Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN VIỆT NAM CỔ TRUNG ĐẠI Nhã nhạc cung đình Huế - Trang 2
Nhã nhạc cung đình Huế - Trang 2 PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:11
Chỉ mục bài viết
Nhã nhạc cung đình Huế
Trang 2
Tất cả các trang
Âm nhạc cung đình Việt bắt nguồn từ âm nhạc dân gian, chọn lọc, tinh chế và nâng cao cho phù hợp với lối sống và lễ nghi của cung đình. Có thể nói âm nhạc cung đình mang âm hưởng của âm nhạc dân gian Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, âm nhạc cung đình Việt Nam có tiếp thu ảnh hưởng của âm nhạc cung đình Trung Hoa (ví dụ như quan niệm về vũ trụ và nhân sinh liên quan đến âm dương ngũ hành...) và nền âm nhạc Cham Pa. Đây cũng chính là nét tương đồng chung của văn hoá phương Đông.

Nhã nhạc mang bản sắc văn hoá đậm nét, mang âm điệu đặ trưng, thể hiện phong cách, tâm hồn, bản sắc Việt nói chung và Huế nói riêng. Nhã nhạc là một trong những đại diện của văn hoá cung đình Huế. Về mặt âm nhạc học, Nhã nhạc có mối liên hệ gần gũi với âm nhạc dân gian Huế, như việc cùng áp dụng một số loại hơi nhạc đặc trưng như hơi Khách, hơi Dựng.

Trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, hơi nhạc được cấu thành bởi yếu tố thang âm và các hình thức trang điểm chữ nhạc phù hợp với ngữ điệu giọng nói của từng địa phương. Vì vậy, hơi nhạc phản ánh rất rõ nét bản sắc văn hóa âm nhạc riêng của vùng Huế. Với việc áp dụng các loại hơi nhạc của Huế, Nhã nhạc thể hiện rõ bản sắc văn hóa Huế, đặc biệt là văn hóa cung đình. Tính ưu việt của Nhã nhạc còn được thể hiện ở chỗ nó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều loại hình âm nhạc khác trong vùng như Ca Huế, nhạc Tuồng, nhạc múa cung dình. Và, vượt ra khỏi vùng đất khai sinh ra nó, Nhã nhạc đã lan toả vào miền Nam để khai sinh ra những hình thức nghệ thuật biểu diễn mới, đó là loại hình đờn ca tài tử (một loại nhạc thính phòng) và hình thức sân khấu Cải lương vốn rất phổ biến trên toàn quốc trong mấy thập kỷ qua.

Nhã nhạc có các chức năng văn hoá, xã hội, biểu tượng sấu sắc. Đây là một loại hình âm nhạc bác học, phản ánh nhận thức, thẩm mỹ nghệ thuật của giai cấp quý tộc xã hội phong kiến, một thành phần đóng vai trò chủ đạo trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX).

Bên cạnh đó, nhã nhạc còn là một thành tố của các cuộc tế lễ, lễ cung đình như Tế Giao, Tế Miếu, Lễ Đại triều, Thường triều; là phương tiện văn hoá giúp con người giao tiếp với thế giới thần linh; là một biểu tượng của vương triều, của sự bình yên cho cả quốc gia. Nhã nhạc được coi là một kiệt tác sáng tạo. Trong khi các thể loại âm nhạc khác ở Việt Nam đều là sáng tạo của địa phương thì Nhã nhạc là loại hình duy nhất mang tính chất quốc gia.

Nhã nhạc từng là quốc nhạc của triều đình quân chủ, được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của triều đình nên nó mang những giá trị nổi bật về mặt lịch sử và nghệ thuật. Với chức năng phục vụ các nghi lễ của triều đình và là phương tiện giao tiếp với thế giới thần linh, Nhã nhạc mang tính triết lý cao. Nó thể hiện những quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của người Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung, chẳng hạn quan niệm về một thế giới siêu hình, ở đó Trời Đất, các thần linh và tổ tiên ngự trị; trong văn hoá của người Việt cổ; tư tưởng Tôn quân...

Những quan niệm trên được biểu lộ rất rõ trong kết cấu các biên chế dàn nhạc, trong các động tác múa cũng như trong nội dung các bài bản âm nhạc. Là loại hình âm nhạc nghi lễ, Nhã nhạc có tính trang trọng, hoành tráng, phù hợp với các cuộc lễ long trọng của triều đình.

