Phòng Khoa học Công nghệ & Môi trường - Tạp chí Khoa học |
|
|
Dư luận
|
Thứ bảy, 06 Tháng 5 2017 17:00 |

KHPTO - Trường đại học sư phạm T.HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với nội dung “Nghiên cứu và dạy học ngữ văn trong nhà trường - Từ truyền thống đến hiện đại”. Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, đổi mới dạy môn Ngữ văn phải theo hướng “mở”, tránh lối dạy áp đặt, dạy một chiều.
Các báo cáo tham gia Hội thảo là những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học của gần 30 trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, các cán bộ quản lí, cán bộ nghiên cứu giảng dạy và giáo viên các trường Trung học phổ thông khu vực phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh về việc nghiên cứu và giảng dạy môn Ngữ văn trong nhà trường hiện nay. Sách giáo khoa mới không nên “cắt đứt” với sách hiện hành PGS.TS. Đinh Phan Cẩm Vân, khoa ngữ văn, Trường ĐHSP TP. HCM cho rằng, thay đổi sách giáo khoa là thông lệ của bất kỳ nền giáo dục nào. Mỗi bộ sách chỉ phù hợp trong một thời gian nhất định; dài hay ngắn tuỳ vào tầm nhìn của tập thể biên soạn và chiến lược của ngành giáo dục. Những năm gần đây, giáo dục Việt Nam bước vào giai đoạn cải cách mạnh mẽ, với mong muốn thay đổi “căn bản và toàn diện” nền giáo dục nước nhà. Sách giáo khoa cần có những nội dung phù hợp với mục tiêu giáo dục mới. Sách giáo khoa hiện hành đã đáp ứng đúng yêu cầu của ngành giáo dục trong thời gian dài, mang tới nhiều hiểu biết phong phú và sâu sắc về văn học Việt Nam, văn học thế giới, cùng các kiến thức về tiếng Việt, làm văn... Nay, việc giảng dạy không hoàn toàn đi theo mô hình truyền thống, không đơn thuần truyền thụ kiến thức, do vậy cần có những thay đổi. Tuy nhiên, biên soạn sách giáo khoa mới không phải là “cắt đứt”, làm mới hoàn toàn với sách giáo khoa hiện hành. Những thay đổi mang tính kế thừa bao giờ cũng dễ được tiếp thu và chấp nhận hơn cả. Bộ giáo dục và đào tạo đã chọn kiểm tra, đánh giá là “đột phá” của cải cách giáo dục theo hướng phát triển năng lực. Cải cách thi cử đã được áp dụng. Sách giáo khoa chỉ là một phương diện của bức tranh đổi mới. Giải pháp thi cử đang áp dụng hầu hết trong các môn học, đó là thi theo hình thức trắc nghiệm. Môn Văn cũng được dự báo sẽ theo hình thức này. Biên soạn sách giáo khoa mới phải tính đến cả xu hướng cải cách trong kiểm tra đánh giá. Thi trắc nghiệm đòi hỏi rèn luyện những phương pháp, hình thức tư duy khác với tự luận. Theo TS.Trần Thanh Bình, Nhà xuất bản giáo dục tại TP.HCM, trong thời gian tới, mối quan hệ giữa giáo viên (GV) – sách giáo khoa (SGK) – học sinh (HS) cần phải được xác lập một cách đầy đủ hơn: một mặt tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo GV ở các trường sư phạm và biên soạn SGK tích hợp; mặt khác phải khẳng định rằng: phát triển năng lực người học, dạy cách học (learning to learn) cho người học vừa là điều kiện tiên quyết, vừa là mục tiêu cuối cùng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông bởi vì suy cho cùng, chỉ có HS – những người tiếp nhận kiến thức đồng thời từ nhiều môn học, nhiều GV – mới thực sự là những chủ thể tích hợp kiến thức nội môn, liên môn (và xuyên môn) để vừa phát triển học vấn phổ thông, vừa rèn luyện được năng lực ứng xử, giải quyết những tình huống thực tế đặt ra trong nhà trường và trong cuộc sống, làm cho quá trình học tập thực sự trở nên có ý nghĩa với chính bản thân mình. Bên cạnh đó, SGK cũng cần hướng đến mục tiêu phát triển năng lực GV, tạo ra những độ mở nhất định để trên cơ sở của SGK, GV có thể chủ động, tích cực và hứng thú thiết kế nên các giáo án dạy học đa dạng, sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dục nói chung và với sở trường, khả năng của từng cá nhân nói riêng. Dạy văn theo hướng “mở” Theo ý