French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Phòng Thanh tra đào tạo
  
Văn hóa giao tiếp trong hoạt động thanh tra PDF. In Email
Thứ tư, 21 Tháng 3 2012 15:48

 

Cho đến nay, có rất nhiều khái niệm về “văn hóa”. Khái niệm “văn hóa” vốn bắt nguồn từ chữ la tinh “colere” có nghĩa là cày cấy, vun trồng.
Từ nghĩa hạn hẹp ban đầu gắn với nông nghiệp cổ xưa, nội dung của khái niệm văn hóa được mở rộng, phát triển thành ý nghĩa vun trồng, bồi đắp hoạt động tinh thần của con người. Trong văn hóa, nhân tố hàng đầu là sự hiểu biết, sự hiểu biết trong thời đại ngày nay được đo bằng trình độ học vấn, tức trình độ tiếp thu và vận dụng những kiến thức khoa học. Nhưng chỉ dừng lại ở sự hiểu biết, chỉ riêng hiểu biết không thôi thì chưa thành văn hóa. Chỉ thành văn hóa khi sự hiểu biết được sử dụng làm nền tảng và định hướng cho lối sống, đạo lý, tâm hồn (nói cách khác là cho cách ứng xử) của mỗi dân tộc và thành viên vươn tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong mối quan hệ giữa người với người, giữa người với môi trường xã hội và tự nhiên. Cùng với quá trình phát triển, văn hóa ngày càng có nội dung phong phú. Vì thế văn hóa có nhiều định nghĩa với nội dung rộng hẹp khác nhau. Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả trình độ phát triển vật chất và tinh thần. Văn hóa hiểu theo nội dung bao gồm cả khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn hóa nghệ thuật. Văn hóa đặt trong phạm vi nếp sống, lối sống, đạo đức xã hội. Có thể nói tổng quát văn hóa là sự hiểu biết nhằm định hướng cho sự phát triển theo cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Văn hóa là một trong những bộ phận quan trọng cho sự phát triển lâu bền nhiều mặt của dân tộc. Nguồn gốc văn hóa gắn liền với nguồn gốc loài người, trong đó nổi bật lên là những gì liên quan đến hoạt động có ý thức của con người, gồm cả hoạt động giao tiếp và văn hóa giao tiếp.

Giao tiếp là một hiện tượng xã hội thể hiện các mối quan hệ người với người, với thiên nhiên qua các hiện tường giao lưu, ứng xử thông qua trực tiếp tiếp xúc, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Lý luận văn hóa Mác - Lê nin cho rằng trong quá trình phát triển xã hội, giao tiếp văn hóa được xem là có vị trí đặc biệt, bởi vì nó chính là một thành tố thuộc bản chất năng động của con người, cái làm cho văn hóa phát triển liên tục như những giá trị liên tục, đến lượt mình văn hóa góp phần làm cho con người hoàn thiện và trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. 

Giao tiếp trong hoạt động thanh tra là giao tiếp đặc thù, bởi vì chúng ta trực tiếp tiếp xúc với con người (cá nhân, tổ chức) vì những nhu cầu đời sống xã hội liên quan đến thanh tra, xét giải quyết khiếu nại, tố cáo … đến quyền, lợi ích của nhiều đối tượng. “Mục tiêu kép” của giao tiếp thanh tra là vừa để bảo vệ pháp luật, đồng thời vừa đảm bảo hài hòa các lợi ích của nhà nước, của xã hội, của tổ chức và cá nhân. Giá trị cao nhất của “văn hóa giao tiếp thanh tra” là giữ vững kỷ cương pháp luật, đảm bảo sự công bằng xã hội theo tinh thần phụng công thủ pháp, chí công vô tư của Hồ Chí Minh. Cán bộ, công chức thanh tra giao tiếp với tư cách là đại diện ngành thanh tra, vừa đại diện cho cơ quan nhà nước và là công bộc của dân. Qua giao tiếp thanh tra nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ của ngành với chất lượng và hiệu quả cao nhất; đem lại lợi ích cho nhà nước, cho nhân dân theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời thể hiện được bản chất của chế độ và truyền thống vốn có của dân tộc. Việc giao tiếp phải dựa trên quan điểm tôn trọng, biết lắng nghe, biết cách thuyết phục, biết cách xây dựng các mối quan hệ hợp tác vì quyền lợi ích hợp pháp và nghĩa tình của các bên. Cán bộ, công chức, viên chức thanh tra phải tuân thủ pháp luật, xử lý mọi tình huống linh hoạt “có lý, có tình” trong từng trường hợp giao tiếp cụ thể, phải lấy giáo dục, thuyết phục làm chính. Tất cả nhằm đảm bảo xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. Khi giao tiếp với các đối tượng, người cán bộ thanh tra phải chuẩn bị kỹ về tâm lý, nắm chắc pháp luật, đảm bảo chứng cứ đầy đủ, sẵn sàng đối thoại đấu tranh để làm sáng tỏ chân lý của sự việc một cách khách quan và chính xác. 

