Khoa Ngữ Văn
  
Trang chủ Nghiên cứu khoa học VĂN HỌC VIỆT NAM ĐỘNG HÌNH MỚI CỦA VĂN XUÔI CHIẾN TRANH QUA NHỮNG PHÁC THẢO RỜI
ĐỘNG HÌNH MỚI CỦA VĂN XUÔI CHIẾN TRANH QUA NHỮNG PHÁC THẢO RỜI PDF. In Email
Chủ nhật, 03 Tháng 5 2020 09:04

ĐỘNG HÌNH MỚI CỦA VĂN XUÔI CHIẾN TRANH QUA NHỮNG PHÁC THẢO RỜI

BÙI THANH TRUYỀN(*)

1. Cảm quan mới trong sinh quyển mới

Khép lại cái nhìn nặng màu sắc chính trị hóa, lí tưởng hóa theo kiểu phân tuyến ta - địch, thắng – thua, chính nghĩa – phi nghĩa của văn học cách mạng, độ lùi thời gian cùng với những thay đổi trong sinh quyển văn hóa, xã hội giúp người viết lật trở, chiêm nghiệm chiến tranh từ lăng kính nhân văn, nhân bản gắn với những giá trị phổ quát của nhân loại. Chiến tranh hiện hình trên trang viết hôm nay chủ yếu từ cảm quan của nỗi buồn, của những suy tư, trăn trở trước quá khứ, hiện tại và cả tương lai của “mình” và “họ”. Con người, qua cuộc chiến, với đầy những bầm dập, thương tổn, những dư chấn nặng nề cả thể xác lẫn tâm hồn, vì thế “không một ai muốn mình sẽ tiếp tục là một con số cộng thêm trong phép thống kê xương máu” (Chiến tranh và phép thống kê - Bích Ngân). Hiện thực chiến tranh và hậu chiến đâu còn là “chiếc ráng chiều quá đẹp” như cách ví von của Nguyễn Minh Châu mà xám một màu buồn rợn bởi những đau thương, mất mát, những mảng sáng tối xô bồ khiến không ít quân nhân, thường nhân cả hai bên chiến tuyến – những người đã bị chiến tranh vô tình hay cố ý kéo vào – đều không khỏi bang hoàng, suy sụp, thậm chí mất khả năng sống bình thường.

Nỗ lực hiện đại hóa văn xuôi của đội ngũ nhà văn hôm nay thể hiện rõ nhất ở chỗ họ mạnh dạn đi vào những cạnh khía nhạy cảm của chiến tranh với cái nhìn trực diện, phản tỉnh. Đó là những trang viết lạ lẫm, đầy ám ánh nhưng cũng nhiều mê hoặc về đề tài da cam (Tiếng lục lạc – Nguyễn Quang Lập, Mười ba bến nước – Sương Nguyệt Minh, Cơ bản là buồn – Nguyễn Ngọc Thuần,…). Hai cuộc chiến tranh biên giới cũng là hai thỏi nam châm xoáy hút tâm lực, bút lực của người viết. Hơn ba thập niên, nhất là khoảng thời gian gần 20 năm đầu thế kỉ XXI, xuất hiện hàng loạt tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới Tây Nam: Dòng sông của Xô Nét (Nguyễn Trí Huân), Chiến tranh không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy), Dòng sông nước mắt (Thanh Giang), Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Đất không đổi màuNgười đàn bà khóc mướn (Nguyễn Quốc Trung), Ngôi chùa ở Pratthana, Khoảng rừng có những ngôi sao (Văn Lê), Thế giới xô lệch (Bích Ngân), Bên dòng sông Mê (Bùi Thanh Minh), Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú), Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân), Rừng đói (Nguyễn Trọng Luân), Chuyện Lính Tây Nam (Trung Sỹ), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Viết từ hành tinh kí ức (Võ Diệu Thanh)…; chiến tranh biên giới phía Bắc: Xác phàm (Nguyễn Đình Tú), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương),...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những nhà văn trải nghiệm nó, dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng luôn cảm thấy mình mắc nợ những ân ưu ngày cũ. Dư âm, dư chấn của cuộc chiến cứ mãi đeo đẳng, khiến họ phải viết ra để nhớ lại, sống lại một thời gian khổ, bi tráng mà bản thân, bạn bè, dân tộc đã sống qua. Chuyện Lính Tây Nam được Trung Sỹ viết trong tâm thế vượt lên chính mình: trực diện nhìn lại cuộc chiến tranh trên đất Campuchia để soi rọi một thời bi hùng của thế hệ, đất nước mình, để đưa ra ánh sáng sự thật trần trụi của cái lò lửa địa ngục phi nhân ấy. Bằng cái nhìn của người trong cuộc, người đi qua ngoái lại, nhà văn đã khiến chúng ta kinh ngạc bởi hiện thực đa chiều, chân thực, tươi nguyên và sinh động đến rùng mình về một chiến trường K còn ít được biết đến trong văn học, khá xa lạ với độc giả trong và ngoài nước, vì thế có sức lay động lớn. Dù không gọi đích danh, nhưng lần đầu tiên trong văn học chính thống, quân xâm lược phương Bắc cũng đã được điểm mặt chỉ tên. Đó là bọn Khựa (Mình và họ), là giặc Khợ (Xác phàm). Cả hai cách gọi này đều cho thấy thái độ căm thù, khinh bỉ của tác giả trước hành động bất nhân, phi nghĩa của kẻ thù, đồng thời tạo một khoảng cách vừa đủ để hiện thực lịch sử với hiện thực văn chương soi chiếu lẫn nhau nhưng không trùng khít lên nhau. Dụng ý nghệ thuật đó giúp người viết tự do thể nghiệm, sáng tạo và tỏ bày những suy cảm về lịch sử, về nhân sinh, thế cuộc.

