Khoa Toán-Tin
  
CÁC NGUYÊN TẮC QUẢN LÍ NHÀ TRƯỜNG THEO TIẾP CẬN VĂN HÓA TỔ CHỨC PDF. In Email
Thứ sáu, 15 Tháng 4 2016 13:47

* Nguyên tắc 1: Tập trung vào người học và việc học

Mục đích và lẽ sống còn của giáo dục là người học. Nếu nhà trường hay nhà giáo dục nào chưa hiểu điều đó thì chưa có tính chuyên nghiệp cả về đạo đức và năng lực. Giaó dục cho mọi người và của mỗi người. Nó sở dĩ xuất hiện trên Trái đất là vì con người, trước hết là vì người học. Gíao dục không chỉ làm mỗi việc là kiểm soát người học. Nói chính xác hơn, không nên gọi là quản lí giáo viên, quản lí học sinh, mà đó chỉ là quản lí cái phần ở họ có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của họ là học tập và dạy học.

 

 

* Nguyên tắc 2: Hướng vào chất lượng giáo dục

Nguyên tắc này đòi quản lí giáo dục khắc phụ những yếu tố hành chính quan liêu và hình thức trong cơ chế, thủ tục và phong cách quản lí trên cơ sở xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng của nhà trường. Yếu tố cốt lõi của văn hóa chất lượng là sự hiểu biết, thừa nhận và cam kết công khai về các mục tiêu chất lượng chung của nhà trường và trong từng công việc. Chẳng hạn, cam kết và phấn đấu vì các mục tiêu chất lượng ở người học, ở nhà giáo, ở các nhà quản lí và các nhân viên, ở hạ tầng kĩ thuật, ở các dịch vụ học đường như thư viện, mạng, hỗ trợ học tập, dinh dưỡng, kí túc xá…Văn hóa chất lượng là chỗ dựa để quản lí nhà trường dễ dàng thực hiện tiếp cận văn hóa tổ chức, bởi vì chất lượng là lợi ích và sự nhất trí của mọi thành viên trong trường.

* Nguyên tắc 3: Hướng vào các giá trị nhân văn

Tiếp cận văn hóa tổ chức trong quản lí giáo dục không chỉ liên quan đến cơ sở giáo dục mà cần thấm đượm trong toàn bộ nền giáo dục. Mối quan hệ giữa văn hóa và giáo dục là cặp đôi hay liên minh nếu xét về mặt giá trị thì giáo dục còn là đứa con đẻ của nền văn hóa (từ triết lí, lí thuyết, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục cho đến hiệu quả giáo dục đều từ văn hóa mà ra). Giáo dục có sứ mạng và sức mạnh phát triển văn hóa, di truyền văn hóa, bảo tồn văn hóa, ngoài sứ mạng phát triển chính mình.

* Nguyên tắc 4: Tự chủ và tự chịu trách nhiệm ở các cấp, các bộ phận trong trường

Tự thân tiếp cận văn hóa tổ chức trong quản lí giáo dục thừa nhận sự đa dạng văn hóa cho nên nó giúp nền hành chính trong quản lí mềm mại hơn, cụ thể là phi tập trung hóa quản lí theo chiều dọc và theo cả chiều ngang. Theo chiều ngang tức là phân quyền ở cùng cấp, ví dụ như phân quyền quản lí giáo dục giữa cơ quan nội vụ và cơ quan giáo dục tại huyện hay tỉnh. Theo chiều dọc là phân cấp từ trên xuống dưới. Ngoài tính pháp chế, tự chủ và chịu trách nhiệm trong quản lí giáo dục còn mang đậm tính văn hóa và đạo đức. Nó vừa như bản lĩnh pháp lí vừa như một dạng năng lực có nội dung văn hóa và đạo đức.

* Nguyên tắc 5: Hợp đồng hay giao việc công bằng, công khai, minh bạch

Các mẫu hợp đồng lao động cả trong giáo dục công lập và ngoài công lập đều cần được chuẩn hóa và công khai trên truyền thông. Điều này phụ thuộc vào luật, chính sách và các quy chế có liên quan trong sử dụng lao động của ngành giáo dục. Đối với công chức, viên chức thì cơ quan nội vụ đã quy định rõ ràng về hợp đồng lao động. Nhưng khi vực ngoài quốc lập, ngoài công lập thì vấn đề này chưa rõ ràng. Về khía cạnh văn hóa, các mẫu mã hồ sơ tuyển dụng, hợp đồng lao động và đánh giá người lao động trong giáo dục nhất là nhà giáo là vấn đề đang được nghiên cứu để giải quyết hợp lí.

