Khoa Địa Lý
  

webmail

Lượt truy cập

Liên kết website

Học tập trực tuyến

nghiencuukhoahoc

album_hinh

Trang Chủ Góc nhìn Sinh viên Sv Nguyễn Thị Bảo Trân
Sv Nguyễn Thị Bảo Trân PDF. In Email
Thứ bảy, 03 Tháng 8 2019 03:12

# Góc nhìn sinh viên

HỌC SONG NGÀNH: CƠ HỘI KÉP, NGẠI GÌ KHÔNG THỬ

Nguyễn Thị Bảo Trân

SV lớp Sư phạm Địa lí K42 và Địa lí học K44

 

Thân gửi đến các em sinh viên, và đặc biệt là các em học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 đang phân vân trong việc chọn ngành, chọn trường!

Chị là Nguyễn Thị Bảo Trân, hiện nay là sinh viên khóa 42 của Khoa Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Là một sinh viên sắp sửa bước vào năm cuối, sau 3 năm học tập tại khoa, chị có một số điều muốn gửi gắm đến các em.

 

 

 

 

Đầu tiên, vì sao nên chọn học tại Khoa Địa lí?

Khoa Địa lí hiện nay có đội ngũ giảng viên có tâm và có tầm. Có tầm vì các thầy cô đều là những giảng viên nổi tiếng, có kinh nghiệm lâu năm, cùng với nhiều giảng viên trẻ nhưng các thầy cô cũng đã chứng tỏ được khả năng của mình. Đặc biệt, trong hoạt động hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài Nghiên cứu khoa học, các thầy cô đều là người có tầm nhìn xa, hướng dẫn sinh viên một cách tận tình, chi tiết, giúp cho hoạt động nghiên cứu vốn dĩ là khó khăn với sinh viên trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Có tâm, vì với chị, các thầy cô đã tận tình giúp đỡ chị cũng như các sinh viên khác một cách hết mức có thể, để sinh viên của khoa không phải chịu thiệt thòi trong quá trình học tập và giúp sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tốt khi ra trường. Thầy cô khi giảng dạy, ngoài kiến thức còn trao cho sinh viên kinh nghiệm sống, kinh nghiệm với nghề và gửi gắm những mong muốn đến sinh viên đề giúp các em tự mở rộng con đường tương lai.

Thứ hai, nếu chọn Sư phạm Địa lí – xin đừng nghĩ đây là môn phụ, cơ hội xin việc không có!

Có thể nói hiện nay, nghiên cứu Địa lí nói chung và Sư phạm Địa lí vẫn đang là một ngành nghề rất “hot”. Là một ngành khoa học bao hàm cả tự nhiên và xã hội, môn học bám sát thực tiễn, ứng dụng vào cuộc sống dễ dàng mà không phải môn học nào cũng có thể đáp ứng được. Sau 3 năm học tập tại khoa, chị nhận thấy bản thân có khả năng làm việc trong rất nhiều ngành nghề liên quan, nếu như không đi theo sự nghiệp giảng dạy. 4 năm học tập, các em sẽ được cung cấp đầy đủ nhất những kiến thức về Tự nhiên và Kinh tế - Xã hội của cả Thế giới và Việt Nam. Nhận biết và có khả năng đánh giá tiến trình phát triển kinh tế và xã hội của một quốc gia. Có rất nhiều những cựu sinh viên của khoa đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu viên, quy hoạch, công ty viễn thám… và đều đạt được những thành công nhất định. Đặc biệt, giảng dạy Địa lí tại các trường bậc THCS, THPT, cao đẳng và đại học là công việc mà sinh viên ngành Sư phạm Địa lí sau khi ra trường có thể đảm nhận một cách hiệu quả, có tính cạnh tranh rất cao. Vì vậy, đừng ngần ngại nếu chọn học tại khoa Địa lí nếu em yêu thích.

Thứ ba, hãy mạnh dạn chọn học song ngành (song song hai chương trình Sư phạm Địa lí và Địa lí học)

Chị hiện là sinh viên tiên phong lựa chọn học song ngành để khi tốt nghiệp, chị sẽ có không phải 1 mà là 2 bằng Cử nhân. Đối với việc học song ngành, các em được gì và mất gì? Học 1 ngành đã khó, học 2 ngành sẽ như thế nào?

Nói về cái chị sẽ mất trước nhé!

