Khoa Ngữ Văn
  
Tin Tức
Đại học Sư phạm TP.HCM tìm thí sinh có năng lực chuyên biệt gì? PDF. In Email
Thứ tư, 14 Tháng 4 2021 07:31

Đại học Sư phạm TP.HCM tìm thí sinh có năng lực chuyên biệt gì?

TTO - Năm 2021, lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Đây là một trong các phương thức tuyển sinh của trường trong năm nay.

Các học sinh lớp 11 hoàn toàn có thể đăng ký dự thi để làm quen với tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực người học, đồng thời có thể được bảo lưu kết quả sử dụng xét tuyển cho năm sau đó".

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về những thông tin liên quan đến kỳ thi này, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết:

- Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt dự kiến sẽ được nhà trường tổ chức nhiều đợt trong năm để tạo cơ hội cho thí sinh có thể dự thi và xét tuyển theo ngành học mà mình yêu thích.

Kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được sử dụng để xét tuyển theo phương thức kết hợp cả kết quả học tập THPT và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm.

* Đề thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ gồm bài thi tổng hợp của nhiều môn học hay của từng môn riêng lẻ, thưa ông?

- Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tổ chức 6 bài thi: bài thi toán học, vật lý học, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh.

Tùy theo nhu cầu xét tuyển vào các ngành học khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi trong số các bài thi ở trên để đăng ký xét tuyển vào các ngành học khác nhau theo đề án tuyển sinh của trường.

* Thí sinh làm bài theo hình thức trắc nghiệm như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM hay làm bài trên máy tính giống kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội?

- Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức.

Trong đó, các bài thi đánh giá năng lực toán học, vật lý học, hóa học, sinh học có thời gian làm bài 90 phút. Bài thi gồm 50 câu hỏi, trong đó 35 câu trắc nghiệm 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn, thí sinh phải sử dụng các năng lực của mình để giải quyết và điền kết quả vào ô trống.

Bài thi đánh giá năng lực ngữ văn có thời gian thi 90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội sẽ được ra theo định hướng mở với yêu cầu viết trong khoảng 600 từ.

Bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh, thời gian làm bài 180 phút, gồm 4 phần, tương ứng với đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung tham chiếu 6 bậc dành cho Việt Nam.

* Nội dung kiến thức trong các bài thi nằm trong chương trình THPT? Thí sinh có phải học thuộc lòng?

- Nội dung kiến thức được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, trong đó phần kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỉ lệ khoảng 70-80%. Còn lại là kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11. Riêng bài thi môn tiếng Anh, các ngữ liệu trong đề thi được lấy đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau.

Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện nhằm đánh giá năng lực suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.

Các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được quy điểm về thang điểm 10, điểm số được tính lẻ đến 0,1 điểm.

Nhà trường sẽ công bố đề thi minh họa kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt vào ngày 28-4. Thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 10 đến hết ngày 28-5.

Kỳ thi dự kiến được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 4-6 đến 15-6 tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận (Long An, Bình Dương, Tây Ninh).

* Với hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính, thí sinh có thể biết điểm thi ngay sau khi thi?

- Các bài thi đánh giá năng lực toán học, vật lý học, hóa học và sinh học được máy tính chấm tự động. Thí sinh sẽ được biết điểm thi ngay sau khi kết thúc dự thi.

Riêng đối với bài thi môn ngữ văn, phần viết luận sẽ được tổ chức theo 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, việc chấm thi phần viết luận được thực hiện bằng sự hỗ trợ của phần mềm để các giám khảo chấm thi trên máy tính. Kết quả bài thi sẽ được công bố trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự thi.

Đối với bài thi môn tiếng Anh, phần thi nghe và đọc sẽ do máy tính chấm điểm tự động. Các phần thi nói và viết sẽ được tổ chức theo 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, việc chấm thi phần viết luận được thực hiện bằng sự hỗ trợ của phần mềm để các giám khảo chấm thi trên máy tính. Kết quả bài thi sẽ được công bố trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự thi.

* Thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi này để đăng ký xét tuyển ra sao, thưa ông?

