Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Lịch Sử
Bạn biết quá khứ, bạn hiểu hiện tại, bạn tiên đoán tương lai
 

 
Trang Chủ ĐỌC BÁO GIÚP BẠN THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI Một xã hội nô lệ ở thế kỷ XX: Ăngka là gì?
Một xã hội nô lệ ở thế kỷ XX: Ăngka là gì? PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 12 2010 15:47
Chỉ mục bài viết
Một xã hội nô lệ ở thế kỷ XX: Ăngka là gì?
Trang 2
Tất cả các trang

2:40 AM, 14/11/2009

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/honghai/hong%20hai2/28_bia907.jpg

Bìa cuốn sách "Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam".


LTS: Có thể nói, Uyn Phrết Bớcsét (Wilfred Burchett) là một trong những nhà báo quốc tế nổi tiếng nhất, thân thuộc nhất đối với Việt Nam kể từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến nay. Ông là người Ôxtrâylia, gốc Anh, sinh năm 1911, mất năm 1983. Suốt nhiều thập kỷ, Bớcsét đã bôn ba khắp Á - Âu, lăn lộn từ cuộc cách mạng này đến cuộc chíên tranh khác, đặc biệt gắn bó với chiến trường Việt Nam và chiến trường khu vực Đông Nam Á và Đông Dương.
Kể từ số báo này, Chuyên đề ANTG xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chương "Một xã hội nô lệ thế kỷ XX" trích từ cuốn sách "Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam" của Uynphrết Bớcsét, nơi ông vẽ nên một bức tranh sinh động và khắc họa sâu sắc cuộc sống của nhân dân Campuchia trong cái lò sát sinh mang nhãn hiệu Pôn Pốt - Iêng Xary từ năm 1975 đến 1979.
Sách do Nhà xuất bản Thông tin lý luận phát hành năm 1986. Đầu đề các kỳ báo do Chuyên đề ANTG đặt.
Sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi đầy đủ tầm cỡ của những điều khủng khiếp do Khơme Đỏ gây ra đối với nhân dân Campuchia. Chẳng bao giờ có thể đếm hay phân loại xuể hàng triệu bộ xương và đầu lâu vô danh dưới những hố chôn người và những nấm mồ tập thể. Đã có đầy đủ tư liệu để khẳng định rằng,  ban lãnh đạo Khơme Đỏ đã phạm phải những tội ác gần như có một không hai trong lịch sử đối với chính nhân dân của họ từ ngày 17/4/1975, khi các lực lượng Lon Non đầu hàng và họ lên nắm chính quyền cho đến ngày 7/1/1979, khi đến lượt họ bị đánh đổ.
Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, tôi đã cùng gia đình sống ở Campuchia 4 năm. Vợ tôi dạy môn lịch sử nghệ thuật tại Trường đại học Mỹ thuật Phnôm Pênh, 3 con tôi học tại  trường trung học. Lẽ dĩ nhiên, bạn bè của chúng tôi là trí thức, văn sĩ, nhà báo, giáo viên, giáo sư đại học, các nhà ngoại giao và cả những nhân vật có tầm cỡ về chính trị nữa. Những người này nằm trong số những mục tiêu đầu tiên của các đội tra tấn và hành quyết.
Nạn nhân đầu tiên là những ai đã từng du học ở nước ngoài hoặc biết tiếng nước ngoài, rồi dần dần, tiêu chuẩn bị giết mở rộng ra, gồm bất kỳ ai đeo kính hoặc biết đọc, biết viết. Trừ dăm ba người buông mình theo bọn cầm đầu Khơme Đỏ, còn tất thảy những người mà tôi biết trong suốt một phần tư thế kỷ quan hệ thường xuyên với nước Campuchia đều đã bị giết. Nhiều người chết chỉ sau những trận tra tấn dã man.
Mọi tội ác của bọn Quốc xã đều được Khơme Đỏ lặp lại và lặp lại "có sáng tạo", phát minh thêm nhiều cái mới. Hítle, Gơrinh, Gơben và những tên Quốc xã khác đều là những tên quỷ sứ, hiện thân của những gì được coi là tột cùng của "cái ác" trong thời đại chúng ta. Thế nhưng, tội ác của chúng vẫn chưa thấm tháp vào đâu nếu đem so với những tội ác của Khơme Đỏ do bọn Pôn Pốt, Iêng Xary và Khiêu Xămphon cầm đầu.
Hítle đã cố tiêu diệt người Do Thái, người Xlavơ, người Digan và những người "không thuộc giống Ariăng" khác. Còn Pôn Pốt thì quyết tâm tiêu diệt không chỉ người Việt, người Hoa, người Chăm theo đạo Hồi và các nhóm người thiểu số khác mà cả những người thuộc giống Khơme của chính bản thân hắn nữa. Hítle bắt người từ Pháp, Ba Lan và các nước khác về làm nô lệ và buộc họ làm việc đến chết trong các trại lao động. Còn ban lãnh đạo Khơme Đỏ thì lại biến cả đất nước của họ thành một trại tập trung khổng lồ.
Hítle đốt cháy và làm ô uế các giáo đường Do Thái, ngược đãi các nhóm tôn giáo. Còn Khơme đỏ thì lại đàn áp mọi hình thức lễ bái tôn giáo. Họ biến nhà chùa đạo Phật, nhà thờ đạo Hồi và nhà thờ đạo Thiên chúa thành các trung tâm tra tấn, thành chuồng lợn, thành kho chứa, hoặc đơn giản hơn, phá tan tành, biến chúng thành một đống gạch nát. Hítle đốt sách của các nhà văn chống phát xít. Còn Pôn Pốt và bè lũ thì đốt tất cả sách vở và thư viện, chà đạp lên mọi di tích của truyền thống và nền văn hóa Campuchia. Hítle tìm cách dồn phụ nữ Đức trở lại vai trò của "bếp núc, nhà thờ và con cái". Còn Khơme Đỏ thì tách vợ khỏi chồng, cha mẹ khỏi con cái, và thủ tiêu hoàn toàn cuộc sống gia đình.