Là một cô giáo trẻ, sinh ra và lớn lên ở An Giang – nơi chịu nhiều tổn thất, tang thương do Khmer Đỏ gây ra, từ một “kẻ ngoại cuộc”, Võ Diệu Thanh đã vô tình bị đẩy vào cuộc chiến. Tác giả trải nghiệm chiến tranh qua lời kể của những nạn nhân trong cuộc thảm sát Ba Chúc (Tri Tôn): chị Sương, cô Năm Chậm, mợ Tám, cô Tư Chỉnh, chú Tư Long, anh Út Nam, thím Ba Tệt,… tất cả đều chịu những sang chấn tâm lí nặng nề, dai dẳng từ nạn diệt chủng kinh hoàng cách đây gần bốn thập kỉ. Bằng cách viết đầy tính chất “điền dã” của văn học dân gian, tội ác man rợ của Pol Pot phơi bày trong cuốn sách Viết từ hành tinh kí ức khách quan, chân thực đến đáy. Có cảm giác người viết luôn bị giằng xé giữa nhiều thái cực, trạng huống đối lập: lãng quên - hoài nhớ, ám ảnh – an yên, căm phẫn – tha thứ… để rồi cuối cùng phải chọn một giải pháp trung dung: hòa đồng, cộng cảm lòng mình với tâm tình của người trong cuộc, đưa tất cả phức hợp nhận thức, tình cảm ấy lên trang giấy một cách chân xác, không tô vẽ, phóng đại, để quá khứ phục sinh trong hiện tại dưới một hình hài khác, qua một lăng kính khác. Đó cũng là cách tác giả tự đối diện, tự giải quyết những xung đột, mâu thuẫn trong lòng mình, tự trả lời những câu hỏi, những nợ nần của quá khứ, làm người hòa giải quá khứ và hiện tại. “Mấy mươi năm đã qua, tôi ôm những miền kí ức của ai? Không phải của tôi, mà sao nặng nề quá đỗi. Nó thường đáo lại trong tôi qua cơn ác mộng, ví như một cuộc tử hình, một cuộc đối đầu trực diện và xả súng vào nhau. Như chính tôi là người làm nên những đau đớn đó”. Bằng cách ấy, người viết cũng đã giải huyền thoại về sự đau thương mà vĩ đại, vô danh mà trường cửu của dân tộc mình: “Thành ngữ có câu tấc đất tấc vàng, tôi cảm giác tấc đất là tấc hồn máu xương của nhiều đời nhiều kiếp người xưa và cả người nay. Chính những tích tụ đó làm nên linh hồn của từng vùng đất, để dẫu cho binh biến hãi hùng hay thiên nhiên khắc nghiệt, con người vẫn cứ muốn sống ngay trên chính mảnh đất quê hương mình”. Tâm cảm, động lực cầm bút của nhà văn miền Tây Nam Bộ này có nhiều điểm tương đồng với Bảo Ninh trong tuyệt phẩm Nỗi buồn chiến tranh gần 30 năm trước. Đây là minh chứng về sức sống của đề tài, tính truyền thống và hiện đại của văn học chiến tranh trong văn mạch dân tộc. Sáng tác của Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Tư cùng với đó là những thế hệ trẻ hơn nhiều (Nguyễn Thị Kim Hoà với Đỉnh khói, Trần Thị Tú Ngọc với Ngụ ngôn tháng tư, Huỳnh Trọng Khang với Mộ phần tuổi trẻ, Văn Thành Lê với Vỏ anh hùng,…) đã đề xuất, bổ sung vào kinh nghiệm chiến tranh, kinh nghiệm viết, đọc của thế hệ đi trước, kiến tạo bản sắc cho thế hệ mình [xem 3, tr.3 - 10]. Sự tiếp nối đội ngũ: những người cầm bút trong thời chiến, những tác giả trưởng thành thời bao cấp, thời đổi mới, lớp nhà văn thành danh đầu thế kỉ XXI cho thấy chiến tranh vẫn còn là miền đất giàu tiềm năng, hứa hẹn nhiều khởi sắc cho văn học nước nhà.

Những sáng tác của đội ngũ nhà văn ở hải ngoại về đề tài chiến tranh cũng mang lại sinh khí mới cho văn học đương đại. Có thể quan điểm, thái độ của người viết chưa được số đông đồng thuận; nhưng những tình cảm chân thật, lối viết mới mẻ về cuộc chiến trong quá khứ của họ là điều đáng trân trọng, giúp các tác giả trong nước có điều kiện đối chứng để thay đổi cách nhìn, cách viết. Tập truyện Người tị nạn của Viet Thanh Nguyen, một người Mĩ gốc Việt, sau nhiều trắc trở, cũng đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành vào đầu năm 2018 là một minh chứng. Cuốn sách như là chứng nhân cho một thời đoạn lịch sử mà mỗi người Việt Nam dù ở đâu cũng không được quyền quên lãng.

