XÔCƠRÁT (469-399 TCN) PDF. In Email
Chủ nhật, 17 Tháng 4 2016 15:16

Ảnh từ Internet.

Xôcơrát là một nhà triết học duy tâm nổi tiếng thời cổ đại Hy Lạp. Ông ra đời tạu thành bang Aten (Athenes) trong một gia đình cha làm nghề điêu khắc và mẹ là một bà đỡ.

Thời thanh niên, Xôcơrát rất tích cực, hăng thái tham dự các buổi diễn thuyết, bài giảng của các triết gia hùng biện như Pácmênít (Parménide), Dênông (Zénon), Anaxago (Anaxagore), Gioócgiát (Gorgias)…

Xôcơrát phản đối chủ nghĩa duy vật, không quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học tự nhiên và phản đối vô thần luận. Ông tập hợp xung quanh mình một nhóm quý tộc nhằm tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng và chính trị chống chính thể dân chủ Aten. Khi chế độ này được khôi phục, ông đã bị kết án tử hình vì ba tội: Bài xích thần linh, chống đối chế độ và hủ hóa giới trẻ.

Triết học Xôcơrát là học thuyết dạy con người sống. Theo ông, mục đích của triết học là dạy đức hạnh. Ông đưa ra một luận điểm nổi tiếng là “con người, hãy nhận thức chính mình”. Nhận thức chính mình ở đây không chỉ như một nhân cách mà còn như là một con người nói chung.

Muốn nhận thức được chính mình, cần phải bắt đầu từ nghi ngờ sự hiểu biết của mình. Chính vì vậy, Xôcơrát thường nói một cách khiêm tốn “Tôi biết rằng tôi không biết gì hết”. Cũng chính từ đó, phương pháp Xôcơrát ra đời nhằm phát hiện “chân lý” bằng cách tranh luận.

Phương pháp Xôcơrát bao gồm 4 yếu tố gắn bó mật thiết với nhau. Đó là:

- Mỉa mai (Ironie)

- Đỡ đẻ (Maieutique)

- Quy nạp (Induction)

- Xác định hay định nghĩa (Définition)

Mỉa mai là biện pháp phản biện bằng cách nêu lên những câu hỏi nhằm dồn người đối thoại sa vào tình trạng mâu thuẫn khiến họ nhận thấy sự dốt nát của mình và phải thừa nhận chân lý. Đó là một hệ thống câu hỏi như các câu hỏi mẹo, hỏi vặn mang tính châm biếm, mỉa mai, vạch ra những ý ngược đời, trớ trêu của người đối thoại.

Đỡ đẻ là thủ pháp tiếp theo nhằm giúp cho người đối thoại tìm ra và thừa nhận chân lý. Thủ pháp này tựa như bà đỡ đẻ giúp cho bà mẹ sinh ra đứa trẻ được mẹ tròn con vuông (đỡ đẻ).

Quy nạp là thủ pháp so sánh, đối chiếu nhiều trường hợp cá biệt để tìm ra được cái phổ biến, cái chung dẫn tới khái niệm.

Xác định hay định nghĩa là thủ pháp cuối cùng nhằm chia các khái niệm thành “giống” và “loại” định nghĩa được sự vật, hiện tượng một cách chặt chẽ.

Theo ông, bất cứ người nào, muốn hiểu biết một cách thấu đáo, muốn là người có tri thức uyên bác, đều phải là người có thể định nghĩa được sự vật, hiện tượng một cách chặt chẽ, nếu không dù có tài hùng biện tới đâu cũng vẫn là người dốt nát mà thôi.

Xôcơrát không chỉ tranh luận với phái “ngụy biện” và môn đồ của họ mà còn đào tạo được nhiều môn đồ cùa mình.

Bằng phương pháp Xôcơrát ông không chỉ dạy cho học sinh lý thuyết suông mà còn dẫn dắt họ một lối sống mới, giúp cho tâm hồn họ đạt được sự thư thái của một con người có đức hạnh, tìm được chân lý, hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại và tương lai.

Trong nhà trường cận, hiện đại, phương pháp Xôcơrát đã được nhiều thầy giáo, nhiều nhà giáo dục tiến bộ vận dụng trong công tác giảng dạy của mình (phát vấn, phát huy tính tích cực đàm thoại, qui nạp…)

Trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đang là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo lớn lao của của thầy và trò. Trong bối cảnh đó, vận dụng một cách có chọn lọc, sáng tạo và nâng cao “phương pháp Xôcơrát” kết hợp hữu cơ với những phương pháp dạy học khác, chúng tôi cho rằng có thể nâng cao chất lượng dạy và học một cách vừng vàng, chắc chắn.

Nguyễn Phú Tuấn