http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/honghai/29_linh907-400.jpg

Lính Khơme Đỏ.

Có một số nhà tri thức cánh tả, quen ngồi ghế bành ở phương Tây không muốn tin vào tất thảy những chuyện đã xảy ra này. Họ bênh vực chính quyền Khơme Đỏ, coi đó là một "Cuộc thí nghiệm xã hội" có thể biện minh được. Việc họ chối từ thực tế không thể đứng vững nổi trước lời minh chứng áp đảo của những ai đã thực sự tới Campuchia, kể cả những đại diện của các cơ quan cứu trợ quốc tế - những người phải đụng chạm với phần còn sót lại ấy của xã hội Campuchia.
Càng ngày người ta càng biết rõ hơn về những nỗi khủng khiếp đã diễn ra ở Campuchia. Những thực tế sáng rõ đã được làm nổi bật hẳn lên nhờ chính tầm cỡ của những nỗ lực quốc tế nhằm hàn gắn những vết tàn phá trên mọi mặt của xã hội Campuchia. Mỗi công dân Khơme thật sự vừa là nạn nhân, vừa là nhân chứng.
Không có người nào đã tiến hành công tác điều tra tại chỗ lại có thể hoài nghi về những gì đã xảy ra. Nhưng điều còn chưa sáng tỏ là những thực tế ấy đã xảy ra như thế nào và vì sao lại thế. Hiển nhiên, là việc tìm ra câu trả lời có tầm quan trọng then chốt. Các học giả, văn sĩ, nhà báo và những người làm phim hiện đang làm việc. Còn giữa chúng ta với nhau, chúng ta có thể rọi một luồng ánh sáng nào đó để xem xét một trong những sự kiện đen tối nhất trong thời đại chúng ta đã xảy ra như thế nào, và vì sao như vậy. Những chương tiếp theo trong cuốn sách này chính là sự đóng góp của tôi vào quá trình soi rọi luồng ánh sáng đó.
Ở nước Campuchia của Khơme Đỏ mọi thứ đều được thực hiện nhân danh Ăngka. "Ăngka cần đến đồng chí", tên đội trưởng đội hành quyết sẽ nói vậy khi hắn đến vào lúc nửa đêm để lôi nạn nhân đi giết". Ăngka đề nghị đồng chí cho mượn chiếc đồng hồ", "Ăngka sẽ cấp cho" "Ăngka muốn làm cho các đồng chí trở thành những người cách mạng thực sự". Dưới cái vỏ bọc của những lời lẽ có vẻ cách mạng, bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xary đã áp đặt lên nhân dân Campuchia một hệ thống biến họ thành nô lệ và thi hành quyền lực của chúng đối với họ trên cơ sở của sự khủng bố, sự tàn bạo và sự diệt chủng.http://antg.cand.com.vn/Images/arr_1.gif
Mặc dù người ta chưa nhất trí được với nhau về cái nhãn hiệu thể hiện hệ tư tưởng cho cái xã hội này, nhưng rõ ràng là, những định nghĩa kinh điển trong các từ điển về khái niệm nô lệ đã mô tả một cách hoàn hảo thân phận những công dân Campuchia bình thường dưới ách Khơme Đỏ. Dù rằng quả là họ không bị mua đi bán lại, vì chẳng có tiền tệ cũng không có hệ thống giá trị trao đổi - thì dưới thời Khơme Đỏ, người dân Campuchia cũng không được lựa chọn công ăn việc làm, không thể thay đổi nơi làm việc, không có quyền tự do đi lại bất kỳ đâu. Cuộc sống của họ không có gì khác ngoài việc phải lao động từ 12 đến 14 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, không được trả lương, chỉ được 1 suất ăn chết đói mà họ không thể tùy ý sử dụng.
