MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ ĐẠO ĐỨC NGHIÊN CỨU TRONG THỰC TIỄN QUỐC TẾ PDF. In Email
Thứ bảy, 16 Tháng 4 2016 14:39

Trong khi đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh năng lực nghiên cứu, các trường ĐH, các tổ chức nghiên cứu, các nước đều đang phải đương đầu với tình trạng chạy theo thành tích khoa học, thể hiện qua công bố quốc tế và các con số thống kê mang tính hình thức. Áp lực “công bố hay là chết” đã có tác dụng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, nhưng mặt trái của nó là biến những thước đo thành tích khoa học thành mục đích tự thân của việc nghiên cứu. Điều này dễ dàng dẫn đến tình trạng gian lận học thuật đang ngày càng phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở những nơi văn hóa nghiên cứu còn chưa trưởng thành và bệnh thành tích là một thực tế phổ biến.  Gian lận học thuật cũng đang trở thành một vấn nạn rõ rệt đối với Việt Nam.Để hướng dẫn nghiên cứu sinh mới vào nghề và điều chỉnh hành vi của giới học thuật, các nước thường có những bộ quy tắc xử sự trong hoạt động nghiên cứu nhằm đảm bảo tính chính trực của nó. Bài viết này nêu tóm tắt một số vấn đề cơ bản thường được nêu ra trong những bộ quy tắc xử sự về đạo đức nghiên cứu ở một số nước có thành tích khoa học nổi bật như Mỹ, Anh, và Úc.

Quy tắc xử sự về đạo đức nghiên cứu là văn bản ghi nhận những quy ước đã trở thành chuẩn mực cho tính chính trực và bảo đảm sự khả tín cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Nó bắt đầu bằng việc định nghĩa những khái niệm cơ bản để tránh việc vận dụng hay suy diễn tùy tiện. “Nghiên cứu”, trong “Quy tắc thực hiện nghiên cứu một cách có trách nhiệm” của Australia được định nghĩa là những khảo sát điều tra nguyên thủy được thực hiện nhằm có được kiến thức, hiểu biết và sự suy xét thấu đáo. Nó là một khái niệm rộng và không có cách định nghĩa nào đơn giản mà đúng với mọi lĩnh vực chuyên ngành.Một công trình nghiên cứu được thực hiện “một cách có trách nhiệm”, là một công trình thể hiện sự trung thực và tính chính trực trong khi tiến hành hoạt động nghiên cứu;thể hiện sự tôn trọng mọi đối tượng tham gia vào việc nghiên cứu, bao gồm con người, con vật, và môi trường; thể hiện sự trân trọng và ghi nhận vai trò, công sức đóng góp của các cộng sự, đồng tác giả, những người đi trước; thực hiện truyền thông về kết quả nghiên cứu một cách có trách nhiệm, và sử dụng nguồn ngân sách công dành cho việc nghiên cứu một cách xứng đáng.

Vai trò của các trường, viện, tổ chức nghiên cứu trong việc tạo ra và duy trì một môi trường thúc đẩy văn hóa nghiên cứu

Để có những công trình nghiên cứu được xem là “thực hiện một cách có trách nhiệm” như trên, vai trò thúc đẩy, tạo điều kiện, khích lệ và giám sát của các tổ chức nghiên cứu khoa học (NCKH) là rất quan trọng, bao gồm:

- Thúc đẩy nhận thức về các văn bản hướng dẫn và quy định hiện hành liên quan đến đạo đức nghiên cứu

- Soạn thảo các tài liệu hướng dẫn đơn giản và rõ ràng, tạo ra chính sách khích lệvà ngăn ngừa sự vi phạm.

- Mỗi tổ chức NCKH cần có một quy trình phù hợp với đặc điểm của mình để quản lý hoạt động nghiên cứu, bao gồm quy trình đánh giá chất lượng, sự an toàn, mức độ rủi ro, mức độ bảo vệ quyền riêng tư, những vấn đề tài chính và đạo đức, sao cho mỗi vai tham gia vào hoạt động NCKH đều hiểu rõ trách nhiệm của mình là gì và nghĩa vụ giải trình trách nhiệm ấy sẽ được thực hiện như thế nào.

Dưới đây là một số vấn đề về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên để thực hiện NCKH phù hợp với các chuẩn mực đạo đức cơ bản.

Những quy tắc trong khi thực hiện công việc nghiên cứu

Phần này phản ánh những chuẩn mực mà các nhà nghiên cứu cần tuân thủ trong quá trình thực hiện hoạt động NCKH và các nhà quản lý cần lưu tâm để bảo đảm chất lượng cũng như tính chính đáng của hoạt động nghiên cứu.

