Khoa Toán-Tin
  

Breadcrumb cho trang

Trang chủ Giới thiệu Lịch sử hình thành và phát triển
Lịch sử hình thành và phát triển
Tổng quan về khoa Toán-Tin PDF. In Email
Thứ sáu, 24 Tháng 12 2010 05:00

Các giai đoạn phát triển của khoa

Khoa Toán-Tin học được chính thức thành lập ngày 27 tháng 10 năm 1976, tiền thân là Khoa Toán, Đại học Sư Phạm Sàigòn. Ngay sau giải phóng, Khoa đã được tiếp quản và tiếp tục quá trình đào tạo từ trước đó. Như vậy, trước ngày tuyên bố thành lập, Khoa đã có một khoá đào tạo được tuyển vào tháng 8 năm 1975. Thành phần Ban phụ trách thời kỳ này gồm các Thầy Trần Đình Trúc, Nguyễn Văn Tư và Vũ Trọng Tuấn. Một số lớn GS từ trước năm 1975 vẫn ở lại tham gia giảng dạy, chẳng hạn Thầy Nguyễn Văn Trường, Thầy Trần Văn Tấn, Thầy Vũ Trọng Tuấn, Thầy Chu Duy Khiêm, Thầy Nguyễn Văn Liêng... Ngoài ra Ban phụ trách Khoa cũng mời một số nhà giáo có nhiều kinh nghiệm tại ĐHSP Hà Nội I vào hỗ trợ.

Khoá đầu tiên được tuyển vào khi trường tuyên bố thành lập là đợt thi tuyển sinh Đại học đầu tiên sau giải phóng, được tổ chức một cách qui mô không kém hiện nay, là khoá thi tháng 7 năm 1976 với khoảng 300 sinh viên trúng tuyển được xếp thành 6 lớp. Thành phần Ban phụ trách Khoa vẫn được duy trì để lãnh đạo Khoa. Vào thời điểm này, ngoài các GS đã có, Khoa còn tiếp nhận thêm một số Thầy cô từ miền Bắc chuyển vào, ví dụ cô Phạm Thị Tuấn Mỹ. Bắt đầu từ năm học 1977-1978, Ban Chủ Nhiệm Khoa Toán được thành lập, gồm các Thầy Trần Tráng, Chủ nhiệm Khoa, các Phó chủ nhiệm Khoa là Thầy Trần Đình Trúc và Thầy Nguyễn Văn Tư. Lực lượng cán bộ giảng dạy ngày càng được tăng cường như các Thầy Lê Quang Tiếng, Nguyễn Văn Chiển, Lê Hoàn Hoá... và một số GS thỉnh giảng của trường ĐHSP Hà Nội I.

Trong một thời gian dài, dưới sự lãnh đạo của Ban chủ nhiệm Khoa, Khoa Toán ngày càng phát triển cả số lượng sinh viên, số lượng cán bộ giảng dạy và chất lượng đào tạo được toàn trường cũng như được xã hội đánh giá cao. Lực lượng cán bộ chủ chốt của Khoa hiện nay được hình thành vào giai đoạn này gồm một số sinh viên tốt nghiệp của Khoa Toán ĐHSP Hà Nội I và một số sinh viên của Khoa được giữ lại trường để được đào tạo thành cán bộ giảng dạy. Khi Thầy Trần Đình Trúc đi làm chuyên gia ở Angêri, Thầy Nguyễn Bích Huy được bổ sung vào ban lãnh đạo Khoa.

Khi nhiệm kỳ của Thầy Trần Tráng kết thúc vào năm 1990, Thầy Nguyễn Bích Huy được chọn làm Chủ nhiệm Khoa với các Phó chủ nhiệm Khoa là các Thầy Nguyễn Khả và Nguyễn văn Liêng. Trong nhiệm kỳ này, Khoa ta được Bộ cho phép mở mã số đào tạo Nghiên cứu sinh, kết quả có 5 CBGD của Khoa đã trúng tuyển vào hệ này.
Nhiệm kỳ của Thầy Nguyễn Bích Huy kết thúc vào năm 1997.

