Khoa Giáo dục Tiểu học (old)
http://khoagdth.hcmup.edu.vn
  
Trang Chủ Tư liệu tham khảo Quán Nhớ Nụ cười tiểu học
Nụ cười tiểu học PDF. In Email
Thứ sáu, 25 Tháng 3 2011 07:26

Muốn sống bao năm cũng được

Một lần, Trong chuyến tham quan Trung Quốc, chúng tôi ghé thăm một ngôi chùa lớn ở Thượng Hải. Hướng dẫn viên là người Trung Quốc còn rất trẻ có cái tên khó đọc, khó nhớ nên cậu ta nói chúng tôi cứ gọi là “Bò húc” cho dễ. Ở cổng vào có một cây khế, Bò húc dừng lại giới thiệu với cả đoàn rằng: đây là cây khế rất đặc biệt, nếu ai đứng cạnh nó và chụp hình một lần sẽ sống thêm được trăm tuổi. Không chờ cho cậu ta nói tiếp, mọi người tranh nhau chụp hình với cây. Người thì chụp trong tư thế ôm thân cây với vẻ mặt trầm tư, người thì nhẹ nhàng chạm vào lá cây…Ai nấy hăng hái và cảm thấy mình khoẻ hẳn lên.

Bỗng Bò húc nói tiếp: còn ai không đứng chụp cạnh cây thì (chúng tôi hồi hộp) muốn sống bao lâu cũng được. Tất cả ồ lên và cùng kéo nhau đi chẳng ai chụp nữa. Hoá ra đấy là cái mánh của hướng dẫn viên sợ mất thời gian dừng lại lâu nếu tất cả mọi người đều chụp hình.

Bất lương

Thầy giáo văn của tôi rất sợ đi chợ. Vì chẳng biết trả giá thế nào, toàn ghé sau mấy bà mấy chị quan sát xem họ trả bao nhiêu rồi mua theo. Nghe nói dạo này giá cả lại lên vù vù mỗi ngày. Nhưng hôm nay, cô đi họp trên sở cả ngày để chuẩn bị triển khai Hội thi giáo viên dạy giỏi. Nên muốn hay không, thầy vẫn phải chường mặt ở chợ. Mua gì, thầy đã định hết trong đầu để làm sao đánh nhanh thắng nhanh. Trước hết là phải mua mấy lạng thịt. Hàng thịt có cả một dãy dài. Đáng lẽ phải chọn thịt, thầy lại nghĩ thịt hàng nào chả như nhau, quan trọng là người bán tử tế hay không. Lướt qua một lượt, thầy quyết định vào sạp gần cuối dãy. Cô bán hàng có bộ mặt phúc hậu, nói năng nhẹ nhàng. Anh mua chi? Cô bán hàng đon đả. Chị cho 3 lạng nạc đùi. Thầy tôi yêu cầu. Phía bán cân đong xong, phía mua cũng thanh toán tiền xong, nhưng thầy tôi vẫn ngần ngừ xăm xoi túi thịt trên tay. Ba lạng sao cứ như chỉ hơn 1 lạng. Định bụng lấy hết can đảm để yêu cầu cô bán hàng cân lại thì có mấy bà khách, cô bán hàng lại tíu ta tíu tít. Thầy tặc lưỡi: “Chắc chẳng thiếu đâu. Nhìn cô ta phúc hậu thế mà”. Rồi thầy dứt khoát rời khỏi quầy thịt không còn chút lăn tăn. Còn phải mua rau, cà chua và mấy miếng đậu hũ nữa. Hàng đậu hũ ở ngay giữa chợ, gần đấy BQL chợ có để 1 cái cân để khách hàng kiểm tra trọng lượng hàng hóa phòng có những cái cân thiếu chính xác. Thầy tôi bèn đặt ngay túi thịt lên cân lại. Thầy không tin vào mắt mình nữa. Kim đồng hồ chỉ 1 lạng 8. Thầy buột miệng rên rỉ “Trời ơi, cân thiếu đến gần một nửa. Đúng là đồ bất lương.” Một chị trong số mấy bà mấy chị đứng quanh đang chờ cân nói xen vào: “Hôm trước cũng như anh tôi nói thẳng vào mặt họ là đồ bất lương thì họ tỉnh queo bảo rằng: Các chị đi làm nhà nước có lương, chúng tôi đâu có làm nhà nước nên làm gì có lương”. Nghe thế, thầy tôi vừa bỏ túi thịt vào giỏ vừa tự nhủ: “May mà mình chưa quay lại để bắt mụ ta cân lại”.

Giống...?

Sau cuộc họp tổng kết năm học, cả khoa kéo nhau đi nhậu. Chủ quán là người Bắc nên các món ăn ở đây đậm đà bản sắc Bắc Việt. Món ruột của khoa là lòng lợn luộc, ốc bung chuối, nem rán, tép rang khế, canh cua rau đay…và cuối cùng là latsê dứa, bưởi. Nhưng hôm nay, chiều theo đề nghị của mấy người quê xứ Nghệ, chủ tịch công đoàn gọi tiếp tân cho mấy đĩa kẹo cu đơ và nước vối nóng. Trong tích tắc, kẹo cu đơ đã có mặt trên bàn. Cuộc tranh luận bắt đầu. Một số người cho rằng đây không phải kẹo cu đơ, kẹo cu đơ khác cơ. Đây là kẹo dồi. Mấy tay Nam Định lại quả quyết: là cu đơ chứ còn gì. Cô H, người quê miền Tây, chưa có chồng cầm cái kẹo trên tay, xoay qua xoay lại nói: Ừ thấy cũng giông giống. Mọi người rất ngạc nhiên.
Mấy năm sau, H lấy chồng. Vẫn ở quán xưa, chúng tôi mở tiệc tiễn cô trước khi cô theo chồng xuất ngoại. Món cuối cùng cũng vẫn kẹo cu đơ và nước vối. Khi H cầm cái kẹo lên, có người cười hỏi : Sao, có giống không? H trả lời ngay tức thì: Có lúc giống, có lúc không. Nhưng lần này chẳng còn ai tỏ ra ngạc nhiên nữa.

                                                                     (Vũ Thị Ân biên tập)

 

 

Tin hành chính

Tin Chính trị - Xã hội