Tuân thủ các quy định yêu cầu sự chấp thuận và được thông tin đầy đủ của đối tượng tham gia nghiên cứu

Điều này đặc biệt quan trọng trong những nghiên cứu có thể ảnh hưởng tới đối tượng được nghiên cứu ví dụ như các thực nghiệm liên quan tới sức khỏe thể chất hay tâm thần. Quy trình này nhằm bảo đảm rằng mọi cá nhân tham gia vào cuộc nghiên cứu trong vai trò đối tượng được nghiên cứu có sự tự nguyện và hiểu rõ những rủi ro hoặc lợi ích của việc ấy.

Người nghiên cứu có nghĩa vụ thông tin đầy đủ cho đối tượng được nghiên cứu về mục đích của nghiên cứu, thời gian và quy trình thực hiện, quyền của đối tượng nghiên cứu được rút ra khỏi cuộc nghiên cứu bất cứ lúc nào kể cả khi nó đã bắt đầu và hệ quả của việc này; những triển vọng về lợi ích mà cuộc nghiên cứu mang lại kể cả những khích lệ dành cho người tham gia; những rủi ro có thể xảy ra, những bất tiện có thể có hay bất cứ tác động tiêu cực nào cuộc nghiên cứu có thể gây ra; những cam kết về việc giữ kín thông tin và giới hạn trong những cam kết ấy; ai là người họ có thể tiếp xúc nếu có thắc mắc cần giải đáp.

Những yêu cầu này là bắt buộc đối với nghiên cứu y khoa, tuy vậy trong một số lĩnh vực thủ tục ký phiếu chấp thuận này có thể được bỏ qua khi luật pháp hoặc quy định của nhà trường cho phép, ví dụ như nghiên cứu về thực trạng giáo dục, về thực tiễn quản lý, những khảo sát ẩn danh, quan sát thực địa, những nghiên cứu không chứa đựng nguy cơ hay rủi ro nào cho người được nghiên cứu.

Tôn trọng sự bảo mật và riêng tư

Trong những nghiên cứu mà đối tượng là con người, khi sử dụng những thông tin mà đối tượng cung cấp, người nghiên cứu cần bảo đảm sự riêng tư của đối tượng được bảo vệ thích đáng, và những người ấy cần được biết là thông tin mà họ đưa ra sẽ được sử dụng như thế nào, ở mức độ bảo mật ra sao.Lưu ý là trong môi trường internet ngày nay, tính bảo mật của thông tin có nhiều hạn chế. Nếu người nghiên cứu không am hiểu về bảo mật trong môi trường trực tuyến, họ cần được sự giúp đỡ của người có chuyên môn, nhằm tránh bị đánh cắp dữ liệu dẫn đến tiết lộ thông tin cá nhân của đối tượng nghiên cứu ngoài ý muốn.

Người nghiên cứu cần suy nghĩ về việc dữ liệu thu thập được sẽ được sử dụng và chia sẻ như thế nào, về việc mã hóa, về mức độ bảo mật trong quá trình chia sẻ trước khi thiết kế mẫu phiếu chấp thuận, để tránh những phát sinh khó xử về sau.

Quản lý dữ liệu nghiên cứu

Mục đích chính của việc lưu trữ, bảo quản dữ liệu nghiên cứu là nhằm biện minh cho kết quả nghiên cứu và bảo vệ tính đúng đắn của những kết quả ấy khi nó bị nghi ngờ. Những dữ liệu được bảo quản này cũng có thể là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo trong tương lai, nhất là với những nghiên cứu khó lòng lặp lại được.

Dữ liệu nào cần được lưu giữ và bảo quản là do người nghiên cứu quyết định, nhưng đôi khi các hiệp hội chuyên ngành, các nhà xuất bản, các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan tài trợ nghiên cứu có thể có những quy định hay luật lệ về điều này. Cần làm rõ mấy vấn đề liên quan tới việc lưu trữ bảo quản dữ liệu: Những dữ liệu nào cần được lưu giữ (vật liệu sinh phẩm, bản thu băng phỏng vấn, ghi chú thực địa, kết quả thực nghiệm. v.v..)? Ai là chủ sở hữu những dữ liệu này? Bằng cách nào cộng đồng nghiên cứu khoa học có thể tiếp cận những dữ liệu ấy? Dữ liệu cần được lưu giữ trong bao lâu?