Bất kỳ công dân nào cũng có thể bị bắt đi và bị nện vào đầu cho đến chết, mà chẳng được biết là đã phạm tội gì hoặc chẳng được ai bào chữa. Họ hàng gia đình không  được phản đối hoặc đòi bồi thường gì cả, vì những chuyện đó sẽ dẫn đến cái chết chắc chắn cho bất kỳ ai dám phản đối, hoặc thậm chí phê phán chính quyền bằng việc khóc thương vợ, chồng hoặc con cái bị giết.
Nếu như trước kia, chỉ những tù binh người nước ngoài  - người Thái, người Lào, người Chăm và các dân tộc khác - bị đẩy vào cảnh nô lệ trên đất nước Campuchia, thì một trong những nét độc đáo của xã hội Khơme Đỏ là Pôn Pốt đã nô dịch chính dân tộc của hắn. Lúc đầu thân phận nô lệ được quy cho  những ai không có mặt trong  những vùng Khơme Đỏ kiểm soát vào thời điểm "giải phóng" ngày 17/4/1975. Nhưng chẳng bao lâu sau,  thân phận này được quy cho toàn thể dân tộc, trừ giới lãnh đạo có đặc quyền.
Danh chính ngôn thuận mà nói, đó là một cuộc đấu tranh sống chết giữa dân nông thôn và dân thành thị, diễn ra trong khi vũ khí trấn áp nằm gọn trong tay dân nông thôn và những tên Khơme Đỏ  "bảo hộ" của họ. Giới lãnh đạo Khơme Đỏ hoàn toàn xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản và tư sản có sở hữu tài sản, và một số trường hợp có liên quan với giai cấp phong kiến. Đại đa số những người bị giết hoặc bị cố tình bỏ cho chết vì bị đói khát và bệnh tật vốn là những tiểu nông, ngư dân, công nhân và những người có học thuộc những thành phần xuất thân khác nhau, nhưng hầu hết là xuất thân trong tầng lớp nghèo khổ. Làm sao có thể nói khác được khi mà số người chết trong chưa đầy 4 năm trời là từ 2 đến 3 triệu?
Sau "giải phóng", Ăngka Lơ cho truyền đạt xuống một chỉ thị chính thức hướng dẫn bọn thừa hành ở các địa phương về chính sách đối với những người bị lưu đày - số người này chiếm tới 2/3 dân số - diễn đạt dưới hình thức một khẩu hiệu: "Giữ chúng - không lãi gì! Giết chúng - không lỗ gì". Giáo sư Keng Vănxắc, cựu chủ nhiệm khoa Văn chương, Trường đại học Phnôm Pênh, một trong những nhà  mácxít xuất sắc của Campuchia và  là người đã dìu dắt ở Pari một số lãnh tụ tương lai của Khơme Đỏ, đã giải thích cho tôi rằng,  những từ Khơme CAMNENH (nghĩa là LÃI) và KHAT (nghĩa là LỖ) viết trong cái chỉ thị - khẩu hiệu ở trên không phải là  những thuật ngữ trừu tượng hay triết học gì, chúng thể hiện những giá trị vật chất và thương mại như vẫn được sử dụng trong công tác kế toán thông thường.