Năm 1997, Khoa đã bầu lại Ban Chủ Nhiệm Khoa, đứng đầu là PGS TSKH Trần Hữu Bổng, các Phó chủ nhiệm Khoa gồm TS Nguyễn Cam, TS Nguyễn Khả và sau này bổ sung thêm TS Nguyễn Thái Sơn. Đây là thời kỳ có nhiều biến đổi . Việc đào tạo Sau đại học và Nghiên cứu sinh bắt đầu phát triển. Bốn trong năm nghiên cứu sinh của Khoa đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Toán học là các NCS Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Hà Thanh và Nguyễn Đình Lân. Kết thúc nhiệm kỳ Chủ nhiệm Khoa của PGS TSKH Trần Hữu Bổng vào năm 2001, Khoa ta đã có nhiều thành tích rất đáng khích lệ được tuyên dương trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Trường. TS Trần Văn Tấn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3. Toàn Khoa được Chính phủ cấp bằng khen, PGS TSKH Trần Hữu Bổng và PGS TS Nguyễn Mộng Hy được bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ. Một số cán bộ có nhiều công lao xây dựng Khoa đã được Bộ Giáo Dục và Đào tạo cấp bằng khen gồm TS Nguyễn Cam, PGS TS Bùi Tường Trí và TS Mỵ Vinh Quang.

Vào thời kỳ này, Khoa có 41 cán bộ giảng dạy trong đó có 23 TS và 1 TSKH, 9 Thạc Sĩ với 4 PGS và 20 Giảng viên chính tham gia giảng dạy tại 6 Bộ môn. Cũng bắt đầu vào nhiệm kỳ này Khoa ta đổi tên thành Khoa Toán-Tin học, ngoài nhiệm vụ đào tạo GV Toán PTTH ra còn nhận đào tạo thêm GV Tin học phục vụ cho các trường PTTH. Với trên 500 SV hệ chính qui, Khoa Toán-tin còn nhận đào tạo trên dưới 1000 SV hệ chính qui tại địa phương Thành phần ban lãnh đạo Khoa nhiệm kỳ 2001-2005 gồm Trưởng Khoa TS Nguyễn Thái Sơn, các Phó Trưởng Khoa: TS Nguyễn Cam, TS Lê Thị Thiên Hương và ThS Đinh văn Gắng. Vào tháng 10 năm 2001, Khoa tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa với khoảng 500 khách mời là các cựu sinh viên đã học từ những ngày đầu thành lập Khoa. Cũng vào dịp này Website của Khoa chính thức đưa vào sử dụng với hình thức thể hiện như hiện nay.

Tháng 4 năm 2005 hết nhiệm kỳ I của TS Nguyễn Thái Sơn, Khoa đã bầu lại BCN Khoa mới, gồm: Trưởng Khoa TS Nguyễn Thái Sơn, các Phó Trưởng Khoa PGS TS Nguyễn Anh Tuấn, ThS Lê Ngô Hữu lạc Thiện, ThS Phan Thiện Danh. Vào giai đoạn 2005-20010, Khoa Toán-Tin đã có sự nỗ lực vượt bậc nhằm nâng cao lực lực nghiên cứu khoa học, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng sinh viên giỏi và tăng cường quan hệ quốc tế. Vào thời kỳ này Khoa có 62 cán bộ giảng dạy trong đó có 23 TS, 20 Thạc Sĩ với 6 PGS và 20 Giảng viên chính tham gia giảng dạy tại 7 Bộ môn. Cũng vào nhiệm kỳ này Khoa nhận đào tạo ngành sư phạm tin học bằng 2 dành cho các học viên đã có một bằng tốt nghiệp đại học. Cũng vào giai đoạn này Khoa Toán-tin đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào. Kỳ thi Olimpic Toán sinh viên toàn quốc năm 2006 đội tuyển của Khoa đã đạt được giải nhất toàn đoàn với hầu hết thành viên đều đạt giải nhất cuộc thi. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp được tuyển chọn tham gia các khóa đào tạo tại ĐHKH TN TP HCM do ĐH Orlean (CH Pháp) và ĐHSP Hà Nội (chương trình đào tạo liên kết) tổ chức để nhận học bổng đi học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Pháp. Đến nay, các sinh viên tốt nghiệp sau đây đã theo học tại Pháp: Nguyễn Phước Tài (ĐH Tours), Lữ Hoàng Chinh, Trương Hồng Minh (ĐH Toulouse 3).
Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Khoa Tóan-Tin không ngừng lớn mạnh. Vào tháng 11 năm 2006 Khoa tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập.