Việc công bố kết quả nghiên cứu

Có nhiều hình thức để phổ biến kết quả nghiên cứu. Một hình thức quen thuộc có tính chất chính thức, quy phạm, là ấn bản khoa học có bình duyệt như tạp chí hay sách; nhưng không nhất thiết lúc nào cũng là vậy. Có những hình thức khác như đưa lên trang web (cá nhân hay tổ chức, hiệp hội, v.v), triển lãm, phim, thư viện, nguồn tài nguyên của trường viện, báo chí truyền hình. v.v.

Phổ biến kết quả nghiên cứu là một phân đoạn quan trọng của hoạt động nghiên cứu, nhằm đưa những lợi ích của kết quả nghiên cứu đến với cộng đồng học thuật, với những người đang thực thi nghề nghiệp trong chuyên ngành, với công chúng. Với những nghiên cứu được thực hiện bằng tiền ngân sách, công bố kết quả nghiên cứu là một phần không thể thiếu để công trình được xem là hoàn tất.

Trong việc công bố kết quả nghiên cứu, cần cân nhắc những gì? Nghiên cứu là một hoạt động tốn kém và thường được tài trợ hoặc từ nguồn nhà nước, hoặc từ những tổ chức/cá nhân có thể được hưởng lợi từ việc khai thác thương mại hóa những kết quả nghiên cứu ấy. Vì vậy, trong những trường hợp này, việc công bố kết quả nghiên cứu có thể được giới hạn trong môt khuôn khổ nhất định nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà tài trợ. Về nguyên tắc, việc công bố kết quả nghiên cứu phải bảo vệ sự kín đáo cần thiết và quyền sở hữu trí tuệ của các bên liên quan, đồng thời bảo vệ lợi ích của cộng đồng khoa học và công chúng trong việc tiếp cận kết quả nghiên cứu. Mọi sự hạn chế trong công bố và phổ biến kết quả nghiên cứu cần được thỏa thuận bằng văn bản trước khi thực hiện một dự án nghiên cứu.

Một điểm khác phải cân nhắc là ghi nhận sự đóng góp của các bên, không chỉ là các đồng tác giả, những người cộng sự, mà cả các cơ quan hợp tác nghiên cứu và các nhà tài trợ. Trong đó, việc trích dẫn tác phẩm, công trình của các tác giả khác phải được ghi nhận thích đáng.

Nộp một bài báo khoa học cho nhiều tạp chí cùng lúc là điều không được chấp nhận, trừ khi trong những hoàn cảnh cụ thể và được giải thích rõ ràng, ví dụ như bằng những ngôn ngữ khác nhau. Nếu nộp một bài báo mà phần lớn nội dung trong đó đã từng được công bố trong một bài báo khác, thì điều này phải được nói rõ lúc nộp bài.

Một khía cạnh khá tế nhị là việc truyền thông về kết quả nghiên cứu trong không gian công cộng. Tùy theo những điều kiện giới hạn đã được xác định trước với nhà tài trợ, các nhà khoa học thường tìm cách truyền thông về kết quả nghiên cứu của mình với nhiều đối tượng khác nhau, chẳng hạn các hội chuyên ngành, các tổ chức nghề nghiệp, báo chí, đồng nghiệp, giới làm chính sách, và công chúng ngoài xã hội. Các nhà khoa học có thể trả lời phỏng vấn báo chí, truyền hình, tham gia vào các cuộc tranh luận ngoài đời hay trên cộng đồng mạng, phát biểu trong các sinh hoạt học thuật, hội thảo, v.v. . Những hoạt động này nhìn chung được khích lệ, thậm chí có thể xem như một phần trong nghĩa vụ học thuật của người làm khoa học. Tuy vậy, trong khi thực hiện truyền thông với một đối tượng ngoài lĩnh vực chuyên môn, người làm khoa học phải có một sự thận trọng cần thiết nhằm tránh sự diễn giải sai dẫn tới những nhận thức sai lầm của công chúng.

Các nhà khoa học có thể cân nhắc một số nguyên tắc sau đây nhằm hạn chế các tác hại nêu trên:

- Việc thảo luận về kết quả nghiên cứu trong không gian công cộng không nên diễn ra trước khi kết quả nghiên cứu được kiểm nghiệm qua quá trình bình duyệt đồng nghiệp

- Nên có sự thông báo thích hợp với những đối tượng có thể chịu tác động trực tiếp nhất từ kết quả nghiên cứu, trước khi đưa ra kết quả này cho giới truyền thông và phổ biến cho một công chúng lớn hơn.