- Thí sinh dự kiến xét tuyển vào ngành học nào thì sẽ đăng ký dự thi bài thi đánh giá năng lực tương ứng với ngành học đó. Phương thức xét tuyển này sẽ rất có lợi cho các thí sinh có thế mạnh ở các môn học ứng với ngành xét tuyển.

Ví dụ, thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm tiếng Anh thì sẽ dự thi bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh và điểm bài thi này sẽ được nhân đôi khi xét tuyển. Tương tự với các ngành còn lại.

TRẦN HUỲNH, Tuổi trẻ Online

Nguồn: https://tuoitre.vn/dai-hoc-su-pham-tphcm-tim-thi-sinh-co-nang-luc-chuyen-biet-gi-20210413090332188.htm

 
NGƯỜI KHOA VĂN PDF. In Email
Thứ sáu, 06 Tháng 11 2020 17:50

NGƯỜI KHOA VĂN

Đài truyền hình TP.HCM đang hoàn thành khâu hậu kỳ để trong tháng 7-2007 có thể phát chương trình tường thuật đêm thơ Người khoa văn tổ chức tại ĐHSP TP.HCM nhân tập thơ Người khoa Văn II mới được phát hành.

1. Đêm thơ 21-5-2007 là đêm của những bạn văn trong mối quan hệ đồng nghiệp, quan hệ thầy trò. Tiếng thơ từ khoa Văn đã lôi kéo người khoa Mầm Non, khiến hội trường lớn, chật kín người nghe. Sự kết hợp các khoa đào tạo này, giúp đêm thơ có thêm phần ca hát. Thầy dạy nhạc Ngô Quang Dũng của khoa Tiểu Học đã ca từ hóa thơ của các đồng nghiệp khoa văn bằng nhạc phẩm của mình, để khách thơ được nghe các ca khúc, Anh có một Sài Gòn như thế (Bùi Mạnh Nhị) Vô tình (Hòang Văn Cẩn) Nụ xuân (Nguyễn Ngọc Điệp) Đợi mưa (Lê Thu Yến) Hương sắc tháng ba (Vũ Thị Ân)… Trong hứng khởi thơ ca đêm ấy, thầy và trò đều là thi sĩ. Thầy trân trọng trích dẫn thơ trò, những câu tơ non, thiệt thà, hồn hậu: “Người khoa Văn chân tình lắm / Người yêu Văn nhân hậu nhiều / Cha mẹ dạy con mai lớn / Chọn người khoa ấy mà yêu” (Việt Nga). Trò, những sinh viên còn rất trẻ, đã đằm thắm hơn, sâu sắc hơn đêm ấy, gắng hiểu thơ thầy, những chắt lọc từng trải, chắt lọc chữ nghĩa để có thể sành điệu: Rót cho đầy li cạn / Uống cho cạn li đầy…có thể uyên thâm: Rót cho đầy vĩnh cửu / Uống cho cạn thóang qua…và rồi đồng cảm: Sao em nhìn ta bật khóc / Rượu này có nước mắt pha (Bùi Mạnh Nhị – Vô đề).

GS. Lê Trí Viễn trong Đêm thơ Người Khoa Văn

Hình 1. GS. Lê Trí Viễn trong Đêm thơ Người Khoa Văn.

2. Có được một đêm thơ chất lượng như thế là nhờ từ khoa Văn, không ít sinh viên đã trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo cung cấp cho đội ngũ người cầm bút hôn nay, những tên tuổi đã quen thuộc với người đọc như Nguyễn Nhật Anh, Hồ Thi Ca, Nguyễn Thái Dương, Đặng Nguyệt Anh, Trần Ngọc Hưởng,  Lưu Thị Lương, Nguyễn Như Thuần, Kiều Phan, Vĩnh Thắng, Cù Mai Công, Cao Xuân Sơn…Trong số này đã có những tác giả  đóng góp đáng kể cho văn học Việt Nam hiện đại như Nguyễn Nhật Ánh với nhưng bộ sách lớn dành cho thiếu nhi. Ngay trong sách Người khoa văn II phát hành trong đêm thơ, ta cũng tìm thấy sự đóng góp này ở đơn vị câu thơ, bài thơ. Một trau chuốt, cách điệu dành cho nhịp cũ 8/8 của thời thơ mới: Sông đã sóng từ khi chưa biển biếc / Ta đã nhau thuở môi mắt chưa kề (Nguyễn Thái Dương –Thuở kia, có một mối tình kia). Một nỗ lực phá vỡ những khuôn thước, dù đó là khuôn vàng thước ngọc: Tiếng hát xuyên qua qủa táo trong túi áo tôi / Nhọn hơn một tiếng thở dài / Có phải đêm đêm chị vẫn lặng lẽ mài giũa nỗi cô độc trong lòng chị / chuốt thành ngọn mác bén.(Nguyễn Nhật Ánh – Chị tôi)