Ngoài việc các SV tốt nghiệp loại giỏi được tiếp tục đào tạo để đi học nước ngoài, nhiều GV trẻ cũng đã xin được các học bổng đi học nghiên cứu sinh với các nhà khoa học tại Mỹ, Úc, Thụy Điển và Vương quốc Bỉ. GV Trần Thái An Nghĩa (Mỹ), GV Nguyễn Tân Khoa (Thụy Điển), GV Bùi Thế Anh (Úc), các GV Lê Minh Trung, Huỳnh Tấn Đạt và Nguyễn Thanh Phước (ĐH Canbera, Úc), GV Trần Trí Dũng đang tích cực xúc tiến hồ sơ để sang học nghiên cứu sinh tại Bỉ, GV Nguyễn Thị Nga (ĐH Joseph Fourrier) Khoa cũng đã mở được mã số đào tạo TS Didactic Toán và đang xúc tiến hồ sơ mở mã số TS về Đại số và Lý thuyết số. Hiện nay qui mô đào tạo sau đại học đã phát triển rất cao, số lượng học viên trúng tuyển mỗi khóa từ 70 đến 80 học viên. Hằng năm số lượng học viên nhận được bằng Thạc sĩ khoa học tăng đáng kể từ các chuyên ngành Giải tích, Đại số, Hình học, Phương pháp giảng dạy Toán. Một kế hoạch đang được triển khai là tiến hành đào tạo sau đại học tại các địa phương để đáp ứng nguồn nhân lực cho các trường đại học mới thành lập, trước mắt Khoa sẽ làm việc với CĐSP Đaklak về kế hoạch này.

Một số thành tựu trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học

Trong 10 năm trở lại đây, cùng với  các Khoa khác, Khoa Toán-Tin còn đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy sinh viên hệ chính qui tại địa phương của các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau, một số tỉnh đã cử sinh viên của mình đến Thành phố để tham gia học tập chung với các sinh viên hệ chính qui có ngân sách. Hiện nay toàn khoa có hơn 2100 sinh viên hệ chính qui và hệ chính qui tại địa phương đang theo học tại trường.

Về cơ cấu tổ chức đào tạo, Khoa có 7 bộ môn. Bộ môn nào cũng có nhiều cán bộ có học vị cao, nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Do đó tạo ra được nhiều cơ hội cho các  sinh viên giỏi hoàn thành được nhiều Luận văn tốt nghiệp được đánh giá cao, trong đó nhiều Luận văn đã được bổ sung các kết quả nghiên cứu để thành các đề tài sinh viên nghiê cứu khoa học và gửi đi dự thi chương trình sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và đào tạo và đạt được nhiều giải thưởng có giá trị.

Về nghiên cứu khoa học, một số bộ môn như Giải tích, Phương pháp giảng dạy Toán học, Toán ứng dụng thường xuyên tổ chức được các Séminaire cho cán bộ và sinh viên tham gia. Trong nhiều năm, việc nghiên cứu khoa học của các bộ môn được tiến hành theo từng cá nhân và từng nhóm. Vào cuối năm 2000, Khoa tổ chức Hội nghị Khoa học qui tụ được nhiều nhóm nghiên cứu trong và ngoài trường. Sau hội nghị, Ban biên tập đã xuất bản một kỷ yếu của Hội nghị. Ngoài ra, nằm trong kế hoạch kỷ niệm 25 năm thành lập, Khoa cũng đã ra mắt được một tuyển tập cáccông trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Khoa trong 25 năm qua. Đa số các công trình này đều đã được xuất bản trên các tạp chí Toán học có uy tín trên thế giới. Sau đó Khoa cũng thường xuyên duy trì được hoạt động này. Hội nghị khoa học năm 2002 và sau đó năm 2008 đã được tổ chức thành công tạo điều kiện cho các giảng viên và học viên cao học thông báo các kết quả nghiên cứu của cá nhân. Hầu hết các Hội nghị này đều được lãnh đạo trường đánh giá rất cao.