- Nếu một nghiên cứu có khả năng thương mại hóa rất cao, có thể nó nên được trình bày trước một tổ chức tài chính trước khi công bố rộng rãi

- Trong mọi trường hợp, các nhà khoa học phải tôn trọng thỏa thuận với nhà tài trợ về việccông bốkết quả nghiên cứu.

Vấn đề mâu thuẫn lợi ích

Sẽ có mâu thuẫn lợi ích trong trường hợp lợi ích cá nhân của người nghiên cứu có chiều hướng ngược với trách nhiệm học thuật của họ và chi phối trách nhiệm đó đến mức một người quan sát độc lập có thể nhận thấy những biểu hiện đủ để kết luận rằng những hành động học thuật của người nghiên cứu bị ảnh hưởng quá đáng bởi những lợi ích khác của chính người ấy.

Điều này khá phổ biến trong hoạt động NCKH và cần được xử lý thích đáng. Mâu thuẫn lợi ích có thể dẫn đến những nhận định mang tính chất thỏa hiệp và ảnh hưởng đến những quyết định dựa trên những nhận định ấy. Điều này sẽ xói mòn lòng tin của công chúng đối với giá trị thực sự của hoạt động NCKH. Mâu thuẫn lợi ích không phải chỉ là mâu thuẫn trong vấn đề tài chính, mà còn là vấn đề cá nhân, vấn đề chuyên môn, và những lợi thế của trường viện.

Bởi vậy các trường cần có chính sách rõ ràng để quản lý các mâu thuẫn lợi ích nhằm xây dựng môi trường nghiên cứu lành mạnh. Việc quản lý các mâu thuẫn lợi ích chủ yếu dựa trên xác định các quy tắc bắt buộc trong việc đáp ứng với những tình huống có mâu thuẫn lợi ích, giúp người nghiên cứu tránh những ảnh hưởng có thể làm thiên lệch kết quả nghiên cứu.

Mâu thuẫn lợi ích có thể diễn ra dưới nhiều hình thức với những bản chất rất khác nhau, vì vậy với mỗi trường hợp cụ thể, các trường/viện, hay các nhà quản lý nên khuyến khích thảo luận công khai giữa các bên có lợi ích liên quan, tạo điều kiện cho họ lên tiếng và bày tỏ mối quan ngại. Trong trường hợp có những thông tin không tiện công khai trước công luận, cần có những thảo luận trong phạm vi hẹp giữa những bên liên quan. Nếu các nhà khoa học không thể, hay không muốn công khai thảo luận về những khả năng mâu thuẫn lợi ích và cách xử lý nó, tốt nhất là họ nên rút ra khỏi tình thế có khả năng xảy ra mâu thuẫn lợi ích và làm sai lệch kết quả công việc NCKH của họ.

Các nhà khoa học rất thường gặp vấn đề mâu thuẫn lợi ích, và nhiều trường hợp khó mà tránh được. Quá trình ra quyết định trong việc quản lý hoạt động NCKH thường phải tham vấn ý kiến chuyên gia, và con số những người được xem là chuyên gia có đẳng cấp trong một chuyên ngành nhiều khi nhỏ đến nỗi tất cả họ đều có liên quan ít nhiều đến vấn đề đang được xem xét quyết định. Bởi vậy các nhà khoa học sẽ thường xuyên phải đương đầu với những tình huống mâu thuẫu lợi ích và điều cần làm là có ý thức về điều đó, công khai thừa nhận tình thế đó theo những cách thức thích hợp.

Vấn đề tác giả

Đứng tên tác giả bài báo là một việc quan trọng trong sự nghiệp khoa học của người làm nghiên cứu, vì vậy có những nguyên tắc đạo đức nhằm bảo đảm cho việc đứng tên này phản ánh đúng công sức và phẩm chất trí tuệ của người nghiên cứu. Để có thể đứng tên tác giả bài báo, người nghiên cứu phải có đóng góp đáng kể về tri thức trong công trình và có thể chịu trách nhiệm ít nhất là về phần việc mà họ đóng góp. Đóng góp này có thể là ý tưởng ban đầu, thiết kế nghiên cứu, phân tích và diễn giải dữ liệu, soạn thảo một phần của bài viết hoặc rà soát nó, đóng góp ý kiến, điều chỉnh cách diễn giải dữ liệu, góp phần thay đổi đáng kể nội dung của nó so với bản thảo ban đầu.