Sự chuyển hướng trong cảm hứng, cùng với đó là bút pháp, hiện diện ngay từ nhan đề của truyện. Tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng, Khúc bi tráng cuối cùng (Chu Lai), Thời xa vắng (Lê Lựu), Bến không chồng (Dương Hướng), Bến đò xưa lặng lẽ (Xuân Đức), Tàn đen đốm đỏ (Phạm Ngọc Tiến), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Thế giới xô lệch (Bích Ngân), Người đàn bà trên đảo, Cõi người rung chuông tận thế (Hồ Anh Thái), Mùa hè giá buốt – Văn Lê, Cõi đời hư thực (Bùi Thanh Minh), Được sống và kể lại (Trần Luân Tín), Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), Trong cơn lốc xoáy (Trầm Hương), Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú), Cơ bản là buồn (Nguyễn Ngọc Thuần), Mộ phần tuổi trẻ (Huỳnh Trọng Khang),… Truyện ngắn: Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Chuyện sót lại ở thung lung Chớp Ri (Nguyễn Quang Lập), Truyền thuyết về Quán Tiên (Xuân Thiều), Ngày xửa ngày xưa (Nguyễn Quang Lập), Đợi bạn (Ngô Tự Lập), Đốm lửa (Nguyễn Thị Minh Thúy), Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Hồn trinh nữ, Người sót lại của Rừng Cười (Võ Thị Hảo), Mười ba bến nước (Sương Nguyệt Minh), Chiều vô danh (Hồng Dân), Vết chim trời (Nguyễn Ngọc Tư), Những người đàn bà mắt đen (Viet Thanh Nguyen), Vỏ anh hùng (Văn Thành Lê),… Tản văn: Nén nhang chung (Dạ Ngân), Nối linh thiêng, Chiến tranh và phép thống kê (Bích Ngân), Không biết gì về chiến tranh (Lê Minh Khôi), Chuyện của em và chiếc túi có tên Việt Nam (Việt Linh)…; Bút kí: Viết từ hành tinh kí ức (Võ Diệu Thanh) v.v. Chúng hợp lực đẩy cái hiện thực sử thi hóa, hồng hóa một thời vào quá khứ, chia tay “cái thời lãng mạn” để đối diện với những đòi hỏi bức thiết của con người, cuộc sống hôm nay. Nhà văn làm một lần vượt cạn không ít đớn đau nhằm đổi lấy cái hạnh phúc lớn lao của nghệ sĩ: được sống và viết bằng chính con người thật của mình. Cách đây 20 năm, nỗ lực vượt qua giới hạn của văn xuôi chiến tranh chính là việc người viết đã quay trở về quá khứ, lịch sử  - một quá khứ, lịch sử đã phần nào minh bạch, hoàn kết – để “sống với vùng sáng kí ức, với kỉ niệm của một thời oanh liệt và hào hùng, thắp lên trong con người ngọn lửa của niềm tin và tình yêu với cuộc sống hôm nay” [4, tr.61], thì với văn học đương hiện, khát vọng làm sáng tỏ những cạnh chiều khuất lấp, tinh thần phản tỉnh, nhận thức lại chiến tranh, về cái giá của hòa bình, độc lập, hạnh phúc là những tư tưởng chủ đạo. Nhà văn soi chiếu hiện thực từ góc nhìn trực diện, đa sắc, đa chiều, đem lại cho sáng tác tính chất đối thoại, đa thanh – những biểu hiện sống động của chất văn xuôi, của tinh thần hậu hiện đại.

2. Sức ám gợi trong lối viết

Vượt qua lối mòn – và cũng là rào cản của bút pháp sử thi – văn xuôi hôm nay nỗ lực lột hiện mặt trái, mặt khuất của chiến tranh với sức hủy diệt, phi nhân, với những di chứng kinh hoàng mà nó để lại. Không còn âm hưởng ngợi ca hào sảng như trong văn học kháng chiến, Miền hoang (Sương Nguyệt Minh) và Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú) phác họa bộ mặt thật của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với lắm bi ít hùng. Những đoạn văn miêu tả cận cảnh cảnh giết người, cảnh hành hình “thời trung cổ” trong hai tiểu thuyết như những thước phim quay chậm quá sức chịu đựng của người xem. Độc giả rùng mình kinh sợ trước cảnh hành quyết quân tình nguyện Việt Nam, trận thảm sát ở Ba Chúc trong cuốn sách của Sương Nguyệt Minh, hay cái chết đáng thương của những cô du kích Tân Lập trong tác phẩm của Nguyễn Đình Tú. Nhà văn không ngại ngần phơi mở những tổn thương, mất mát, liên tục xoáy sâu vào những nỗi đau khôn xiết của con người nhằm tái hiện khách quan, chân thực một bộ mặt khác của chiến tranh mà diễn ngôn lịch sử, chính trị lâu nay vẫn ít nhiều né tránh.

