Vietnamese-VN简体中文

Tuổi trẻ Khoa Trung
Năng động - Sáng tạo - Nhiệt huyết
 

 

Trang Chủ CLB - Đội - Nhóm CLB giải trí NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG ĐIỀU LỆ ĐOÀN KHÓA X NHIỆM KỲ 2012 - 2017
NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG ĐIỀU LỆ ĐOÀN KHÓA X NHIỆM KỲ 2012 - 2017 PDF. In Email
Chủ nhật, 02 Tháng 6 2013 05:03

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG ĐIỀU LỆ ĐOÀN KHÓA X
NHIỆM KỲ 2012 - 2017

Ngày 12/12/2012, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thông qua Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa X. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn đã phản ánh được xu thế phát triển của thanh niên, của tổ chức Đoàn, đảm bảo tính kế thừa những nội dung của Điều lệ Đoàn khóa IX và những bài học kinh nghiệm về xây dựng Đoàn đã được tổng kết trong nhiệm kỳ 2007 - 2012. Điều lệ Đoàn khóa X có những điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản sau:

1. Về bố cục

Điều lệ Đoàn khóa X gồm 12 chương, 42 điều (tăng thêm 01 chương và 04 điều so với Điều lệ Đoàn khóa IX) để thuận tiện cho quá trình nghiên cứu, tổ chức thực hiện Điều lệ, đồng thời quy định rõ hơn về cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn; nhiệm vụ, mối quan hệ công tác giữa các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cơ sở. Điều lệ Đoàn khóa X gồm các chương sau:

- Chương I: Đoàn viên.
- Chương II: Nguyên tắc, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đoàn.
- Chương III: Cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
- Chương IV: Tổ chức cơ sở Đoàn.
- Chương V: Đoàn Khối, Đoàn Ngành, Đoàn ở ngoài nước.
- Chương VI: Tổ chức Đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam.
- Chương VII: Công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn và Ủy ban Kiểm tra các cấp.
- Chương VIII: Khen thưởng và kỷ luật của Đoàn.
- Chương IX: Đoàn với các tổ chức Hội của thanh niên.
- Chương X: Đoàn phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
- Chương XI: Tài chính của Đoàn.
- Chương XII: Chấp hành Điều lệ Đoàn.

 

2. Về phần “Những vấn đề cơ bản về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”

 

Sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất và khổ thứ hai phần “Những vấn đề cơ bản về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” để thể hiện rõ tính chính trị của Đoàn; khẳng định Đoàn luôn là đội dự bị tin cậy của Đảng, là lực lượng xung kích, đi đầu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với mục tiêu của Đảng đã nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; quan điểm mục tiêu xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và lớp thanh niên Việt Nam thời kỳ mới của Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

3. Về đoàn viên

Quy định “tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú” vào khoản 3, điều 2 (mới), xem đây là nhiệm vụ của đoàn viên: “3. Liên hệ mật thiết với thanh niên…tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú”.

Trước xu thế đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động hiện nay, nhiều địa bàn dân cư, đặc biệt là địa bàn đô thị và nông thôn, số lượng đoàn viên (gốc) trên địa bàn ít, thậm chí có nơi không có đoàn viên (gốc). Đa số đoàn viên ở các đô thị sinh hoạt ở trong trường học, trong cơ quan, trong doanh nghiệp, chỉ có một bộ phận nhỏ thanh niên làm việc, sinh hoạt ngay trên địa bàn dân cư.

Do vậy, việc tổ chức cho đoàn viên tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú và phát huy trách nhiệm của đoàn viên tại nơi cư trú có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn ở địa bàn dân cư; nâng cao chất lượng đoàn viên (đặc biệt là đoàn viên khối trường học, không tham gia sinh hoạt Đoàn tại trường trong kỳ nghỉ hè).

4. Về quy định thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn được thực hiện thí điểm chủ trương mới

Quy định: “Ban Chấp hành Trung ương Đoàn được thực hiện thí điểm một số chủ trương mới xuất phát từ thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi”, kết cấu thành khoản 2, điều 12 (mới).