"Con người bị hạ xuống thành đối tượng của lãi và lỗ. Những người nào có khả năng thoát khỏi bàn tay của các đơn vị hành quyết, thoát khỏi lao động cưỡng bức, cảnh thiếu thốn thuốc men, thoát khỏi bệnh tật, đói khát sẽ trở thành những vật có lãi. Nếu không, họ sẽ bị giết chết - và cái chết của họ cũng chẳng gây ra chút lỗ nào".
Keng Vănxắc cũng chỉ ra rằng, trong thực tế, Ăngka là "một bộ máy đàn áp và khủng bố khổng lồ như một thứ hỗn chất gồm Đảng, Chính phủ và Nhà nước, không phải hiểu theo nghĩa thông thường của những từ này, mà đặc biệt nhấn mạnh vào đặc tính thần bí, khủng khiếp và tàn nhẫn của nó. Theo một cách hiểu nào đó, nó là một quyền lực chính trị, siêu hình, vô danh, có mặt ở khắp mọi nơi, là thượng đế huyền bí, gieo rắc cái chết và sự khủng bố nhân danh chính nó". Vì mọi cán bộ Khơme Đỏ đều có thể đương nhiên hành động nhân danh Ăngka, nên gã ta (hoặc mụ ta) được miễn giải bất kỳ ý thức trách nhiệm cá nhân nào khi phạm tội giết chóc hoặc tra tấn nhân danh Ăngka.
Tại phiên tòa xét xử tội diệt chủng tổ chức ở Phnôm Pênh tháng 8/1979, Đít Munty, một giáo viên trung học đã thoát chết nhờ thành công trong việc không để lộ ra việc mình là một "trí thức" đã đưa một trong những bản mô tả lý thú và thấu triệt nhất về việc Ăngka đã nô dịch nhân dân Campuchia như thế nào.
"Ăngka là hiện thân của một quyền lực quân phiệt và chuyên chế tuyệt đối nằm trong tay Khơme Đỏ. Nó có quyền sinh, quyền sát đối với mọi người. Để gieo rắc sự bất đồng giữa người thành thị và người nông thôn, Ăngka chia mọi người thành 3 loại: dân cũ, dân mới và kẻ thù. Loại thứ nhất bao gồm những người sống trong vùng giải phóng hoặc trong những khu vực đã đi theo Khơme Đỏ trước khi chính quyền Lon Non sụp đổ.
Loại thứ hai bao gồm những người bị lưu đày khỏi Phnôm Pênh và các nơi khác. Những người này bị coi như nô lệ. Họ phải chịu mọi thứ nhục hình của dân "cũ". Dân "cũ" có nhiều quyền hành và ân huệ hơn dân "mới". Chính dân "mới" là người phải làm tất thảy những công việc nặng nhọc.
Suốt 6 tháng trong một năm, Ăngka bắt họ phải đắp đê, đào mương máng. Mỗi ngày họ phải làm việc 13 tiếng, từ 3h sáng đến 10h30';  từ 13h30' đến 17h30' và từ 19h đến 21h để đổi lấy 150 gam gạo mỗi người; và ngày nào cũng vậy. Đối với họ, không hề có ngày nghỉ, ngay cả khi ốm, họ cũng không có quyền nghỉ ngơi. Bị cái chết đe dọa, họ phải liên tục làm việc cả ngày lẫn đêm, dưới cả mưa lẫn nắng. Loại thứ ba, bao gồm những  nhân viên quân sự và dân sự của chính quyền cũ, toàn bộ trí thức, học sinh và sinh viên từ lớp 7 trở lên. Tất cả những người này đều phải bị giết bởi lẽ họ là kẻ thù.
Lược trích "Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam"



 


 Đăng Nhập 




bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học