Get Adobe Flash player

 

 

Website Liên kết

Đổi mới, sáng tạo vì học sinh

Cả tuổi đời và tuổi nghề còn khá trẻ, nhưng bằng tình yêu học trò và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, những thầy cô giáo trẻ ấy đã đưa ra nhiều sáng kiến để học sinh (HS) luôn cảm thấy thích thú và đam mê với những tiết học.

Thầy Lưu Hoàng Phúc hướng dẫn HS cách trồng và chăm sóc rau củ quả tại vườn ươm của trường

Thầy Lưu Hoàng Phúc hướng dẫn HS cách trồng và chăm sóc rau củ quả tại vườn ươm của trường

 

Các thầy cô  là những gương mặt được đề cử trao giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2018 của Thành Đoàn TPHCM. 

1. “Đi qua đoạn đường đầy đất đỏ, bước chân vào trường để nhận công tác một buổi chiều mưa, nước ngập tới đầu gối, tôi thoáng có chút băn khoăn khi trước mặt là một ngôi trường làng đúng nghĩa không hơn không kém”, thầy Nguyễn Minh Hồng, giáo viên Trường THCS An Phú Đông (quận 12) bồi hồi nhớ lại ngày đi nhận lớp. Nhưng sau 3 năm, thầy Hồng khẳng định đó không phải là sự lựa chọn sai lầm. 

Cái khó ban đầu với thầy Hồng ở ngôi trường này không chỉ là cơ sở vật chất thiếu thốn mà còn là ý thức của HS. Đa số các em đều là con nhà nghèo, ba mẹ bận rộn mưu sinh nên việc học của con không được quan tâm đến nơi đến chốn. Với môn học toán, các em còn tỏ ra chán nản hơn, bởi nó quá khô khan. Theo thầy Hồng, một bộ phận HS và giáo viên xem toán là môn học để thi cử chứ không thấy được sự lý thú, không nhận ra chiều sâu về ý nghĩa khi vận dụng nó. Nhất là những HS chưa giỏi môn Toán thường chán học, cảm thấy toán học xa lạ với cuộc sống, không có mối liên quan đến hoạt động vui chơi hàng ngày. 

Với lòng yêu nghề, thương học trò, nhiều đêm không ngủ, thầy Hồng cặm cụi nghiên cứu tài liệu để đưa ra những sáng kiến, cải tiến cho môn học. Để làm rõ sự liên hệ của toán học với thực tiễn, theo thầy Hồng, giáo viên cần đưa ra nhiều ví dụ và bài tập mới làm cho HS thấy rằng các khái niệm, lý thuyết toán học là xuất phát từ thực tế trong sản xuất và đời sống. Qua đó giúp HS thấy toán học là công cụ có hiệu lực để giải quyết các vấn đề thực tiễn. 

Từ các sáng kiến, thầy Hồng giúp tiết học của mình luôn sinh động và dễ hiểu. Các đề bài của thầy Hồng đưa ra luôn gần gũi, gắn với thực tiễn và giải quyết vấn đề cũng từ thực tiễn. Nhờ đó, HS bắt đầu hứng thú với môn học và tiếp thu kiến thức nhanh hơn, nhớ lâu hơn. Sau 2 năm áp dụng, sáng kiến “Phương pháp giảng dạy môn Toán cấp THCS gắn kết với đời sống thực tiễn” của thầy Hồng đã giúp kết quả học tập môn toán của HS trường vượt trội so với trước đó. Sáng kiến này không những nhận được sự đồng tình của thầy cô trong trường, HS hưởng ứng tích cực, mà còn mang về cho thầy Hồng giải nhất tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận năm học 2014-2015. Thầy Hồng còn được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND TPHCM trong công tác giảng dạy, tham gia công tác đoàn, phong trào thanh niên, sinh viên, HS; Nhà giáo trẻ tiêu biểu nhiều năm liên tục. Đồng thời, đây cũng là sáng kiến được áp dụng rộng rãi đến các trường trên địa bàn quận 12.

