Khoa Ngữ Văn
  
Trang chủ Nghiên cứu khoa học VĂN HỌC VIỆT NAM VĨNH BIỆT PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN NGUYÊN TRỨ
VĨNH BIỆT PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN NGUYÊN TRỨ PDF. In Email
Thứ sáu, 26 Tháng 7 2019 00:37

VĨNH BIỆT PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN NGUYÊN TRỨ

Bùi Mạnh Nhị

Biết Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Nguyên Trứ bị bệnh đã lâu ngày nhưng tin thầy qua đời vẫn làm những đồng nghiệp, học trò và bao người thân quen của thầy bàng hoàng thương tiếc. Thêm một nhà ngôn ngữ học, một nhà giáo tài hoa, đức độ, một tiếng hát ân tình, trong sáng của Bài ca Sư phạm ra đi.

Từng tốt nghiệp Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, Trường Sinh ngữ Trung Hoa năm 1950, từng làm Hiệu trưởng Trường cấp 1 Tân Minh (Tuyên Hóa), Hiệu trưởng Trường cấp 1 Hòa Ninh (Quảng Trạch, Quảng Bình), sau đó học và tốt nghiệp tại Khu học xá Trung ương và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ 1954 đến 1959, thầy Nguyễn Nguyên Trứ đã chuẩn bị cho mình một hành trang và thực tiễn văn hóa sâu rộng, để vào nghề. Thầy tiếp nối truyền thống của một gia đình Nho học đầy khí tiết. Thầy Nguyễn Nguyên Trứ rất khiêm tốn nên ít ai biết một trong những cụ tổ trực hệ của thầy, cụ Nguyễn Hiệu (1674 – 1735), từng là đại thần nhà Lê trung hưng.  Thân sinh của thầy, cụ Nguyễn Trinh Vực, cũng là giáo học, từng dịch nhiều thơ ngụ ngôn, những bài thơ “uốn nắn những phong tục, tật xấu bằng tiếng cười” của La Fontaine sang tiếng Việt. Năm 2017, Nhà xuất bản Nhã Nam và Hội Nhà văn Việt Nam đã tái bản tác phẩm song ngữ Việt- Pháp Thơ ngụ ngôn La Fontaine của dịch giả Nguyễn Trinh Vực, họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa.

Thầy Nguyễn Nguyên Trứ thuộc lớp cán bộ đầu tiên được phân công về xây dựng Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh) từ năm 1959 và đã 22 năm, từ năm 1959 đến 1981, nghiên cứu, giảng dạy tại ngôi trường giàu truyền thống này trong thời kì gian khó nhất. Sau đó, Thầy chuyển về nghiên cứu, giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1981 đến khi nghỉ hưu, năm 1997. Thầy đã được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Hai và Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng Nhất, được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1984, và được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1994.

Từng dạy Văn học Trung Quốc, Văn học Việt Nam tại Trường Đại học Sư phạm Vinh nhưng công việc chính của thầy là nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ. Các công trình chủ yếu của thầy gồm Ngữ âm học tiếng Việt hiện đại (Nxb Giáo dục, 1977), Thơ và thẩm bình thơ (Nxb Giáo dục, 1991), Học tập phong cách ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đồng tác giả, Nxb Khoa học xã hội, 1979), Những vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam (viết chung, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1980), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (viết chung, Nxb Khoa học xã hội, 1981), Sách giáo khoa Tiếng Việt 11 ( viết chung, Nxb Giáo dục, 1991), Sách Bài tập Tiếng Việt ( viết chung, Nxb Giáo dục, 1991), Đề cương bài giảng về phong cách học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 1983); v.v…

Những đồng nghiệp, học trò từng làm việc hoặc được thầy giảng dạy, hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ khó có thể quên một con người   tài hoa nhưng khiêm tốn, dứt khoát nhưng hiền hậu, nhẫn nại, luôn quan tâm tới người khác, như thầy. Xin được kể ba mẩu chuyện làm tôi nhớ mãi về thầy.

