French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Phòng Thanh tra đào tạo
  
Cần làm rõ danh tính, "xử nghiêm" người sử dụng bằng giả PDF. In Email
Thứ hai, 22 Tháng 10 2012 08:52

Ngày 10/10, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án về đường dây mua bán các loại văn bằng giả sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 3 đối tượng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Điều đáng nói là vụ án mới chỉ dừng lại ở người sản xuất, bán văn bằng giả, còn người mua, sử dụng văn bằng giả vẫn chưa lộ diện.


Trong "nháy mắt" có ngay bằng cấp

Để sở hữu một tấm bằng, với nhiều người là cả một quãng đường "dùi mài kinh sử", ở đó  là cả trí tuệ và tâm huyết, mồ hôi và nước mắt. Còn với một số người thì trong "nháy mắt' lại là có ngay tấm bằng, chứng chỉ. mà không mất bất kì công sức nào ngoài tiền mua chúng...


Vào cuối tháng 6/2012, Công an quận Đống Đa vừa triệt phá đường dây mua bán các loại văn bằng giả, chứng chỉ từ bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp đại học đến các loại văn bằng "cao cấp" hơn như thạc sĩ, tiến sĩ.


Cơ quan Công an cũng đã khởi tố các đối tượng gồm: Vũ Đình Quyền, 27 tuổi, quê ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa); Đào Anh Tuấn, 28 tuổi, quê ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) và Nguyễn Đăng Đức, 25 tuổi, HKTT ở xã Xuân Canh (Đông Anh). Tại cơ quan điều tra, đối tượng Quyền khai nhận, ngoài chiếc bằng giả Quyền làm cho một người tên Bắc, Quyền còn làm khoảng 20 bằng tốt nghiệp các loại bán cho những người có nhu cầu, từ cử nhân đến cả thạc sĩ, tiến sĩ và giá tiền cũng cao hơn theo cấp độ học vị.

Các đối tượng và những tấm bằng, chứng chỉ giả.

Ngày 27/9/2012, Toà án nhân dân TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế  mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Đinh Hồng Đức (quê Hà Tĩnh) 2 năm tù, Lại Văn Quyết (quê Thanh Hóa; cùng tạm trú phường Tây Lộc, TP Huế) 3 năm tù và Bùi Nguyên Ánh (quê Nghệ An; tạm trú TP HCM) 2 năm 6 tháng tù, cùng được hưởng án treo về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Các đối tượng này nằm trong đường dây làm bằng giả liên tỉnh, bị Công an TP Huế bắt giữ vào tháng 5/2012 sau hơn 2 tháng điều tra phá án.

Theo cáo trạng, qua quen biết trên mạng, từ tháng 11/2011 đến ngày bị bắt, 4 đối tượng đã làm giả gần 1.000 tấm bằng đại học, bằng tốt nghiệp cấp 3, chứng chỉ Tin học, Anh văn. Nhiều người ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai… đã mua bằng giả với giá 4 - 8 triệu đồng/bằng, trong đó có một số cán bộ làm ở cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp.


Phải làm rõ và xử lý người mua bằng cấp giả


Nhiều đường dây làm bằng cấp giả bị cơ quan Công an triệt phá, đa phần người mua bằng vẫn chưa xác định được, nguyên nhân là do việc mua bán bằng chủ yếu thực hiện qua mạng. Các thông tin ghi lại trên bằng cấp khá sơ sài, nhất là với loại bằng tiến sĩ, thạc sĩ thậm chí không có ảnh, nên việc truy tìm ngược lại đối tượng mua bằng là rất khó khăn. Trong các tang vật mà Công an quận Đống Đa thu giữ có một chiếc bằng tiến sĩ được nhóm đối tượng làm theo đơn đặt hàng với giá 15 triệu đồng của người có tên Lê Thanh Minh  (35 tuổi), hiện đang cư trú tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh.


Theo khai nhận của Vũ Đình Quyền thì anh ta quen Lê Thanh Minh trên mạng. Minh tâm sự trước đây đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, sau đó do đi nước ngoài một thời gian, khi về nước đã quá thời hạn bảo lưu kết quả học tại trường nên anh ta không còn điều kiện học tiếp văn bằng thạc sĩ nên đã tìm đến Quyền. Tấm bằng này có số hiệu bằng và số hiệu vào sổ, tuy nhiên xác minh tại Đại học Kinh tế Quốc dân thì trong hồ sơ lưu không hề có tên Lê Thanh Minh đã từng theo học tiến sĩ tại trường.


