Khoa Giáo dục Tiểu học (old)
http://khoagdth.hcmup.edu.vn
  
"Nhất" và "Một" PDF. In Email
Thứ ba, 27 Tháng 2 2007 23:49

HAI CHỮ “ NHẤT” VÀ  “MỘT” TRONG TIẾNG VIỆT

Nguyễn Thị Ly Kha

Nhất và Một Là con số khởi đầu của số đếm, một xuất hiện từ rất sớm trong vốn từ của dân tộc Việt. Nhất của tiếng Hán – yếu tố đồng nghĩa với một – du nhập vào đất Việt từ khoảng hơn một ngàn năm trước. Song quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ không thể để hai yếu tố đồng nghĩa tuyệt đối cùng song song tồn tại.

Như mọi trường hợp đồng nghĩa tuyệt đối khác, nhất chỉ có thể chọn lấy một trong hai con đường: đổi thay để tồn tại hoặc bảo thủ không biến chuyển thì chỉ có thể “sống trong quá khứ” như tam, tứ, ngũ, lục,… Nhất không chỉ “sống trong quá khứ” như tam, tứ, ngũ, lục,… , nhờ nhất có những đổi thay. Trong tiếng Việt hiện đại, một giữ vai trò độc tôn trong hệ số đếm, với nghĩa này, nhất chỉ có thể tồn tại trong những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo của khẩu ngữ, của thành ngữ tục ngữ : quần áo nhất bộ, anh hùng nhất khoảnh, nhất tự vi sư bán tự vi sư,.. Bởi vậy, nhất không được dùng để tính toán, cân đong đo đếm, tất cả là của một . Chỉ nói tuyển một người, một cộng hai bằng ba , mà không thể nói * tuyển nhất người, *nhất cộng hai bằng ba. Tương tự nghĩa “chỉ lượng một”, những nét nghĩa khác có thể có của nhất như “hàm ý chỉ lượng ít”, “chỉ tất cả”, “chỉ sự tương ứng tương phản”, chỉ có thể có đất sống trong thành ngữ, tục ngữ. Chẳng hạn: nhất nặc thiên kim ‘một tiếng ừ đáng giá ngàn vàng', nhất nhật tam thu ‘một ngày dài như ba thu', nhất phạn thiên kim ‘ơn nhỏ nhưng nghĩa tình lớn nên cần phải biết quý trọng cái ơn đó', nhất thất túc thành thiên cổ hận ‘một sai phạm, một lầm lỡ ân hận cả ngàn đời', nhất nghệ tinh nhất thân vinh ‘có một nghề cho thật tài giỏi thì có thể sống sung sướng suốt đời còn hơn có nhiều nghề mà dang dở, không nghề nào thành thạo, điêu luyện'. Do vậy, Nhất bị từ chối hoàn toàn trong những kết hợp chỉ số lượng, cũng như bị từ chối hoàn toàn trong việc kết hợp với từ số , khó khăn trong việc đi với từ loại . Chỉ trong những ngữ cảnh có tính hữu trưng mới có thể gặp cách nói số nhất, loại nhất. Nhất chỉ có thể nắm tay với thứ, hạng, đệ, để biểu thị ý trước hết, trên hết, hơn hết: thứ nhất, hạng nhất, đệ nhất .

Với vị trí là con số đầu tiên trong dãy số đếm, là đứa con đẻ của dân tộc Việt, một tung hoành ngang dọc . Không chỉ dùng để chỉ số đếm, để tính toán, một còn được dùng để chỉ tính chất toàn khối không thể chia cắt: muôn người như một, một lòng một dạ,… Hoặc chỉ có một hướng, không có hướng ngược lại: đường một chiều, nhận thức một chiều, dòng điện một chiều. Hoặc làm theo nghe theo một cách hoàn toàn không hề có biểu hiện kháng cự chống đối: sợ một phép, nghe theo một phép. Hoặc biểu thị tính chất nguyên khối không bỏ sót một thành tố nào: một nhà sum họp, Một đời phấn đấu hi sinh ,… Hoặc biểu thị tính chất lần lượt của từng đơn vị giống nhau: từng người từng người một, nói từng tiếng một, một đồng một cốt, hay bổ sung cho nhau: một mặt … một mặt, một mặt … mặt khác.

