Khoa Giáo dục Tiểu học (old)
http://khoagdth.hcmup.edu.vn
  
Trang Chủ Tư liệu tham khảo Giới thiệu sách Ngữ pháp tiếng Việt (dùng cho sinh viên, giáo viên ngành giáo dục tiểu học)
Ngữ pháp tiếng Việt (dùng cho sinh viên, giáo viên ngành giáo dục tiểu học) PDF. In Email
Thứ sáu, 25 Tháng 3 2011 11:07

      Tác giả: Nguyễn Thị Ly Kha.NXB Giáo dục Việt Nam 2008, 2009, 300 trang


      Lời giới thiệu
     Cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (dùng cho sinh viên, giáo viên ngành giáo dục tiểu học) này là một tài liệu ngữ pháp phổ thông, có thể được dùng làm giáo trình ở các khoa giáo dục tiểu học. Là một cuốn sách có tính khoa học, thiết thực và được viết một cách giản dị, nó cũng có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho giảng viên, sinh viên ngành Ngữ văn các trường cao đẳng, đại học, giáo viên các cấp học phổ thông và tất cả những ai quan tâm đến lĩnh vực này.
     Tác giả của sách, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ly Kha là giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một trong những tác giả của bộ sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học mới và tác giả của nhiều sách tham khảo, nhiều bài viết về tiếng Việt và phương pháp giảng dạy tiếng Việt.
                                                                            GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết

 