 

PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị trong Đêm thơ Người Khoa Văn

Hình 2. PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị trong Đêm thơ Người Khoa Văn.

3. Có chút cổ điển quý hiếm trong tập Người khoa văn II. Nguyễn Nguyên Trứ viết thơ chữ Hán: Thất thập niên tiền sự / Hốt ức, ngã tâm thương / Mạc bi sầu tư lự / Lộ bàng, y cựu hương rồi tự dịch thơ mình: Chuyện xưa đã bảy mươi năm / Bỗng dồn nhớ lại khôn cầm lòng ta / Xin đừng quá đỗi xót xa / Bên đường hoa vẫn như xưa ngát lừng ( Cố hương). Và người viết bài xin được phóng bút trích dẫn Lê Trí Viễn để những ai từng mê Hạ Trí Chương, được nhận ra trong Người khoa văn chút hơi hướng thơ Đường: Khoa trưởng già về khoa / Bàn tiếp khách đăng kí / Cô sinh viên hỏi kỹ / Thưa: cụ học khóa nào?

4.Từ đêm thơ này và nhiều đêm thơ trước trong 30 năm phát triển, Người khoa văn đã đưa chất thơ vào cuộc sống theo nghĩa, từ Khoa Ngữ Văn, nhiều thầy cô đã bước vào hàng ngũ quản lý cấp cao như GSTS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, Giám đốc Đại học Quốc gia; Thứ trưởng Lê Vũ Hùng (Cựu Sv của Khoa), PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị, Hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, TS Bạch Văn Hợp, Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Viết Ngoạn Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Ths. Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Bình Thuận; Ths. Nguyễn Thị Chim Lang, Giám đốc Sở GD và ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu; Cô Nguyễn Thị Thu Lang, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đồng Nai… Nhiều thầy cô tham gia quản lý cấp Khoa thuộc ĐHSP TP.HCM, PGS.TS Hoàng Văn Cẩn hiện là Trưởng Khoa Giáo Dục Mầm non; TS Vũ Thị Ân hiện là Trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học; TS Nguyễn Thị Anh hiện là Hiệu trưởng trường Trung học Thực hành.

5. Tính đến nay Người khoa văn đã xuất bản hơn 100 đầu  sách, bao gồm sách nghiên cứu, sách tham khảo, giáo trình và sách phổ biến khoa học. Nhiều đầu sách đã được tái bản nhiều lần. Đã hoàn thành 32 đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Trường. Liên kết xuất bản 10 số tạp chí chuyên ngành để công bố kết quả nghiên cứu của giảng viên trong Khoa. Mời bạn đọc xem ảnh bìa tập sách mới của Người khoa văn .

Trần Quốc Toàn

 
NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI THẦY PDF. In Email
Thứ tư, 14 Tháng 10 2020 07:32

NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI THẦY

Được tin thầy Trần Hoán từ trần, tôi không khỏi bàng hoàng, hụt hẫng. Vốn là tôi có ý định đến thăm thầy nhưng vì vướng dịch covid 19 nên cứ lần lữa mãi, chưa đến được. Nào ngờ thầy đã ra đi… Vậy là từ nay, mãi mãi tôi không bao giờ còn được gặp thầy nữa. Tiếc thay! Tôi xin ghi lại đây cảm xúc và một vài kỷ niệm về thầy như một nén tâm nhang của một học trò trong hàng nghìn học trò tiễn biệt thầy về bên thế giới người hiền.