2. Là giáo viên tiểu học, nhiều lần cô Nguyễn Ngọc Thùy An, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) nhìn thấy học trò dửng dưng, thờ ơ trước người bạn tàn tật đang cố gắng bước từng bước khó nhọc vào lớp, hoặc vô tư xả rác ra sân trường. Đọc báo thấy nhiều vụ HS dùng vũ lực với nhau, các bạn đứng xem xung quanh lấy làm thích thú, cổ vũ, hò hét, kích động người trong cuộc, rồi bình phẩm, khen chê. “Tôi tự hỏi, vì sao các em lại vô cảm như vậy. Không chỉ với người khác mà hiện nay một bộ phận HS còn vô cảm với chính bản thân mình. Các em không cảm nhận được thế nào là đồng cảm, không biết giá trị của yêu, ghét, giận hờn, thậm chí không biết cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ, anh chị em ruột”, cô Thùy An trăn trở. Nhận ra lứa tuổi tiểu học là thời điểm quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho HS, cô An bắt tay thực hiện đề tài: Làm thế nào để HS không mắc “bệnh vô cảm”. 

Theo cô An, cách tốt nhất là mỗi giáo viên phải giúp các em nuôi dưỡng lòng nhân ái, biết quan tâm đến các khó khăn của người khác. “Nếu chỉ nói sáo rỗng về lòng nhân ái, các em sẽ rất mau quên. Chúng tôi đưa ra các hoạt động để các em biết đóng góp, tương trợ HS nghèo vui Tết Trung thu, giúp đồng bào bị bão lụt... Từ đó, các em hiểu thế nào là sống hòa đồng, thân thiện, biết quan tâm đến khó khăn của người khác và vui chơi cùng nhau”, cô An chia sẻ. Chính nhờ sự lan tỏa cái đẹp của lòng nhân ái, đến nay đề tài của cô An đã được đưa vào các hoạt động ngoại khóa tại trường và mang lại hiệu quả tích cực.

Thầy Đỗ Thế Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà, bày tỏ: “Những sáng kiến kinh nghiệm của cô Thùy An đã được hiện thực hóa và nhân rộng bằng nhiều hoạt động có ý nghĩa tại trường, nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh và HS. Tôi mong sáng kiến này sẽ nhân rộng hơn nữa đến các đơn vị bạn để chúng ta cùng chung tay, góp phần làm nên một thế hệ trẻ Việt Nam không còn mắc bệnh vô cảm”.

3. Với 5 năm gắn bó vị trí giáo viên Tổng phụ trách đội của Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11), thầy Lưu Hoàng Phúc không ngừng nghiên cứu, tìm tòi các thông tin bổ ích để HS có được sân chơi bổ ích và lành mạnh. Với nhiều đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong công tác đội, mang lại hiệu quả giáo dục như: giáo dục đạo đức cho HS thông qua việc giáo dục ngoại khóa và phát triển loại hình hát dân ca trong học đường; giáo dục đạo đức cho HS thông qua việc giáo dục ngoại khóa và việc thành lập, phát triển câu lạc bộ tuyên truyền măng non trong hoạt động đội..., thầy Phúc vinh dự đạt được nhiều vị trí thủ khoa trong các hội thi cấp thành phố, khu vực và quốc gia. 

Để công tác đội mang tính định hướng, giáo dục cho HS, thầy Phúc thường tổ chức các phong trào nhẹ nhàng, thoải mái, không gò bó, bắt buộc, luôn đổi mới hoạt động để thu hút HS. Thầy luôn chú trọng tổ chức các chương trình từ thiện, hỗ trợ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam... nhằm giáo dục lòng nhân ái cho học trò. Nụ cười hiền lành, thầy Phúc cho biết, niềm hạnh phúc và tự hào của mình chính là mỗi khi ra đường, nghe học trò gọi “Thầy Phúc ơi…”.