Trong Xác phàm, chiến tranh cũng hiện lên qua những cảnh tượng thương tâm: “mười sáu nóc nhà chỉ trong vài phút đã tanh bành, tan biến như chưa hề có một bản làng nào tồn tại ở góc núi yên bình ấy”. Có quá nhiều cái chết xảy ra trong thời gian ngắn ngủi khiến người ta tê liệt, không còn đủ sức thể khóc thành tiếng. Mình và họ có đến vài trăm người, cả lính lẫn dân thường, bị giặc Khựa bắt và đem phanh thây tại tử địa mang tên “Thung lũng oan khuất”. Nhiều người bị chôn sống trong những nấm mồ tập thể. Những ngọn núi nát nhừ vì pháo bom, những con đường bị đạn cối đào xới, xác người la liệt khắp nơi, mùi tử khí bao trùm mọi chốn… Nhà văn không ngần ngại “zoom” ống kính để phóng to những cận cảnh rợn người: “sáu cái xác người trần truồng nằm ngay ngắn sát với chân tường bên kia, xác nào cũng bị mổ phanh ra”. Tiểu thuyết của hai nhà văn quân đội này gợi ra những vấn đề có ý nghĩa thời sự và nhân văn sâu sắc, mang đến cho độc giả cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, nhắc nhớ con người hôm nay trân trọng hơn cuộc sống, có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Mang nỗi ám ảnh và mất mát do chiến tranh gây ra, nhiều nhân vật luôn bị những cơn ác mộng dày vò. Nỗi đau của thể xác và tinh thần khiến cho mạch truyện trong nhiều cuốn tiểu thuyết (Nỗi buồn chiến tranh, Ăn mày dĩ vãng, Gia đình bé mọn, Bến không chồng, Dưới chín tầng trời, Thế giới xô lệch, Rừng thiêng nước trong, Mình và họ, Hoang tâm, Xác phàm,…) bị đảo lộn với nhiều mảnh ghép giữa thực và hư, giữa quá khứ và hiện tại. Dòng ký ức cuồn cuộn làm nổi rõ những đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi. Song hành với kí ức chiến tranh, nhiều sáng tác đã nỗ lực tái dựng hiện thực hậu chiến lở lói, bất toàn gây nên không ít sang chấn tinh thần cho con người. Nếu như những bi kịch chiến tranh (mà hi hữu lắm mới được đặc tả) trong văn học cách mạng thường ít xuất hiện gương mặt phụ nữ, trẻ em, thì trong văn xuôi hôm nay, họ hiện diện khá nhiều. Gắn với những nhân vật ngoại biên này, văn xuôi đương đại đã tô đậm thêm bi kịch của chiến tranh, tăng sức nặng của tiếng nói tố cáo, của tinh thần nhân bản.

Đa mang và để lại dấu ấn ở nhiều đề tài, Hồ Anh Thái vẫn dành cho chiến tranh tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Sáng tác của ông thường chọn một lối riêng khi tìm đến những phận người nhỏ bé sau cuộc chiến. Họ là những nữ thanh niên xung phong chống chọi đến kiệt lả trong nỗi cô đơn, trong sự khát khao được làm vợ, làm mẹ (Người đàn bà trên đảo). Chị Giềng (Cõi người rung chuông tận thế) phải sống trong nghèo khó, tủi buồn để rồi ra đi trong đớn đau, vật vã. Với những người như chị, đơn độc giữa trùng vây của cái ác, cái bất công, họ chỉ còn cái quyền lớn nhất – và cũng đáng thương nhất – là “quyền chết”. Thế hệ không trực tiếp ngang qua chiến tranh, nhưng những tổn thất quá lớn của gia đình vẫn chém vào họ một vết chí mạng để không còn được sống bình thường, “giữa đám đông mà cảm thấy đơn côi” (Người và xe chạy dưới ánh trăng).

Nhìn chiến tranh từ lăng kính kì ảo, từ thế giới tâm linh cũng là nét mới dễ nhận thấy và đáng được ghi nhận của văn xuôi hôm nay so với giai đoạn trước đổi mới [xem 5]. Dạng nhân vật siêu thực - những vong hồn liệt sĩ - là một trong những khám phá mới mẻ, táo bạo của người viết trong việc khắc họa chân dung người lính. Điều này thể hiện sự nỗ lực cùng tấm lòng trân trọng của tác giả trên hành trình phát hiện vẻ đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ dù là từ một thế giới khác - thế giới bên kia. Nếu lúc sinh thời, họ là những người đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, ra trận với hoài bão độc lập tự do cho quê hương, dân tộc thì khi nhắm mắt xuôi tay, bị kẹt giữa hai cõi âm - trần, khát vọng này vẫn còn cháy bỏng. Không được như bao đồng đội khác hồn có thể quay về quê hương nhờ chết có mồ mả và có người hương khói, các vong hồn thực hiện khát vọng này bằng “những kí ức đằm sâu, thân thương” của mình. Đó là nỗi nhớ Hà Nội của anh lính Phương với những ngày rét mướt, tiếng tàu điện leng keng, người bố dậy tầm bốn rưỡi pha trà, rồi những tên đường, tên phố, Tháp Bút, Đài Nghiêng...; là những kỉ niệm của Lăng về bến sông quê hương, ngôi nhà nhỏ với bóng dáng mẹ già cô đơn mà phúc hậu. Thêm vào đó là những khắc khoải chờ đợi phút giây hòa bình, đợi chờ ngày trở về được đo bằng những chỉ số thời gian xác định hoặc không xác định: Anh lính Phương và cô gái giao liên thì “có mặt trên đời hai mươi năm. Và hai mươi năm chờ đợi”, ông già thời Chín năm “đã ngụ trong hang dơi gần nửa thế kỉ” (Tàn đen đốm đỏ). Còn Lăng trong Bến trần gian xoáy vào cõi lòng người đọc bởi cái điệp khúc “mấy chục năm... mấy chục năm rồi...” cồn cào cháy ruột: “Anh đã đi mấy chục năm mà vẫn luẩn quẩn trong rừng”, “mấy chục năm rồi, nhanh lên, tôi không thể đứng đây được nữa”, “xin đừng đưa tôi về xứ của ma, tôi còn phải về thăm u, mấy chục năm rồi...” v.v. Nỗi nhớ mong như có hình khối, nó bất chấp sự quên lãng của thời gian, sự khắc nghiệt của kiếp vong hồn. Và nhân vật cũng không còn mờ mờ nhân ảnh mà hiện hữu như một người lính bằng xương bằng thịt, như Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng vãng), Kiên (Nỗi buồn chiến tranh), họ góp thêm một cái nhìn chân thực và đầy xúc động về người lính, về những cuộc chiến tranh giữ nước thần thánh của dân tộc.