Quyền được đứng tên tác giả không liên quan gì tới học hàm học vị, cũng không liên quan tới việc những đóng góp ấy có được trả tiền hay không. Nó chỉ liên quan đến những đóng góp về tri thức chuyên môn. Những đóng góp về tài chính hay quan hệ nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện nghiên cứu không được coi là đủ tư cách để đứng tên tác giả. Một người có đủ tư cách tác giả phải được đứng tên tác giả, nếu họ không đứng tên thì đó là tác giả ma (ghost author) và đó là một vi phạm về đạo đức nghiên cứu. Một người không đủ tư cách đứng tên tác giả mà đứng tên tác giả cũng là một sự vi phạm về đạo đức nghiên cứu, một điều đang ngày càng phổ biến khi áp lực “công bố hay là chết” và cách đánh giá thành tích khoa học theo lối “đếm hạt đậu” (chỉ quan tâm đến số lượng bài báo) trở thành một động lực thúc đẩy sự hình thành “chợ trời khoa học” nơi người ta có thể trả tiền để được đứng tên trong một bài báo khoa học, như một bài báo trên tập san Science đã phản ánh.

Thông lệ quốc tế là khi một bài báo khoa học có nhiều đồng tác giả thì cần có một tác giả chính đóng vai trò là người giao tiếp với tập san hay cơ quan xuất bản về bài báo. Ai có quyền đứng tên tác giả, ai sẽ là tác giả chính là một chủ đề nhạy cảm và rất dễ gây bất đồng giữa những người tham gia. Một công trình nghiên cứu về điều này đã cho biết là phần lớn những người tham gia vào việc nghiên cứu và hình thành bài báo khoa học đã đánh giá quá cao sự đóng góp của mình, đặc biệt là trong khoa học xã hội. Lời khuyên của giới chuyên môn là vấn đề tác giả phải được đặt ra và thỏa thuận ngay từ đầu trước khi bắt tay vào dự án nghiên cứu, gắn với phân công trách nhiệm và khối lượng công việc. Hơn thế nữa quyết định này phải được định kỳ xem xét lại trong quá trình thực hiện dự án nhằm phản ánh đúng mức độ đóng góp của những người tham gia.

Đưa tên một người vào danh sách tác giả đứng tên bài báo mà không được sự chấp thuận của họ là một vi phạm nghiêm trọng. Đó là một chuẩn mực chung, và một số nước đưa chuẩn mực này thành quy định về việc những người đứng tên tác giả phải có sự chấp thuận bằng văn bản, và nhiều tập san có yêu cầu nêu rõ phần đóng góp của từng người trong việc hình thành kết quả nghiên cứu và bài báo.  Những người không đứng tên tác giả nhưng có những đóng góp khác cho bài báo cũng cần được ghi nhận và nêu tên thích đáng, và cần có sự chấp thuận bằng văn bản của những người được nêu tên.

Kết luận

Lợi ích của hoạt động NCKH là điều không ai có thể nghi ngờ, nhưng những lợi ích ấy chỉ có thể đạt được trong một môi trường nghiên cứu lành mạnh, một môi trường bảo đảm cho quá trình tìm kiếm tri thức được thực hiện với mức độ khả tín cao nhất và phản ánh những giá trị nền tảng của xã hội mà mọi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm gìn giữ. Trong bối cảnh các nước đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu tăng trưởng nhanh trong NCKH phải gắn với việc xây dựng nền tảng văn hóa học thuật vững mạnh; không có cái nền đó thì những thành tựu đạt được chỉ là những lâu đài xây trên cát.

Viết xong tại Langkawi (Malaysia) ngày 12.11.2014

Phạm Thị Ly (tổng thuật)

Tài liệu dùng cho tổng thuật

Australian Code for Responsible Conduct of Research (2007). ISBN 1864964383. Retrieved November 10, 2014. Source:http://www.nhmrc.gov.au/index.htm

Deborah Smith (2003). Five principles for Research Ethics. Monitor, Vol 34, No. 1, p.56

Europe Union (2012). Responsible Researchand Innovation: Europe’s ability to respond to societalchallenges. Source:http://ec.europa.eu/research/science-society/document_library/pdf_06/responsible-research-and-innovation-leaflet_en.pdf

Daniel D. Federman, Kathi E. Hanna, and Laura Lyman Rodriguez. eds (2002), Responsible research: A Systems Approach to Protecting Research Participants.

Committee on Publications Ethics (2010). International Standards for Authors. The International Journal of the First Year in Higher Education

Nguồn:https://fyhejournal.com/public/journals/1/IntJFYHEEthicalGuidelinesAuthorsFINAL.pdf