Nhảy một bước xa hơn, một được dùng với hàm ý tương ứng hoặc trong những tổ hợp biểu đạt ý tương đương, hoặc tương phản: một đối một, một chín một mười, nói một đằng làm một nẻo , hay chỉ sự liên tục: nói một hơi, xem một lèo, làm một mạch

Hoặc một có thể chỉ bất cứ người nào, vật gì miễn là ở vị trí trước hết: tầng một, vấn đề cấp thiết số một, đội bóng số một của châu Á, v.v. Một còn ngự trị trong cả những tổ hợp biểu thị ý độc nhất: con một, cây một cành, hoa một trái; hoặc dùng cho một người: giường một, chiếu một; hay chỉ sự duy nhất, không còn cách nào khác: không yên phận một bề, không chịu lép một bề,…

Chỉ số đầu tiên nên dẫu muốn hay không một còn hàm nghĩa ít, bé, nhanh, một ít, một chút, một sớm một chiều, một tấc lên đến trời, … Tuy bé nhưng một vẫn ngạo nghễ xuất hiện trong những tổ hợp nhấn mạnh hàm nghĩa nhiều hoặc nhấn mạnh sự khác nhau quá xa: một lô một lốc, một trời một vực , v.v. và v.v.

Khiêm nhường nhưng tinh khôn, nhất đĩnh đạc thay thế một hoặc song hành cùng một ở vị trí trên hết trong thứ tự xếp hạng: nhân vật số một, cầu thủ số một, ngôi sao số một, cầu thủ đệ nhất hạng, cầu thủ giỏi nhất, cừ khôi nhất. Tuy nhiên, rừng nào cọp nấy . Có những khoảnh một khó mà bao quát hết. Ở những khoảnh này, nhất đường đường xưng vương, xưng bá . Hơn thế, nhất làm vương một cách xứng đáng. Chẳng hạn, với nghĩa hơn tất cả trong phạm vi được nói đến, người Việt nói: học giỏi nhất lớp, chân sút cừ khôi nhất, người đẹp nhất, người về đích trước nhất, mà không nói * học giỏi một lớp, *chân sút cừ một, *người đẹp một, nếu muốn dùng một thì phải nói học giỏi số một của lớp, chân sút số một, người đẹp số một, … nhưng nghe ra cũng nhiêu khê lắm thay.

Hai nghĩa vị phái sinh: (1) biểu thị vị trí trên hết trong thứ tự xếp hạng, (2) chỉ đến mức cao hơn tất cả trong phạm vi được nói đến của nhất là điều kiện ràng buộc không thể thiếu để nhất tồn tại trong đời sống ngôn ngữ của dân tộc Việt. Và cũng nhờ hai nghĩa này mà nhất kết hợp trang trọng với thứ, hạng: huân chương hạng nhất, luôn luôn được xếp thứ nhất. Nhất có thể đứng trước hoặc đứng sau: hạng nhất, nhất hạng, nhất đẳng ‘(ruộng đất) hạng tốt nhất', nhất phẩm ‘phẩm trật cao nhất trong thang cấp bậc hàm quan lại', v.v. Cách đọc Huân chương lao động hạng I thành Huân chương lao động hạng một , xét cho cùng cũng không khác gì mấy so với cách nói * năm hai ngàn lẻ nhất, *Huân chương hạng y, nước Một răng, Một rắc…

Tuy không cùng một mẹ, tuy kẻ trước, người sau nhưng nhất một đều giữ vai trò không thể thiếu trong đời sống ngôn ngữ Việt. Cứ theo quy luật sinh tồn của từ ngữ, cứ theo cái đà đã có, có lẽ chúng sẽ mãi song hành?


Bài đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống

 

Tin hành chính

Tin Chính trị - Xã hội


 Đăng Nhập 



 Lịch công tác 

Không có sự kiện nào