Nhiệm kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc là 5 năm, trong thời gian đó thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi có những biến động, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Đó là tất yếu khách quan để phù hợp với thực tiễn phát triển ngày càng phong phú của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Ví dụ: trong nhiệm kỳ qua có sự sáp nhập hai Đoàn cấp tỉnh thành một Đoàn cấp tỉnh (Thành đoàn Hà Nội và Tỉnh đoàn Hà Tây); hoặc Đoàn cấp tỉnh chuyển về Đoàn cấp tỉnh và trở thành Đoàn cấp huyện (Đoàn Ngành đường sắt Việt Nam chuyển về trực thuộc Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương); Đoàn cấp tỉnh chuyển về trực thuộc Đoàn cấp huyện (Đoàn Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam chuyển về trực thuộc Đoàn Bộ Giao thông Vận tải)… Có những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn nhưng không thể điều chỉnh ngay trong nhiệm kỳ vì chỉ có Đại hội, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đoàn mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn.

Do vậy, quy định như trên để Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thẩm quyền được thực hiện thí điểm chỉ đạo một số nội dung mới nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong điều kiện hiện nay.

 

5. Về việc cho rút tên khỏi Ban Chấp hành

Quy định tại khoản 3, điều 9 (mới): “Ủy viên Ban Chấp hành chuyển khỏi công tác Đoàn thì thôi tham gia Ban Chấp hành và cho rút tên trong kỳ họp Ban Chấp hành gần nhất. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành xem xét quyết định”.

Trong thực tiễn, cơ cấu Ban Chấp hành các cấp phong phú, đa dạng; các Ủy viên Ban Chấp hành dù ở các vị trí khác nhau, vẫn có khả năng đóng góp tích cực cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Quy định về việc cho rút tên Ủy viên Ban Chấp hành như trên để tăng thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Chấp hành trong xem xét, quyết định các trường hợp cụ thể.

6. Về vấn đề bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành các cấp

Quy định tại khoản 4, điều 9 (mới) như sau: Ban Chấp hành Đoàn cấp tỉnh trở xuống khi khuyết thì được bổ sung không quá số lượng Ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định; Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khi khuyết thì Hội nghị Ban Chấp hành bầu bổ sung nhưng không quá 2/3 số lượng Ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội đại biểu toàn quốc quyết định.

Theo yêu cầu trẻ hóa đội ngũ cán bộ theo Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và thực tế cán bộ Đoàn thường luân chuyển nhanh dẫn tới việc số lượng Ủy viên Ban Chấp hành cần kiện toàn, bổ sung nhiều; nếu quy định giới hạn số lượng Ủy viên Ban Chấp hành được bổ sung trong nhiệm kỳ theo Điều lệ Đoàn khóa IX (không quá 1/2 đối với cấp Trung ương và không quá 2/3 đối với cấp tỉnh trở xuống) sẽ dẫn đến khó khăn trong kiện toàn Ban Chấp hành ở các cấp, đặc biệt là giai đoạn cuối nhiệm kỳ.

7. Về vấn đề phân cấp trong hệ thống tổ chức Đoàn

Quy định tại khoản 3, điều 6 (mới) như sau: “Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định cụ thể về phân cấp trong hệ thống tổ chức của Đoàn”.

Điều lệ Đoàn quy định hệ thống tổ chức của Đoàn gồm 4 cấp (cấp trung ương; cấp tỉnh và tương đương; cấp huyện và tương đương; cấp cơ sở).

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của tổ chức Đoàn và số lượng đoàn viên thì mô hình tổ chức Đoàn ngày càng phong phú, đa dạng. Có những Đoàn cấp huyện hoặc cấp cơ sở có nhiều đầu mối, số lượng đoàn viên đông khi thực hiện phân cấp như quy định hiện hành thì hoạt động không hiệu quả, đòi hỏi cần có mô hình hoạt động phù hợp; trong khi đó, hướng dẫn về phân cấp chưa rõ ràng và chưa hợp lý.

Thực tiễn hiện nay do sự phát triển kinh tế, xã hội, các mô hình kinh tế, hành chính ngày càng phong phú, đa dạng, đa cấp. Do vậy, vấn đề phân cấp có nhiều bất cập trong thực tiễn. Ví dụ: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có Đoàn Thanh niên của Tập đoàn là Đoàn cấp huyện trực thuộc Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương. Trong Đoàn Tập đoàn Dầu khí có Đoàn của các Tổng Công ty thành viên là Đoàn cấp cơ sở. Trong Đoàn các Tổng Công ty có Đoàn của các Công ty; và có Công ty thành lập trường. Vì vậy, rất khó sắp xếp vị trí (cấp) của các cấp nhỏ hơn.