kiến của TS. Trần Thanh Bình, Nhà xuất bản giáo dục tại TP.HCM, cô Võ Thanh Thuý, Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh), mô hình dạy học dựa trên phản hồi của người học là một mô hình mở, đặt trọng tâm vào đối tượng người học, cho phép giải phóng tối đa năng lực tư duy sáng tạo của HS. Trong giờ dạy học đọc hiểu, ngoài việc HS góp phần tạo nghĩa cho văn bản khi tham gia các hoạt động đọc thì họ còn hướng tới những ý tưởng khác do chính họ sáng tạo ra. Đó là quá trình thăm dò, khám phá những cảm xúc, những mối quan hệ, gợi nhớ lại những gì người đọc đã biết về nhân vật, tác phẩm và đặt những gợi nhớ đó trong những kinh nghiệm, trải nghiệm của người đọc về con người, cuộc sống… Theo hướng dạy học này, bài học văn không dừng lại ở chỗ giờ học kết thúc. Giờ học kết thúc nhưng người đọc – người học vẫn tiếp tục suy ngẫm về những những cách giải thích, cắt nghĩa, về số phận, tính cách nhân vật, về cách kết thúc hay hàm nghĩa mà các vấn đề trong tác phẩm đặt ra… mở rộng thêm chân trời cho việc đọc hiểu văn bản. TS. Nguyễn Bá Long, Trường CĐSP Kiên Giang, môn Ngữ văn trong nhà trường (rõ nhất phần Văn) đã không bắt nhịp được với đời sống văn chương ngoài xã hội. Tính mục đích của nó cũng không thể đa dạng, đa chiều như những gì đang diễn ra trong đời sống cộng đồng. Trong khi nhiều người cho rằng phần lớn học sinh phổ thông “không chịu học văn” thì ngược lại, các em lại tỏ ra hứng thú tìm đọc những tác phẩm mới xuất bản (hợp pháp), không nằm trong chương trình. TS. Nguyễn Bá Long cho biết: “Với những “Giáo án mẫu”, “Bài văn mẫu” bày bán “mênh mông” ngoài thị trường. Chúng tôi nghĩ, lợi ít hại nhiều, nó làm mòn nếp nghĩ, “đẩy lùi” trí sáng tạo của cả người dạy lẫn người học. Nhìn chung, với một mặt bằng sử dụng tiếng Việt còn “mong manh”, “thấp thỏm” như thế, cộng với thói quen viết văn theo “mẫu”, theo “khung” đã trở thành “quán tính”; nếu phải giải quyết một vấn đề nằm ngoài “khung”, ngoài “mẫu” (nghị luận xã hội chẳng hạn), thì điểm dưới trung bình của học sinh tất sẽ “vô kể”. Điều đó chẳng có gì lạ”.
Anh Thư
Nguồn: http://www.khoahocphothong.com.vn/day-mon-ngu-van-tranh-loi-day-ap-dat-day-mot-chieu-47054.html#Zoom |
|
Chủ nhật, 23 Tháng 4 2017 17:00 |

TS. Nguyễn Thị Minh Hồng - Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo
KHPTO - Trong hai ngày 19 và 20/4, Trường đại học sư phạm TP.HCM phối hợp với Trường đại học Grenoble Alpes (Pháp) tổ chức Hội thảo quốc tế về Didactic toán lần thứ 6.
Đây là dịp để đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy trao đổi khoa học về lĩnh vực giảng dạy, học tập môn toán; thảo luận về mô hình đào tạo giáo viên và tìm kiếm những giải pháp cho việc nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Tìm mối quan hệ giữa các môn
Tìm hiểu về số phức trong mối liên hệ liên môn toán - vật lý: phân tích thực hành dạy học của giáo viên toán và vật lý ở bậc THPT, tác giả Nguyễn Thị Nga, Trường ĐHSP TP.HCM cho rằng: “Khái niệm số phức được đưa vào giảng dạy trong môn toán ở lớp 12, ở đó, chúng tôi không tìm thấy sự hiện diện của mối liên hệ liên môn với vật lý. Tương tự như vậy, trong chương trình vật lý ở bậc phổ thông, số phức không hề xuất hiện. Tuy vậy, việc nghiên cứu các giáo trình vật lý ở bậc đại học lại cho thấy số phức là một thành tố không thể thiếu trong nhiều ngành của vật lý như thủy động lực học, khí động lực học, lý thuyết dao động và cả trong cơ học lượng tử... Cụ thể hơn, nó là công cụ chủ yếu của kỹ thuật tổng hợp hai dao động điều hòa, hai dòng điện xoay chiều (tổng hợp hai dao động điều hòa cùng phương, cùng tần số góc chính là cộng hai số phức tương ứng). Đây lại là những nội dung kiến thức có xuất hiện trong chương trình và sách giáo khoa vật lý ở bậc phổ thông với kỹ thuật chủ yếu là dùng giản đồ vectơ”.