Về phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, ngoài việc các sinh viên năm cuối tham gia chương trình sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và đào tạo, chúng ta còn tổ chức cho một số sinh viên theo học một số chuyên đề do các cán bộ giảng dạy giỏi của Khoa đảm nhận. Hiệu quả của việc bồi dưỡng này có thể nói là rất lớn, một đội tuyển sinh viên tham gia thi olimpic Toán học toàn quốc đạt được các giải thưởng rất cao. Riêng năm 2007, đội tuyển của Khoa đã đạt được giải nhất toàn đoàn với hầu hết thành viên đều đạt giải nhất. Trong hâu hết các kỳ thi olimpic tin học sinh viên toàn quốc, đội tuyển của Khoa đã có rất nhiều cố gắng tuy thành tích tương đối khiêm tốn. Năm 2008, lần đầu tiên đội tuyển olimpic tin học sinh viên toàn quốc, sinh viên Hứa Lê Thanh Vi đã đạt được giải nhất.

Nhiệm vụ và chức năng hiện nay

Khoa đảm nhận nhiệm vụ đào tạo từ bậc đại học đến cao học và Tiến sĩ.

Theo thống kê đến nay có khoảng 2148 sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân khoa học, 93 học viên cao học được cấp bằng Thạc sĩ và 11 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ. Số liệu trên đây không kể một số lượng không nhỏ các sinh viên hệ tại chức được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Các bộ môn Giải tích, Đại số, phương pháp giảng dạy và Hình học đều có mã số đào tạo Thạc sĩ. Các bộ môn Giải tích, Hình học và Phương pháp giảng dạy Toán đã có mã số đào tạo Tiến sĩ, bộ môn Đại số đang xúc tiến hồ sơ để được cấp mã số.

Trong tám năm qua, Khoa cũng mở  8 khoá đào tạo Thạc sĩ giáo dục chuyên  ngành Didactique Toán hệ song ngữ với sự trợ giúp về chuyên môn của các GS thuộc Viện Đại học Grenoble.

Hiện nay Khoa nhận nhiệm vụ đào tạo hai ngành cử nhân khoa học là cử nhân khoa học toán và cử nhân khoa học tin học. Song song với hệ đào tạo chính qui, Khoa còn nhận đào tạo hệ chính qui tại địa phương hai ngành trên cho các tỉnh. Một số tỉnh gửi sinh viên của họ lên thành phố để học.

Khoá đào tạo chính qui tại địa phương đầu tiên của Khoa đang vào giai đoạn thực tập sư phạm và thi tốt nghiệp. Khoa cũng mở một số lớp ĐH tại chức. Hiện nay, tại TP HCM ta có một ĐHTC Toán và sắp tới sẽ mở một lớp ĐHTC đào tạo giáo viên tin học tại Quận 5

Nhiệm vụ thứ hai là Khoa nhận đào tạo Thạc sĩ với các chuyên ngành: Giải tích, Đại số, Hình học, Phương pháp giảng dạy Toán, trong đó bao gồm hệ song ngữ kết hợp với Trường Đại học Grenoble (Pháp)

Nhiệm vụ thứ ba là Khoa nhận đào tạo Tiến sĩ với chuyên ngành Giải tích, Hình học và Phương pháp giảng dạy Toán. Hiện nay, Khoa đang xúc tiến thủ tục để mở mã số đào tạo Tiến sĩ với chuyên ngành Đại số và lý thuyết số.

Nhiệm vụ thứ tư, Khoa còn là một trung tâm nghiên cứu khoa học của Trường với nhiều đề tài khoa học cấp bộ, trong tương lai ta cũng sẽ đăng ký một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Hai năm một lần, kể từ năm 2000, Khoa sẽ tổ chức Hội nghị Khoa học với qui mô ngày càng tăng.Trong các năm 2000, 2002, 2008 Khoa đã tổ chức thành công các HNKH với khoảng 40 báo cáo trong và ngoài trường.

.

Thể hiện vai trò của một trường đại học sư phạm trọng điểm của các tỉnh phía nam, Khoa Toán-Tin đã hỗ trợ cho các trường đại học thuộc các tỉnh đồng bằng song Cửu Long. Trong các năm 2004 đến 2006, Khoa đã giúp Đại học An Giang đào tạo chất lượng cao các sinh viên ngành sư pham Toán. Rất nhiều sinh viên đã được nhà trường giử lại làm Giảng viên và cử đi học Thạc sĩ tại tại các trung tâm đào tạo lơn như ĐHSP Hà Nội, Viện Toán học và ĐHSP TP HCM. Khoa cũng tham gia đào tạo cho Đại học Cửu Long, Đại học Kinh tế và Kỹ nghệ Long An. Hiện nay vào năm 2009 một mô hình hợp tác hiệu quả như đã thực hiện cho Đại học An Giang đã được triển khai cho Đại học Tiền Giang.