Quy định như trên để Ban Thường vụ Trung ương Đoàn có cơ sở Hướng dẫn việc phân cấp trong hệ thống tổ chức Đoàn một cách hợp lý.

8. Về vấn đề phân đoàn

Bổ sung quy định về phân đoàn tại khoản 4, điều 17 (mới): “Chi đoàn có thể thành lập các phân đoàn”.

Thực tế hiện nay, có nhiều chi đoàn trong các doanh nghiệp, cơ quan có số lượng đoàn viên lớn, địa bàn hoạt động, công tác không tập trung... dẫn đến khó khăn trong việc sinh hoạt và tổ chức hoạt động tập trung của các chi đoàn. Do vậy, quy định việc thành lập phân đoàn để tiện cho công tác sinh hoạt và quản lý đoàn viên.

9. Nêu rõ đối tượng khi bầu cử phải bỏ phiếu kín

Quy định cụ thể hơn các đối tượng khi bầu cử phải thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín tại khoản 1, điều 8 (mới) “bầu Ban Chấp hành và các chức danh trong Ban Chấp hành; Ủy ban Kiểm tra và các chức danh trong Ủy Ban Kiểm tra; đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên”.

10. Về Đại hội trực tiếp bầu Bí thư
Bổ sung quy định: “Đại hội chi đoàn và Đại hội Đoàn các cấp được trực tiếp bầu Bí thư khi được sự thống nhất của Đoàn cấp trên trực tiếp và cấp ủy Đảng cùng cấp” vào khoản 4, điều 8 (mới).

Kết quả chỉ đạo Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2012 – 2017 vừa qua cho thấy, Đại hội Đoàn trực tiếp bầu Bí thư góp phần tăng cường quyền dân chủ trực tiếp của cán bộ, đoàn viên trong việc bầu Bí thư Đoàn các cấp; phát huy trách nhiệm, trí tuệ của cán bộ, đoàn viên trong việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự bầu chức danh Bí thư; khắc phục tình trạng dân chủ hình thức, cục bộ, được cấp ủy Đảng, cán bộ, đoàn viên thanh niên đánh giá cao.


11. Về thẩm quyền kéo dài, rút ngắn nhiệm kỳ Đại hội Đoàn các cấp
Bổ sung quy định:

- Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quyết định việc “điều chỉnh nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc khi được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng; kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ Đại hội đại biểu cấp tỉnh khi cần” vào khoản 2, điều 12 (mới).

- “Ban Thường vụ Đoàn cấp tỉnh được quyết định kéo dài, rút ngắn nhiệm kỳ Đại hội Đoàn cấp huyện và cấp cơ sở để phù hợp với nhiệm kỳ chung nhưng không quá nửa nhiệm kỳ của cấp đó” vào khoản 3, điều 16 (mới).

Trong thực tế, có các tổ chức Đoàn được thành lập mới (do chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc thành lập mới ở các đơn vị chưa có tổ chức Đoàn) dẫn đến thời gian tổ chức Đại hội của các đơn vị này không trùng với thời gian tổ chức Đại hội của Đoàn cấp trên trực tiếp, gây khó khăn cho công tác của Đoàn. Do đó, cần bổ sung quy định về kéo dài, rút ngắn nhiệm kỳ Đại hội Đoàn các cấp để tạo thuận lợi cho công tác của Đoàn, vừa tạo sự chủ động cho Đoàn cấp tỉnh trong chỉ đạo thống nhất thời gian tổ chức Đại hội của cấp huyện và cấp cơ sở. Mặt khác, hiện nay nhiệm kỳ Đại hội của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lệch so với nhiệm kỳ Đại hội Đảng 2 năm. Theo định hướng của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cần điều chỉnh nhiệm kỳ Đại hội Đoàn sát với nhiệm kỳ Đại hội Đảng, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng. Trên cơ sở quy định này, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn sẽ hướng dẫn cụ thể khoảng thời gian được kéo dài, rút ngắn để đảm bảo tính chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện.

12. Về tổ chức Đoàn trong Công an nhân dân Việt Nam

Bổ sung mới điều 26 (gồm 2 khoản) vào Chương Tổ chức Đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam để phù hợp với mô hình Ban Chấp hành cấp trên cơ sở trong Công an nhân dân.