      Lời giới thiệu

      Cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (dùng cho sinh viên, giáo viên ngành giáo dục tiểu học) này là một tài liệu ngữ pháp phổ thông, có thể được dùng làm giáo trình ở các khoa giáo dục tiểu học. Là một cuốn sách có tính khoa học, thiết thực và được viết một cách giản dị, nó cũng có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho giảng viên, sinh viên ngành Ngữ văn các trường cao đẳng, đại học, giáo viên các cấp học phổ thông và tất cả những ai quan tâm đến lĩnh vực này. 
      Tác giả của sách, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ly Kha là giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một trong những tác giả của bộ sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học mới và tác giả của nhiều sách tham khảo, nhiều bài viết về tiếng Việt và phương pháp giảng dạy tiếng Việt.
       Với kinh nghiệm của một nhà nghiên cứu và nhà sư phạm, tác giả đã lựa chọn cho sách một cấu trúc hợp lí: trước hết, giới thiệu và phân tích những đặc điểm loại hình và phương thức ngữ pháp của tiếng Việt, rồi từ đó mới trình bày các nội dung cơ bản của ngữ pháp tiếng Việt: j từ loại (tiêu chuẩn phân định từ loại, miêu tả hệ thống từ loại, sự chuyển loại của từ), k cụm từ (cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ, cụm giới từ), l câu (cấu trúc cú pháp, phân loại câu theo cấu trúc cú pháp, phân loại câu theo mục đích phát ngôn chính) và m đoạn văn, văn bản (cấu trúc và đặc trưng của đoạn văn, văn bản; liên kết trong đoạn văn, văn bản). Để giúp người học có thêm điều kiện củng cố và vận dụng kiến thức, cuối mỗi chương mục, tác giả đều nêu ra những gợi ý thảo luận cùng hệ thống bài tập thiết thực, bổ ích.
       Hướng tới và bám sát đối tượng sử dụng, không hàn lâm nhưng cũng không đơn giản hoá vấn đề là đặc điểm xuyên suốt của cuốn Ngữ pháp tiếng Việt này. Đây vừa là điểm mới vừa là thế mạnh của cuốn sách. Để giúp người đọc vận dụng có hiệu quả các kiến thức ngữ pháp vào việc dạy học tiếng Việt ở trường tiểu học, cuối phần trình bày về mỗi đơn vị ngữ pháp, quy tắc ngữ pháp, cuốn sách đều có một số trang trình bày về nội dung tiếng Việt tương ứng được giảng dạy ở cấp tiểu học, hướng quan niệm và giải pháp của sách giáo khoa, sách giáo viên, tính khoa học và tính sư phạm của hướng giải quyết đó, đồng thời gợi ý cho người sử dụng đường hướng, cách thức ứng dụng những kiến thức về ngữ pháp tiếng Việt hiện đại vào dạy học một cách có hiệu quả. Giáo viên, sinh viên, cán bộ chỉ đạo chuyên môn, phụ huynh học sinh và những người quan tâm đều có thể tìm thấy ở những mục này bức tranh toàn cảnh về mục đích, quan điểm, nội dung và hướng xử lí những vấn đề ngữ pháp được đưa vào trong chương trình và sách giáo khoa môn Tiếng Việt tiểu học. 
       Ở một số trường hợp dễ nhầm lẫn, tác giả đều chú ý hướng dẫn người đọc phân biệt các đơn vị và hiện tượng ngôn ngữ (về các phương diện nghĩa, chức năng, hình thức) qua hệ thống cước chú, phụ lục mở rộng hoặc qua hình thức bảng biểu,... Chẳng hạn, tác giả lưu ý phân biệt hiện tượng lặp với tư cách là một phương thức ngữ pháp với lặp với tư cách là một biện pháp tu từ, phân biệt ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp, phân biệt động từ tình thái và động từ ngôn liệu, động từ nội động và động từ ngoại động, phân biệt số từ với các phương tiện chỉ lượng khác, khái niệm đại từ và việc quy loại đại từ, chức năng thay thế của đại từ và của các phương tiện từ vựng, phụ ngữ tình thái với các phương tiện biểu thị ý nghĩa tình thái chủ quan, phân biệt chủ ngữ với khởi ngữ, phân biệt câu đơn, câu phức và câu ghép, phân biệt kiểu câu kể “Ai làm gì” với “Ai thế nào”,... 
       Bên cạnh việc trình bày các vấn đề cơ bản có tính phổ thông của ngữ pháp tiếng Việt, tác giả đã cập nhật những thành tựu mới của Việt ngữ học hiện đại qua các phần mở rộng hoặc qua những cước chú ngắn gọn nhưng chứa nhiều thông tin. Kèm theo những thông tin mở rộng này, đôi khi tác giả còn có phần phân tích, khẳng định hay phê bình các quan niệm và đưa các hướng xử lí một cách ngắn gọn nhưng vẫn đủ rõ. Ta có thể tìm thấy trong cuốn sách này sự cập nhật hoá những kết quả nghiên cứu của Việt ngữ học hiện đại như phương thức trọng âm, danh từ (công thức khái quát để nhận diện danh từ, những mô tả về danh từ đơn vị và danh từ khối, sự đối lập ngữ nghĩa, ngữ pháp của hai loại danh từ này cùng với phần mở rộng bàn thêm về cương vị ngôn ngữ học của danh từ riêng, về danh từ không đếm được, danh từ khiếm khuyết, danh từ chỉ quan hệ thân tộc); ngữ nghĩa của động từ và những phương tiện có ý nghĩa tình thái; số từ và các phương tiện chỉ lượng khác; sự phân loại từ theo chức năng tín hiệu học; thành tố phụ sau của cụm danh từ, cụm giới từ, cấu trúc đề - thuyết của câu tiếng Việt;...
Tác giả đã lựa chọn hệ thống ngữ liệu một cách công phu và xác đáng. Hầu hết ngữ liệu minh hoạ được dẫn từ sách giáo khoa Ngữ văn, nhất là từ bộ sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học mới. Những ngữ liệu được lựa chọn ngoài việc thể hiện dụng ý hướng tới đối tượng sử dụng cuốn sách này, còn ít nhiều cho thấy cảm thức ngôn ngữ và cảm nhận văn chương khá tinh tế của tác giả.
      Với văn phong khoa học, giản dị, trong sáng và lập luận khúc chiết, tác giả đã trình bày những vấn đề trừu tượng, phức tạp, thậm chí có phần khô khan của ngữ pháp tiếng Việt một cách sáng rõ và không kém phần thú vị.
     Tuy vậy, nội dung cuốn sách đây đó vẫn còn bị giản lược do hạn chế của số trang và do mục đích, đối tượng sử dụng; hệ thống bài tập nếu có thêm phần chỉ dẫn hướng giải quyết thì sẽ tốt hơn cho người học,... nhưng nhìn tổng thể đây là một cuốn sách hữu ích.
     Có thể nói, cuốn sách này là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc, miệt mài và say mê của tác giả. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.                                               
                                                                                           Hà Nội, tháng 1 năm 2008
                                                                                           GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết

 
 

 

Tin hành chính

Tin Chính trị - Xã hội