Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI Những chiến công chưa kể của người thương binh anh hùng (kỳ 2)
Những chiến công chưa kể của người thương binh anh hùng (kỳ 2) PDF. In Email
Chủ nhật, 20 Tháng 5 2012 03:26

3:40, 05/08/2011


Đồng chí Nguyễn Văn Thương khi an dưỡng ở Miền Bắc.

Trận đánh đáng nhớ nhất là tiêu diệt toàn bộ 1 trung đội Mỹ đang tập kết chuẩn bị xăm hầm. Đêm đó, Thương và hai đồng chí trinh sát khác cởi trần, mình trét bùn sình như đặc công, bò tiếp cận trung đội Mỹ đang ăn uống. Họ cài 3 trái mìn ĐH10 ở ba phía rồi bò lui ra...

Giải cứu đồng đội

Ngay sau khi áp tải xe vũ khí về nội thành an toàn giao cho các cơ sở, chiếc xe jeep chở họ quay ngược về Củ Chi để vào quận cảnh sát ngụy. Gặp mặt tên đại úy quận phó, "đại úy Đức" thờ ơ đưa thẻ và công lệnh cho hắn xem rồi ung dung cùng trung úy Ngộ tu bia lạnh. Nội dung của công lệnh là kiểm tra tuyến đường và người kiểm tra là "đại úy Đức" ở Ban Sưu tần Khối Cảnh sát đặc biệt.

Tên quận phó thừa biết tuy cấp bậc cả hai người ngang nhau nhưng đối với một người làm việc ở Ban Sưu tần Khối Cảnh sát đặc biệt, chỉ cần một lời nói không hài lòng của "đại úy Đức" đến tai Tổng nha Cảnh sát, hắn cũng không còn cơ hội để ngoi lên. Vì vậy khi "đại úy Đức" hỏi: "Nghe nói quận ta bắt được một nữ giao liên Việt Cộng, tên này là đầu mối liên lạc với một Việt Cộng vừa bị Ban Sưu tần Khối Cảnh sát đặc biệt bắt", tên quận phó đã hỏi ngay: "Dạ đại úy có thể cho em biết danh tính tên nữ giao liên?". Chỉ chờ có vậy, "đại úy Đức" vẫn giữ vẻ lãnh đạm, nói cộc lốc: "Nguyễn Thị Ngọc".

Thấy mặt tên quận phó nghệch ra, "đại úy Đức" đoán được tên này chưa nắm được tình hình gì. "Đại úy Đức" suy luận nếu như biết Nguyễn Thị Ngọc là Việt Cộng nòi, ắt hẳn hắn đã dùng mọi biện pháp để khai thác sớm, chứ không để đến khi được hỏi, tức là đến khi Nguyễn Thị Ngọc đã bị tạm giam đúng 1 tuần… Quay sang tên cảnh sát phụ trách sổ sách, tên quận phó hỏi: "Nó bị sao?". Trả lời: "Dạ chiêu hồi chỉ điểm nên bắt được con Nguyễn Thị Ngọc. Nhưng nó chưa khai gì mới".

Tên quận phó tự nhiên nghẹn họng. Hắn nhận ra sự sơ xuất của mình rồi như khỏa lấp, hắn quay sang hỏi ý kiến. "Đại úy Đức" trách: "Đáng lẽ ngay lúc bắt được, phải chuyển ngay tên này lên Tổng nha để khai thác. Ở đây mấy anh chỉ biết đấm đá là xong, chẳng được mẹ gì. Để lâu động ổ, tụi nó rút hết, có khai thác được thông tin gì từ Nguyễn Thị Ngọc cũng vô ích". Hai tên cảnh sát ngụy tái mặt không còn hột máu khi nghe bề trên trách móc. Chúng biết khi tin này về đến Tổng nha, tội của chúng rất nặng vì khinh suất và chủ quan. Trong khi "đại úy Đức" bóp trán suy nghĩ thì cả hai cứ đi lòng vòng, xoa tay van nài xin cấp trên chỉ giáo.

Đợi cho cả hai ngấm đòn và đến khi tên quận phó buột miệng "xin đại úy chỉ dạy", "đại úy Đức" mới làm ra vẻ ban ơn: "Thôi được rồi, tôi sẽ ký nhận đưa tên Việt Cộng này về khối. Nhưng đại úy phải sửa lại ngày bắt nó, sửa lại cách đây chừng vài ngày thôi, rồi chuyển nó đi liền hôm nay, cho nó hợp lệ".