QUANG HUY

Theo: http://www.sggp.org.vn/doi-moi-sang-tao-vi-hoc-sinh-559605.html

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018) lần này đúng vào dịp Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng vừa thành công tốt đẹp. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong đó có việc đánh giá cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, học viên Trường Dân tộc miền núi Trung ương,

ngày 12/2/1956 (Ảnh tư liệu)

 

Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết tháng 10/1947) đã đặt ra và giải quyết một cách khoa học về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó có công tác cán bộ của Đảng. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[1]… “ Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[2]. Qua đây có thể thấy cán bộ, công tác cán bộ của Đảng có vai trò hết sức quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công tác đánh giá cán bộ là việc khó, nhưng cần phải làm một cách công tâm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử. Người chỉ rõ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa”[3]. Cho nên, việc đánh giá cán bộ, đảng viên phải toàn diện cả những ưu điểm và thành tích, cả những khuyết điểm cũng như quá trình công tác.

Muốn đánh giá đúng cán bộ, đòi hỏi cơ quan, tổ chức đánh giá phải công tâm, vô tư, khách quan, trung thực. Tránh tư tưởng khép kín cục bộ địa phương, cơ quan, đánh giá cán bộ chỉ biết địa phương, cơ quan mình là tốt, điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo đây là bệnh “hẹp hòi”, bệnh này rất nguy hiểm mà nhiều cán bộ đảng viên mắc phải. Nhiều thứ bệnh như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi…đều do bệnh hẹp hòi mà ra.

Trước hết, đánh giá cán bộ cần phải hiểu đúng cán bộ, chỉ có hiểu đúng cán bộ của mình mới có thể đánh giá được, không thể đánh giá cán bộ một cách chủ quan, nghe qua người này hay người khác không thôi là chưa đủ. Người nói: “Hiểu biết cán bộ - Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”[4]. Bản thân người đánh giá cũng phải “tự sửa mình”. “Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình”[5]. Người rất quan tâm và đề cao tinh thần tự phê bình của cá nhân người cán bộ, đảng viên, chỉ có thể nhận xét đánh giá được cán bộ đảng viên khi mình biết bản thân mình đúng thế nào, sai ra sao? Như chúng ta thường nói “biết mình biết người”. Phê bình và tự phê bình là thang thuốc hay nhất để tự nhận ra mình, giúp cán bộ mình xem xét, đánh giá lẫn nhau, giúp nhau khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm, giúp nhau cùng nhau tiến bộ, “Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”[6]. Và nội dung đánh giá cán bộ quan trọng nhất là phải dựa vào nhân dân lấy ý kiến của nhân dân, “coi nhân dân là tai mắt” sau đó đem ra tập thể bàn bạc và đi đến thống nhất.

Việc đánh giá cán bộ phải có quan điểm phát triển, có tính lịch sử gắn với quá trình hoạt động, toàn diện các mặt, tránh phiến diện, mặc cảm, định kiến. Người cho rằng: “Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tùy theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ, đúng với đường lối của Đảng”[7]. “Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”[8]. Người nhấn mạnh: “nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ…Kinh nghiệm cho ta biết: Mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt tìm thấy nhân tài mới, một mặt khác thì những người ngủ hóa cũng lòi ra”[9]. Kiểm điểm ở đây là kiểm điểm “việc” xem cán bộ đó có làm được việc không, hiệu quả ra sao chứ không phải kiểm điểm người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, việc đánh giá cán bộ phải xây dựng được các tiêu chuẩn và các tiêu chuẩn ấy phải lấy đức và tài làm cơ sở. Vì “Đức” là đạo đức cách mạng, “Tài” là người có năng lực và khả năng hành động, làm việc mang lại hiệu quả cao. Đức và tài phải thống nhất với nhau và trong đó đức là gốc, “…Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không làm lãnh đạo được nhân dân”[10]. Đây chính là những nội dung cốt lõi về tiêu chuẩn, đồng thời là cơ sơ để nhận xét, đánh giá cán bộ đảng viên.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải trọng lợi ích của Đảng của dân tộc và có đạo đức cách mạng trong sáng. Người chỉ rõ: “Mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”[11].