Vậy trong thực hành dạy học của giáo viên vật lý, kỹ thuật số phức có được đưa vào giảng dạy hay không? Trong thực hành dạy học của giáo viên toán, mối liên hệ giữa số phức và dao động điều hòa có được đề cập đến hay không? Nhóm nghiên cứu đã trình bày về sự tương ứng giữa số phức và dao động điều hòa cũng như kỹ thuật sử dụng số phức để giải quyết các bài toán về dao động điều hòa trong sách giáo khoa vật lý và đề thi tốt nghiệp THPT. Tiếp đó, họ ghi nhận khi quan sát thực hành dạy học của giáo viên toán trong bài dạy về số phức và giáo viên vật lý trong bài dạy về dao động điều hòa để trả lời cho các câu hỏi đã đặt ra ở trên, đồng thời đưa ra những yếu tố giải thích cho những quan sát đó.
Vận dụng toán học vào thực tiễn
Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD - ĐT năm 2015, cấu trúc và định hướng nội dung lĩnh vực giáo dục đối với môn toán là góp phần hình thành và phát triển năng lực cho học sinh, trong đó có năng lực vận dụng toán học vào thực tiễn. Để các sinh viên sư phạm toán sau khi tốt nghiệp làm tốt công tác dạy học theo hướng này thì nội dung và phương pháp giảng dạy ở các trường đào tạo sinh viên sư phạm toán phải thay đổi như thế nào? Trong nghiên cứu này, giảng viên Phan Văn Lý, khoa khoa học tự nhiên, Trường đại học Thủ Dầu Một đã thiết kế và phân tích một số tình huống dạy học thông qua nội dung “Ma trận và các phép toán trên ma trận” theo hướng giúp sinh viên kiến tạo tri thức từ những tình huống thực tiễn. Từ đó sinh viên có được khả năng dạy học đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực vận dụng toán học vào thực tiễn cho học sinh phổ thông sau này.
Theo giảng viên Đào Thị Hoa, Trường ĐHSP Hà Nội 2, một trong những tri thức sinh viên sư phạm toán cần được trang bị là cách khai thác bài toán và hướng dẫn học sinh thực hiện việc này. Biết cách khai thác bài toán để tìm ra nhiều lời giải cho bài toán đó và sáng tạo ra các bài toán mới là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của mỗi giáo viên. Việc hướng dẫn học sinh khai thác được bài toán sẽ có tác động kép đối với cả giáo viên và học sinh: tạo được niềm vui, hứng thú dạy - học, tạo được niềm tin, niềm đam mê nghiên cứu toán, rèn luyện tư duy linh hoạt, sáng tạo; giúp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên. Tuy nhiên, trong thực tế dạy học, khi hướng dẫn học sinh giải một bài tập toán, nhiều giáo viên chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn học sinh tìm ra một lời giải của bài toán, chưa chú ý hướng dẫn học sinh tìm cách khai thác bài tập toán.
Để chuẩn bị cho sinh viên một trong những hành trang vào nghề, tác giả đã trình bày ý nghĩa , các cách khai thác một bài toán nói chung, bao gồm: tìm nhiều lời giải cho bài toán, phát biểu bài toán tương tự, bài toán ngược, phát biểu bài toán đặc biệt, bài toán khái quát. Từ đó vận dụng vào khai thác 3 bài toán cụ thể: tìm ra 10 cách giải từ bài toán 1; phát biểu rất nhiều bài toán đặc biệt, bài toán tương tự và bài toán khái quát từ bài toán 2; sáng tạo được 10 bài toán mới từ bài toán 3.
