French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Phòng Thanh tra đào tạo
  
Luật thanh tra năm 2010 có nhiều điểm mới so với Luật Thanh tra năm 2004 PDF. In Email
Thứ ba, 03 Tháng 1 2012 04:37

Tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc Hội khoá XII vừa thông qua Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 01/7/2011, Luật này sẽ thay thế Luật thanh tra số 22/2004/QH11.

Luật thanh tra năm 2010 gồm VII chương và 78 Điều. Trong đó, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước vẫn giữ nguyên, thể hiện trong luật thanh tra năm 2004 để phù hợp với thể chế chính trị và Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, cách thiết kế trong luật thanh tra năm 2010 đã thể hiện cụ thể hơn về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các cơ quan thanh tra nhà nước từ trung ương đến địa phương, thể hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Qua đó, khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra nhà nước với nhau và cơ quan thanh tra nhà nước với các cơ quan hữu quan.

Bên cạnh đó, Luật thanh tra năm 2010 có nhiều điểm mới so với Luật thanh tra năm 2004, cụ thể như sau:

- Chi tiết hoá các quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước. Cụ thể, Luật đã xác định rõ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra có quyền chủ động tiến hành thanh tra theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định thanh tra và chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải chỉ tiến hành thanh tra theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp (các điều 15, 16, 18, 19, 21, 22, 24, 25, 27 và 28); quy định Thủ trưởng cơ quan Thanh tra có quyền thanh tra lại đối với các vụ việc thanh tra đã được Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp kết luận khi được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giao hoặc tự mình quyết định việc thanh tra lại đối với vụ việc thanh tra đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp kết luận khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (điểm b khoản 2 Điều 16, điểm b khoản 2 Điều 19, điểm b khoản 2 Điều 22); xác định và phân định rõ thẩm quyền xử lý sai phạm, trách nhiệm trong xử lý sai phạm của cơ quan thanh tra, của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tiến hành thanh tra cũng như sau khi có kết luận thanh tra (các điều 46, 48, 53 và 55).

- Tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành: Luật thanh tra năm 2010, thay đổi lại tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành theo hướng giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực (bao gồm tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở) trực tiếp thực hiện, để chính những người thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong các cơ quan này trực tiếp tiến hành thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể là tại Điều 3 của Luật về giải thích từ ngữ đã bổ sung quy định “Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, bao gồm tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Tại Điều 30, Luật còn chỉ rõ “Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập”. Trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra chuyên ngành cũng được Luật quy định phù hợp với công tác quản lý theo ngành, lĩnh vực.

- Quy định rõ trách nhiệm, thời hạn người ra Quyết định thanh tra phải công bố công khai kết luận thanh tra: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra, Công bố tại cuộc họp với các thành phần liên quan, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đưa lên thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra. Đây là điểm bổ sung mới của Luật thanh tra năm 2010, nhằm bảo đảm nguyên tắc chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ và kịp thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thanh tra. Ngoài ra, Luật Thanh tra năm 2010, quy định nếu trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra mà không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 42).

- Trách nhiệm phối hợp: Trong phạm vi, quyền hạn của mình cơ quan thanh tra có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan khác như: Công an, Viện kiểm sát trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm xem xét, kiến nghị khởi tố vụ án do cơ quan có chức năng thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về xử lý, kiến nghị đó. Cơ quan, tổ chức hữu quan khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra có trách nhiệm thực hiện và trả lời bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý đó (khoản 2, 3 Điều 11). Đây là quy định trách nhiệm phối hợp mang tính hai chiều, thống nhất, gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước giữa các cơ quan.

-Thời gian trong hoạt động thanh tra: Đối với quyết định thanh tra hành chính trong thời gian chậm nhất là 05 ngày (theo quy định Luật thanh tra 2004 là 03 ngày) kể từ ngày ký quyết định thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải gửi cho đối tượng thanh tra; đối với thanh tra chuyên ngành thì thời hạn thanh tra, thời hạn ra quyết định thanh tra, thời hạn kể từ ngày ký quyết định thanh tra đến ngày công bố quyết định thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra do Chính phủ quy định (theo quy định luật thanh tra năm 2004 là 30 ngày).

- Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra: Ngoài các hành vi được quy định trong Luật thanh tra năm 2004, thì luật thanh tra năm 2010 có bổ sung thêm ba hành vi là: Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra; đưa nhận, môi giới hối lộ (khoản 7,8 điều 13).

- Về đối tượng, tiêu chuẩn chung của Thanh tra viên: Ngoài những quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm thanh tra viên của luật thanh tra năm 2004, thì luật thanh tra năm 2010 có thay đổi về điều kiện bổ nhiệm thanh tra viên nếu là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan quân đội nhân dân, sỹ quan công an nhân dân công tác các cơ quan khác chuyển sang cơ quan thanh tra nhà nước thì phải công tác ở các cơ quan đó từ 05 năm trở lên (điểm d, khoản 1, Điều 32). Như vậy, ngoài đối tượng là công chức thì Thanh tra viên còn mở rộng thêm đối tượng là viên chức và khi các đối tượng trên công tác từ các cơ quan khác chuyển sang các cơ quan thanh tra nhà nước, chỉ cần công tác từ 05 năm trở lên mà không cần phải công tác trong ngành thanh tra 01 năm như quy định trước đây.

HÙNG VIỆT- Sở Tư pháp Bình Định

 


 Kênh video TTĐT 

 SÁCH NGHIỆP VỤ 

 TIẾP CÔNG DÂN 

 Đăng nhập 



 Liên kết 


 Hoạt động Công đoàn 

 GIAO LƯU, TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ 

 BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ THANH TRA