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu; người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, phải hội tụ được năm phẩm chất sau: NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG, LIÊM. Cho nên đánh giá người cán bộ, đảng viên tốt cần phải căn cứ vào những phẩm chất trên.

Đánh giá cán bộ theo quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh

Quán triệt quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo Đảng ta đã có các Chỉ thị, Nghị quyết về công tác cán bộ trong đó có Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII), về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã cụ thể hóa xây dựng tiêu chuẩn chung về cán bộ. Đặc biệt xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cách mạng hiện nay về cán bộ và công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao. Hội nghị Trung ương 7 khóa XII Đảng ta đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện, khoa học, lịch sử cụ thể về cán bộ và công tác bộ thời gian qua và đưa ra những quan điểm, nhiệm vụ giải pháp xây dựng cán bộ trong tình hình hiện nay. Trung ương cho rằng, đánh giá cán bộ hằng năm, nhiệm kỳ và trước khi quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, bầu cử theo các quy định, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước, bước đầu tạo một số chuyển biến tích cực. Đánh giá cán bộ bước đầu đã gắn với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 03, 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nội dung, quy trình, phương pháp đánh giá cán bộ từng bước được đổi mới theo quy trình dân chủ, chặt chẽ hơn.

Về hạn chế, khuyết điểm và bất cập Trung ương chỉ rõ, đánh giá cán bộ là khâu trọng yếu nhất trong công tác cán bộ nhưng cho đến nay vẫn là khâu yếu nhất. Các quy định, hướng dẫn đánh giá, phân loại đảng viên với đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa đồng bộ, thiếu thống nhất.

Việc cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng còn chậm; có nơi tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá còn chung chung, thiếu định lượng. Trong kiểm điểm, đánh giá vẫn còn biểu hiện hình thức, chưa thực chất; còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu tính chiến đấu, dĩ hòa vi quý, khen ngợi lẫn nhau, ít góp ý về khuyết điểm khi phê bình người đứng đầu, không dám chỉ ra các biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chưa làm rõ vai trò trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc đánh giá và phân loại cá nhân chưa đúng thực chất và còn mâu thuẫn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hầu như không có cán bộ lãnh đạo, quản lý được đánh giá ở mức hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng có cán bộ có khuyết điểm, vi phạm không phát hiện được vẫn đánh giá tốt để được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiểm ở các chức vụ cao hơn. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chuẩn bị kiểm điểm sơ sài, thời gian tổ chức kiểm điểm quá ít.

Việc đánh giá cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu nhiều nơi chưa thực chất, khen là chủ yếu; chưa lấy hiệu quả công việc, sản phẩm đầu ra làm thước đo, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; việc đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc còn xem nhẹ, làm lướt. Không ít cán bộ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau đó bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự.

Để khắc phục những hạn chế yếu kém trên, Hội nghị Trung ương 7 cho rằng cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ theo quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là, phải đánh giá xuyên suốt cả quá trình phấn đấu, trưởng thành; quá trình học tập tham gia công tác, cũng như những thành tích, khuyết điểm như thế nào?

Liên tục: định kỳ theo tuần, tháng, quý, 6 tháng, năm theo từng nhóm đối tượng cụ thể; đây là những nội dung cụ thể lượng hóa được thời gian cần phải đánh giá cần phải kiểm điểm từ những công việc hàng ngày trở đi. Đây là cơ sở quan trọng để xem xét lịch sử cụ thể của từng vấn đề.

Đa chiều: cấp trên đánh giá cấp dưới; đồng cấp đánh giá; cấp dưới đánh giá cấp trên; bản thân tự đánh giá. Đây là khâu đánh giá quan trọng để mọi người có thể nhận xét đầy đủ hơn và một đánh giá rất quan trọng đó là bản thân tự đánh giá.

Đánh giá theo tiêu chí về: chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm; chiều hướng và triển vọng phát triển; bằng sản phẩm: phải có kết quả cụ thể, được cấp có thẩm quyền ghi nhận, đánh giá; thông qua khảo sát, khảo sát nhân sự trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.