So với văn học giai đoạn 1945 - 1985, văn xuôi về chiến tranh hôm nay thường nói nhiều hơn đến nỗi đau, đến mất mát của từng cá nhân cụ thể. Giọng văn vì thế mà lắng xuống, câu chữ như gãy vụn, vỡ oà trước sự thúc ép của rất nhiều xót xa, thương cảm. Dù có nhiều mất mát, xót đau nhưng phần lớn không có sự sám hối, phủ định; bao trùm lên nhiều sáng tác vẫn là sự nhân hậu, minh triết của người viết. Sự hi sinh của người lính không phải đã đặt dấu chấm hết cho những mất mát không gì bù đắp nổi của dân tộc, nỗi đau còn được kéo dài, được nhân lên ở thế giới bên kia. Nhưng một điều cũng hết sức cảm động là từ cõi âm, vẻ đẹp của nhân cách, tâm hồn các anh như được bọc trong ánh hào quang huyền thoại nên lại càng lung linh, bất tử. Cuộc tử sinh dẫu có nhiều nước mắt nhưng đó chỉ là sự chia tay tạm thời; còn nỗi đam mê, tình yêu cuộc sống, tất cả sự vĩ đại mà dung dị của người lính Việt Nam thì vẫn trường tồn và tiếp tục phát huy sức mạnh (Thần Đất – Vũ Bão, Cõi âm – Triệu Bôn, Tiếng rừng - Hiền Phương, Đợi bạn – Ngô Tự Lập, Xác phàm – Nguyễn Đình Tú, Bến trần gian – Lưu Sơn Minh, Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai, Cặp bồ với ma – Ngô Văn Phú, Tàn đen đốm đỏ - Phạm Ngọc Tiến, Khúc hát biển ban mai – Phạm Ngọc Chiểu,…). Giọng quan hoài da diết cũng gắn liền với mô tip con người cô đơn sau chiến tranh. Điều đó khiến cho nhiều truyện không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, day dứt trong giọng điệu trần thuật. Miền hoang, Mình và họ, Nỗi buồn chiến tranh, Rừng thiêng nước trong,… bám riết tâm trí người đọc bởi những cung bậc của kí ức chiến tranh với âm hưởng trầm buồn, da diết và sâu lắng.

Nỗ lực khu biệt, nâng tầm của văn xuôi chiến tranh đương đại còn hiện diện ở nhiều triết lí, đối thoại không khỏi gây hấn với lối tiếp nhận truyền thống. Đâu chỉ mắc nợ con người, những kẻ châm ngòi chiến tranh còn gây sự, làm tổn hại nghiêm trọng đến tự nhiên, môi trường sống. “Chiến tranh bẩn thỉu hơn tất cả những trò bẩn thỉu mà con người ta nghĩ ra!” (Ngược chiều cái chết – Trung Trung Đỉnh); “Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người!” (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh); “Người ta còn nhiều việc để làm hơn là báo thù. Chiến tranh là thảm họa cho cả dân tộc. Cần phải cứu lấy mọi người” (Mùa hè giá buốt – Văn Lê). Những tra vấn về được - mất, nhân bản – phi nhân, nhất thời – vĩnh cửu,… của cá nhân, dân tộc, nhân loại, của đời sống, của giá trị con người,… cũng thường xuyên xuất hiện: “Chiến cuộc, miếng cơm manh áo nó bắt người ta đi, chứ ngây ngô có hiểu gì về chính nghĩa quốc gia hay gì gì đó đâu” (Không biết gì về chiến tranh - Lê Minh Khôi); “Con người cậy có sự mạnh, hung hăng chinh phục và tàn phá mọi thứ (…) Cần phải đến với rừng để học hỏi, để nhận biết đâu là phía trước, đâu là phía sau, đâu là phải, đâu là trái” (Rừng thiêng nước trong – Trần Văn Tuấn); “Không có chiến thắng nào không có máu xương, vì vậy không cứ gì hát hò ngợi ca mãi thì người ta mới biết mình chiến thắng (…) Hãy để cho lòng từ bi lên tiếng, trong mười hai điều răn của Phật, điều đã từng làm nên bản sắc mạnh của người Việt là sự khoan hòa” (Nén nhang chung - Dạ Ngân)… Đây là những yếu tính tạo nên sự đa bội trong điểm nhìn, gọng điệu trần thuật, tính phức điệu, đa thanh (polyphony), tinh thần dân chủ của văn xuôi. Người viết không còn chiêm ngắm quá khứ bằng tâm trạng ngây ngất, tự hào đơn phiến, mà chiêm nghiệm thời bi tráng đã qua, thời loang lổ đương hiện, nhìn bản thân và những người bên kia chiến tuyến toàn diện, điềm tĩnh, bao dung hơn. Trong đoạn kết của tập bút kí Viết từ hành tinh kí ức, Võ Diệu Thanh đã để cho một cựu cán bộ Khmer Đỏ thời kháng chiến chống Mĩ, đầy từng trải, thấu hiểu lẽ đời đánh giá về những tốt xấu, đúng sai của Pol Pot, về nạn diệt chủng, về mục tiêu, mục đích của chế độ độc tài… khách quan, thấu đạt.

