vậy phương pháp giáo dục trong tương lai gần sẽ là cá nhân hóa môi trường học tập để thích hợp với từng sinh viên và tăng hiệu quả của đào tạo tới mức tối đa. Cách học truyền thống bắt đầu bằng giờ học trên lớp với người thầy là nhân vật độc nhất truyền giảng tri thức, tiếp đến là thời gian làm bài tập ở nhà để nắm vững những gì thầy giảng. Xu hướng sắp tới sẽ đảo ngược: thay cho làm bài tập ở nhà, sinh viên sẽ đọc tài liệu trước, xem bài giảng trực tuyến, và hôm sau đến lớp làm bài tập cùng vói thầy và bạn học. Mô hình này nhấn mạnh kỹ năng tự học, làm việc nhóm, giao tiếp và hợp tác với người khác. Mô hình này cũng cho phép giảng viên hỗ trợ người học tích cực hơn, vì họ có thể phản hồi sát sườn với năng lực tiếp thu và đặc điểm của người học.

Trong những thập kỷ trước đây, trọng tâm của các nhà làm chính sách là mở rộng đường vào ĐH cho nhiều đối tượng. Xu hướng mới xuất hiện hiện nay và trong tương lai đang là nhấn mạnh vào an ninh học đường, như một phản ứng trước các vụ xả súng hàng loạt trong các trường ĐH.

Nổi bật hơn hết vẫn là những xu hướng gắn với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số: sự hình thành những môi trường học tập bên ngoài nhà trường bên cạnh giáo dục chính quy và phi chính quy; những công cụ kỹ thuật số hỗ trợ việc dạy và học; những lớp học từ xa và phòng thí nghiệm ảo; môi trường học tập tập thể; học tập dựa trên trò chơi hay là giáo dục qua những phương tiện giải trí; quyền tác giả và việc quản lý nội dung học tập; vai trò của truyền thông xã hội đối với việc dạy và học; ứng dụng đổi mới công nghệ và học tập di động mọi lúc mọi nơi chỉ với một điện thoại thông minh có nối mạng.

Một trong những xu hướng chung đáng ghi nhận của giáo dục Việt Nam là tiến gần tới thực tiễn phổ quát trên thế giới. Bản thân giáo dục quốc tế là cực kỳ đa dạng, nhưng dù có nhiều khác biệt tùy theo bối cảnh chính trị và văn hóa của mỗi nước, vẫn có những giá trị chung được công nhận rộng rãi trên thế giới. Điều đáng mừng là tuy trầy trật khó khăn, chúng ta đang tiến về những giá trị ấy. Những nỗ lực của nhiều cá nhân trong hệ thống đã bắt đầu mang lại kết quả và con đường trước mặt chúng ta đã dần trở nên rõ ràng hơn.

Phạm Thị Ly (Bài đăng Tuổi trẻ Cuối tuần 10.01.2016)