Khoa Giáo dục Tiểu học (old)
http://khoagdth.hcmup.edu.vn
  
Trang Chủ Cán bộ cơ hữu Tổ Khoa học Cơ bản Hiện tượng bỏ âm đệm của trẻ
Hiện tượng bỏ âm đệm của trẻ PDF. In Email

 

VỀ HIỆN TƯỢNG BỎ ÂM VỊ - TỰ VỊ
CỦA HỌC SINH LỚP 1

TS. Vũ Thị Ân,
Khoa GDTH, ĐHSP TP HCM

Tóm tắt :

Lâu nay khi bàn về lỗi chính tả của HS, hiện tượng thường được đề cập là các loại lỗi do ảnh hưởng của phát âm của từng vùng phương ngữ. Và hệ quả kéo theo là khi xây dựng hệ thống bài tập chính tả, các tác giả thường dồn trọng tâm chú ý vào các loại lỗi chính tả do ảnh hưởng của phát âm theo vùng phương ngữ, mà hầu như chưa chú ý tới loại lỗi bỏ sót tự vị. Bài viết này đưa ra một cách lí giải khác, có tính chất là một giả thiết khoa học. Đó là tính chất phức tạp của hệ thống kí tự, đặc điểm tâm lí tiếp nhận ngôn ngữ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng mắc lỗi chính tả ở trẻ. Giả thiết trên được dựa trên 2 tiền đề khoa học chính : những đặc điểm của hệ thống âm vị - tự vị tiếng Việt hiện đại và những nghiên cứu về khả năng chính tả của HS tiểu học.

 

Nội dung

Là một ngôn ngữ đơn lập điển hình, chữ viết tiếng Việt không bị sự chi phối của các nguyên tắc hình thái học. Mặt khác ưu điểm của chữ viết ghi âm âm vị học đã khiến hệ thống chữ viết tiếng Việt hiện đại có rất nhiều điểm tiện dụng. Tiếng Việt có 21 âm vị phụ âm đầu /b , m , f , v , tH , t , d , n , s , z , l , ÿ , § , ü , c , ø , k , Nj , X , Ä , h/, 1 âm vị âm đệm là bán âm /u9/, 14 nguyên âm (11 nguyên âm đơn, 3 nguyên âm đôi) / i , iF , e , Ep , µ , u , µF , Fg , F( , a , a( , uF , o /, 8 âm cuối / i9 , u9 , p , t , k , m , n , ÷ /, 6 thanh điệu. Để ghi 44 âm vị âm đoạn và 6 âm vị siêu âm đoạn, tiếng Việt dùng 29 chữ cái (a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y) cùng 5 dấu ghi thanh (huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng). 44 âm vị âm đoạn nhưng chỉ có 29 chữ cái, khiến chữ viết tiếng Việt có những điểm chưa thật tiện dụng do vi phạm tính đơn trị và đơn hiệu của nguyên lí một đối một đối với loại hình chữ viết ghi âm âm vị. Chẳng hạn, một âm vị được ghi bằng nhiều chữ cái hoặc tổ hợp chữ cái, như /k-/ được ghi bằng k, q, c ; /i/ được ghi bằng i, y ; /÷/ được ghi là ngh, ng, v.v.. Ngược lại một chữ cái được dùng ghi cho nhiều âm vị, Vd chữ a được dùng để ghi cho 3 nguyên âm /Ep , a , a( / thành quách (âm chính là /Ep/), lang thang (âm chính là /a/), sau này (âm chính là /a(/).

Mặt khác, các dấu phụ dùng trong phụ âm /d/, trong các nguyên âm /iF, e, µ, µF, Fg, F(, uF, o, a(/ cùng nhóm tự vị đặc biệt – nhóm 5 dấu ghi thanh – đã khiến cho hệ thống chữ viết tiếng Việt thêm rườm rà, phức tạp cho cấu trúc chữ.

Chính những bất hợp lí trên cùng hệ thống dấu phụ, dấu ghi thanh đã khiến quá trình nhận biết chữ, quá trình phân tích âm vị - tự vị (AV-TV), chuyển dịch từ âm vị sang tự vị và ngược lại của trẻ gặp những khó khăn nhất định.