  1. 1. Thương người như thể thương thân

Tôi có thói quen rất thích được trò chuyện với các nhà ngôn ngữ học. Bởi vì chuyên môn của tôi, ngành văn học dân gian, nói như nhà nghiên cứu V. Ia. Prop, rất gần với ngôn ngữ học. Trong một lần trò chuyện, thầy Nguyễn Nguyên Trứ hỏi tôi: Nhị ơi, trong câu tục ngữ Thương người như thể thương thân, vì sao dân gian đặt vế thương người lên trước thương thân? Không đợi tôi trả lời, thầy hỏi tiếp: Khi nào người ta mới nói thương thân nhỉ? Lúc sung sướng, hạnh phúc, có khi nào người ta nói thương thân không? Nếu có nói, thì để nhắc, để nhớ tới cái gì?

Chao ôi, đúng là câu hỏi của nhà tu từ học, phong cách học! Chính những câu hỏi ấy của thầy đã gợi cho tôi bao ý tưởng để phân tích, để viết về câu tục ngữ kiệm lời mà rộng lớn và thẳm sâu tình ý ấy. Sau này, mỗi khi giảng, hay hướng dẫn sinh viên thảo luận về câu tục ngữ, tôi lại nhớ tới lần trò chuyện đầy ấn tượng ấy của thầy.

Soi vào cuộc đời thầy, tôi nghiệm thấy, hình như thầy và vợ thầy, cô Nguyễn Thị Cam, nguyên Trưởng phòng Quản trị - Thiết bị, chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đã sống với mọi người, nhất là những người trong hoàn cảnh khó khăn, đúng như triết lí, lời khuyên, lời nhắn gửi của cha ông cho con cháu muôn đời. Cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đều biết, không có chuyện vui, buồn nào của những người trong trường mà thầy, cô không có mặt.

  1. 2. Ba thứ, nhất định phải đầy

Thầy Nguyễn Nguyên Trứ luôn chịu khó lắng nghe người khác. Những điều biết được, học được từ người khác, kể cả học trò, thầy không bao giờ quên. Trong một lần nói về phong tục quê hương ngày Tết, tôi kể với thầy: Ở quê em, ngày cúng Ông Táo (23 tháng Chạp), thiếu gì thì thiếu, nhưng các gia đình đều cố gắng để nhất định ba thứ phải đầy: hũ gạo trong nhà, hũ muối trong bếp và chum (lu) nước trước nhà. Ba thứ ấy phải đầy để nhờ ông Táo lên Trời tâu với Ngọc Hoàng nguyện ước trong năm mới của gia đình.

Tôi kể rồi cũng quên đi. Bất ngờ là chuyện ấy được thầy nhớ. Rồi thầy nhắc con cái trong nhà làm theo. Gặp tôi, thầy hay nhắc lại chuyện ấy. Có lần, thầy còn “tiết lộ” cho tôi biết thêm: từ khi làm như thế, kinh tế gia đình thầy no đủ, dư dật hơn.

Các con thầy, về sau, hình như đều biết chuyện này. Nghe thầy nhắc lại chuyện, tôi cứ phân vân. Điều đó là ngẫu nhiên? Hay có phải, một phong tục dân gian giản dị, khi được tin và trân trọng thực hiện, lại có ứng nghiệm diệu kì!

  1. 3. Ngàn vàng khó mua được cái gầy của tuổi già

Tôi biết câu danh ngôn vàng ngọc này từ thầy Nguyễn Nguyên Trứ. Thầy dùng nó để nói về GS. Lê Trí Viễn, người có vóc dáng nhỏ, thanh, luôn kiên trì tập luyện nên sức khỏe rất tốt, rất dẻo dai, trường thọ. Thầy nói về GS. Lê Trí Viễn để noi gương. Bản thân thầy, với nhiều người trong chúng tôi, cũng là tấm gương về sự rèn luyện, làm việc hết mình và luôn lạc quan, vui vẻ.