Hội thảo quốc tế về Didactic toán lần thứ 6 là một hoạt động khoa học nằm trong thỏa ước liên trường giữa hai trường, được ký kết vào năm 2016. Hội thảo lần này tập trung vào ba chủ đề: lợi ích của phân tích tri thức luận đối với các nghiên cứu Didactic toán, các nghiên cứu về giáo dục bậc tiểu học, phân tích thực hành dạy học của giáo viên, và một buổi thảo luận bàn tròn về chủ đề “Những mô hình nào dành cho việc đào tạo giáo viên”.
Anh Thư
Nguồn: http://www.khoahocphothong.com.vn/nang-cao-chat-luong-day-hoc-toan-46982.html#Zoom |
Thứ ba, 06 Tháng 10 2015 07:35 |

Cô Nguyễn Thị Ly Kha và thầy Phạm Đức Quyền
|
Tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐHSP TP.HCM) mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha - Trưởng khoa Giáo dục tiểu học có nhiều niềm vui khi lên bục danh dự nhận giấy khen của Bộ GD-ĐT cho cá nhân và tập thể đơn vị mình. Từ ở hàng ghế đại biểu, thạc sĩ Phạm Đức Quyền - Phòng Công tác chính trị và học sinh, sinh viên Trường ĐHSP TP.HCM như được chia sẻ trọn vẹn niềm vui đó bởi vì họ là đôi vợ chồng đã gắn bó với nhau suốt 35 năm giữa giảng đường.
Luôn chia sẻ mọi điều cho nhau
PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha được nhiều thế hệ sinh viên trường sư phạm và giáo viên tại các trường phổ thông biết đến với cương vị là tác giả của nhiều đầu sách tham khảo và giáo trình như: Ngữ pháp tiếng Việt, Ngữ nghĩa học, Ngữ pháp văn bản và tập làm văn, Tiếng Việt cho người Việt nước ngoài... PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha còn là tác giả của bộ SGK và sách giáo viên Tiếng Việt lớp 5 tập 2. Tuy không trực tiếp tham gia viết sách và tổ chức các hội thảo nghiên cứu khoa học nhưng thầy Phạm Đức Quyền lại là người có công không nhỏ trong việc giúp cô Ly Kha hoàn thành trọn vẹn các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Và để có được thành quả như ngày hôm nay, họ đều phải trải qua những tháng ngày vất vả và biết nhận lấy những khó khăn nhất về cho mình. Cho đến bây giờ, PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha vẫn không thể nào quên thời kỳ theo học chương trình cao học khi đang công tác tại Trường ĐH Đồng Tháp: “Từ 3 giờ khuya tôi đã phải bắt xe từ Cao Lãnh lên TP.HCM cho kịp học buổi sáng tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Chiều ăn vội hộp cơm để vào các thư viện tìm sách và tài liệu nghiên cứu. Mọi việc ở nhà đều do ba cha con tự lo liệu”. Nếu gặp một người chồng gia trưởng thì chắc chắn cô Ly Kha không thể có nhiều thời gian để “vùi đầu” vào công việc biên soạn sách và giáo trình được. Nói như vậy không có nghĩa là lúc nào cô Ly Kha cũng “phó mặc” mọi chuyện cho chồng con. Những ngày cuối tuần, nhiều món ăn do cô Ly Kha nấu chiêu đãi luôn đem lại cảm giác hạnh phúc cho cả nhà.
Món quà tinh thần từ con gái
Đối với thầy Quyền, thời kỳ vất vả nhất là cả hai vợ chồng cùng đi học sau ĐH: “Năm 1998 ra Huế học cao học, tôi phải mang cháu Minh Châu lúc đó mới 5 tuổi theo để vợ có thời gian nghiên cứu và làm đề tài”. Theo lời thầy Quyền, nếu thiếu quyết tâm thì hai vợ chồng khó có thể vượt qua được mọi thử thách trên con đường nâng cao trình độ. Hai cô con gái còn nhỏ nên thầy Quyền không chỉ lo chuyện cơm nước mà còn cả lúc ốm đau, vui buồn. Đó cũng là lý do mà sau khi hoàn thành luận án thạc sĩ, thầy Quyền không còn cơ hội để tiếp tục nghiên cứu sinh nữa. Biết vợ là người không bao giờ chịu dừng chân trên con đường học vấn nên thầy Quyền đành chấp nhận hy sinh để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho vợ. Chính vì thế mà các công trình nghiên cứu khoa học của PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha luôn được đánh giá cao từ lúc đăng ký cho đến ngày phản biện. Đặc biệt, gần đây có nhiều công trình mang tính nhân văn đối với trẻ khuyết tật của cô Ly Kha đều có sự góp sức từ gia đình nhỏ của cô.