Trong kho từ vựng của mỗi người chứa đựng 3 yếu tố cơ bản : ngữ âm, ngữ nghĩa và chữ viết của từ. Nói đến “kho từ vựng” cũng là nói đến “bộ nhớ biểu tượng chữ viết” của từ. Các biểu tượng khác nhau của một từ được kích hoạt khi nghe nói hay đọc viết và nhờ đó cho phép ta hiểu được lời nói hay một bài văn. Khi mỗi thành phần trong số ba loại biểu tượng này mà bị rối loạn thì sẽ gây khó khăn cho việc học nói, viết hay hiểu ngôn ngữ. Các thông tin khác nhau này được lưu trữ trong bộ nhớ, mỗi khi ta tiếp cận với một từ, một câu nói khi cần thiết, ta có thể truy cập nó một cách nhanh chóng. Trong nghiên cứu liên quan đến chữ viết hay viết chính tả chẳng hạn, các nhà tâm lí học thường quan tâm nghiên cứu sự phát triển bộ nhớ từ vựng này ở trẻ em. Vì đó là một trong những cơ chế giúp con người có thể viết đúng mà đỡ tốn năng lượng nhất. Để viết đúng một từ trẻ có thể truy cập về chữ viết có sẵn trong bộ nhớ dài hạn của mình hay trong “kho từ vựng”, đồng thời với việc kích hoạt các biểu tượng về ngữ âm và về ngữ nghĩa của từ và viết lại theo những gì đã có sẵn trong đầu về từ đó.

Nghiên cứu về khả năng chính tả của HS giai đoạn đầu lớp 1, các tác giả Mạc Thị Vân Nga, Lê Thị Bạch Mai & Nguyễn Thị Hoa (2007) đưa ra các số liệu : tỉ lệ HS viết sai phụ âm đầu là 55%, trong khi trẻ bỏ chữ cái ghi âm đệm là 82,3%, bỏ chữ cái ghi yếu tố thứ hai của nguyên âm đôi là 41%, bỏ chữ cái ghi yếu tố thứ nhất của nguyên âm đôi là 2%. Số trẻ bỏ một chữ cái trong tổ hợp chữ cái ghi một số âm đầu như nh, th, ngh, ng,... không đáng kể. Theo khảo sát của Lê Ngọc Huyền Thu (2004), hiện tượng HS lớp 1 viết sai phụ âm cuối thấp hơn so với âm đầu. Kết quả mà Lê Ngọc Huyền Thu (2004) thu được về trường hợp viết sai âm đầu và âm cuối không hề mâu thuẫn với kết quả của nhóm tác giả Mạc Thị Vân Nga. (Kết quả khảo sát của chúng tôi (2002) trên đối tượng sinh viên, học viên ngành giáo dục tiểu học trường ĐHSP TP HCM, lỗi chính tả thường tập trung ở các chữ ghi âm cuối và dấu ghi thanh, do ảnh hưởng của biến thể phương ngữ. Thực ra kết quả này không mâu thuẫn với kết quả của hai nhóm tác giả trên. Vì đối tượng chúng tôi khảo sát là sinh viên, học viên – những người đã nắm vững các quy tắc chính tả).

Có thể nói hiện tượng trẻ viết sai âm đầu hay âm cuối có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là ảnh hưởng phương ngữ... Vì trong hệ thống âm đầu cũng như âm cuối của tiếng Việt đều có những biến thể phương ngữ và trẻ được các tác giả khảo sát đều là HS cư trú tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc vùng phương ngữ Nam, vùng có nhiều biến thể ngữ âm. Mặt khác còn có nguyên nhân từ việc trẻ chưa nắm vững quy tắc chính tả (trong nội dung học chính tả, HS lớp 1 được học quy tắc viết các âm /k , Nj , Ä /, những âm có nhiều sự thể hiện trên chữ viết phản ánh các biến thể ngữ âm của nó).