Tuổi trẻ của thầy Nguyễn Nguyên Trứ gắn liền với giai đoạn gian khổ nhất của đất nước. Ít ai biết rằng thầy đã phải cắt ¾ bao tử sau những tháng năm vào sinh ra tử ở vùng đất lửa khu bốn trong những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ. Có lẽ vì thế, thầy luôn gầy.  Gặp thầy, bao giờ chúng tôi cũng gặp nụ cười hiền hậu và nhiệt huyết với nghề. Thầy đã giảng dạy tại nhiều trường đại học: Trường Đại học Sư phạm Vinh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học thành phố Hồ Chí Minh. Những giờ lên lớp của Thầy luôn để lại ấn tượng khó phai mờ trong sinh viên, học viên. Thầy hay kể với tôi về việc phải bản lĩnh, chủ động thích nghi với hoàn cảnh luôn thay đổi không ngừng. Cũng từ những câu chuyện về chủ đề này, thầy và tôi trong một lần trò chuyện đã tìm ra những hoàn cảnh sử dụng rất thú vị của câu tục ngữ Chuối sau, cau trước. Rằng, câu tục ngữ ấy nói về cách trồng các loại cây và cảnh vật quen thuộc ở những gia đình vùng nông thôn Bắc bộ: chuối thì trồng sau nhà, cau thì trồng trước cửa. Rằng, câu tục ngữ ấy nhắc người ta buồng chuối, quả chuối, buông cau, quả cau chỗ nào là ngon nhất. Rằng, câu tục ngữ ấy cũng nhắc người ta cách cắt buồng chuối, buồng cau: cắt chuối thì cắt buồng sau trước, cắt cau thì ngược lại, cắt từ buồng trước. Câu tục ngữ còn dặn người ta về cách bài trí, đặt đồ lễ trên ban thờ: đĩa cau phải luôn đặt trước nải chuối; v.v… Chúng ta vẫn nói, học ở mọi nơi, mọi lúc. Thầy Nguyễn Nguyên Trứ và tôi đã nhiều lần có những trải nghiệm thú vị như vậy.

Mấy năm gần đây, sức khỏe thầy Nguyên Nguyên Trứ giảm hẳn nhưng thầy vẫn luôn lạc quan và kiên cường vượt qua bệnh tật. Thầy vẫn hay nói vui: cái gầy tự nhiên của mình là cái ngàn vàng cũng khó mua được của tuổi già. Điều đó có thể ai đó nghi ngờ, tôi thì cũng có niềm tin như thầy! Tôi càng tin rằng những người đức độ như thầy đã và sẽ để lại cho con cháu nếp nhà an yên và hạnh phúc!

 

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Nguyên Trứ đã ra đi ở tuổi 88.  Thầy thuộc thế hệ những người xưa nay hiếm, sự ra đi của thầy để lại nhiều thương tiếc của chúng tôi. Vĩnh biệt thầy, xin được ghi lại một số dấu ấn sâu đậm của thầy và về thầy đối với chúng tôi.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 - 7 – 2019

B.M.N

 

THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: "RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/ UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA" (TRẦN QUỐC TOÀN)

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: “RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA” Trần Quốc Toàn Phó giáo sư - Tiến sĩ khoa học Bùi Mạnh Nhị từng có trang giáo...

Thông báo về việc hỗ trợ khai thác nguồn học liệu trực tuyến trong thời gian giãn cách

THÔNG BÁO V/V HỖ TRỢ KHAI THÁC NGUỒN HỌC LIỆU TRỰC TUYẾN TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH   Nhằm hỗ trợ Quý Thầy/Cô, các Anh/Chị sinh viên, học viên, nghiên cứu...
 

Học vụ

Thông báo V/v Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TIỀN ĐÓNG HỌC PHÍ, CHI PHÍ SINH HOẠT ĐỐI VỚI SINH VIÊN SƯ PHẠM (ÁP DỤNG TỪ KHOÁ TUYỂN SINH NĂM HỌC 2021 - 2022,...

Thông báo V/v Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên hệ chính quy Năm học 2021-2022

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN HỆ CHÍNH QUY NĂM HỌC 2021 - 2022     ...
 

Đoàn TN - Hội SV

THÔNG BÁO VỀ HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CỦA SINH VIÊN KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG ĐHSP TP. HCM NĂM HỌC 2008 - 2009

1/ Mục đích ý nghĩa: Trường ĐHSP là trường có nhiệm vụ hướng nghiệp dạy nghề rất rõ ràng. Đồng thời với việc được trang bị kiến thức về khoa...

 BÀI MỚI NHẤT