Get Adobe Flash player

Cách mạng Tháng Mười Nga 100 năm nhìn lại

 

Rạng sáng 7/11/1917, quân khởi nghĩa tấn công vào Cung điện Mùa Đông ở Petrograd, mở đầu cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 

Sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của loài người diễn ra trong thế kỷ XX là cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Một thế kỷ trôi qua, với biết bao thăng trầm biến động của lịch sử nhân loại nói chung cũng như của quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga nói riêng cho phép chúng ta có điều kiện suy ngẫm, nhìn nhận rõ ràng, sâu sắc, toàn diện hơn về sự kiện vĩ đại đó.

1. Nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-1967), Bác Hồ đã nhận định “giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” (Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2000, tr.300).

Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng “chưa từng có” trong lịch sử, nó đã “mở ra một thời đại mới”. Mười năm sau Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm “Đường Cách Mệnh” (1927) đã nhận định “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật sự… Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới (Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2000, tr.280). Rõ ràng Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở đầu “một sự nghiệp mới mẻ” – sự nghiệp sáng tạo ra một kiểu chế độ Nhà nước xưa nay chưa từng có, đó là Nhà nước của công nông; mở đầu một thời đại mới, thời đại giai cấp công nhân giành được toàn bộ chính quyền, thời đại từng bước xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

2. Cách mạng Tháng Mười vĩ đại tạo bệ phóng cho nước Nga lạc hậu phát triển vượt bậc để hình thành nên cường quốc hùng mạnh Liên Xô trong 7 thập kỷ vinh quang. Nhưng đã non 3 thập niên gần đây, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười không còn Liên Xô nữa. Liên Xô vĩ đại tan rã, được thế giới tư bản chủ nghĩa, những phần tử cơ hội hí hửng, không ngừng công kích, xuyên tạc ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười, nhắm mắt phủ nhận những thành tựu của Liên Xô trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân loại khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít. Nhân dân lao động, những người cách mạng, những người có cái nhìn khách quan thì ngạc nhiên, luyến tiếc, thậm chí có người bực dọc về sự tan rã quá nhanh chóng, sự sụp đổ “êm ả” lạ lùng của Liên Xô hùng cường. Tôi nhớ vào đầu thế kỷ 21, có Đoàn đại biểu các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga sang trao đổi với Việt Nam về thực trạng và viễn cảnh của chủ nghĩa xã hội, Giáo sư Trần Văn Giàu đã tỏ thái độ “bực dọc”, bức xúc đặt câu hỏi với khách: “Tại sao năm 1991 khi Đảng Cộng sản Liên Xô còn hàng triệu đảng viên và hàng chục triệu đoàn viên Thanh niên Cộng sản mà lại bị sụp đổ một cách êm ru”. Một nhà khoa học Nga vốn là một đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây trả lời: “Nếu như Đảng Cộng sản Liên Xô có những đảng viên như Giáo sư Trần Văn Giàu thì Đảng đã không sụp đổ, Liên Xô không bị tan rã”! Không ngỡ ngàng, không bực dọc sao được khi đứng trước một sự thật cay đắng: Nước Nga Xô Viết ngay từ khi mới ra đời đã đủ sức mạnh đánh tan quân Bạch Vệ và quân can thiệp của 14 nước tư bản, đế quốc; Liên Xô mới xây dựng hơn chục năm đã có sức đánh tan hàng trăm sư đoàn quân phát xít Hitle hiếu chiến và đồng minh của nó. Vậy tại sao, lúc không có một đội quân nào xâm lược, không một tiếng súng, Liên Xô siêu cường về vũ khí hạt nhân, về vũ trụ lại sụp đổ êm ru kỳ lạ. Sau nhiều năm, qua nghiên cứu kỹ lưỡng, suy ngẫm sâu sắc, toàn diện mới thấy rõ ràng Liên Xô sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu từ bên trong. Bên trong cũng có nhiều yếu tố, nhưng cơ bản là do tổ chức lãnh đạo Nhà nước và xã hội Liên Xô – Đảng Cộng sản, với những người lãnh đạo tối cao lúc bấy giờ không tuân thủ những giáo huấn của Lênin và những bài học quý giá của Cách mạng Tháng Mười về xây dựng Đảng. Lênin luôn dạy, Đảng Cộng sản muốn giữ được vị trí, vai trò vinh quang của mình là phải có sự lãnh đạo chính trị, có chiến lược, sách lược chính trị đúng đắn, và điều kiện cần thiết là quảng đại quần chúng tin tưởng vững chắc vào sự đúng đắn đó. Rõ ràng đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô trong những năm 70 – 80 của thế kỷ XX khá bảo thủ trì trệ, dẫn đến sự yếu kém, khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài, gây nên sự thiếu tin tưởng của quảng đại quần chúng. Mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân bị giảm sút và tổn thương trầm trọng. Đội tiền phong của giai cấp công nhân cũng đánh mất niềm tin cách mạng của mình; tính chất nhân dân của Nhà nước kiểu mới được hình thành và phát triển sau Cách mạng Tháng Mười bị ăn mòn dần, trở nên quan liêu. Trong bối cảnh đó, nhân dân thiếu tin tưởng lại xuất hiện nhiều khuynh hướng cơ hội, mị dân, thu hút sự quan tâm, hy vọng của quần chúng vào những giải pháp chưa chắc chắn, thậm chí cực đoan…, những người lãnh đạo tối cao của Đảng lại chia rẽ, thậm chí có người phản bội thì cuộc khủng hoảng trở nên toàn diện, gay gắt và Liên Xô đã sụp đổ.