Hiện tượng 43% trẻ bỏ một chữ cái trong tổ hợp hai chữ cái ghi các âm vị nguyên âm đôi khác với hiện tượng trẻ bỏ chữ ghi bán âm. Hiện tượng bỏ một chữ cái trong tổ hợp chữ cái ghi âm vị nguyên âm đôi thường do tính chất phức tạp của loại AV-TV này. (Có thể nói tính phức tạp của nhóm ÂV-TV nguyên âm đôi lớn hơn so với tính phức tạp của những âm vị được viết bằng 2 chữ cái, nh, tr, th, kh, ch, gh, ng, nh, ngh, gi, ph. Vì xét về mặt cấu âm, âm vị nguyên âm đôi gồm 2 yếu tố (khi phát âm lướt từ yếu tố này sang yếu tố kia), trong khi các âm vị / z , Ä , X , Nj , ø , f , ÿ , tH / chỉ gồm một yếu tố. Khi viết trẻ phải bỏ ra một năng lượng cho những yếu tố phức hợp nhiều hơn hẳn so với những yếu tố không phức hợp). Một số quan sát của chúng tôi cũng cho thấy hiện tượng trẻ bỏ tự vị khi viết chính tả thường rơi vào âm đệm, hầu như không gặp trường hợp sai do bỏ âm chính. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào cho kết quả : trong hệ thống biến thể âm vị do ảnh hưởng của phát âm phương ngữ lại có âm đệm. Thành thử có thể nghĩ đến nguyên do từ vị trí và chức năng trong cấu tạo âm tiết tiếng Việt. Với chức năng trầm hoá âm tiết, với vị trí mở đầu phần vần, âm đệm không mang âm sắc chủ yếu của âm tiết, có thể vắng mặt trong cấu tạo âm tiết. Khi phát âm, âm đệm bao giờ cũng được phát âm lướt nhẹ hơn so với nguyên âm (cho nên có người còn gọi nó là âm lướt, chẳng hạn so sánh quạ với cụ ạ, khuy với khui, ta sẽ thấy rõ điều này). Mặt khác, thời gian xuất hiện của âm đệm rất ngắn. Trong khi nguyên âm lại là thành tố hạt nhân trong âm tiết tiếng Việt, mang âm sắc chủ yếu của âm tiết, trong quá trình phát âm một âm tiết, nguyên âm giữ vị trí điệu vị (đỉnh âm tiết) và là thành tố không thể vắng mặt trong cấu tạo âm tiết.

Từ những kết quả khảo sát về hiện tượng trẻ bỏ âm đệm khi viết chính tả, khi xây dựng các bài tập chính tả, không những người soạn sách mà cả GV cũng cần chú ý đến loại bài tập khắc phục loại lỗi này. Và loại bài tập này phải xếp vào nhóm bài tập bắt buộc chứ không thể xếp vào nhóm bài tập tự chọn – nhóm bài tập chính tả phương ngữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Đặng Thị Lanh (chủ biên) (2001). SGK, SGV Tiếng Việt 1 tập 1. Nxb Giáo dục.
  2. Đoàn Thiện Thuật (1977). Ngữ âm tiếng Việt hiện đại. Nxb ĐH & THCN.
  3. Lê Ngọc Huyền Thu (2004). Bài tập chính tả lớp 1, 2, 3. Luận văn tốt nghiệp Cử nhân giáo dục tiểu học, Trường ĐHSP TP. HCM.
  4. Mạc Thị Vân Nga, Lê Thị Bạch Mai & Nguyễn Thị Hoa (2007). Khả năng nắm bắt các quy luật chính tả và những lỗi thường mắc phải của HS đầu lớp 1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế Những khó khăn trong học tập ngôn ngữ và toán của HS tiểu học. ĐHSP TP. HCM (đang in).
  5. Nguyễn Trí (2001). SGK, SGV Tiếng Việt 1, tập 2. Nxb Giáo dục.
  6. Trần Quốc Duy  & Alegria Jesus (2007), “Cơ chế phát triển khả năng viết chữ của HS đầu cấp một : tiếp cận bằng phương pháp đối chiếu giữa các hệ thống ngôn ngữ”. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế Những khó khăn trong học tập ngôn ngữ và toán của HS tiểu học. ĐHSP TP. HCM (đang in).
  7. Vũ Thị Ân, Bùi Tất Tươm, Trương Thị Thu Vân (2002). Kĩ năng sử dụng tiếng Việt của sinh viên ngành giáo dục tiểu học – thực trạng và giải pháp. ĐHSP TP. HCM.
  8. Vương Hữu Lễ & Hoàng Dũng (1993). Ngữ âm tiếng Việt hiện đại. ĐHSP Hà Nội 1.

 

Tải bản .pdf

 

-------

Xem Bảng đối chiếu ký âm: hàng trên là ký âm, hàng dưới là biến dạng do không có font ký âm

Bang bien doi ky am

 

Tin hành chính

Tin Chính trị - Xã hội