13. Về vấn đề kỷ luật tổ chức Đoàn

- Quy định về các hình thức kỷ luật của Đoàn tại khoản 2 điều 32 Điều lệ Đoàn khóa X, như sau:

“- Đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

- Đối với cán bộ Đoàn: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ (nếu còn là đoàn viên).

- Đối với đoàn viên: Khiển trách, cảnh cáo, khai trừ.”
Đồng thời bỏ quy định về các hình thức kỷ luật đối với tổ chức Đoàn.

Về mặt lý luận và thực tiễn, tổ chức Đoàn tồn tại khách quan, độc lập với việc vi phạm kỷ luật của cán bộ, đoàn viên. Mặt khác, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của tổ chức Đảng; là đội dự bị tin cậy của Đảng; là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên; chức năng chính của Đoàn là giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên. Bản thân tổ chức Đoàn thì không vi phạm kỷ luật. Nếu đoàn viên vi phạm thì không thể kỷ luật tổ chức Đoàn, mà chỉ kỷ luật đoàn viên hoặc cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở cấp đó, vì buông lỏng quản lý, giáo dục, rèn luyện đoàn viên vi phạm kỷ luật. Về thực tiễn, không thể kỷ luật giải tán Xã đoàn A, Huyện đoàn B, Tỉnh đoàn C hoặc Đoàn Thanh niên Công ty (Trường học) D được; cho dù có giải tán thì cũng phải thành lập lại ngay chính tổ chức Đoàn đó để làm nhiệm vụ giáo dục đoàn viên, đoàn kết, tập hợp thanh niên, không thể chuyển đoàn viên (không vi phạm kỷ luật) của xã A, huyện B, tỉnh C… sang sinh hoạt ở đơn vị khác như quy định của Điều lệ hiện hành.

Vì vậy, hình thức kỷ luật chỉ nên áp dụng đối với cá nhân và cơ quan lãnh đạo của Đoàn (Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn các cấp, Ban Bí thư Trung ương Đoàn).

- Bổ sung Điều 35 (mới) như sau: “Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn thực hiện quy trình kỷ luật; công nhận tiến bộ, hết thời hạn áp dụng hình thức kỷ luật, xóa hình thức kỷ luật và giới thiệu ứng cử, đề cử, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo Đoàn các cấp đối với cán bộ, đoàn viên bị kỷ luật đã tiến bộ và hết thời hạn áp dụng hình thức kỷ luật”.

Bổ sung nội dung trên để giải quyết mối quan hệ giữa vi phạm và tiến bộ; kỷ luật và xem xét giới thiệu ứng cử, đề cử, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo Đoàn các cấp đối với cán bộ, đoàn viên bị kỷ luật...

(Nguồn tại Cổng thông tin điện tử của Đoàn Khối các cơ quan Trung ương:

http://doankhoicaccoquantw.vn)

 

Nhạc Hot Việt Tháng 02/2014 - Various Artists

Chúc Mừng Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3


 HỆ THỐNG VĂN BẢN ĐOÀN TRƯỜNG 

 Hệ thống văn bản Hội sinh viên 

 Trò chuyện cùng sv 

 Gương mặt tiêu biểu 

 Tin phòng đọc 

Mục lục sách phòng đọc 

Để dễ dàng hơn trong việc tìm sách, các bạn sinh viên có thể tham khảo mục lục sách phòng đọc tại...
 

  Du lịch Việt Nam  

 Danh ngôn cuộc sống 

  Nào ta cùng cười  

 Phần mềm luyện thi bằng lái xe Moto hạng A1 

 WebLinks 


 Tin tức - Sự kiện 

Khánh thành bảo tàng Côn Đảo tại Bà Rịa-Vũng Tàu


Ngày 6/9, tại huyện Côn Đảo, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức lễ khánh thành Bảo tàng Côn Đảo. Du khách tham quan khu di tích "chuồng cọp" ở Nhà tù Côn Đảo, nơi trước đây từng giam cầm những chiến sỹ cách mạng. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN) Công trình Bảo tàng Côn Đảo được khởi công xây dựng từ tháng 12/2009, với tổng kinh phí trên 62 tỷ đồng; trong đó 40 tỷ đồng...