Công an quận Đống Đa đã làm rõ một số người “nhờ” đường dây của Quyền làm bằng cấp giả trong đó có Khổng Văn Thắng (26 tuổi) ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Sau khi đọc được thông tin về "dịch vụ bằng cấp" mà Vũ Đình Quyền đăng trên mạng, Thắng liên hệ đặt làm tấm bằng tốt nghiệp đại học danh hiệu kỹ sư ngành điện - tự động hóa hệ chính quy với giá 8 triệu đồng. Trường hợp Hà Thế Quân (27 tuổi, ở Tam Nông, Phú Thọ), nguyên là sinh viên Trường Đại học Xây dựng nhưng do nợ môn nên gần 10 năm nay Quân vẫn là sinh viên.


Tháng 5/2012, Quân đặt hàng làm bằng "kỹ sư xây dựng cầu đường bộ", thời gian tốt nghiệp năm 2010 để "hợp lý" với thời gian trúng tuyển đại học. Còn "thạc sĩ rởm" Nguyễn Thế Tình (28 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định) thì đặt làm bằng thạc sĩ giả mạo Đại học Bách khoa với giá 8 triệu đồng. Nhưng do những người này đều chưa sử dụng bằng cấp giả, không có dấu hiệu phạm tội hình sự theo điều luận Điều 267 BLHS nên không xử lý.


Hiện nay có một số người thích "đi tắt đón đầu", muốn khoe mẽ, háo danh… đã lên mạng hoặc thông qua điện thoại đã có thể tìm cho mình một tấm bằng "danh giá". Nhưng liệu những tấm bằng cấp ấy có "trường thọ" và giúp họ trên con đường thăng tiến sự nghiệp?

Theo Đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, những người sử dụng bằng giả dùng vào mục đích cá nhân để lừa dối cơ quan tổ chức khi xin việc làm hay sử dụng vào mục đích khác sẽ bị xử lý nghiêm. Đặc biệt những ai đã và đang có ý định làm mua bằng  không phải từ lực học thật của mình, không nên tin vào những lời quảng cáo có "phôi bằng thật" "bảng điểm thật… của đối tượng xấu. Vì trước sau sẽ bị xử lý nghiêm. Qua vụ cơ quan Công an quận Đống Đa vừa triệt phá, khuyến cáo các ngành Giáo dục đào tạo cần phổ biến cho các trường đại học quản lí thật tốt chế độ thông tin cấp phát bằng cho từng người; nên bổ sung thêm thông tin như số chứng minh nhân dân, địa chỉ, họ tên bố, mẹ trên bằng cấp; ngoài những thông tin sơ sài như tên, năm sinh, ảnh (có bằng không có ảnh) rất dễ là nơi để các đối tượng lợi dụng làm giả; đối với cơ quan công chứng cần kiểm tra, đối chiếu kỹ bằng chính trước khi sao công chứng.


Đặc biệt khuyến cáo các cơ quan tuyển dụng người vào làm, không nên tin ngay vào bằng cấp, phải xác minh lại nơi đào tạo để không bị nhầm lẫn - Đại tá Bùi Văn Đại cho biết thêm.


Sau khi triệt phá các đường dây làm bằng giả, Công an phát hiện không ít cán bộ dùng bằng giả để tăng lương, lên chức... Theo Bộ luật Hình sự, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không chỉ đối với người sản xuất, làm giả tài liệu đó mà cả người sử dụng tài liệu giả để lừa dối cơ quan, tổ chức đều là phạm pháp.


Tuy nhiên, thực tế, cơ quan tố tụng mới chỉ xử lý người sản xuất, bán văn bằng, chứng chỉ giả, trong khi hành vi của người mua thường không xác định được hoặc nếu xác định được thì chỉ xử lý hành chính… Do đó, phải có chế tài xử lý nghiêm cả với những người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mới làm giảm tình trạng mua bán bằng cấp như trên.

Hiền Thanh (CAND)
 


 Kênh video TTĐT 

 SÁCH NGHIỆP VỤ 

 TIẾP CÔNG DÂN 

 Đăng nhập 



 Liên kết 


 Hoạt động Công đoàn 

 GIAO LƯU, TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ 

 BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ THANH TRA