Khoa Giáo dục Tiểu học (old)
http://khoagdth.hcmup.edu.vn
  
Trang Chủ Nghiên cứu GD - kỹ năng sống ''Giam lỏng'' tuổi thơ!
''Giam lỏng'' tuổi thơ! PDF. In Email
Thứ bảy, 11 Tháng 8 2007 13:20

Giam lỏng tuổi thơTT - Vui chơi là nhu cầu và cũng là quyền của trẻ thơ. Nhưng hè chưa hết mà trẻ đã phải cắp sách đến trường, quanh năm suốt tháng toàn học với học! Người lớn chúng ta nghĩ gì và phải làm gì để trẻ thơ được vui chơi?

Trẻ không có điều kiện chơi đùa, vận động ở nhà cũng như ở trường. Đó là nội dung nổi bật tại hội thảo “Hãy để trẻ em tự do vui chơi” do Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) tổ chức sáng 10-8 tại TP.HCM.

Hội thảo cũng đặt ra vấn đề: trẻ em VN nói chung ít tham gia các hoạt động tập trung sáng tạo như múa, hát, chơi nhạc cụ, họa, nặn đất sét và các trò chơi đòi hỏi sáng tạo, tưởng tượng; trong khi đó phải học thêm quá nhiều. Nói như TS Trần Đình Thuận, chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT: có nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em lứa tuổi tiểu học ở VN (6-12 tuổi) đang chịu sức ép từ cha mẹ trong việc học tập và học thêm ngoài giờ. Những điều này đang gây stress cho trẻ.

Ở nhà: dán mắt lên màn hình

“Dù lúc nào cũng muốn con được vui chơi bên ngoài ngôi nhà của mình nhưng tôi luôn cảm giác không an toàn. Ngay cả các công viên cũng đầy nguy hiểm. Từ bé đến giờ, ngoài giờ học, hầu hết thời gian con tôi ở trong nhà. Hậu quả là đến nay cháu 12 tuổi, con trai nhưng rất ngại chơi với cộng đồng... Và tôi nhận ra mình là một bà mẹ sai lầm”. Tâm tình của nghệ sĩ kịch nói Thanh Thủy đã dẫn ra một thực tế ở rất nhiều gia đình.

TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM, cho rằng hiện có rất nhiều bà mẹ đã sai lầm như vậy!

Kết quả khảo sát được công bố tại hội thảo cho thấy: có 68% các bà mẹ được phỏng vấn cho rằng con mình thích được ra ngoài, chơi tại sân chơi hoặc công viên. Thế nhưng thực tế lại mâu thuẫn với ước muốn trẻ thơ: có 91% các bà mẹ này cho biết sau giờ học con họ chỉ... xem truyền hình, xem phim hoặc video. Tỉ lệ các bà mẹ cho rằng con mình thường xuyên tham gia các hoạt động khám phá thiên nhiên chỉ khiêm tốn ở mức 5%.

Điều này hoàn toàn phù hợp ý kiến của TS Nguyễn Lân Dũng dẫn ra tại hội thảo: chúng ta đang bắt trẻ học nhiều và nặng hơn trẻ các nước nhưng lại thiếu điều kiện cho trẻ vui chơi. Trẻ em VN ngày càng sống xa thiên nhiên, không biết yêu thiên nhiên. Trẻ em (đặc biệt là trẻ thành thị) đang bị “giam” trong nhà, thiếu vắng những chuyến đi dã ngoại, vận động ngoài trời.

Trường học: không có sân chơi!

Nói về câu chuyện sân chơi ở trường học, TS Trịnh Quốc Thái - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT - dẫn ra thực tế đáng buồn: có những trường sau giờ chơi, trẻ quay vào lớp có mồ hôi là cô giáo phạt!

Ở góc nhìn của một phụ huynh, nhà báo Bạch Mai (báo Phụ Nữ TP.HCM) nêu lên một thực tế khác: các sân trường hiện nay hầu hết “ximăng hóa”, nhiều nơi có 2-3 tầng lầu. Giờ chơi, trẻ luôn được thầy cô dặn đi đứng nhẹ nhàng. HS không còn hứng thú chạy nhảy, nhiều HS chọn cách vùi đầu nghiền ngẫm truyện tranh ngay tại lớp thay vì xuống sân chơi.