Chiến tranh trong tiểu thuyết, truyện ngắn hôm nay cũng nhắc nhớ người đọc qua các biểu tượng nhiều ám gợi như nước, lửa,... Màu sắc sử thi, vai trò đại diện cho lí tưởng, nhiệt huyết, sức mạnh của dân tộc không còn nữa; các biểu tượng này được sáng tạo chủ yếu từ cảm hứng bi kịch, gắn với bao kiếp phận bé mọn, vô danh trong mưa bom bão đạn. Nỗi buồn chiến tranh là sự rên xiết của con người trong “biển lửa”, “cái lò lửa tàn khốc”, “tuyến lửa”, “con lộ lửa”, “cột lửa”… Lửa ngùn ngụt cháy trong những trang nhật kí của Trần Củng: “Tiếng bom, tiếng súng hòa lẫn thành một thứ âm thanh hỗn độn. Mặt đất như bị vỡ ra từng mảng… Tiếng tre nứa cháy ngùn ngụt, lốp bốp… cả làng Chành giãy lên đành đạch…” (Cõi đời hư thực - Bùi Thanh Minh). Trong tâm thức văn hóa nhân loại, lửa có tính hai mặt: hủy diệt và tái sinh. Tuy nhiên, lửa trong văn xuôi viết về chiến tranh sau 1986 phần nhiều chỉ mang sức mạnh hủy diệt. Đi liền với biển lửa hung tàn là máu me, chết chóc, đổ nát. Cảnh binh lửa kinh hoàng khiến người lính hoang mang, thảng thốt, không biết mình chiến đấu vì lẽ gì. “Cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh gì vậy?” (Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai). Khói lửa chiến tranh không chỉ thiêu đốt vạn sinh linh nơi chiến địa mà còn lan ngún đến làng quê, phố thị cả thời chiến lẫn thời bình qua những biến thể: ngọn (bóng) đèn, khói hương,... Bóng điện tù mù, đơn độc bầu bạn cùng Kiên thâu đêm suốt sáng (Nỗi buồn chiến tranh), ngọn đèn dầu hắt sáng vàng vọt trong Bến không chồng, leo lét trong Người ở bến sông Châu hay đỏ quạch trong Người sót lại ở Rừng Cười… khắc họa những nỗi đau, bất hạnh khó nói hết bằng lời của con người, đặc biệt là phụ nữ. Nước và các biến thể của nó như dòng sông, bến nước, nước mắt,… cũng góp phần không nhỏ để phục dựng bi kịch nhân quần sau cuộc chiến: Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Bến đò Lăng (Phùng Văn Khai), Bến đàn bà (Nguyễn Mạnh Hùng), Mười ba bến nước, Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh), Bến không chồng (Dương Hướng), Hai người đàn bà xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều)… Bên cạnh những tính năng quen thuộc: xoa dịu, gột rửa, thanh tẩy, nước cùng với những sự vật gắn liền với nó như bến sông, con đò còn là tác nhân kéo dài, khơi sâu bất hạnh của không ít nhân vật: tuổi xuân mải miết xuôi dòng, còn niềm vui, hạnh phúc bình dị thì như con đò bỏ bến sang ngang.