Liên Xô tan rã không phải có nguồn gốc sâu xa từ Cách mạng Tháng Mười như những kẻ thù địch và cơ hội rêu rao lừa bịp thiên hạ. Không thể lẫn lộn giữa cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại “rung chuyển thế giới” với sự sụp đổ của Liên Xô vào thập niên cuối thế kỷ XX. Không thể vì Liên Xô sụp đổ mà phủ nhận nước Nga vươn lên từ trình độ lạc hậu để trở thành cường quốc, đã đánh bại chủ nghĩa phát xít. Không ai có thể rắp tâm phủ nhận biểu tượng về Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, vì nó đã ăn sâu vào tâm khảm của dân tộc Nga, của các dân tộc trong Liên Xô và tất cả các dân tộc trên toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã phá vỡ một mảng của thế giới tư bản chủ nghĩa, đã mở ra thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, tạo thế và lực cho nhiều dân tộc, nhiều quốc gia đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, con đường dẫn tới khả năng sáng tạo to lớn và triệt để nhất nhằm thực hiện lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng đông đảo quần chúng lao động bị áp bức, xóa bỏ tình trạng người bóc lột người.

Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là một cuộc Cách mạng chính trị mà còn là thành quả của văn hóa, văn minh nhân loại, nên Cách mạng Tháng Mười Nga và Lênin vĩ đại sẽ sống mãi với xã hội loài người. Lịch sử loài người đang trải qua những bước quanh co; cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo qui luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội, (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XI. NXB Sự thật, Hà Nội - 2011, tr.69).

3. Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và Lênin vĩ đại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc; sáng lập và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam; làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước của công nông. Và từ đó, trải qua bao bước thăng trầm đầy gian lao, khốc liệt, các thế hệ lãnh đạo của Đảng cùng nhân dân ta đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, giành nhiều thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dẫn đường chỉ lối cho dân tộc Việt Nam sau Cách mạng Tháng Mười Nga đã khẳng định: “Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười” (Hồ Chí Minh – Toàn tập, NXB Sự thật, Hà Nội – 2000. Tập 12, tr.305).

 

Lênin với các chiến sĩ Cách mạng trong cung điện Mùa Đông những ngày Cách mạng Tháng Mười năm 1917. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Lênin với các chiến sĩ Cách mạng trong cung điện Mùa Đông những ngày Cách mạng Tháng Mười năm 1917. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)


Biết ơn công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười, chúng ta luôn biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô, nhân dân Nga đối với cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Đặc biệt chúng ta cần quán triệt, thấm thấu, và vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười được lãnh tụ kiệt xuất Hồ Chí Minh tổng kết cách nay gần nửa thế kỷ. Trong đó bài học đầu tiên, quan trọng nhất là bài học về xây dựng Đảng. Bác Hồ viết: “Cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công” (Hồ Chí Minh – Toàn tập, NXB Sự thật, Hà Nội, 2000, Tập 12, tr. 303).

Tuân theo lời chỉ dẫn của Bác Hồ, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao thử thách, đánh thắng hai đế quốc to, giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông và đã có những thành quả quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt trong 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới. Song, trong bối cảnh chung của thế giới và trong nước hiện nay, Đảng ta, đất nước ta còn phải đương đầu với biết bao thử thách gay go. Cho nên kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga trong tình hình hiện nay, hơn lúc nào hết cần ghi xương khắc cốt, thấm thấu và thực hiện có hiệu quả lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng.

Sau khi trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm vạch rõ những suy thoái của một số cán bộ, đảng viên và cảnh báo hai nguy cơ đối với một đảng cầm quyền: một là, sai lầm về đường lối; hai là, sự suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên. Từ năm 1994 Đảng ta cũng đã xác định bốn nguy cơ đối với cách mạng Việt Nam, trong đó có nguy cơ sai lầm về đường lối, đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa và nguy cơ về sự suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Các Đại hội của Đảng ta trong những nhiệm kỳ gần đây đều đánh giá tình trạng về suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu…, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển đất nước. Và trong những năm gần đây Ban Chấp hành Trung ương đã ra nhiều Nghị quyết về xây dựng Đảng, đã đánh giá “có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Từ những lời dạy của Lênin và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thực tiễn của Đảng ta hiện nay, thiết tưởng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga một cách thiết thực nhất là nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay với một quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, với tinh thần trách nhiệm cao và lương tâm, đạo đức trong sáng, với thái độ cầu thị của các cấp lãnh đạo và của từng cán bộ, đảng viên; không tiếp tục làm giảm sút và tổn thương sự tin tưởng của nhân dân. Có như vậy thì lý tưởng vĩ đại của Cách mạng Tháng mười Nga, tương lai tươi sáng của chủ nghĩa xã hội, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” không chỉ là khát vọng mà là niềm tin về một hiện thực tương lai sáng lạn./.

Phan Xuân Biên

Nguồn: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/cach-mang-thang-muoi-nga-100-nam-nhin-lai-1491839296

Số lượt truy cập