Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI "Một trăm giờ với Fidel" - tác phẩm độc nhất vô nhị
"Một trăm giờ với Fidel" - tác phẩm độc nhất vô nhị PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:16

7:50, 28/09/2009

 

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn “Một trăm giờ với Fidel” được dịch sang tiếng Việt từ nguyên văn bản tiếng Tây Ban Nha, do Cục Xuất bản của Hội đồng Nhà nước Cuba phát hành lần thứ ba vào tháng 11/2006. Là một đọc giả đã từng học tập tại Trường đại học La Habana, Cuba, tôi rất vui mừng, vội vã tìm đọc và mượn được cuốn sách nói trên.
Quả thật đây là một tác phẩm độc nhất vô nhị với độ dày hơn 900 trang gồm 26 chương, ghi lại nội dung những cuộc trò chuyện đầy lý thú giữa Fidel với nhà báo.
Ignacio Ramonet, người Pháp gốc Tây Ban Nha là một nhà báo tầm cỡ, Tổng biên tập tờ nguyệt san Lemonde diplomatique (Thế giới ngoại giao). Ông là một học giả, chuyên gia về các vấn đề quốc tế, có uy tín lớn trong giới trí thức tiến bộ ở châu  Âu và là người bạn thân của Cuba, đã thực hiện cuộc phỏng vấn – đối thoại này, qua nhiều đợt, từ đầu năm 2002 đến cuối năm 2005, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử báo giới quốc tế.
Không ít nhà nghiên cứu nói rằng, đã có rất nhiều sách báo viết về cuộc đời, sự nghiệp của Fidel, về quá trình cách mạng của nhân dân Cuba, nhưng chưa bao giờ bạn đọc có cơ hội tiếp cận Fidel về nhiều lĩnh vực trong một công trình đồ sộ như vậy.
Mở đầu cuộc trò chuyện, Fidel đã cho chúng ta hiểu sâu hơn cội nguồn Cách mạng Cuba, trong đó, nhấn mạnh vai trò của José Martí, nhà văn hóa lớn và là người cha của nền độc lập Cuba. Fidel nói: “... Trong tôi đã có một tư tưởng Martí phát triển và những lý tưởng xã hội chủ nghĩa cấp tiến, một tư tưởng mà tôi đã kiên định theo đuổi trong suốt cuộc đời mình”.
Tiếp theo là những trang hồi ký của Fidel tự thuật về hoàn cảnh gia đình, quê hương, mái trường xưa, xã hội đương thời... đã in đậm dấu ấn trong thời thơ ấu của mình, những nhân tố đã gây ảnh hưởng tốt đến sự tôi luyện và hình thành nhân cách của một Fidel đầy nghị lực, giàu lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất.
Khi đến tuổi trưởng thành, bước chân vào Trường đại học Luật là lúc Fidel dấn thân vào chính trị, và từ đó, nổi trội như một nhà lãnh đạo phong trào sinh viên và quần chúng chống chế độ độc tài, chống áp bức, bất công.
Trang sử hào hùng mà Fidel không thể không nhắc đến là cuộc tiến công (26/71953) vào trại lính Moncada của chính quyền Batista, tuy không đạt được kết quả như ý muốn, nhưng Fidel coi đó là một cuộc tập dượt để thức tỉnh quần chúng vùng lên và tiếp tục đưa cuộc chiến đấu chống chế độ độc tài sang giai đoạn mới.
Bạn đọc sẽ nhớ mãi câu: “Lịch sử sẽ minh chứng cho tôi”, khi Fidel với tư cách là một luật sư có tài hùng biện đã tự bào chữa và tuyên bố trong một phiên tòa xét xử, đảo ngược với vai trò người bị cáo của mình thành người tố cáo chế độ phản động đương thời.
Sau khi bị bắt và được thả tự do, Fidel đã cùng 82 chiến sĩ yêu nước tiến hành cuộc viễn chinh từ Mêhicô trở về Cuba trên con tàu Granma, rồi từ đó, triển khai cuộc chiến tranh du kích từ chiến khu Sierra Maestra.
Hình ảnh của Che Guevara được ghi đậm nét trong hai chương (7 và 14) của cuốn sách này, Fidel nhắc lại: “Sự tương đồng về tư tưởng là một trong những yếu tố chính giúp tôi thân thiết với Che và coi Che như một hình mẫu của người cách mạng”.
Qua những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ và chịu đựng bền bỉ, khắc phục vô vàn khó khăn, như Fidel đã tổng kết: “Trong cuộc chiến này, với 3.000 chiến sĩ, chỉ trong không đầy 2 năm, chúng tôi đã giành thắng lợi vẻ vang ngày 1/1/1959”.
Những bài học về cuộc chiến tranh du kích, những bước đi ban đầu, những cuộc vận động quần chúng yêu nước tiến bộ, những âm mưu chống phá cách mạng... đã được Fidel trả lời cặn kẽ cho nhà báo bằng những câu chuyện sinh động, kèm theo những phân tích, lập luận sắc bén, đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của dư luận báo chí phương Tây hòng xóa bỏ những thành tựu Cách mạng của Cuba.
Sau hơn 2 năm cách mạng thắng lợi, cuộc xâm lược quân sự vào bãi biển Girón ngày 17/4/1961, gồm 1.500 tên lính đánh thuê được Mỹ huấn luyện và hậu thuẫn, đã bị đánh bại sau cuộc tác chiến hơn 72 giờ, do chính Fidel trực tiếp chỉ huy. Đó là thất bại quân sự đầu tiên của đế quốc Mỹ ở Mỹ Latinh.
Cuộc khủng hoảng tháng 10/1962, vào thời điểm mà nhân loại đã phải nín thở đứng trên bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, Cuba đã đặt lợi ích chung trên hết, vì nền hòa bình của toàn thế giới, nên đã giải quyết ổn thỏa vấn đề, nhưng giờ đây nhìn lại, Fidel không ngần ngại nhắc đến việc Liên Xô rút tên lửa mà không tham khảo ý kiến của Cuba, Fidel coi đó là “việc làm thiếu bình tĩnh và thiếu kiên quyết” của Liên Xô lúc bấy giờ.
Tiếp theo là những chương nói về cuộc chiến chống sự bao vây, phong tỏa và những đạo luật tàn bạo của chính quyền Mỹ chống Cuba, những vụ xúi giục cướp đoạt  tàu thuyền, máy bay chạy sang Mỹ... đã gây ra làn sóng căm phẫn ở Cuba và được Fidel nhắc đến với những bằng chứng hùng hồn và cực lực lên án chính sách thù địch của Mỹ chống Cuba.
Đọc đến chương 26 “Sau Fidel, sẽ như thế nào?” là chương cuối cùng dài nhất (91 trang) và hấp dẫn nhất. Ngoài những đề tài liên quan đến vấn đề nội bộ của Cuba, Fidel nhấn mạnh những thành tựu của Cách mạng Cuba, đồng thời nêu rõ những khó khăn, thiếu thốn trong “thời kỳ đặc biệt” vào những năm đầu của thập niên 90, sau khi Liên Xô bị tan rã.