Công khai kết quả và có sự so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Như vậy, những quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy người cán bộ, đảng viên tốt cần phải hội tụ những phẩm chất gì? Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện mình về NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG, LIÊM để thành người cán bộ đảng viên tốt. Những phẩm chất ấy cũng chính là những tiêu chuẩn đặt ra trong nhận xét đánh giá cán bộ trong tình hình hiện nay. Mỗi một việc làm, hành động nhắc nhở chúng ta soi rọi, đối chiếu với lời dạy của Người xem đúng sai, phải trái, cái gì được và chưa được để khắc phục sửa chữa. Đây là những quan điểm tư tưởng vô cùng quí báu chỉ huấn chúng ta thực hành có hiệu quả về công tác cán bộ trong tình hình hiện nay./.


[1],2. Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NxbCTQG, H.,2000, tr 280 - 309

[3]. Hồ Chí Minh: toàn tập, tập15, NxbCTQG, H.,2000, tr.672

[4],5,6 Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NxbCTQG, H.,2000, tr 317

[7],8,9 Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NxbCTQG, H.,2000, tr 317, 316, 314- 317-318

10. Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NxbCTQG, H.,2000, tr 292

[11]. Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 5, NxbCTQG, H.,2000, tr 290

 

Nguyễn Minh

 

Nguồn: http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nhan-ngay-sinh-cua-bac-suy-nghi-ve-danh-gia-can-bo-484244.html

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ðại biểu học sinh Trường TH Trưng Vương, Hà Nội đến chúc thọ Hồ Chủ tịch (Tháng 5 năm 1956)


Xây dựng một nền giáo dục độc lập và tiến bộ

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước, trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước (năm 1911), thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã truyền bá tư tưởng yêu nước, thương nòi cho học trò Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Những năm hoạt động cách mạng tại Pháp, Bác Hồ cực lực lên án "chính sách ngu dân" của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Trong tác phẩm nổi tiếng "Bản án chế độ thực dân Pháp" (1921 -1925), Bác viết: "Nhân dân Ðông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng... "Làm cho dân ngu để dễ trị", đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất"(1).

Trong cuốn "Ðường kách mệnh" (năm 1925) và "Chánh cương vắn tắt của Ðảng" (2-1930), Bác cũng xác định rõ: Phải lập trường học cho công nhân, nông dân, cho con em họ và "Phổ thông giáo dục theo công nông hóa"(2). Ðặc biệt, ở "Chương trình Việt Minh" (1941), Bác chủ trương: "Hủy bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bực sơ học. Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình. Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài... Khuyến khích và giúp đỡ nền giáo dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh"(3). Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 mới thành công, Bác đã công bố "Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", trong đó, vấn đề thứ hai - là phải chống nạn dốt; vì "nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ"(4). Và, Bác nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ"(5). Chỉ sau một tuần lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập", ngày 8-9-1945, Người đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, để thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân.

 

Dân tộc, tiên tiến và hiện đại

Trong "Thư gửi cho học sinh", ngày 5-9-1945, Bác viết: "Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em"(6). Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: "Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"(7).

Cho đến bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành giáo dục, ngày 15-10-1968, Bác lại nhấn mạnh yêu cầu của nền GD và ÐT nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến: "Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật"(8).

 

Hết sức coi trọng vai trò của người thầy

Bác Hồ đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất..., những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang"(9).

Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con"(10).

 

Ðảng lãnh đạo và trực tiếp chăm lo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói về điều hệ trọng này. Ðặc biệt, trong bức thư cuối cùng của Bác gửi ngành GD và ÐT, ngày 15-10-1968, một lần nữa, Bác nêu rõ: "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Ðảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới"(11). Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: "Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"(12).