Một điều đáng ghi nhận trong sự sáng tạo của văn xuôi chiến tranh từ đầu thế kỉ XXI là tính liên văn bản trên tinh thần đối thoại, giễu nhại những khung thước cũ. Miền hoangHoang tâm đều lấy chất liệu từ cuộc chiến biên giới Tây Nam như một “tiền văn bản” làm cảm hứng sáng tác. Từ những tư liệu, chứng nhân lịch sử và những kí ức về chiến tranh, nhà văn đã dựng lại không khí cam go, ác liệt về cuộc chiến chống lại tội ác phi nhân bản, phản nhân văn của chính quyền Khmer Đỏ. Sự dung hợp nhiều thể loại trong mỗi tiểu thuyết cũng dẫn đến tình trạng phì đại diễn ngôn, hiện thực – một yếu tính của văn chương hậu hiện đại [xem 1]. Trong Hoang tâm, Nguyễn Đình Tú đưa thơ, nhạc, truyền thuyết và cả bài văn của học sinh vào văn bản truyện. Ở Miền hoang, Sương Nguyệt Minh dụng công sưu tầm những bản tin trên báo, những bài thơ của đồng đội viết về chiến trường K. Mỗi chương của cuốn sách, nhà văn đều dẫn một mẩu tin đã được báo chí đăng tải, có trích nguồn cụ thể, như một cách làm sống lại lịch sử một thời, giúp người đọc nhập cuộc, sống cùng không khí chiến trận. Nếu như đoạn nhạc: “Ta là con của bố mẹ ta, nhớ nhà là ta tút ra về. Ta không cần ba lô không cần ô tô không cần chi mô, ta về thăm bố xong ta lại lên. Trên con đường ta đi có nhiều gian nguy làm ta khiếp vía, ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn…” đã “tái chế” ca khúc Bước chân trên dãy Trường Sơn của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối trong Hoang tâm mang tinh thần giễu nhại tâm thế của những người lính bị đẩy ra trận thì những bài hát trong Miền hoang lại là liều thuốc an thần để tên Lục Thum quên đi nỗi đau khi bị cưa chân. Các bài thơ của đồng đội Tùng không chỉ giúp những con người lạc rừng xích lại gần nhau hơn mà còn phản ánh hiện thực đói khát, gian khổ, khốc liệt nơi hoang địa khô cằn. Những thi phẩm ủy mị trong cuốn sổ nhật kí của tên lính ngụy cho thấy cách nhìn nhận, đánh giá của Nguyễn Đình Tú về vai trò của văn học nghệ thuật đối với kẻ tham chiến. Không ít lần nhân vật Anh nghĩ rằng những bài thơ mang tư tưởng mộng rớt là nguyên nhân dẫn đến thất bại của chính quyền Mĩ ngụy. Ngược lại, quân ta thắng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại một phần là do sức mạnh được hun đúc từ những bài thơ, bài hát cổ vũ tinh thần chiến đấu.

Sự chuyển biến của văn xuôi chiến tranh cũng hiện diện rõ trong chất liệu – ngôn từ, nhất là dạng thức tục ngôn [xem 6]. Trong Sắc màu chiến trận, Thu Trân đưa ra những cách diễn đạt rất “lính”: nhớ nhà nhớ quê bỏ mẹ”, “Mẹ kiếp, bảy thằng ngồi đây, khi về biết có còn phân nửa”, “đàng nào cũng sắp về âm ti cả”,… Cách ăn nói có phần bổ bã, thậm chí tục tĩu chính là liệu pháp hữu hiệu để con người đối chọi với thực tế khắc nghiệt, vượt quá sức chịu đựng. Khẩu ngữ, trong trường hợp này, như sự giải tỏa, một lối thoát của thực tại – một thực tại được nhận thức bởi ngôn ngữ chính thống với tiếng đì đoàng của súng đạn, với những lời kêu gọi lí tưởng khuôn sáo khô khan, giúp người lính can đảm đối diện với cái chết nơi chiến trường. Trong kiệt tác Đường về, Remarque cũng để nhân vật của mình bày tỏ điều này: “Ở mặt trận, nếu chúng tôi bị rơi vào tình huống tồi tệ làm chúng tôi quên tất cả những thứ vô nghĩa các ông nhồi vào đầu chúng tôi, chúng tôi nghiến răng và nói “cứt”, rồi sau đó mọi việc tiếp diễn như thường. Ông dường như không hề biết điều gì đang xảy ra! Đến đây không phải là các cậu bé dũng cảm, không phải là các học sinh thân yêu, đến đây là những người lính!” [2, tr.128]. Tạm không bàn về vấn đề tư tưởng, cách xây dựng “sắc màu chiến trận” của Thu Trân trong phương diện ngôn ngữ, nếu đối sánh với truyện ngắn của các tác giả trước cùng viết về chiến tranh, rõ ràng đã có một bước tiến nhất định. Nó là đối cực với ngôn ngữ chính thống, hướng đến một chân dung người lính, một màu sắc rất khác của chiến tranh.

Còn rất nhiều biểu hiện về sự cách tân bút pháp của văn xuôi chiến tranh hôm nay không thể nói hết trong bài viết nhỏ này. Nhưng chừng đó cũng cho thấy, khi lựa chọn đề tài, ngay từ đầu, nhà văn không thể đặt mình xuôi theo quán tính cũ. Thường trực ở người viết là ý hướng, nỗ lực vượt thoát để tạo dấu ấn, để khẳng định phong cách. Bằng sự dụng công, độc sáng trong phương thức trần thuật, sáng tác của họ đã có những đóng góp đáng trân trọng cho văn học hiện đại dân tộc.