Điều 3 Luật thanh tra năm 2004 quy định về mục đích thanh tra “Hoạt động thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Như vậy hoạt động của thanh tra nhằm để bảo vệ pháp luật, lấy phòng ngừa là cơ bản, đồng thời phát hiện và xử lý để kỷ cương pháp luật được nghiêm minh. Coi trọng việc phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết nhược điểm để nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước. Qua đó nâng cao dân trí sự hiểu biết thực thi pháp luật giúp làm đúng, uốn nắn những lệch lạc, đó không chỉ là văn hóa thanh tra mà còn là văn hóa của người cộng sản. Như vậy hoạt động thanh tra phải có văn hóa giao tiếp, lấy con người làm trọng tâm - không có người tử tế, không có thanh tra tốt. Muốn có thanh tra tốt phải có văn hóa thanh tra phù hợp đạo lý dân tộc và không chỉ học ăn, học nói, học gói, học mở mà còn phải học chuẩn mực đạo đức xã hội. Người xưa dạy rằng “tiên học lễ, hậu học văn”. Học lễ là học làm người, học văn là là học về sự hiểu biết của con người với thế giới xung quanh. Người lừa thầy phản bạn, bất trung bất hiếu, dạy những người này chẳng khác giao trứng cho ác. Ví như: biết luật mà vi phạm luật là người có văn nhưng vô lễ. Ngày nay làm nghề gì cũng phải học để biết và để hành xử cho đúng. Làm nghề thanh tra cũng phải vậy, học cách sống có nhân văn để thực thi nhiệm vụ tốt hơn.

Văn hóa giao tiếp của người cán bộ thanh tra trước hết là ý thức học tập và rèn luyện bản thân, hết lòng phục vụ nhân dân. Hàng ngày cán bộ thanh tra thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều đối tượng là người dân đi khiếu kiện, người quản lý, doanh nhân… Khi tiếp xúc thái độ mỗi loại đối tượng đó đều khác nhau. Tâm lý chung là người khiếu kiện muốn mình thắng kiện, người vi phạm muốn “tai qua nạn khỏi”, người quản lý trực tiếp muốn mọi việc đều êm xuôi. Đứng trước những hiện tượng đó người cán bộ thanh tra phải tinh tế, bình tĩnh ứng xử có văn hóa, làm cho mọi đối tượng đều “tâm phục khẩu phục” trên cơ sở pháp luật, chứng cứ, thái độ đúng mực, tình lý rõ ràng và đối thoại thẳng thắn. Hình ảnh giao tiếp người cán bộ thanh tra được thể hiện thông qua tác phong, cử chỉ, lời nói, thái độ, tư thế, nét mặt gắn liền với cách ăn mặc nghiêm túc. Trước hết về trang phục người ta thường nói “người đẹp nhờ lụa”, trang phục thanh tra khi ở công sở và khi làm nhiệm vụ cần thiết phải đồng phục, có bảng tên đảm bảo nghiêm túc, tác phong chỉnh tề, dáng đi vững vàng, phát ngôn có tổ chức chu đáo. Khi nói chuyện và tranh luận phải có phép lịch sự, nói ngắn gọn, rõ ràng, mạnh lạc, chính xác, vui vẻ để người nghe hiểu đúng ý. Thái độ trong làm việc phải nghiêm túc, chân thành, từ tốn, có chú ý và tôn trọng người nghe. Trong mọi trường hợp đều xử lý bình tĩnh, có nghiên cứu, lắng nghe và phản bác đúng chỗ bằng lời lẽ thuyết phục, khiêm tốn, đề cao vai trò người giao tiếp với mình, tránh thao thao bất tuyệt. Đặc biệt là không đùa cợt, ba hoa, thiếu hiểu biết (biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe). Khi đối tượng đặt ra phải trả lời những câu hỏi rõ ràng, cụ thể, tế nhị, không tự ái, luôn “cầm trịch được vấn đề”, tự mình đặt ra các câu hỏi đúng lúc, đúng nội dung, không gây khó khăn cho đối tượng khi giao tiếp và biết dừng khi người nghe tỏ vẻ không đồng tình. Việc tranh luận là động lực phát triển sự hiểu biết và tìm ra chân lý mà mỗi bên đều ra sức tìm kiếm ở nhau. Cần chú ý tới những nguyên tắc chung là: vấn đề đặt ra là cả các bên đều quan tâm, tôn trọng sự thật khách quan, mỗi bên tranh luận phải bình tĩnh, điềm đạm, ôn tồn chứng minh lẽ phải và biết chờ đợi sự đồng cảm. Đồng thời cố gắng tìm thấy phần đúng của mỗi bên, bình đẳng trước chân lý, tôn trọng, không thái quá và không tự ái. Mỗi nét cử chỉ, hành động, ánh mắt của cán bộ thanh tra khi giao tiếp đều bộc lộ một loạt hành động bêntrong và bên ngoài cũng như thể hiện khả năng giao tiếp. Mỗi cán bộ thanh tra khi giai tiếp cần thận trọng “suy nghĩ kỹ trước khi nói” và nói đúng lúc, đúng nơi, có trách nhiệm và có liều lượng. Các cử chỉ kéo ghế, mời ngồi, mời uống nước, thăm hỏi ân cần càng thể hiện phép lịch sự và tôn trọng đối tượng khi giao tiếp. Người công chức thanh tra phải rèn luyện hành động ứng xử ngay thẳng, lễ phép lịch sự ở nơi làm việc, ở phòng khách hoặc nơi công tác, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Mỗi hành động giao tiếp là một phương cách chuẩn mực tô đậm thêm nền văn hóa ứng xử và gây dấu ấn tốt đẹp đối với hình ảnh cán bộ thanh tra trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Kinh nghiệm cho thấy trong hoạt động thanh tra người cán bộ thanh tra nếu biết cách ứng xử tốt, có thái độ đúng mực, lời nói, nụ cười cử chỉ thân thiện, thận trọng thể hiện sự chân thật, tôn nghiêm sẽ đạt hiệu quả cao trong mọi công việc thanh tra.