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GD và ÐT nói lên lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, trí tuệ trác tuyệt và tầm nhìn xa trông rộng. Ðó cũng là một trong những biểu hiện cốt lõi của tầm vóc "Anh hùng giải phóng dân tộc", "Danh nhân văn hóa thế giới" của Người! Tư tưởng ấy của Bác Hồ đã được thể hiện trong các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta đối với công tác GD và ÐT trong những năm qua. Từ Ðại hội lần thứ VI (1986) đến Ðại hội lần thứ XI (1-2011) của Ðảng, cũng như  trong các văn kiện quan trọng của Ðảng và Nhà nước, GD và ÐT luôn luôn được khẳng định là "quốc sách hàng đầu", là "động lực của sự phát triển đất nước"! Sự quan tâm, chăm lo của Bác cho việc xây dựng và phát triển GD và ÐT đã động viên các thế hệ nhà giáo công tác tốt, đào tạo được những thế hệ công dân hữu ích cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc gần bảy mươi năm qua (1945 - 2013); trong đó nhiều người đã trở thành những anh hùng, các nhà khoa học nổi tiếng và những người có tài năng.

Hiện nay, GD và ÐT đang phát triển mạnh mẽ về số lượng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng, chưa theo kịp yêu cầu mới của cách mạng. Công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có cuộc cách mạng thật sự khoa học và triệt để về GD và ÐT, thực hiện "tái cấu trúc" một cách khoa học, nhằm đổi mới "căn bản và toàn diện" nền giáo dục nước nhà, nâng cao chất lượng và tầm vóc đích thực của GD và ÐT trong thời kỳ CNH, HÐH đất nước, nhất là coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - như văn kiện Ðại hội Ðảng XI đã nêu, đưa nước nhà "bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu". Ðó là ước nguyện của Bác Hồ vĩ đại, đồng thời là khát vọng cao đẹp của nhân dân ta, đất nước ta.

 

* Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển sự nghiệp giáo dục được hình thành rất sớm và quán xuyến suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nghiên cứu các bài viết, bài nói về vấn đề GD và ÐT trong ngót sáu thập niên hoạt động cách mạng của Bác, ta càng thấy tư tưởng ấy thể hiện tập trung khát vọng hướng tới của một xã hội văn minh, tiến bộ mà lớp lớp thế hệ tiếp nối có trách nhiệm kế thừa và phát triển sao cho ngày một xứng đáng hơn.

--------------

1-  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H,1995, tr.98-99.

2,3- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H,1995, tr.1; tr.584.

4,5,6,7- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H,1995, tr.8; tr.8; tr.32; tr.32.

8,11,12- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H,1996, tr.403; tr.404; tr.498.

9- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H,1996, tr.331.

10- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H,2000, tr.492.

 

ÐÀO NGỌC ÐỆ
Nguồn:http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/20345502-.htm

Tác phẩm Đường Kách mệnh có ý nghĩa và vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam. Tinh thần xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân ra khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc…

 

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư trao đổi cùng các đại biểu tại Hội thảo khoa học Giá trị bền vững của tác phẩm "Đường kách mệnh"

với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị tại Đảng bộ TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG


Sáng 30-8, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Giá trị bền vững của tác phẩm “Đường Kách mệnh” với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị tại Đảng bộ TPHCM”.

Tham dự hội thảo có các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và lãnh đạo cơ quan tuyên giáo các cấp. Đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, nêu rõ: Tác phẩm Đường Kách mệnh có ý nghĩa và vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam. Tinh thần xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân ra khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc…

Các tham luận gửi đến hội thảo đã thể hiện các góc độ tiếp cận khác nhau, nhằm khẳng định sâu sắc thêm các giá trị bền vững của tác phẩm Đường Kách mệnh, nhất là ý nghĩa của tác phẩm gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tại Đảng bộ TPHCM…

Đường Kách mệnh định hướng cách mạng Việt Nam

“Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Mở đầu tham luận, Nhà giáo ưu tú - TS Trần Văn Khánh đã nhắc lại một đoạn trong tác phẩm Đường Kách mệnh và khẳng định, dù đã 90 năm nhưng luận điểm trên vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn đối với mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay.

