Ban Giám Hiệu
  
Ban Giám Hiệu Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh

Truy Cập

Weblinks

Ban Giám hiệu Hiệu trưởng Các bài phát biểu Diễn văn của Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP. HCM tại Lễ vinh danh hai nhà giáo của Trường được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010
Diễn văn của Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP. HCM tại Lễ vinh danh hai nhà giáo của Trường được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 PDF. In Email

Kính thưa quý vị đại biểu và các vị khách quý!
Kính thưa các thầy cô giáo!
Kính thưa thân nhân của cố GS NGND Lê Trí Viễn!
Kính thưa GS TS Mai Quốc Liên!
Các anh, chị sinh viên thân mến!

Diễn văn của Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP. HCM tại Lễ vinh danh  hai nhà giáo của Trường được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010

Ngày 18/02/2012 vừa qua, tại Hà Nội, Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước về Khoa học và Công nghệ và Bộ Khoa học & Công nghệ đã long trọng tổ chức Lễ trao Giải thưởng cho 12 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và 20 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Nhà nước năm 2010. Trong đó, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM có hai nhà giáo đồng thời cũng là hai nhà khoa học được nhận giải thưởng. Đó là Cố GS NGND Lê Trí Viễn - Giải thưởng Hồ Chí Minh  với cụm công trình “Nghiên cứu, phê bình văn học trung đại Việt Nam và ngữ văn Hán Nôm”; GS TS Mai Quốc Liên - Giải thưởng Nhà nước với công trình “Ngô Thì Nhậm, nhân vật lịch sử và nhà văn hóa kiệt xuất.”

Đó thật sự là một niềm vinh dự lớn không chỉ của riêng hai giáo sư mà còn là vinh dự chung của Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh bởi lẽ Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước là những giải thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam trao tặng cho những công trình nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, những công trình giáo dục và văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật nước nhà. Cách đây 5 năm, Trường ta cũng vinh dự có một nhà giáo được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đó là Giáo sư, TSKH Lê Ngọc Trà.

Với niềm vinh dự, tự hào đó, hôm nay, Trường ĐHSP TP.HCM long trọng tổ chức Lễ vinh danh và chúc mừng hai nhà giáo của Trường được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010. Tôi xin phép được giới thiệu tóm tắt thành tích nghiên cứu khoa học và ý nghĩa to lớn của các công trình, cụm công trình khoa học của hai giáo sư được nhận giải thưởng đợt này.

1. Về cố GS.NGND Lê Trí Viễn với Giải thưởng Hồ Chí Minh

Bắt đầu dạy học từ năm 1939, cố GS.NGND Lê Trí Viễn đã có hơn 70 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, trong đó có 20 năm (1958-1978) giảng dạy, nghiên cứu và quản lý khoa Ngữ văn ở Trường ĐHSP Hà Nội, 15 năm (1978-1992) giảng dạy, nghiên cứu ở khoa Ngữ văn của Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh. Nghỉ hưu ở tuổi trên 70, thầy vẫn nghiên cứu, viết sách, tham gia giảng dạy sau đại học, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thầy đã góp phần đào tạo hàng ngàn Cử nhân, hàng trăm Thạc sĩ và Tiến sĩ. Năm 1992, thầy đã sáng lập Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến và đưa Trường trở thành một trong các trường nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy được Nhà nước phong chức danh Giáo sư năm 1980 và danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1990. 95 năm tuổi đời, hơn 70 năm tuổi nghề, hơn 60 năm tuổi Đảng, thầy đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà và thầy đã làm trọn sứ mệnh trồng người cao cả.

Là một nhà giáo dục lớn của Việt Nam, GS, NGND Lê Trí Viễn đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu văn học uyên bác. Thầy đã đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu văn học hơn 40 công trình khoa học giá trị, trong đó có những công trình có ý nghĩa mở đường và ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ nghiên cứu trẻ, hình thành một trường phái nghiên cứu trong giới học thuật.