Tôi biết thầy Trần Hoán khi vào học khoa Ngữ văn của Trường ĐHSP Hà Nội I khóa 19 (1969 – 1973).Thầy dạy tôi phần cú pháp, bộ môn ngôn ngữ học. Nói là biết cũng chỉ là biết tên thầy dạy mình môn ấy, thế thôi chứ đâu đã biết gì nhiều. Vả lại, tôi vốn nhút nhát, đối với các thầy cô hồi ấy chỉ có “kính nhi viễn chi” chứ chả bao giờ dám bén mảng tới gần làm quen hoặc chia sẻ điều gì. Vậy nên ấn tượng của tôi về thầy hồi ấy chưa có gì sâu sắc .

Rồi cuộc đời run rủi thế nào tôi lại được gặp thầy ở khoa Ngữ văn của Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh. Số là thầy được Bộ tăng cường điều động vào công tác tại Trường ĐHSP Tp Hồ Chí Minh năm 1976 thì năm 1977 tôi tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội I và cũng được điều động vào công tác tại đây cùng với một vài anh chị em khác. Là đồng nghiệp và công tác cùng khoa với thầy, tôi có điều kiện gần gũi và hiểu biết về thầy nhiều hơn. Bấy giờ, thầy đảm nhiêm vai trò trưởng bộ môn ngôn ngữ học và Bí thư chi bộ khoa. Năm tháng qua đi, ấn tượng về thầy ngày càng sâu đậm trong tôi mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ: tác phong giản dị, tính tình hiền lành, cử chỉ mực thước, giọng nói chậm rãi, rành rọt và luôn chu đáo với đồng chí, đồng nghiệp. Nói chung thầy là một con người sống rất đạo đức và dễ gần. Ai đã từng tiếp xúc với thầy, dù chỉ là lần đầu đều cảm thấy bình yên, tin cậy. Còn nhớ khoa Ngữ văn những năm 1987, 1988 có sóng gió bất ổn trong nội bộ, yêu cầu phải nhanh chóng kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo khoa. Mặc dù không có học hàm, học vị cao nhưng thầy vẫn được tuyệt đại đa số cán bộ trong khoa tín nhiệm bầu giữ chức vụ Trưởng khoa và thầy đã đảm nhiệm chức vụ ấy trong suốt hai nhiệm kỳ từ 1988 đến 1996.

Tôi không cùng chuyên môn với thầy nhưng cũng thường được thầy quan tâm giúp đỡ, động viên, chia sẻ những lúc khó khăn, cô đơn. Còn nhớ cái Tết đầu tiên xa nhà ở Sài Gòn, tôi và Phạm Văn Phúc còn độc thân, đang trong tâm trạng nhớ nhà da diết, thì được thầy mời về nhà ăn Tết. Mà nhà thầy hồi ấy có giàu có gì cho cam! Thì ra thầy đã rất thấu hiểu tâm trạng của chúng tôi khi đó và lặng lẽ an ủi, vỗ về chúng tôi bằng một cử chỉ tự nhiên, thân tình như vậy. Chỉ những ai xa quê trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc mới thấm nỗi cô đơn nơi đất khách quê người và càng trân quý những tình cảm như thầy đã dành cho chúng tôi vào cái Tết năm ấy.

Tôi xây dựng gia đình đầu năm 1981. Lúc bấy giờ đời sống rất khó khăn mà chúng tôi thì lại đang trong cảnh chồng Nam, vợ Bắc. Tháng 10/1981, chúng tôi sinh cháu gái đầu lòng, khó khăn càng thêm chồng chất. Những lúc ấy, thầy thường gặp tôi an ủi, động viên và khuyên tôi nên sớm hợp lý hoá gia đình. Thầy hứa sẽ nhận vợ tôi về công tác ở tổ bộ môn nếu vợ tôi vào. Tôi nghe lời thầy và cuộc sống của gia đình tôi ổn định dần từ đấy.