Theo TS Trần Văn Khánh, nguyên tắc phương pháp luận đầu tiên được thể hiện qua tác phẩm vĩ đại này là quan điểm và vai trò của một hệ tư tưởng chính trị khoa học, cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam. Luận giải về quan điểm này được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt câu hỏi “Cách mạng trước hết phải có cái gì?”, và cũng chính Người trả lời: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.

Cũng với cách đặt vấn đề trên, PGS-TS Huỳnh Thị Gấm (Học viện Chính trị Khu vực 2) đưa ra những luận giải mang tính tất yếu trong tác phẩm Đường Kách mệnh về định hướng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong suốt 90 năm qua. Đó là Đường Kách mệnh đã lựa chọn con đường phát triển cho cách mạng Việt Nam - con đường cách mạng vô sản; phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng và xây dựng Đảng; những phương cách để cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là nhân dân lao động và tạo tiền đề, gợi mở, định hướng cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết quốc tế, hội nhập quốc tế của nước ta.

Theo Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Đức Khiển, Hiệu trưởng Trường CĐ Cảnh sát nhân dân II, giá trị của những quan điểm này có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Trong đó, những nội dung cơ bản về vai trò của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; Đảng lãnh đạo cách mạng theo Chủ nghĩa Mác-Lênin; xây dựng Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ và công tác xây dựng Đảng; tính đầu tàu, gương mẫu, lời nói đi đôi với việc làm của mỗi đảng viên; đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong Đảng và giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân là những giá trị tư tưởng, mang tính định hướng cho cách mạng Việt Nam và có ý nghĩa thực tiễn đối với Đảng ta hiện nay.

 

Hội thảo khoa học Giá trị bền vững của tác phẩm "Đường kách mệnh" với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị tại Đảng bộ TPHCM.

Ảnh: VIỆT DŨNG


"Làm cách mạng phải có đạo đức của người Cộng sản”

Theo TS Nguyễn Việt Hùng (Học viện Cán bộ TPHCM), khi đọc Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông có những suy nghĩ nếu chúng ta hiểu và thực hiện đúng những giáo huấn, nội dung tư tưởng về cách mạng trong tác phẩm vĩ đại này, dù khó khăn đến mấy cách mạng cũng thành công và thành quả cách mạng được giữ vững. Nhưng nếu chúng ta làm chưa đầy đủ, hoặc làm chưa đến nơi đến chốn, làm mang tính hình thức, không đúng bản chất thì hậu quả của nó khó lường.

“Phải chăng là các đảng cầm quyền, những người cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu tự sụp đổ, bởi vì một trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy cách nay 90 năm, đó là không giữ vững được quan điểm, lập trường của người Cộng sản, cơ hội chính trị, cuối cùng đi tới đầu hàng, phản bội? Phải chăng những người cầm quyền lúc đó đã để lòng ham muốn vật chất đẩy lên đến đỉnh điểm, dẫn đến suy thoái quyền lực, tham vọng quyền lực và biến tài sản quốc gia thành tài sản cá nhân của mình? Những cá nhân suy thoái trong giai cấp cầm quyền ở Liên Xô, Đông Âu đã tham lại, vơ vét tài sản quốc gia, muốn đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ nhằm thiết lập nên một chế độ mới, hợp thức hóa số tài sản khổng lồ mà họ đã chiếm đoạt. Đây là những cảnh báo hết sức nghiêm khắc với chúng ta, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ trong tác phẩm Đường Kách mệnh từ 90 năm trước”, TS Nguyễn Việt Hùng nêu vấn đề.

Nói về tư cách của người cách mệnh qua 23 biểu hiện cụ thể trong Đường Kách mệnh, theo TS Bùi Thị Ngọc Trang (Học viện Cán bộ TPHCM), nội dung nào cũng có ý nghĩa thực tiễn quan trọng đến hôm nay. Trong đó, biểu hiện “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xém xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật” - rất sát thực để mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay luôn phải tự rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Bác đã dạy mỗi người chúng ta, muốn làm cách mạng, trước tiên phải có đạo đức của người cách mạng, người Cộng sản.