Các dàn nhạc cung đình Việt Nam thường có quy mô lớn và được cơ cấu rất chặt chẽ, trong đó, vai trò của bộ gõ, đặc biệt là nhạc cụ trống (trống Trung, trống Chiến đối với đại nhạc và trống Bảng đối với Tiểu nhạc) rất quan trọng. Trống là nhạc cụ chủ chốt, giữ chức năng là người dẫn đường cho toàn dàn nhạc.

Bằng những mô hình tiết tấu có quy ước (gọi là các câu thủ, câu vỹ), trống báo hiệu cho các nhạc công trong dàn nhạc lúc nào thì bắt đầu cử nhạc, đánh những bài bản gì và lúc nào thì kết thúc bản nhạc. Vì thế, trống được xem như người chỉ huy đối với các dàn nhạc cung đình.

Với vai trò là một thành tố của cuộc lễ, Nhã nhạc là loại nhạc không tồn tại độc lập mà gắn bó với quy trình của nghi lễ. Điều này đòi hỏi nhạc công phải bám theo từng tiết lễ để cử nhạc nhằm tạo ra sự hài hoà về âm thanh.

Mặt khác, các bài bản Nhã nhạc luôn là những bản hợp tấu nhiều nhạc cụ, có lúc có cả sự tham gia của múa và hát. Do đó, nó đòi hỏi tối đa sự phối hợp của hàng trăm nhạc công, ca công và diễn viên tham gia diễn tấu trong cuộc lễ.

Nhạc cung đình thường có quy mô lớn và có sự tham gia của các nhiều loại nhạc cụ: kèn bóp, sáo trúc, nhị, thập lục, bầu, tam, tỳ bà và bộ gõ thanh la, sênh tiền, phách, trống chầu, trống chiến...

Các dàn nhạc và nhạc cụ của Nhã nhạc đa dạng và quy mô lớn, chẳng hạn Huyền nhạc có 26 nhạc công, Đại nhạc có đến 43 nhạc công. Các nhạc khí sử dụng có âm sắc đa dạng, phong phú với đầy đủ tiếng kim, tiếng thổ, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da,... tạo nên những âm thanh trầm bổng, trong đục khác nhau.

Vì vậy khi hòa tấu, mỗi nhạc cụ của dàn nhạc đều nghe được rõ ràng mà không nhạc cụ nào lấn át nhạc cụ nào. Nhã nhạc Việt Nam có các hệ thống hơi nhạc phong phú như hơi Khách (Bắc), hơi Bằng, hơi Dung, hơi Nam, nó có khả năng diễn đạt tốt các sắc thái âm nhạc khác nhau.

Nhã nhạc Việt có hệ thống các bài bản rất phong phú. Chỉ riêng hệ thống nhạc chương đã có đến hàng trăm bản, ngoài ra còn có các bài bản khí nhạc dành cho Tiểu nhạc, Đại nhạc, Huyền nhạc,... Kỹ thuật diễn tấu trong Nhã nhạc hết sức tinh vi, đòi hỏi một trình độ chuyên nghiệp cao.

Nói đến Nhã nhạc Việt là nói đến kỹ thuật biểu diễn khí nhạc, trong đó mỗi nhạc cụ đều áp dụng một mức độ kỹ thuật điêu luyện nhất định. Chẳng hạn đối với các nhạc cụ dây, các kỹ thuật như rung, vỗ, vuốt, nhấn, vê được áp dụng như là những nguyên tắc để tạo nên vẻ đẹp của giai diệu và bản sắc văn hóa trong âm nhạc. Đối với Kèn Bóp, một nhạc cụ nằm trong hệ thống Đại nhạc, tiếp hơi là một rất tinh tế, đòi hỏi ở nhạc công một quá trình luyện tập hơi thở rất lâu dài và công phu.

Kỹ thuật tiếp hơi nghĩa là khi sắp hết một luồng hơi, nhạc công phồng hai má rồi ép dần hai má để hơi vẫn thổi vào dăm kèn, trong khi đó, mũi hít thật nhanh và nhiều hơi vào phổi để rồi lại tiếp tục vận hơi lên để thổi hơi vào dăm kèn. Cứ như vậy, luồng hơi thổi vào dăm kèn không bao giờ đứt quãng, tiếng kèn không bao giờ ngắt. Kỹ thuật này cho phép nhạc công chơi những đoạn nhạc dài vô kể mà không cần phải dừng lại dể lấy hơi.