Bây giờ, hai vợ chồng thầy cô thật sự hạnh phúc khi thấy cô con gái Phạm Hải Lê đang nối nghiệp cha mẹ, có những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị như: Cúp từ điển điện tử hỗ trợ cho học sinh khiếm thị, hướng dẫn đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên khoa tiểu học đạt giải nhất, giải ba cấp trường. Những bước đi của cô giáo Hải Lê đang có sự dìu dắt và định hướng của người mẹ. Sinh nhật năm nay ngoài những lời chúc và những bó hoa tươi thắm từ bạn bè, đồng nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha còn nhận từ cô con gái đầu lòng - Phạm Hải Lê - những câu thơ chứa chan tình cảm và sâu nặng nghĩa ân: “Chưa một lần con làm thơ tặng mẹ/ Chỉ thích làm kể những chuyện đâu đâu/ Về tình yêu, về thầy cô, bè bạn/ Mà quên đi dáng mẹ dãi dầu”. Đối với vợ chồng PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha và thầy Phạm Đức Quyền đây là món quà tinh thần vô cùng quý giá không có gì quý giá hơn về một mái ấm gia đình: “Con muốn nói con là người hạnh phúc/ Bởi vì con vẫn có mẹ và bố trên đời”.
Bài, ảnh: Quang Phan
Nhiều người cho rằng, tình yêu thời sinh viên thường cảm tính nên khó kéo dài nhưng đối với vợ chồng cô Ly Kha thì lại khác, sau khi tốt nghiệp Trường ĐHSP Vinh họ vẫn dành những gì tốt đẹp nhất cho nhau. Không ở lại quê đi dạy, cô Ly Kha vào tận Đồng Tháp viết tiếp “bản tình ca” dang dở để sau đó cả hai nên vợ nên chồng.
Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn/nhung-gia-dinh-nha-giao-van-hoa-ky-3-cung-nhin-ve-mot-huong.htm |
|
Thứ tư, 09 Tháng 1 2013 07:48 |
Phần thưởng cho sự vượt khó
(Bài đăng trên báo Người lao động ngày 09/01/2013)
Trần Thái Hòa, sinh viên năm thứ 3 Khoa Tâm lý Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cùng nhóm cộng sự vừa được nhận giải nhì Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2012 với đề tài “Xây dựng đĩa CD hỗ trợ giáo dục giới tính dành cho học sinh mù hoàn toàn từ 12 đến 18 tuổi tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TPHCM”.
Với những sinh viên bình thường thì việc giành được giải thưởng đã là sự phấn đấu, còn đối với Trần Thái Hòa, một sinh viên khiếm thị, đây là một nỗ lực phi thường.
Chàng sinh viên năm thứ ba cho biết giáo dục giới tính dù đã được đưa vào dạy trong nhà trường nhưng nó vẫn là thứ gì đó lạ lẫm. Học sinh tò mò nhưng lại ngại nói ra. Ở lứa tuổi từ 12 đến 18, con người có sự phát triển nhanh về giới tính nên rất cần có những nhận thức đúng đắn. Với học sinh bình thường, các em có thể tìm hiểu kiến thức về giáo dục giới tính qua những trang sách, những thước phim… còn với học sinh khiếm thị, những tài liệu phục vụ cho giáo dục giới tính còn rất hạn chế. Bản thân Hòa là người khiếm thị nên muốn tìm cách chuyển tải việc giáo dục giới tính cho người khiếm thị tốt hơn. Vì lý do này, Hòa quyết tâm nghiên cứu đề tài này. Khi bắt tay thực hiện đề tài, Trần Thái Hòa đã gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là việc tìm tài liệu. Hòa phải nhờ các cộng sự tìm, đọc và chọn lọc các tài liệu trong nước cũng như nước ngoài. Khó khăn tiếp theo là đi khảo sát thực tế ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Làm sao để các em học sinh trả lời một cách trung thực nhất về vấn đề giới tính và khó khăn cuối cùng là kinh phí thực hiện đề tài. Những khó khăn đó đã được Hòa cùng các cộng sự từng bước vượt qua.