Quan hệ quốc tế là một thế mạnh của Khoa Toán-Tin so với các Khoa khác trong trường. Hiện nay Khoa Toán-Tin đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với Nhóm Didactic toán tại ĐH Joseph Fourrier, hằng năm đều có lịch làm việc chung tại ĐHSP TP HCM hoặc tại Grenoble. Nhờ sự giúp đỡ của GS Đỗ Đức Thái (ĐHSP Hà Nội) và GS Nguyễn Thanh Vân (Đại học Toulouse 3), Khoa đã cử được 2 giảng viên theo học Thạc sĩ tại trường này.

Mặt khác thông qua chương trình hợp tác với Khoa Toán-tin ĐHKHTN TP HCM, hằng năm nhiều sinh viên giỏi của Khoa sau khi tốt nghiệp đã được tuyển chọn sang học một khóa về Toán ứng dụng do các GS của ĐH Orlean (CH Pháp) giảng bài. Các sinh viên này cũng đã học tập với kết quả rất đáng khích lệ. Sinh viên tốt nghiệp Nguyễn Phước Tài đã nhận được học bổng tiến sĩ tại ĐH Tours.

Được sự giúp đỡ của GS Dương Nguyên Vũ (chuyên gia của EU về CNTT), một số GV trẻ của Khoa đã tìm được GS hướng dẫn để theo học TS về CNTT. GV Nguyễn Tân Khoa theo hướng này đã đến học tại một Trường ĐH của Thụy Điển với chuyên ngành Đồ họa máy tính. Thông qua chương trình hợp tác với ĐH Canbera (Úc), các GV Lê Minh Trung, Nguyễn Thanh Phước và Huỳnh Tấn Đạt đã đến Khoa CNTT của Trường này đê học TS và ThS Công nghệ thông Tin. Một kế hoạch hợp tác với ĐH Monash (Úc) về nghiên cứu khoa học cũng đã được thảo luận tích cực và sẽ tiếp tục tìm hiểu để có thể xúc tiến được trong tương lai.

.

Một trong các điểm mạnh của Khoa Toán-Tin được nhà trường đánh giá cao là quan hệ với các doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, Khoa Toán-Tin còn nhận được sự hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp này để khen thưởng các sinh viên có thành tích cao trong các kỳ thi sinh viên giỏi toàn quốc về Toán và Tin học. Các doanh nghiệp sau đây đã hỗ trợ cho Khoa Toán-tin rất nhiều trong thời gian qua

  1. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình tây (BITEX)
  2. Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Tín Thành (INTOC)
  3. Công ty cổ phần công nghệ SILICOM
  4. Công ty dược Thuận Gia (Ông/Bà Trần Quang Cang)
  5. Công ty dược Hoàng Long (Ông/Bà Trần Anh Dũng)
  6. Công ty SEAPRODEX Saigon
  7. Công ty cổ phần KHAI TRÍ

Công ty BITEX hàng năm tài trợ để Khoa bồi dưỡng khả năng sử dụng máy tính bỏ túi cho sinh viên tốt nghiệp phục vụ cho công việc giảng dạy ở bậc THPT. Công ty cũng đã bán máy tính CASIO FX 570 ES với giá ưu đãi để khoa có thể tặng mỗi sinh viên tốt nghiệp ngành Toán một máy tính như vậy. Ngoài ra, BITEX còn hỗ trợ kinh phí hằng năm để khoa tặng thưởng cho sinh viên đạt giải thưởng cao trong kỳ thi olimpic Toán học sinh viên toàn quốc. Công ty INTOC hằng năm cũng hỗ trợ tài chính để Khoa tặng thưởng cho sinh viên đạt giải cao trong kỳ thi olimpic tin học sinh viên toàn quốc. Các công ty còn lại đều đã có những sự hỗ trợ tài chính cho Khoa khi diễn ra các hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế và các dịp lễ hội quan trọng.