Tên cảnh sát mang hồ sơ trình cho tay quận phó, hắn lướt sơ qua rồi ký nhoay nhoáy, kính cẩn đưa sang "đại úy Đức" ký nhận cùng cây bút đưa tận tay. Xong việc, chúng cho lính dìu người nữ giao liên mặt mũi bê bết máu ra xe của Ban Sưu tần Khối Cảnh sát đặc biệt và lễ phép chào "đại úy Đức", mặt hắn dãn ra như vừa trút được một gánh nặng. Trời đã chạng vạng, trên chiếc xe jeep lao đi rất nhanh hôm ấy, không ai thốt lên được lời gì trước chiến công quá lớn bởi Nguyễn Thị Ngọc là một đầu mối quan trọng nắm nhiều đầu mối giao liên, biết nhiều đường dây của ta. Mãi đến khi được hai "cảnh sát" dìu đỡ bước xuống và nghe được câu hỏi "đồng chí có đau lắm không?", Nguyễn Thị Ngọc mới òa khóc như chưa từng được khóc!

Chỉ huy cụm tình báo A36 trong  trận càn Cedar Fall

Về nguyên tắc hoạt động, các cụm tình báo phải rất tách biệt nhau, tránh tiếp xúc nhau và các điệp viên không thể biết thủ trưởng các cụm tình báo khác cụm mình đang hoạt động. Tuy nhiên ở Nguyễn Văn Thương thì lại khác. Ông được cấp trên tin cẩn đưa đi nhiều cụm tình báo và đến năm 1967 thì về làm mũi trưởng mũi giao thông Cụm tình báo A36 lo việc chuyển về căn cứ Trung ương Cục miền Nam (R) các thông tin do ông Ba Quốc (Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức) lấy được. Ông Ba Quốc đã nhập vai sĩ quan cao cấp trong CIA suốt 24 năm và nếu như Nguyễn Văn Thương khai (khi bị bắt và bị cưa chân) ra, cách mạng sẽ mất mát rất lớn, ấy là chưa kể đến các đồng chí khác như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Văn Tàu…cũng có nguy  cơ sẽ bị lộ vì Thương đã có mặt ở rất nhiều cụm tình báo chiến lược khác nhau liên quan đến các nhà tình báo xuất sắc này.

 

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Thương và người thân.

Ở Cụm A36, ngoài anh Ba Hội làm cụm trưởng, còn có anh Bảy Anh làm cụm phó kiêm bí thư chi bộ. Căn cứ đóng ở một địa đạo phía Nam Bến Cát (Bình Dương hiện nay) ven sông Sài Gòn, đối diện căn cứ địa đạo Củ Chi. Lúc ấy rất nhiều cơ quan quan trọng của Đảng, rồi các đơn vị của thanh niên, phụ nữ, tuyên huấn cũng đóng dày đặc xung quanh đó. Bởi vậy nên Mỹ mới mở trận càn Cedar Fall tung 35.000 quân, 700 xe tăng, xe ủi đất và hàng trăm lượt máy bay bỏ bom, hàng ngàn lượt pháo nhằm xóa trắng căn cứ Nam Bến Cát. Lúc đó anh Ba Hội đang ở Sài Gòn, anh Bảy Anh không có mặt nên tất cả nhiệm vụ tại căn cứ, Nguyễn Văn Thương phải gánh. Ngoài chuyện bảo vệ cơ quan mình, anh còn được lệnh phải báo cáo tình hình từng ngày.

Những ngày đầu của trận càn quy mô lớn có tên Cedar Fall, hầu như tất thảy mọi người trong hầm đều bị chảy máu lỗ tai do sức ép của bom. Những ngày sau đó, địch thả bom na-pan đốt cháy tất cả những gì hiện hữu. Nằm dưới hầm mà nóng đến độ phồng da, nước tiểu cũng không còn để uống, đói vàng mắt nhưng hầu như không ai có thể chui lên mặt đất. Chỉ đến khi anh em tiếp tục khoét sâu hơn nữa vào lòng đất, chui xuống thì mới không bị chết cháy.

Đến ngày thứ 16 Mỹ bắt đầu hút nước từ sông Sài Gòn lên bơm vào địa đạo. Anh em trong đơn vị chia khúc địa đạo, lấp kín hết các ngách và tập trung vào ngăn giữa, nơi mà cả hai đầu đều được bịt kín. Nhờ vậy mà thoát chết. Địch thả khí độc vào địa đạo, tất thảy mọi người đều im lặng đắp khăn ướt, úp mặt xuống đất nên tuy có bị chảy máu mũi nhưng cũng không ai hy sinh.