3. Và chân trời mời gọi những đường bay

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nó vẫn là một “siêu đề tài” trong văn học hậu chiến. Viết về chiến tranh là một việc rất khó đối với các tác giả đương đại, bởi chỉ cần một chút vụng về, đứa con tinh thần của họ sẽ đi vào lối mòn của nhiều tác phẩm vang danh trước đó. Một sáng tác được xem là xuất sắc về chiến tranh trong thời đại này phải cho thấy, dù một khía cạnh rất nhỏ, sự viết lại lịch sử; ở đó có sự hòa kết đầy tính thẩm mĩ giữa diễn ngôn nghệ thuật với diễn ngôn lịch sử, diễn ngôn chiến tranh và diễn ngôn văn hóa. Bằng việc phục dựng chân thực chiến tranh-như-nó-vốn-là, văn xuôi hôm nay đã góp phần để cho độc giả, nhất là những người trẻ tuổi, có những kiến văn, xúc cảm đáng quý. Chuyện hôm qua đâu phải là một đi không trở lại; nó vẫn còn can dự trực tiếp, dài sâu vào hiện tại, và cả tương lai. Ngoại vi hóa ý đồ khơi lại, khoét sâu vết thương cũ, trong nỗ lực bạch hóa quá khứ, tác phẩm giúp bạn đọc nhận diện bản thân và đất nước mình, để có hạnh phúc của người sống trong tình yêu thương, sự tha thứ, bao dung. Những được mất của chiến tranh không ngừng được mổ xẻ, phân tích, tra vấn. Nhà văn tự đứng về phía nỗi đau, mất mát của cá nhân, dân tộc để có thêm nội lực khám phá chiến tranh ở mọi chiều kích mới mẻ của nó, góp phần “nối sự linh thiêng vào cuộc đời này” (Nối linh thiêng - Bích Ngân). Chính thái độ sòng phẳng mà đằm sâu nghĩa tình, trách nhiệm đó đã hợp sức khắc sửa nhiều di hại mà cuộc chiến gây ra. Nỗ lực trong cuộc chạy tiếp sức của nhiều thế hệ để mới hóa truyền thống, nâng tầm văn học, văn hóa, cùng với đó là vị thế dân tộc của văn học chiến tranh là điều đáng trân trọng. Phải làm sao viết về cuộc chiến, về quá khứ bi hùng mà câu chữ ngồn ngộn chất sống của hiện tại, có sức nặng dự báo tương lai, khiến cuộc sống đáng sống hơn, người gần người hơn, để tác phẩm ra đời trong sự chân thật, đầy xúc động… là những thách đố không hề nhỏ đối với người người cầm bút hôm nay.

Những gì đã trình bày cũng xác tín rằng chiến tranh vẫn là đề tài phong nhiêu, nhiều ám gợi đối với cả người sáng tác lẫn người thưởng thức văn chương Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Đây là mảnh đất màu mỡ đang chờ đợi bàn tay cày xới, bón chăm của nhà văn để cho đời những vụ mùa viên mãn. Viết về cái đã qua để chữa lành nỗi đau quá khứ, để thấu cảm đất nước, dân tộc mình, để có tâm thế an yên, minh triết của người đi về phía trước… đó là kì vọng mới, tích cực và nhân bản của văn xuôi chiến tranh mà những kết quả đã có cũng chỉ là bề nổi của một hiện thực thẩm mĩ giàu hứa hẹn.

 

(*) PGS.TS – Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Tp.Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Lê Huy Bắc (2017), Văn học hậu hiện đại lí thuyết và tiếp nhận, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[2] Erich Maria Remarque (2017), Đường về, NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Hoàng Đăng Khoa (lược ghi) (2017), Viết, như là một can dự vào lịch sử, Văn nghệ Quân đội, Số cuối tháng 12.

[4] Bích Thu (1999), Văn xuôi năm 1998 – thực trạng và vấn đề, Tạp chí Văn học, Số 1.

[5] Bùi Thanh Truyền (2014), Yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

[6] Bùi Thanh Truyền – Lâm Hoàng Phúc (2018), Tục ngôn trong truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỉ XXI từ góc nhìn kí hiệu học văn hóa, Kỉ yếu Hội thảo Quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam – những chặng đường phát triển và hội nhập quốc tế”, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, Tháng 12.

 

Nguồn: Nghiên cứu Văn học, Số 1, 2020

 

 

THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: "RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/ UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA" (TRẦN QUỐC TOÀN)

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: “RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA” Trần Quốc Toàn Phó giáo sư - Tiến sĩ khoa học Bùi Mạnh Nhị từng có trang giáo...

Thông báo về việc hỗ trợ khai thác nguồn học liệu trực tuyến trong thời gian giãn cách

THÔNG BÁO V/V HỖ TRỢ KHAI THÁC NGUỒN HỌC LIỆU TRỰC TUYẾN TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH   Nhằm hỗ trợ Quý Thầy/Cô, các Anh/Chị sinh viên, học viên, nghiên cứu...
 

Học vụ

Thông báo V/v Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TIỀN ĐÓNG HỌC PHÍ, CHI PHÍ SINH HOẠT ĐỐI VỚI SINH VIÊN SƯ PHẠM (ÁP DỤNG TỪ KHOÁ TUYỂN SINH NĂM HỌC 2021 - 2022,...

Thông báo V/v Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên hệ chính quy Năm học 2021-2022

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN HỆ CHÍNH QUY NĂM HỌC 2021 - 2022     ...
 

Đoàn TN - Hội SV

THÔNG BÁO VỀ HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CỦA SINH VIÊN KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG ĐHSP TP. HCM NĂM HỌC 2008 - 2009

1/ Mục đích ý nghĩa: Trường ĐHSP là trường có nhiệm vụ hướng nghiệp dạy nghề rất rõ ràng. Đồng thời với việc được trang bị kiến thức về khoa...

 BÀI MỚI NHẤT