Lứa tuổi chúng tôi hồi ấy ai cũng khao khát được đứng vào hàng ngũ của Đảng với một động cơ trong sáng tuyệt vời. Thầy Trần Hoán cũng là một trong những người đã dìu dắt giúp đỡ tôi vào Đảng. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in buổi lễ kết nạp tôi vào Đảng ngay tại thao trường của Trường sĩ quan lục quân 2 ở Long Thành, Đồng Nai ngày 13/9/1983 ( hồi ấy, tôi đang theo học lớp Sĩ quan dự bị của Trường sĩ quan lục quân 2). Hôm ấy có các đồng chí trong chi bộ khoa Giáo dục quốc phòng, thầy Hồ Văn Nho (Bí thư đảng ủy bộ phận khoa), thầy Trần Hoán (Bí thư chi bộ khoa Ngữ văn). Buổi lễ giản dị nhưng trang trọng và xúc động. Thầy Trần Hoán đã đọc Nghị quyết của chi bộ và công bố quyết định chuẩn y kết nạp tôi vào Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời căn dặn tôi tiếp tục phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Tại buổi Lễ hôm đó tôi đã giơ nắm tay tuyên thệ mà lòng xúc động nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng.

Bây giờ tôi đã bước vào ngưỡng tuổi của lớp người “xưa nay hiếm” . Ngẫm lại thấy trên mỗi bước trưởng thành của mình đều có bóng dáng của những thầy cô giúp đỡ, dìu dắt. Thầy Trần Hoán là một trong những người thầy như thế. Với thầy, tôi không chỉ học được chữ mà còn học được làm người tử tế. Bây giờ thầy đã đi xa. Trong trái tim tôi mãi khắc ghi hình bóng của một người thầy đã sống trọn vẹn một cuộc đời thanh bạch, đức độ, khiêm nhường và giàu lòng nhân ái. Thương nhớ vô cùng! Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt thầy và cầu chúc hương hồn thầy sớm được siêu thoát về miền an lạc vĩnh hằng và luôn phù hộ độ trì cho con cháu đựợc bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Ngày 13/10/2020

BẠCH VĂN HỢP

 

 
THƯ MỜI DỰ LỄ TỐT NGHIỆP VÀ TRAO BẰNG TÂN CỬ NHÂN NĂM 2020 PDF. In Email
Thứ hai, 24 Tháng 8 2020 14:53

TRƯỜNG ĐHSP TP.HỒ CHÍ MINH

KHOA NGỮ VĂN

- * -

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 8 năm2020

THƯ MỜI DỰ LỄ TỐT NGHIỆP VÀ TRAO BẰNG TÂN CỬ NHÂN NĂM 2020

Được sự cho phép của Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Ngữ văn sẽ tổ chức Lễ tốt nghiệp và trao bằng cho các tân cử nhân năm 2020. Đây là dịp để Trường và Khoa ghi nhận, vinh danh những nỗ lực, phấn đấu trong học tập, rèn luyện của các bạn sinh viên.

Chúng tôi trân trọng kính mời quý Thầy Cô giáo, các bậc phụ huynh cùng toàn thể các bạn sinh viên đến tham dự, chúc mừng. Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh dự và thành công của buổi lễ.

(Lưu ý: Khi tham dự lễ, quý vị vui lòng mang khẩu trang.)

- Thời gian: 7 giờ 30, Thứ 3, ngày 25 tháng 8 năm 2020.

- Địa điểm: Hội trường A509, Trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, 280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trưởng khoa

PGS.TS. Bùi Thanh Truyền

 
TẬP HUẤN THIẾT LẬP LỚP HỌC ONLINE CHO GIẢNG VIÊN KHOA NGỮ VĂN, ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TPHCM. PDF. In Email
Thứ bảy, 15 Tháng 2 2020 08:10

 

Nhằm nâng cao hiệu quả cũng tìm kiếm các giải pháp mới cho quá trình dạy học, đặc biệt trong những điều kiện không thuận lợi cho hình thức lớp học truyền thống, được sự đồng ý của Ban chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, công đoàn khoa Ngữ Văn tổ chức buổi tập huấn “Thiết lập lớp học Online cơ bản” vào sáng thứ 7 ngày 15/02/2020, từ 7h30-11h30 tại B405, 280 An Dương Vương, phường 4 quận 5, TPHCM.