* Nguyên tắc 6: Mạnh dạn trong thay đổi và phát triển

Kết hợp những nhân tố mới và những giá trị truyền thống có thể thể là mạo hiểm, kể cả cấp quốc gia, cấp địa phương và cấp cơ sở. Ví dụ như trên đã nói, đánh giá nhà giáo từ phiá người học, nhất là từ trường phổ thông, thuộc loại vấn đề mạo hiểm này. Nhưng rõ ràng tỉ lệ rủi ro ở đây không thể là vấn đề lớn và tác hại không phải đáng kể. Truyền thống tôn sư trọng đạo có ý nghĩa lớn lao về mặt đạo đức, nhưng cho rằng trò không được đánh giá thầy cô lại là sai lầm về mặt khoa học, về văn hóa và cả về mặt pháp lí. Đánh giá thầy cô không có gì đối lập với đạo lí thầy – trò. Trên thực tế các thầy cô giáo tốt rất muốn học trò đánh giá mình để tự hoàn thiện và phát triển nghề nghiệp của mình.

* Nguyên tắc 7: Môi trường hợp tác và kĩ năng cộng tác

Đây là nguyên tắc quản lí quan trọng nhất theo tiếp cận văn hóa tổ chức nhằm phát triển nhà trường thành một tổ chức có văn hóa hợp tác, kĩ năng cộng tác trong những mặt chủ yếu nhất như quản lí, học tập, giảng dạy và phục vụ hoạt động giáo dục. Đó cũng là văn hóa học hỏi và văn hóa chất lượng của nhà trường. Học hỏi tốt nhất qua hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và cộng tác để trải nghiệm. Vì vậy, các nhà quản lí cao nhất trong nhà trường và các nhà quản lí cấp trên trường thực hiện tốt nguyên tắc này thì sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng cho các hoạt động chỉ đạo, thanh tra, giám sát và đánh giá giáo dục. Khi có môi trường như vậy, mọi người thường làm việc tự giác và nhiệt tình hơn.

* Nguyên tắc 8: Phân cấp quản lí và thực hiện quy chế dân chủ hợp pháp

Quy chế dân chủ ở cơ sở là nguyên tắc quản lí hàng đầu ở cấp trường mang đậm tính chất xã hội hóa và các giá trị văn hóa. Còn phân cấp quản lí tại cơ sở lại là vấn đề hành chính và tổ chức trong quản lí. Có thể nói quy chế dân chủ cơ sở là nguyên tắc xã hội và con người, còn phân cấp là nguyên tắc hành chính- tổ chức. Nguyên tắc này đòi hỏi kết hợp nhất quán cả hai nguyên tắc cụ thể đó. Nếu chỉ lạm dụng cá cuộc họp có tính chất mặt trận, hội hè, với đầy đủ các thành phần, nghe và bàn những báo cáo tài chính hay nhân sự chung chung…thì quản lí dễ mang tính hình thức, thậm chí sự dân chủ đó cũng là hình thức chứ chưa thực chất.

Ngược lại, nếu quá lạm dụng phân cấp, phân quyền nhất là chia bè cánh hay ê kíp theo từng mảng công việc trong quản lí một cách cực đoan thì sẽ làm giảm sút rất nhiều các nguồn lực hệ thống và tạo ra môi trường thiếu hòa khí, lãng phí rất nhiều khả năng tham gia của mọi người. Cho nên phải nhất thể hóa hai nguyên tắc này lại một cách hài hòa, uyển chuyển, tạo nên môi trường quản lí vừa nghiêm minh (có cá nhân và đơn vị chịu trách nhiệm rõ ràng) vừa thân thiện và hợp tác (vì giàu hòa khí, giàu sự tham gia, phát huy được tiềm năng của tất cả mọi người). Nguyên tắc này thực chất nói về sự kết hợp hai cơ chế có vẻ trái ngược nhau nhưng thực ra lại bổ sung và hỗ trợ nhau, cùng nâng cao hiệu lực quản lí.