Tóm lại văn hóa giao tiếp và giao tiếp có văn hóa của người cán bộ thanh tra phục vụ nhân dân là một vấn đề lớn trước hết là ý thức tự học tập và rèn luyện của bản thân nhằm đảm bảo “vừa hồng vừa chuyên”. Muốn giao tiếp có văn hóa thì bắt buộc phải có văn hóa. Mà văn hóa vật chất và hoạt động giao tiếp là giá trị được vun đắp qua thời gian, vì cuộc sống phát triển và được chắt lọc thành bản sắc văn hóa giao tiếp xã hội và giao tiếp nghề nghiệp. Người cán bộ thanh tra là người quản lý xã hội mang tính đặc thù, luôn “như cái gương cho người ta soi, gương mờ thì không soi được” cho nên phải tuân theo những nguyên tắc nhất quán như Luật công chức, Luật thanh tra, Quy chế đoàn thanh tra, 5 điều kỷ luật thanh tra. Điều 5 của Luật thanh tra quy định “hoạt động thanh tra phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra”. Việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp của cá nhân tốt thì mới có khả năng giao tiếp tốt trong cơ quan thanh tra. Cơ quan thanh tra có tổ chức chặt chẽ và nghiêm túc, có quan hệ cấp bậc và kỷ luật cao, vì vậy phải có nền nếp có trên có dưới, có đồng nghiệp xây dựng uy tín chung và nét đẹp của cơ quan. Mọi cử chỉ thiếu kỷ luật, bất nhã, bất kính với nhân dân, với đồng nghiệp trong cơ quan sẽ làm thiệt hại đến uy tín, niềm tin yêu của nhân dân đối với ngành Thanh tra. Muốn được xã hội tin yêu thì mỗi cán bộ thanh tra phải tự hoàn thiện mình, tự chỉnh đốn mình để đảm bảo văn minh, lịch sự, có văn hóa ứng xử tốt
(Theo thanh tra.edu.vn)

 

 

 


 Kênh video TTĐT 

 SÁCH NGHIỆP VỤ 

 TIẾP CÔNG DÂN 

 Đăng nhập 



 Liên kết 


 Hoạt động Công đoàn 

 GIAO LƯU, TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ 

 BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ THANH TRA