Với nhạc cụ sáo trúc (thuộc Tiểu nhạc), kỹ thuật reo cũng đòi hỏi một trình độ kỹ thuật điêu luyện. Muốn thực hiện kỹ thuật này, hai môi của nhạc công hơi khép lại, mặt trên đầu lưỡi hơi chạm vào hàm trên, rồi phát hơi thật mạnh cho lưỡi rung thật đều.

Luồng hơi bị rung manh tia vào thành miệng lỗ thổi tạo ra những âm thanh nghe như tiếng vê ở nhạc khí dây gảy. Và đối với trống, nhạc công có thể tạo ra những hiệu quả nghe như tiếng gió lướt nhẹ, hoặc những cuộn khói kỳ lạ bay lên tận chín tầng mây, nơi có thần linh ngự trị...

Bên cạnh đó, kỹ thuật hoà tấu cũng cần có một trình độ điêu luyện rất cao. Trong quá trình hoà tấu, nhạc công phải chú ý lắng nghe nhau, nhất là nghe tiếng trống báo hiệu để vào thủ, ra vĩ thật nhịp nhàng, ăn ý. Chính vì thế, diễn tấu nhã nhạc phải là những nhạc công chuyên nghiệp, có quá trình lâu dài và công phu.

Là một loại hình nghệ thuật gắn với cuộc sống của cung đình qua nhiều triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn...và tồn tại đến tận hôm nay là một bằng chứng độc đáo về mặt sáng tạo nghệ thuật.

Truyền thống văn hoá đó đã được duy trì và phát triển qua cả nghìn năm lịch sử của dân tộc và phần nào được lưu truyền cho tới ngày nay. Những giá trị này được thể hiện rất đậm nét trong các cuộc tế lễ dân gian của người dân địa phương.

Kể từ khi triều đình Nguyễn rơi vào tình trạng suy thoái trước nạn ngoại xâm cuối thế kỷ XIX, âm nhạc cung đình cùng các sinh hoạt văn hoá truyền thống khác của triều đình cũng dần dần phôi pha.

Cuối thời Nguyễn, triều đình chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là Đại nhạc và Tiểu nhạc với các nhạc cụ như sau: Đại nhạc gồm: trống, kèn, mõ, bồng, xập xoã; Tiểu nhạc gồm: trống bản, đàn Tỳ bà, Đàn Nhị, đàn Tam, Địch, Tam âm, Phách tiền. Bên cạnh đó, với sự ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của văn hoá phương Tây, đặc biệt là văn hoá Pháp, triều đình cho du nhập dàn Quân nhạc của phương Tây. Đến khi chế độ quân chủ Việt Nam chấm dứt vào năm 1945, âm nhạc cung đình Huế mất vị trí chức năng xã hội, môi trường diễn xướng nguyên thuỷ đi vào suy thoái có nguy cơ thất truyền.

Trong những năm gần đây, nước ta đã chú trọng đến công tác phục hồi nhã nhạc, cụ thể là từ năm 1993-1995, sau khi di sản kiến trúc Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá nhân loại, một dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế đã được đệ trình Chính phủ Việt Nam.

Ngày 12/2/1996, Chính phủ Việt Nam đã có Quyết định phê duyệt dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996- 2010, trong đó mục tiêu bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể cung đình Huế là một trong ba mục tiêu chính của Dự án.

Ngày 24/7/2005, Chính phủ Việt Nam đã có công văn về việc lập hồ sơ Âm nhạc cung đình Việt Nam: Nhã nhạc là loại hình âm nhạc truyền thống tiêu biểu của Việt Nam để đề nghị UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại đợt 2, năm 2003.

Tháng 11 năm 2003, Nhã nhạc (triều Nguyễn) đã được UNESCO ghi tên vào danh mục Các Kiệt tác Di sản phi vật thể của nhân loại.

Nguồn: Cpv.org.vn
http://hoisuhoc.vn/thongtinsuhoc.asp?id=197



 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học