Giá trị tư tưởng trên cũng được đặt ra trong các tham luận của PGS-TS Trương Thị Hiền (nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM), Thạc sĩ Huỳnh Thị Năm (Trường Chính trị tỉnh Long An), TS Vũ Thị Mai Oanh (Học viện Cán bộ TPHCM) khi nói về đạo đức cách mạng và sự vận dụng vào thực tế những nội dung cơ bản trong tác phẩm Đường Kách mệnh khi thực hiện Chỉ thị 05 hiện nay. Trong đó, theo TS Vũ Thị Mai Oanh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần lời căn dặn của Bác để rèn luyện đạo đức cách mạng của mình: “Tự mình không trong sáng, không gương mẫu, tự mình đã hủ hóa thì không lãnh đạo được ai, không làm nên trò trống gì. Nếu tự mình đã cần kiệm, liêm chính, không tham vọng thì bất cứ thủ đoạn nào của kẻ địch cũng không thể mua chuộc và làm mình gục ngã”.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Thân Thị Thư đánh giá cao chất lượng của hơn 100 bài viết, tham luận gửi đến hội thảo, đã khắc họa những tư tưởng, nội dung sâu sắc của tác phẩm Đường Kách mệnh, làm rõ được giá trị nhân văn cao cả mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc định hướng cho cách mạng Việt Nam và những người Cộng sản Việt Nam, trở thành tài sản tư tưởng vĩ đại cho cách mạng Việt Nam. 90 năm đã đi qua nhưng những nội dung cơ bản về tư cách người cách mệnh trong tác phẩm giá trị này vẫn luôn là cẩm nang, ngọn hải đăng chiếu sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

“Chúng ta có thể khẳng định tác phẩm Đường Kách mệnh đã, đang và mãi giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong mỗi giai đoạn của cách mạng Việt Nam”, đồng chí Thân Thị Thư kết luận.

“Qua thực hiện Chỉ thị 05 trên địa bàn TPHCM đã có những chuyển biến tích cực, có mặt sâu sắc hơn trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Tinh thần, trách nhiệm, ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hành chuẩn mực đạo đức công vụ trong cán bộ, đảng viên đã dần trở thành tự giác và thường xuyên hơn. Hầu hết cán bộ, đảng viên đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, xem như việc “rửa mặt hàng ngày”, nhiều tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo Bác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội, từ cán bộ lãnh đạo, đảng viên đến công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ đã góp phần trở thành những bông hoa muôn sắc hương trong vườn hoa của đất nước…”.

Đồng chí THÂN THỊ THƯ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

 

Nguồn:  http://www.sggp.org.vn/duong-kach-menh-con-nguyen-gia-tri-lich-su-den-ngay-nay-464896.html

Đầu năm 1927, những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho các lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành cuốn sách với tên Đường kách mệnh.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và tu dưỡng đạo đức. Người cho rằng đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng, vì vậy đã viết rất nhiều tác phẩm về đạo đức cách mạng và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Những tác phẩm tiêu biểu của Người về đạo đức cách mạng có thể kể tới, đó là: Đường kách mệnh; Sửa đổi lối làm việc; Chủ nghĩa cá nhân; Cần kiệm liêm chính; Đạo đức cách mạng; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân...

Đầu năm 1927, những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho các lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành cuốn sách với tên Đường kách mệnh.

Một trong những nội dung quan trọng của tác phẩm này là về giáo dục đạo đức cách mạng. Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể.

 

Đọc thêm...

Năm 1923, khi gặp Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ - nhà báo nổi tiếng người Xô Viết - Mandenxtam, bằng dự cảm thiên tài của một thi sĩ, đã viết “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”…

Hình ảnh, tư liệu quý về Bác Hồ được trưng bày, giới thiệu tại Di tích lịch sử
Hồ Chí Minh ở Quảng Châu (Trung Quốc). Ảnh: HOÀI NAM

Đọc thêm...

Số lượt truy cập