Get Adobe Flash player

THAM LUẬN - PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CỬ TRI TRẺ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH TRONG VIỆC ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa các bạn đoàn viên thanh niên!

Hòa trong không khí cả nước tưng bừng chuẩn bị cho một trong những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, hôm nay, thay mặt cho đoàn viên thanh niên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, tôi xin có bài tham luận với chủ đề “Phát huy vai trò của cử tri trẻ Trường Đại học Sư phạm TP.HCM trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”

Kính thưa các vị đại biểu khách quý!

Kính thưa các bạn đoàn viên thanh niên!

Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI, khẳng định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực không chỉ là quốc sách hàng đầu, là “chìa khóa” mở ra con đường đưa đất nước tiến lên phía trước, mà còn là “mệnh lệnh” của cuộc sống, “hơi thở” của thời cuộc. Ngày 09 tháng 6 năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII vừa qua, kế thừa quan điểm chỉ đạo của nhiệm kỳ trước, Đảng ta đưa ra đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xác định đây là một kế sách, quốc sách hàng đầu; là tiêu điểm của sự phát triển, mang tính đột phá, khai mở con đường phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI, khẳng định triết lý nhân sinh mới của nền giáo dục nước nhà “dạy người, dạy chữ, dạy nghề”.

 

Ở nước ta, nói đến cử tri trẻ là nói đến công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có độ tuổi từ 18 đến 30. Đây là lớp người trẻ tuổi, đang trưởng thành, đang vào đời, lập thân lập nghiệp. Đặc điểm nổi bật của tuổi trẻ là sự dồi dào các tiềm năng để phát triển, từ thể chất đến trí tuệ, từ năng lượng đến sức bật, luôn khao khát vươn tới cái mới, nhạy cảm và dễ thích ứng với đổi mới.

Nói đến cử tri trẻ của Trường ĐHSP TP.HCM là nói đến đội ngũ viên chức giảng dạy, viên chức hành chính đang trong độ tuổi Đoàn; là các bạn đoàn viên thanh niên, hội viên Hội sinh viên Trường. Đó là tập hợp những con người đang căng tràn sức sống, dồi dào sinh lực đã và đang nỗ lực phấn đấu để góp phần vào việc xây dựng Trường càng ngày càng lớn mạnh.

Đông đảo cử tri trẻ Trường ĐHSP TP.HCM luôn quan tâm đến tình hình đất nước, đặc biệt là các sự kiện có tính thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến đặc thù của Trường. Vì lẽ đó, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực mà Đảng ta khởi xướng từ năm 2013 trên tinh thần của Nghị quyết 29 càng được đông đảo các bạn trẻ của Trường hết sức quan tâm, trăn trở.

Tuy nhiên, thực tế là vẫn còn một bộ phận cử tri trẻ chưa thực sự am hiểu tường tận tinh thần chủ đạo của Nghị quyết 29 cũng như nắm vững lịch sử giáo dục và đào tạo nước nhà từ năm 1945 đến nay. Vì vậy, một mặt, không ít bạn trẻ khi đứng trước một số sự kiện tiêu cực trong ngành đã vội vàng a dua theo một bộ phận người cực đoan, lợi dụng tình hình để làm rối ren ngành, gây khó khăn cho quá trình tổ chức, quản lý ngành ở các đơn vị. Mặt khác, không ít bạn trẻ thờ ơ, bi quan, mất niềm tin vào sự chuyển biến tốt lên của ngành giáo dục và đào tạo, tỏ thái độ bất cần theo chủ nghĩa “mặc kệ nó”. Rõ ràng, hai thái cực trên chúng ta dễ dàng thông cảm nhưng đó không thể tiêu biểu cho những cử tri trẻ, không thể đại diện cho những con người “yêu nước – khát vọng, đạo đức – trách nhiệm, tri thức – sáng tạo, năng động – văn minh” của Trường ĐHSP TP.HCM chúng ta.


Cô Tô Thị Hạnh Nhân - Giảng viên khoa Giáo dục Chính trị Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đó, chúng tôi mạnh dạn nêu lên một số phương hướng cơ bản để cử tri trẻ Trường ĐHSP TP.HCM chung tay vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay để xứng đáng là đội ngũ tinh hoa của thanh niên:

Một là, cử tri trẻ phải “nắm” được tinh thần chủ đạo, nắm được linh hồn, nắm được “ý đồ” của Nghị quyết 29. Lan tỏa được “hồn cốt” của Nghị quyết vào từng việc làm cụ thể. Nghị quyết 29 trả lời cho chúng ta câu hỏi vì sao phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn hiện nay? Vì sao lần này chúng ta quyết tâm “đổi mới” chứ không phải “cải cách”? Đổi làm sao? Mới chỗ nào? Rõ ràng,  gốc rễ của đổi mới là thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy. Tư duy đổi mới, tất sẽ có những cách làm sáng tạo, những chuyển biến căn bản.