Trao đổi với chúng tôi về giải thưởng, Trần Thái Hòa cho biết đó là kết quả của sự nỗ lực thường xuyên để vượt khó, Hòa khẳng định: “Đừng ngại khó, hãy quyết tâm bắt tay vào công việc…”.
Huy Lân
Nguồn: http://nld.com.vn/20130108104118234p0c1017/phan-thuong-cho-su-vuot-kho.htm |
Thứ hai, 05 Tháng 3 2012 13:01 |
Giá trị của công trình: Ngô Thì Nhậm - Nhân vật lịch sử và nhà văn hóa kiệt xuất |
|
Như một sự tình cờ, có đến 2 nhà khoa học lớn lên từ vùng đất học Quảng Nam được xướng danh tại lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2010 được công bố vào cuối tháng 2-2011 vừa qua. Bên cạnh cố GS-NGND Lê Trí Viễn với giải thưởng Hồ Chí Minh, một “người Quảng” khác là GS-TS Mai Quốc Liên cũng được vinh danh bằng giải thưởng Nhà nước với cụm công trình “Ngô Thì Nhậm - Nhân vật lịch sử và nhà văn hóa kiệt xuất (1746-1803)”.
Trong lá thư gửi cho chính tác giả công trình này, nhà thơ Chế Lan Viên cho rằng, nếu viết về Ngô Thì Nhậm không ai viết sâu và hay bằng Mai Quốc Liên. Quả thật, đó là sự ghi nhận hết sức nghiêm túc và chính xác về công sức mà GS Mai Quốc Liên đã dành cho đứa con tinh thần của mình. Xuất phát điểm của công trình là khảo sát văn bản gốc, GS Liên đã công phu dịch chữ Hán tác phẩm Ngô Thì Nhậm gồm 4 tập với gần 2.000 trang giấy khổ lớn.
“Đó là những áng văn vừa thơ phú hoa lệ vừa là áng văn nghị luận. Vì thế người dịch phải chuyển được cái hồn của bản gốc, làm sao giữ được cái hoa lệ, cái trầm hùng trong từng câu từng chữ. Khi nghiên cứu, tổng hợp phải sử dụng kiến thức liên ngành, xuyên ngành và tham khảo từ các bậc Đông phương học của phương Tây”, GS-TS Mai Quốc Liên chia sẻ.
Bắt đầu thực hiện công việc dịch sách từ trước năm 1975 và nhận được nhiều góp ý từ các nhà Hán học lỗi lạc thời bấy giờ như cụ Cao Xuân Huy, Nhàn Văn Định, Hoa Bằng, Thạch Can… cho đến những năm 1978-1979, GS Liên mới cho xuất bản lần đầu tiên các tập sách kể trên. Nhưng đây mới chỉ là tiền đề, là cơ sở để GS Liên bắt tay vào nghiên cứu tổng hợp, chọn lọc, lý giải, đánh giá… làm nổi bật một nhà lịch sử Ngô Thì Nhậm tài ba và một nhà văn hóa Ngô Thì Nhậm kiệt xuất.
Nhiều nhà khoa học nhìn nhận, công trình có giá trị ở nhiều điểm, đầu tiên là công việc dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt hết sức công phu và tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, việc mang cái hồn của bản gốc vào bản dịch là điểm sáng của cụm công trình về Ngô Thì Nhậm này. Nhưng trên hết, GS Mai Quốc Liên đã sử dụng kiến thức “Đông Tây kim cổ” để có cái nhìn nhiều chiều và chính xác nhất về nhân vật Ngô Thì Nhậm.
Lâu nay, văn học yêu nước thời Tây Sơn chưa được các nhà khoa học ghi nhận và đánh giá một cách đầy đủ, cho nên theo lời TS Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM phát biểu tại buổi lễ vinh danh các nhà giáo nhận được giải thưởng diễn ra sáng 1-3 vừa qua, công trình vừa có ý nghĩa khoa học vừa mang tính thời sự, bởi: “Xác định giá trị và vị trí của Ngô Thì Nhậm cũng đồng thời là xác định giá trị và vị trí của văn học yêu nước thời Tây Sơn. Một thời đại mà chỉ có sự trân trọng nghiên cứu mới dần trả lại được giá trị đích thực của nó”.
TƯỜNG HÂN
|
Nguồn: Sài Gòn Giải phóng Online, thứ hai, 05/03/2012 |
|
|
|
Trang 1 trong tổng số 2 |
| Hoạt động Khoa học Công nghệ | |
Hiện có 945 khách Trực tuyến
|