Sân chơi, sân tập thể dục ở mỗi ngôi trường được xem như lớp học mà ở đó trẻ sẽ được học qua các trò chơi vận động. Không có sân làm sao học! Thế nhưng, ngay ở TP.HCM, nơi có rất nhiều trường tiểu học dạy hai buổi/ngày lại là nơi thiếu trầm trọng sân chơi. Có lần chúng tôi đi tìm để ghi hình một trường tiểu học có sân tập thể thao không ảnh hưởng đến lớp học (cách lớp 15m), tìm khắp hai quận nội thành TP.HCM không có trường nào có sân đạt chuẩn này” - TS Trần Đình Thuận cho biết.

Tham luận của TS Trần Đình Thuận dẫn ra một điều bất hợp lý trong chương trình giáo dục thể chất ở bậc tiểu học: HS lớp 1 vừa chuyển từ mẫu giáo lên, các em có nhu cầu vừa chơi, vừa học nhưng chỉ có một tiết thể dục trong tuần, nghĩa là các em chỉ có một tiết để vận động.

Trong khi đó, HS lớp 1 các nước có đến ba tiết thể dục/tuần. Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành cả nước không có biên chế giáo viên chuyên trách thể dục ở bậc tiểu học, cũng như không có người hướng dẫn trẻ tham gia các trò chơi an toàn.

Có một sân chơi, được chơi các trò chơi vận động ở trường là nhu cầu có thật của trẻ. Nhưng muốn giải quyết thực trạng này, theo TS Thuận, cần chuẩn hóa sân chơi các trường, có biên chế giáo viên cũng như thiết bị phục vụ các môn học, phương tiện tập luyện ngoài giờ...

Ngay trong năm học 2007-2008, với sự tài trợ của Quĩ Unilever VN, sẽ có khoảng 100 trường tiểu học ở mười tỉnh, thành được trang bị bộ thiết bị trò chơi vận động ngoài trời. Chương trình này sẽ được kéo dài trong năm năm.

Một giải pháp khác được ông Lê Ngọc Điệp - trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM - đặt ra tại hội thảo: ngay trong năm học mới này, các trường sẽ trao đổi và mời hội phụ huynh cùng vận động, hỗ trợ đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị trò chơi vận động để phục vụ HS.

Giải pháp dài hơi hơn, Bộ GD-ĐT phải tăng thời lượng vận động thể dục trong trường phổ thông, có biên chế giáo viên lĩnh vực này; đồng thời có cơ sở vật chất để tăng cường việc học tập, hoạt động ngoài trời ở nhà trường. Điều này Bộ GD-ĐT sẽ không thể gánh vác nổi. Và thông điệp từ các ý kiến tại hội thảo là kêu gọi các bậc cha mẹ cũng như toàn xã hội lưu tâm hơn đến việc tạo nhiều sân chơi cho trẻ.

Các bà mẹ Việt Nam nghĩ gì?

- 81% bà mẹ VN cho rằng nếu không được vui chơi ngoài xã hội, con cái không biết cách thiết lập các mối quan hệ xã hội.

- 74% cho rằng nếu không đủ thời gian chơi, trẻ sẽ không cảm thấy hạnh phúc và gặp khó khăn trong cuộc sống.

- 85% mong muốn con mình có tương tác với bên ngoài và được giao tiếp với trẻ khác.

- 77% cho rằng những trẻ hạnh phúc, phát triển tốt thường không phải làm theo những thời khóa biểu khắt khe.

- 65% bà mẹ lo lắng “nếu không có đủ hoạt động vui chơi, trẻ sẽ không biết cách giao tiếp xã hội”.

(Tuoi Tre Online :: PHÚC ĐIỀN)

 

Tin hành chính

Tin Chính trị - Xã hội