Hai là, cử tri trẻ Trường ĐHSP TP.HCM trước hết phải là những con người tiên phong, dẫn đầu trong việc lập lại trật tự kỷ cương “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời căn dặn. Đó không chỉ là kỷ cương mà còn tạo ra môi trường văn hóa trong giáo dục để xây dựng nhân cách sinh viên. Không thể chấp nhận những giảng viên trẻ, những viên chức trẻ, sinh viên sư phạm mà lại không chuẩn mực trong phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Không thể chấp nhận tình trạng “loạn chuẩn” trong môi trường sư phạm, thích làm gì thì làm, hứng thú điều gì thì mới có trách nhiệm, a dua bầy đàn, làm mất đi truyền thống tốt đẹp của giảng đường xã hội chủ nghĩa. Nắm vững tinh thần Nghị quyết rồi thì việc luật hóa nó, kỷ cương hóa nó ngay từ các trường sư phạm là điều cần làm ngay. Dũng cảm loại bỏ những bạn trẻ không còn xứng đáng để được học tập, làm việc và rèn luyện trong môi trường sư phạm. Chỉ có siết chặt kỷ cương, thượng tôn pháp luật thì thầy mới ra thầy, trò mới ra trò được.

Ba là, theo tinh thần của Nghị quyết 29 thì người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục. Suy rộng ra, anh là sinh viên thì trước hết anh phải biết quán xuyến cuộc sống của mình. Đã là sinh viên thì phải rèn luyện cho mình lối sống chuyên nghiệp, có kế hoạch, có tổ chức, có tầm nhìn sâu rộng. Với việc học, sinh viên cần tham gia đầy đủ các tiết học; có tinh thần làm việc chuyên nghiệp, tích cực, chủ động; từng bước hình thành tác phong công nghiệp, tinh thần kỷ luật trong học tập, lao động, sinh hoạt. Có tinh thần học tập suốt đời, tích cực tham gia xây dựng “Xã hội học tập”; chủ động tự học, tự nghiên cứu, trau dồi tri thức, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thông qua việc tham gia các cuộc thi học thuật chuyên ngành, hoạt động nghiên cứu khoa học các cấp; hoàn thành tốt chương trình học và đạt kết quả tốt. Xây dựng thói quen đọc sách, báo và các tài liệu có liên quan đến lĩnh vực công tác để nâng cao nhận thức về mọi mặt. Tích cực chủ động tự trang bị cho mình những kỹ năng phù hợp. Lời nói đi đôi với việc làm, quyết tâm nâng cấp mình cho ngang tầm với yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Bốn làtổ chức Đoàn – Hội sinh viên phải là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với cử tri trẻ.  Trong những năm qua, Đoàn – Hội Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động nhằm huy động đội ngũ CỬ TRI trẻ cùng tham gia “xây dựng các giá trị mẫu hình thanh niên trường Đại học Sư phạm  thành phố Hồ Chí Minh” với các danh hiệu“Nhà giáo trẻ tiêu biểu” đối với viên chức giảng dạy, “Viên chức trẻ, giỏi, thân thiện” đối với viên chức hành chính, “Sinh viên 5 tốt” đối với sinh viên Trường, “Thanh niên làm theo lời Bác” đối với tất cả cử tri trẻ của Trường gắn với khẩu hiệu “Tuổi trẻ Sư phạm chuẩn tác phong, giàu tri thức, tự tin hội nhập”. Tuy nhiên, bao nhiêu phong trào, bao nhiêu cuộc vận động hay danh hiệu đều chẳng thiết thực gì nếu tổ chức Đoàn – Hội không thường xuyên tổng kết thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh niên để nghiêm khắc rút ra bài học kinh nghiệm; không bám sát nhu cầu, lợi ích đặc thù của cử tri trẻ; và đặc biệt không xây dựng được đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội gương mẫu, tiên phong, nhiệt tình đi liền trí tuệ.

Tóm lại, cử tri trẻ Trường ĐHSP TP.HCM luôn dồi dào năng lượng, dồi dào sức sống để sẵn sàng tiếp nhận những nhiệm vụ mới, sẵn sàng “chung lưng đấu cật” với Đảng, chính quyền, người đứng đầu để hiện thực hóa công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. Điều có tính chất căn cơ trong giai đoạn này là phải làm sao tổ chức cho khéo, thanh vận cho hay, lôi kéo cho bài bản lực lượng này vào công cuộc kiến thiết một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa vừa mang đặc thù bản sắc Việt Nam vừa có thể hội nhập được với cộng đồng quốc tế. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Mọi Nghị quyết chỉ hóa thân vào cuộc sống được khi nó phản ánh đúng thực tiễn và trở lại dẫn đắt, soi đường cho thực tiễn. Rõ ràng, bài học gắn lý luận với thực tiễn chưa bao giờ là “cũ rích” trong quá trình phát huy vai trò của cử tri trẻ Trường ĐHSP TP.HCM trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện nay.

Tác giả: Tô Thị Hạnh Nhân


Số lượt truy cập