Họ dùng mìn tự tạo, 6 trái mìn định hướng ĐH10 được trang bị sẵn, Thương trèo lên ngọn cây, cột mìn lên theo hướng cho nổ hắt lên cao… Chiều hôm sau, một chiếc trực thăng chở đồ tiếp tế thả xuống đất, quả mìn nổ tung máy bay và làm chết nhiều lính Mỹ đang nhặt đồ hộp phía dưới. Đồng đội của Thương gài 5 quả, nổ hết 4, diệt 4 xe tăng.  Riêng các loại mìn tự tạo cũng tiêu diệt thêm 12 xe ủi đất và bọc thép của giặc.

Trận đánh đáng nhớ nhất là tiêu diệt toàn bộ 1 trung đội Mỹ đang tập kết chuẩn bị xăm hầm. Đêm đó, Thương và hai đồng chí trinh sát khác cởi trần, mình trét bùn sình như đặc công, bò tiếp cận trung đội Mỹ đang ăn uống. Họ cài 3 trái mìn ĐH10 ở ba phía rồi bò lui ra. Thương bắn thẳng một phát B40 vào đội hình địch, chúng nhốn nháo chạy tán loạn, đồng đội chập điện cho nổ liên tiếp mìn định hướng, toàn bộ lính Mỹ nằm rạp chết. Để chắc ăn, anh bồi thêm một phát B40 nữa rồi mới cùng đồng đội thu gom vũ khí, lương thực của chúng, chui xuống hầm an toàn.

Tuy nhiên dù có bảo toàn được lực lượng nhưng đồng bào trong vùng bị càn cũng chết rất nhiều vì bom đạn.

Đến ngày thứ 26 của trận càn thì Thương được lệnh quay về ấp chiến lược để nhận chỉ đạo. Vượt làn đạn hiểm nguy, băng qua sông Sài Gòn để vào phía nam huyện Củ Chi, Thương giả dạng dân cày chui vào ấp chiến lược Mỹ Phước nhận lệnh. Ngay trong ngày hôm đó, Thương lại phải quay về vì cấp trên lệnh: "Nguyễn Văn Thương chỉ huy đưa hết toàn bộ lực lượng cách mạng trong vùng bị càn, vượt sông về vùng giải phóng ở phía bắc Củ Chi để tránh tổn thất"…

Công việc dọn đường, tạo ám hiệu, bố trí bến đón, dự trù thực phẩm, trinh sát để đưa 175 cán bộ vượt sông Sài Gòn, chiếm mất một tuần lễ.  Thương phân công cắt  đặt kỹ lưỡng và luôn có mặt trên từng chuyến xuồng qua - lại để chở hết 175 cán bộ sang sông một cách an toàn, không xảy ra bất kỳ sự cố gì. Xong việc, anh cười: "Giờ thì tụi Mỹ có càn tới ba năm cũng chỉ là cày xới đất cho chúng ta trồng khoai mì".

Qua trận càn, cấp trên tổng kết lại thấy A36 đã tiêu diệt 12 xe tăng, 5 máy bay lên thẳng (số liệu thể hiện trong hồ sơ đề nghị phong tặng danh  hiệu  Anh hùng LLVTND cho đồng chí Nguyễn Văn Thương) cùng với thành tích đưa 175 cán bộ quan trọng của ta rút lui an toàn nên trong đợt xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm ấy đã đề nghị đưa Nguyễn Văn Thương vào xem xét. Ngay cả ông Ba Quốc, sau giải phóng còn khen Thương: "Tớ ở trong nội thành mà cũng được chia thành tích với A36".

Cụm trưởng A36 là ông Ba Hội cùng các anh em sát cánh cùng Thương ở Nam Bến Cát đều nhất trí cao. Nhưng khi đưa ra chi bộ để bình xét, anh lại bị một đồng  chí khác phê: "Đồng chí Thương đã không bảo toàn được lực lượng đơn vị, để 2 đồng chí là Thơm, Mới phải hy sinh. Vậy là chưa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên chưa thể phong anh hùng". Thương "cãi" rất hăng: "Tôi có trách nhiệm, nhưng trong chiến đấu, hy sinh  mất  mát là không tránh khỏi". Chi bộ A36 có 6 người, trừ Thương ra còn 5 thì có 4 phiếu ủng hộ Thương, 1 phiếu chống. Vài ngày sau, cấp trên nhận điện từ Chi bộ A36: "Đề nghị bồi dưỡng lại, để lần sau cho xứng đáng. Có công lao nhưng tính thanh niên nóng nảy, còn phải xem xét lại".