Chủ tịch Fidel Castro và người em Raul Castro.

Để giải đáp những câu hỏi về người kế nhiệm, thế hệ mới, sự tin tưởng vào tài năng lớp trẻ, những con người mới của đất nước xã hội chủ nghĩa, việc chuyển giao quyền lực... Fidel nói lên những ý kiến đầy sức thuyết phục, với hàm lượng trí tuệ cao, khẳng định rằng: “Con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn không thể thay đổi được ở Cuba”, rằng: “Đế quốc Mỹ không thể phá hủy Cách mạng Cuba và nhân dân Cuba đã đạt tới trình độ văn hóa và giác ngộ đủ để không bao giờ cho phép đất nước này trở lại là một thuộc địa của chúng”.
Nói về người kế nhiệm, Fidel dứt khoát tuyên bố rằng: “Hiện nay, Raul vẫn là người có uy tín nhất và nhân dân cũng rất tin tưởng chú ấy... nếu có chuyện gì xảy ra với tôi nay mai, thì chắc chắn Quốc hội sẽ họp và bầu chú ấy, không có gì phải nghi ngờ điều đó”.
Cũng trong chương cuối này, khi đề cập đến nững nhà lãnh đạo chính trị đã để lại nhiều ấn tượng nhất thì Fidel nhắc đến Mao Trạch Đông, Mitterand, Olof Palme... và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôi không có diễm phúc được gặp Hồ Chí Minh, người mà tôi cho rằng ông là một trong những nhà lãnh đạo có tư tưởng trong sáng nhất”... “Tôi không thể quên được bản Di chúc của Hồ Chí Minh, trong đó, ông kêu gọi Trung Quốc và Liên Xô hãy khắc phục những tranh chấp và đoàn kết lại”.
Đọc đến đây, tôi xúc động nhớ đến những lời tâm huyết, thể hiện tình cảm của Fidel đối với Hồ Chí Minh trong chuyến thăm lịch sử vào tháng 9/1973 rằng: “Có một nỗi đau và ân hận là tôi không thể đến Việt Nam trước ngày 2/9/1969, nên không có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà tôi rất kính phục. Nhưng tôi đã được bù đắp là chính mắt tôi nhìn thấy nhân dân Việt Nam đang thực hiện một cách có hiệu quả những lời giáo huấn của Người”.
Đọc xong “Một trăm giờ với Fidel”, không những tôi được sáng tỏ một số vấn đề mà trước đây chưa hiểu thấu, mà còn tiếp nhận thêm những kiến thức mới mẻ về Cách mạng Cuba, về tư tưởng chính trị sâu sắc của Fidel, một con người mà chính nhà báo cũng như nhiều người khác tiên đoán rằng: “Sau Fidel, sẽ không có Fidel nào khác”.
Tôi tin chắc rằng, cuốn “Một trăm giờ với Fidel” sẽ để lại trong lòng bạn đọc hình ảnh tuyệt vời về Fidel, một nhân vật huyền thoại sống, có tầm vóc lớn lao, xứng đáng là niềm tự hào của nhân dân Cuba và sự ngưỡng mộ, kính yêu của mọi người

Minh Thái
http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2009/9/70431.cand

 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học