Cái chị mất nhiều nhất có lẽ là tiền bạc và thời gian. Bởi lẽ, sinh viên Sư phạm, học ngành thứ 2 ngoài Sư phạm phải đóng học phí. Nói là tiền bạc cho nó ghê gớm chứ thật ra trừ những môn chung mà ngành trước chị đã học, chỉ phải đóng học phí cho những môn chuyên ngành. Mà học phí ở Sư phạm thì khỏi nói, đảm bảo thuộc top… thấp nhất thành phố Hồ Chí Minh. Về thời gian, chị bắt đầu học song ngành từ học kì 1 của năm thứ 3. Khi đó nếu như các bạn cùng lớp chỉ cần học từ 6 đến 7 môn cho một học kì thì chị phải học từ 9 đến 10 môn. Học nhiều hơn các bạn khác, thời gian thi trải dài. Mỗi môn học đều yêu cầu chúng ta có một thái độ nghiêm túc, hoàn thành những bài tập được giao và thi đạt kết quả tốt nhất. Có đôi khi một buổi sáng chị phải thi cả 2 môn của 2 ngành, rất áp lực và căng thẳng vì bản thân chị mong muốn kết quả tốt nhất. Nhưng chắc chắn các em sẽ không phải hối hận và tiếc nuối, vì thời gian bỏ ra như vậy cũng không quá khủng khiếp và chị thấy nó xứng đáng (chị vẫn hoàn thành việc học có kết quả tốt, vừa tham gia nghiên cứu khoa học, đi làm thêm trang trải cuộc sống và vẫn còn thời gian tham gia các hoạt động Đoàn – Hội nhé).

Còn những điều chị có được khi chị học song ngành?

Là kiến thức mới – điều đương nhiên. Địa lí học hay còn được gọi là Địa lí du lịch, là một ngành đào tạo những người làm việc trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy các môn học chuyên sâu vào kiến thức du lịch, được dạy bởi các thầy cô có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch. Ngoài việc học với các thầy cô trong khoa, chị còn có cơ hội được học với các thầy cô là giám đốc các công ty du lịch, những thầy cô từng công tác trong Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Các thầy cô khi giảng dạy đã cung cấp kiến thức, kĩ năng làm việc sau khi ra trường và những kinh nghiệm của các thầy cô đã trải qua. Khi học tập, chị rèn luyện được kĩ năng làm việc chuyên nghiệp hơn, thái độ của một người làm việc trong ngành dịch vụ, khả năng tổ chức một tour du lịch, biết tổ chức trò chơi và hoạt động dã ngoại khi dẫn tour team buiding... thông qua các môn học, chị được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, chuẩn bị những kĩ năng và kiến thức cần thiết cho việc ra trường.

Điều đặc biệt khi học ngành Sư phạm Địa lí và Địa lí học (Địa lí du lịch) là những chuyến thực địa. Nếu như các em đã quen với việc đi theo một lịch trình có sẵn, quen được người khác chăm lo về mọi thứ khi đi du lịch. Thì trong những chuyến thực địa này, các em sẽ được hướng dẫn để tự mình tạo ra một lịch trình từ 10 đến 20 ngày, tìm kiếm địa điểm tham quan phù hợp, tính toán tuyến đường di chuyển hợp lí nhất, thỏa thuận thuê xe, mua bảo hiểm du lịch và liên hệ với những địa điểm tham quan, đặt ăn cho cả đoàn và đặc biệt là cách xử lí tình huống trong suốt quá trình thực địa. Các em sẽ có trải nghiệm thật sự xứng đáng khi làm việc nhóm, giao tiếp với người dân địa phương. Và quan trọng nhất, các em cần ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, giải thích được những lí do tạo nên một hiện tượng địa lí, so sánh giữa lí thuyết và thực tiễn có gì giống và khác nhau. Qua những chuyến thực địa, bản thân các em sẽ trưởng thành hơn, kĩ năng mềm cũng được hình thành và kiến thức sẽ khắc sâu hơn.

Điều cuối cùng chị muốn nói, là chị chưa từng cảm thấy hối hận khi chọn học tại Khoa Địa lí. Chị tin rằng, chị tự hào khi nói mình là sinh viên của Khoa Địa lí – một khoa có chất lượng tốt trong việc đào tạo sinh viên chuẩn về cả kiến thức và kĩ năng, đáp ứng được chuẩn đầu ra của một sinh viên đại học cần có sau khi ra trường. Vì vậy, chọn Địa lí học hay Sư phạm địa lí là ngành học chính, sau đó thử thách mình ở ngành còn lại để sau này có cơ hội việc làm rộng mở thì tại sao chúng ta ngại gì mà không thử.

 

 

 

 



bogddt 1275359403_Portfolio 1275359468_Book 1275359498_adept_installer  hanhchinh
Tuyển Sinh
 Tuyển Dụng
 Giáo Trình
 Thư Viện Phần Mềm
Góc Cao Học