Trong nhiều công trình nghiên cứu của Thầy, cụm công trình “Nghiên cứu, phê bình văn học trung đại Việt Nam và ngữ văn Hán Nôm đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010 là một công trình đồ sộ, đặc biệt xuất sắc được hình thành từ tài năng, công sức và tâm huyết một đời của thầy. Cụm công trình này có giá trị khoa học rất cao, thể hiện ở những phương diện sau:

- Cụm công trình đã bao quát toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam, từ văn học dân gian đến văn học viết thời trung đại và hiện đại và cho thấy quy luật vận động, phát triển của nó.

- Cụm công trình đã đi sâu phân tích, bình giảng những tác phẩm văn học tiêu biểu, nhận xét và đánh giá một cách thuyết phục những hiện tượng văn học nổi bật từ trào lưu, thể loại đến tác giả, tác phẩm văn học.

- Cụm công trình đã góp phần đặt cơ sở cho ngành Ngữ văn Hán Nôm, đồng thời cho thấy năng lực sáng tác dồi dào và dịch thuật văn học tài hoa của tác giả.

- Cụm công trình “Nghiên cứu, phê bình văn học trung đại Việt Nam và ngữ văn Hán Nôm của GS.NGND Lê Trí Viễn đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo của ngành nghiên cứu văn học nước nhà, đặc biệt là ở nửa cuối thế kỷ XX. Đó là những cống hiến lớn lao, khẳng định tầm vóc và vị trí của ngành nghiên cứu văn học đối với các ngành khoa học nói chung.

GS.NGND Lê Trí Viễn đã được giới chuyên môn nhìn nhận là giáo sư đầu ngành về văn học Việt Nam.

Trong buổi Lễ vinh danh hôm nay không có sự hiện diện của thầy. Thầy đã về với Tổ Tiên, thế giới người hiền cách nay gần 1 tháng để lại niềm thương tiếc không nguôi cho gia đình, người thân, đồng nghiệp cùng bao thế hệ học trò trên khắp mọi miền đất nước. Tâm trạng của người thân, đồng nghiệp xa gần cùng bao thế hệ học trò hôm nay không khỏi có chút nuối tiếc, ngậm ngùi. Giá như Thầy được biết, được nhận phần thưởng cao quý này của Đảng và Nhà nước trước lúc đi xa! Nhưng thôi, biết làm sao được Thầy ơi! Thầy đi, nhưng sự nghiệp Thầy để lại vẫn còn mãi với thời gian, hình ảnh Thầy sẽ mãi còn đọng lại trong tâm trí những thế hệ đi sau. Xin kính dâng hương hồn Thầy tấm lòng thành kính, tri ân sâu sắc của tập thể nhà trường.

2. Về GS.TS. Mai Quốc Liên với Giải thưởng Nhà nước

GS.TS. Mai Quốc Liên công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH SP TP.HCM từ năm 1976. Sau khi được nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước, GS là một trong những người sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Quốc học; là Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt (Hội Nhà văn Việt Nam); là Uỷ viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Văn học; là Uỷ viên Hội đồng lý luận phê bình Văn học – Nghệ thuật Trung ương.

Trong nhiều công trình nghiên cứu về văn học cổ Việt Nam, công trình đạt Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 “Ngô Thì Nhậm, nhân vật lịch sử và nhà văn hóa kiệt xuất” của giáo sư là công trình tiêu biểu. Công trình có ý nghĩa về nhiều mặt:

- Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu công phu, toàn diện về Ngô Thì Nhậm - tác gia lớn nhất của văn học thời Tây Sơn, từ con người, cuộc đời đến những cống hiến to lớn của ông trên nhiều bình diện: quân sự, chính trị, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa, văn học. Công trình vừa có ý nghĩa khoa học, vừa mang tính thời sự, bởi: “xác định giá trị và vị trí Ngô Thì Nhậm cũng đồng thời là xác định giá trị và vị trí của văn học yêu nước thời Tây Sơn, một thời đại mà chỉ có với sự trân trọng nghiên cứu mới dần dần trả lại được giá trị đích thực của nó. Xác định giá trị và vị trí của Ngô Thì Nhậm, cũng đồng thời góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn học đa dạng của thế kỷ XVIII”.