Suýt chết dưới hai làn đạn và đám cưới bí mật

Sau Mậu Thân, Thương nhận lệnh điều tra tình hình địch ở dọc quốc lộ 13. Do thông thuộc địa hình và có cơ sở trong ấp chiến lược Mỹ Phước, Thương bình tĩnh vận áo chim cò, quần ống loe cưỡi Honda phóng qua những đoàn xe tăng, xe bọc thép đậu dài trên quốc lộ. Sau  này, Nguyễn Văn Thương thừa nhận, ông  có phần  tự tin hơi quá, bởi luôn mang theo trong người tấm giấy thông hành đặc biệt (do cách mạng làm giả), dù  vẫn cố để không phải mang ra sử dụng. Ông biết rõ giá trị của tấm thẻ.  Đây là loại giấy đặc biệt được thay đổi 6 tháng một lần; rồi mỗi lần thay là một màu giấy khác nhau; trên giấy có mẫu vân tay, dán ảnh đóng mộc nổi và chữ ký có quy định màu mực riêng.

Khi đã ghi vào bộ nhớ tất cả các số liệu nắm được, Thương bị một toán lính chặn lại khám xét. Một tên trung úy bước đến. Ý nghĩ chợt lóe lên, Thương nghiêm giọng: "Tôi muốn gặp cấp trên của trung úy!". Liếc thấy thái độ ngần ngừ của hắn, Thương phủ đầu: "Trung úy cứ đi cùng tôi, sẽ biết tôi là ai. Tôi chỉ được phép tiết lộ bao nhiêu đó thôi, cũng mất hết 10 phút quý báu của tôi rồi". Tên trung úy hơi bối rối nhưng vẫn quay ra sau ra lệnh: "Thằng Tám, thằng Năm đi theo tao, súng lên đạn sẵn nghe chưa". Rất lo, nhưng Thương vẫn  giữ được thái độ bình tĩnh trong thế ung dung tự tại.

Cửa phòng chỉ huy bật mở, đứng trước tên trung tá đeo kính cận Thương cố ý tạo ánh mắt e ngại nhìn sang tên trung úy. Tên trung tá cũng nhận ra điều này nhưng hắn vẫn e ngại phải nói chuyện một mình nên khoát tay: "Có việc gì, anh cứ nói, trung úy đây là người rất biết giữ kín miệng". Thương vẫn im lặng trình tấm thẻ "Đại úy Ngọc, đặc phái viên của CIA". Đây là lần đầu tiên Thương phải mang ra sử dụng.

Để thời gian đủ ngấm, Thương mới nói gọn: "Nghề nghiệp không cho phép tôi ba hoa, đây là tình thế bắt buộc". Tên trung tá lập tức xua cấp dưới ra ngoài, hắn đổi thái độ: "Trời, xin lỗi đại úy Ngọc, đại úy uống nước gì, giờ đại úy cần gì?". Thương diễn đoạn chót cho tròn vai: "Thôi, đừng gọi tôi là đại úy, tụi Việt Cộng chặt đầu tôi mất. Đang theo dõi một con Việt Cộng cái, bị lính của trung tá giữ lại, hụt mất mồi…".

Viên trung tá rối rít xin lỗi và gọi  lính bày tiệc thết đãi "đại úy Ngọc". Rượu vào lời ra, Thương và tên trung tá tên Huy ấy cùng thao thao bất tuyệt về những chiến tích giết Việt Cộng, về những mối quan hệ rộng lớn của cả hai bên. Trung tá Huy hứng chí mang máy hình ra xin chụp kỷ niệm vài pô. Không nề hà chi với "huynh đệ", "đại úy Ngọc" lựa thế để cả hai đứng tựa lưng vào…. tấm bản đồ quân sự treo tường với các dấu đỏ đánh chi chít dọc quốc lộ 13, "lè nhè kêu đám lính kiểng bấm hàng chục kiểu.

Trong khi Huy đi vệ sinh, "đại úy Ngọc" giả vờ săm soi chiếc máy ảnh, nhanh tay bật nắp lộ sáng làm hỏng phim rồi sập nắp máy lại như cũ. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng mấy giây. Sau này, địch có nghi ngờ kiểm tra lại, tên sĩ quan trực tiếp bấm máy chụp hình sẽ bị "xạc" vì tội làm hỏng phim, trong khi Nguyễn Văn Thương thì có thể yên tâm vì không bị địch lưu lại hình ảnh.

Dương Minh Anh

http://antg.cand.com.vn

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học