* Nguyên tắc 9: Phát triển nhân tố con người

Nhân tố con người quyết định trong số tất cả các nguồn lực phát triển ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong giáo dục và quản lí giáo dục thì nó là nhân tố quyết định. Từ việc xây dựng văn hóa nhà trường với những lĩnh vực và tầng giá trị đa dạng, độc đáo, cho đến việc phát triển nguồn nhân lực, quản lí nhân sự, quản lí chuyên môn, quản lí hành chính, quản lí tài sản…đều phải dựa vào nhân tố con người thích hợp. Vì thế đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lí giáo dục theo tiếp cận văn hóa tổ chức. Lâu nay trên sách báo thường nói về các dạng văn hóa thực thể, chẳng hạn kiến trúc, cầu, đường phố, tượng, sản vật văn hóa dân gian…nhưng lại bỏ quên thực thể sống động thể hiện rõ nhất các giá trị văn hóa – đó là con người. Văn hóa tích tụ ở con người trước rồi họ mới sáng tạo ra các vật thể sau.

* Nguyên tắc 10: Văn hóa hội họp và lễ hội

Hội họp là vấn đề không ít phiền toái trong quản lí ở mọi lĩnh vực hiện nay. Nguyên tắc chung của họp hành là phải có vấn đề và giải quyết vấn đề, hoặc phải có thông điệp, chỉ thị mới và phải có tiếp thu, chấp hành. Cũng có nhiều xích mích, bất đồng nảy ra vì họp. Không chỉ họp hành ở phương diện hành chính, mà các lễ hội tại trường và địa phương cũng không nên lạm dụng. Chỉ nên tập trung vào những lễ hội có giá trị giáo dục, phục vụ việc học tập và rèn luyện của người học và việc giảng dạy, phát triển nghề nghiệp của thầy giáo. Nhất là những cuộc vận động chính trị do Đảng và Nhà nước ta chính thức phát động trong toàn quốc, toàn ngành thì cần cố gắng tham gia tích cực, khi đó có thể tổ chức các hoạt động thiết thực dưới hình thức lễ hội có tính chất nghiêm túc.

* Nguyên tắc 11: Cấu trúc tổ chức trường theo chiến lược học hỏi

Cấu trúc hay cơ cấu của hệ thống chi phối chức năng của nó. Cấu trúc chung và cấu trúc bộ phận trong nhà trường là bộ khung có vai trò rường cột cho hoạt động quản lí. Cấu trúc được xây dựng từ sứ mạng (chức năng và nhiệm vụ chiến lược) nên nó phải ổn định trong thời kì chiến lược nhất định chứ không thể thay đổi liên tục, dễ gây bất ổn trong công việc và nhân sự. Các khoa, phòng, tổ, trung tâm…là những đơn vị cấu trúc luôn cần được đảm bảo về nhân sự chủ chốt và có sứ mạng rõ ràng. Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi khi thay đổi lớn về cấu trúc thì phải có điểm tựa nền tảng là thực lực đã nâng lên và chức năng của đơn vị hứa hẹn sẽ tốt hơn, vượt quá khuôn khổ cấu trúc hiện tại.

PGS.TS Đặng Thành Hưng

 



 Nghiên cứu khoa học 

Thông báo về chuyến thăm và làm việc của GS. Lionel Schwartz (Đại học Paris 13)

  Nhằm đẩy mạnh Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu khoa học và Đào tạo Sau đại học, Khoa Toán – Tin học mời Giáo sư Lionel Schwartz (ĐH Paris 13) về thăm và làm việc tại Khoa từ ngày 19/4 đến 25/4/2018. GS Lionel Schwartz là một chuyên...
 

 Hội nghị - Hội thảo 

Thông báo số 1 về Hội nghị toán học và đổi mới phương pháp dạy học năm 2018

Nhằm tổng kết hoạt động khoa học công nghệ trong những năm qua và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, giảng dạy Toán học tại Trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM, khoa Toán – Tin dự định tổ chức Hội nghị Toán học và đổi mới phương...