- Với xuất phát điểm là khảo sát văn bản gốc, GS đã công phu dịch các tác phẩm bằng chữ Hán của Ngô Thì Nhậm gồm 4 tập, gần 2.000 trang - một công việc đòi hỏi nhà nghiên cứu không chỉ am tường về Hán học mà còn phải có vốn kiến văn rộng về văn học cổ. Từ những khảo cứu tỉ mỉ, cẩn trọng, từ hướng tiếp cận trên bình diện văn hóa tổng hợp, công trình đã đưa ra những lý giải khoa học về Ngô Thì Nhậm - một nhân vật lịch sử, chỉ ra những giá trị đặc sắc trong văn chương Ngô Thì Nhậm - một nhà văn hóa kiệt xuất, tôn vinh ông lên vị trí cây bút hàng đầu của văn học Tây Sơn, đặc biệt là trong lĩnh vực văn từ mệnh – chính luận, người duy nhất đã kế thừa được những thành tựu rực rỡ của văn từ mệnh – chính luận từ thời Nguyễn Trãi và phát huy nó lên một đỉnh cao mới ở thế kỷ XVIII. Bên cạnh đó, công trình còn nêu bật được cái thần thái, cái linh hồn của bút pháp Ngô Thì Nhậm, từ đó, chỉ ra được phong cách riêng của ông, đặc biệt là với thơ trữ tình giàu chất khái luận triết học.

- Công trình đã có những đóng góp có giá trị vào lĩnh vực nghiên cứu văn học sử , bổ khuyết một mảng quan trọng trước nay còn chưa được quan tâm đúng mức, đó là văn học thời Tây Sơn với đỉnh cao Ngô Thì Nhậm, một cây bút chính luận với những áng văn bang giao kiệt tác. Công trình là tài liệu quan trọng phục vụ giảng dạy đại học, sau đại học, là tài liệu hữu ích cho những ai quan tâm nghiên cứu về văn học Trung đại Việt Nam.

Cố GS.NGND Lê Trí Viễn được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và GS.TS Mai Quốc Liên được nhận Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 là sự đánh giá, ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến to lớn của hai Giáo sư trong lĩnh vực nghiên cứu văn học Việt Nam. Xin thay mặt tập thể nhà trường bày tỏ lòng kính trọng, tôn vinh và biết ơn sâu sắc cố GS, NGND Lê Trí Viễn và vinh danh, chúc mừng GS, TS Mai Quốc Liên trong buổi Lễ hôm nay. Nhà trường cũng mong mỏi các cán bộ, sinh viên noi theo tấm gương của hai GS, không ngừng phấn đấu vươn lên về chuyên môn, học thuật để có nhiều công trình, cụm công trình khoa học có giá trị đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xin cảm ơn!

 

BẠCH VĂN HỢP

 


PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng

PGS. TS. Nguyễn Kim HồngHiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh - Phụ trách chung, công tác chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ, hành chính, tổng hợp, thi đua khen...

PGS. TS. Hoàng Văn Cẩn

PGS. TS. Hoàng Văn CẩnPhó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh - Phụ trách công tác đào tạo đại học và công tác giáo trình. - Theo dõi và ký các báo cáo của...

TS. Nguyễn Thị Minh Hồng

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh - Phụ trách công tác hợp tác Quốc tế, Khoa học công nghệ - Môi trường, Tạp chí Khoa học, dự án...

ThS. Đặng Chính Nghĩa

ThS. Đặng Chính NghĩaPhó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh - Phụ trách công tác quản trị, thiết bị, xây dựng cơ bản, học sinh, sinh viên, truyền thông, an...

 Sự kiện quan trọng 

Không có sự kiện nào