Trong gần 04 tiếng, với sự hướng dẫn của thầy Phan Duy Khôi – giảng viên tổ Lý luận và Phương pháp dạy học, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, gần 30 giảng viên khoa Ngữ Văn trường đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh đã lần lượt trao đổi, thực hành các nội dung cơ bản nhằm thiết lập một lớp học online bao gồm: Xây dựng kênh liên lạc tập trung với sinh viên, tạo lập bài kiểm tra trắc nghiệm và tự luận với nhiều thiết lập khác nhau về dạng câu hỏi, số điểm, thời gian, v.v., xây dựng kho tài nguyên tập trung (ngân hàng đề thi, hình ảnh, tài liệu, v.v.), sử dụng app trên điện thoại (android và iOS, miễn phí) để giảng viên quản lí lớp học tập trên smartphone, thiết kế một kịch bản sư phạm online, v.v.

Kết thúc buổi tập huấn, nhận định về nội dung và hiệu quả, các giảng viên tham gia lớp đều đánh giá đây là một buổi tập huấn bổ ích, mang đến nhiều gợi mở cho công tác tổ chức, chuyên môn của bản thân và có kế hoạch áp dụng hình thức lớp học online này trong tương lai gần. TS. Phan Thu Vân, Phó trưởng khoa Ngữ Văn nhận xét: “Buổi tập huấn rất bổ ích vì đã giới thiệu được một nền tảng thiết lập lớp học online đơn giản, hiệu quả, đặc biệt là có phần tương tác của không chỉ học sinh, giáo viên mà còn cả phụ huynh học sinh. Đây sẽ là một mô hình rất phù hợp ở cấp phổ thông. Tuy nhiên, vì là phần mềm miễn phí nên vẫn còn một số bất cập. Từ góc độ tổ chức, giảng dạy ở bậc đại học, đặc biệt là tại một trường đại học Sư Phạm trọng điểm phía Nam, trường đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh nên có một phần mềm, nền tảng riêng để hỗ trợ nhiều hơn cho công tác quản lý và giảng dạy tại trường, đây chính là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thành sứ mệnh nhà trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội và đất nước. Tuy nhiên, nhìn chung, đây là một hoạt động hết sức có ý nghĩa và hiệu quả của Công đoàn khoa Ngữ Văn khi trong một buổi có thể hướng dẫn toàn thể học viên xây dựng thành công lớp học online.”

Được biết, mô hình thiết lập lớp học online này là nền tảng đào tạo sinh viên ngành Sư Phạm Ngữ Văn trong vài năm trở lại đây. Mô hình này đang và sẽ dần được chuyển giao, tập huấn đến giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

NTT., 15/02/2020

 
«Bắt đầuLùi12345678910Tiếp theoCuối»

Trang 3 trong tổng số 18

THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: "RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/ UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA" (TRẦN QUỐC TOÀN)

THẦY GIÁO BÙI MẠNH NHỊ: “RÓT CHO ĐẦY VĨNH CỬU/UỐNG CHO CẠN THOÁNG QUA” Trần Quốc Toàn Phó giáo sư - Tiến sĩ khoa học Bùi Mạnh Nhị từng có trang giáo...

Thông báo về việc hỗ trợ khai thác nguồn học liệu trực tuyến trong thời gian giãn cách

THÔNG BÁO V/V HỖ TRỢ KHAI THÁC NGUỒN HỌC LIỆU TRỰC TUYẾN TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH   Nhằm hỗ trợ Quý Thầy/Cô, các Anh/Chị sinh viên, học viên, nghiên cứu...
 

Học vụ

Thông báo V/v Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TIỀN ĐÓNG HỌC PHÍ, CHI PHÍ SINH HOẠT ĐỐI VỚI SINH VIÊN SƯ PHẠM (ÁP DỤNG TỪ KHOÁ TUYỂN SINH NĂM HỌC 2021 - 2022,...

Thông báo V/v Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên hệ chính quy Năm học 2021-2022

THÔNG BÁO V/V THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN HỆ CHÍNH QUY NĂM HỌC 2021 - 2022     ...
 

Đoàn TN - Hội SV

THÔNG BÁO VỀ HỘI THI NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CỦA SINH VIÊN KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG ĐHSP TP. HCM NĂM HỌC 2008 - 2009

1/ Mục đích ý nghĩa: Trường ĐHSP là trường có nhiệm vụ hướng nghiệp dạy nghề rất rõ ràng. Đồng thời với việc được trang bị kiến thức về khoa...

 BÀI MỚI NHẤT