VĂN HỌC VIỆT NAM: Con người cá nhân trong văn học Việt Nam Thế kỷ XVIII (Trần Đình Sử) In
Thứ năm, 10 Tháng 10 2013 08:09

Họ Trịnh diệt Mạc xác lập ngôi chúa từ 1592 cho đến khi bị Tây Sơn diệt, đã cầm quyền thống trị ngót 200 năm ; Tây Sơn khởi quân đánh Nguyễn, diệt Trịnh, đuổi quân xâm lược nhà Thanh, thống nhất bờ cõi rồi bị nhà Nguyễn diệt, thời gian trong khoảng  25 năm (1789 – 1802). Đó là những năm xã hội suy đồi, kỷ cương đổ nát, chiến tranh Nam Bắc liên miên suốt thế kỷ XVII, chiến tranh chống ngoại xâm, diệt Trịnh, Nguyễn, nông dân khởi nghĩa suốt thế kỷ XVIII. Đạo lý, luân thường  không còn theo khuôn thước, hơn thua tuỳ vào sức mạnh từng phe. Thế kỷ XIX là thế kỷ của nhà Nguyễn. Đó là triều đại từng xây dựng quốc gia hưng thịnh, nhưng cũng nhiều độc đoán, khắt khe, thuế khoá nặng nề ; xây dựng lâu đài, lăng tẩm xa xỉ ; Nho giáo độc tôn song không còn thiêng liêng ; sự xâm nhập của tư bản phương Tây và xâm lược của thực dân Pháp càng thúc đẩy chế độ phong kiến suy tàn. Đó là thời đại khiến con người cá nhân thức tỉnh, tự khẳng định mình bằng mọi cách, mà trước hết là các giá trị cá nhân. Khi bộ cánh luân thường đã rách bươm, danh phận mờ mịt, con người cá nhân, cá thể hiện ra trần trụi. Chúa lấn vua, giết vua, chúa anh giết chúa em, bề tôi lột vàng, lột áo chúa thượng. Số phận con người trở nên mong manh, yếu đuối hơn bao giờ hết,  nhất là số phận của người phụ nữ. Một dòng tư tưởng thương người, xót thân nổi lên, bên cạnh khuynh hướng sáng tác hưởng lạc và trào phúng. Một thế hệ người tài tử ngang tàng, sống ngoài khuôn phép, trở thành nhân vật của một loạt giai thoại cũng là bằng chứng của con người cá nhân.

Nếu đứng ở lập trường ý thức hệ thì có thể nói đó là một sự suy đồi. Nhưng nếu xét ở quá trình ý thức con người trong văn học Việt Nam thì thấy một hiện tượng tiến bộ. Trước kia, cùng với sự hình thành văn học viết, con người được ý thức qua các hệ ý thức, qua các khái niệm, giáo lý một cách gián tiếp. Quá trình tự ý thức cá nhân ở đây gắn với quá trình sụp đổ của các khái niệm giáo lý, sự phai nhạt của hào quang, của thánh hiền, do đó mang tính chất là một cuộc phát hiện lại, một sự thể nghiệm lại. Đây cũng là quy luật chung của ý thức cá nhân trong văn học trung đại các dân tộc nói chung.

I

Con người cá nhân với niềm lo sợ tuổi trẻ chóng tàn
trong Chinh phụ ngâm (thế kỷ XVIII)

Khác với cá nhân tinh thần cao ngạo thể hiện trong thơ văn thế kỷ XVI với Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hãng, những con người có thể trốn đời, ẩn dật ở ngoại thế, ngoại vật, con người thế kỷ XVII không thể đứng ngoài các cuộc chiến tranh. Mà chiến tranh thời này thì liên miên. Từ 1627 đến 1672, chúa Trịnh tổ chức bảy cuộc chinh phạt chúa Nguyễn. Chưa kể khởi nghĩa nông dân dấy lên khắp nơi.

Khác với cá nhân tinh thần trong văn học mấy thế kỷ trước không biết đến chữ thân, nên không ý thức được rõ rệt ý nghĩa của tuổi trẻ, lúc nào họ cũng nhìn đời như nhau, con người trong văn học thời này bắt đầu tự ý thức từ chữ thân, từ tuổi trẻ, từ quyền được sống cuộc đời vật chất.

Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (bản Hán văn) và của Đoàn Thị Điểm (bản dịch Nôm hiện hành) tập trung biểu hiện khát vọng được hưởng hạnh phúc tuổi  trẻ, cái phần vật chất nhất của con người. Lý tưởng võ công, lý tưởng hiếu nghĩa vẫn còn được nhắc đến nhưng không còn là niềm rung cảm. Người chinh phụ nhân danh “khách má hồng” chịu nỗi “truân chuyên” mà lên án “xanh kia”, không chấp nhận kiếp hy sinh chiến trường trong chiến tranh phi nghĩa :

Trong cánh cửa  đã đành phận thiếp,

Ngoài mây kia há kiếp chàng vay ?

Trong toàn bộ khúc ngâm, duyên đôi lứa là niềm tha thiết nhất. Bao nhiêu chờ mong, khắc khoải đều tập trung vào nỗi lo sợ “tuổi xuân lỡ thì” :

Gió xuân ngày một vắng tin,

Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì.

Thương một kẻ phòng không luống giữ,

Thời tiết lành lầm lỡ đòi nau.

Thoi đưa ngày tháng ruổi mau,

Người đi thấm thoắt qua màu xuân xanh.

Cả một khúc ngâm tràn trề nỗi “tiếc niên hoa”, thương “phận bạc”, sợ “bạc đầu”, “tóc pha sương”, “Gái tơ mấy chốc mà ra nạ dòng”, “Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo”. Cùng với ý thức cá nhân vật chất, ý thức thời gian cũng thay đổi. Thời gian tuổi trẻ trôi nhanh : “mấy chốc”, “đòi nau”, “thấm thoắt”, đã phân hoá ra khỏi thời gian xã hội, vũ trụ. Người chinh phụ không còn ảo tưởng vào chữ tình “muôn kiếp” siêu hình :

Đành muôn kiếp chữ tình là vậy,

Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau.

Giấc mộng “chim liền cánh”, “cây liền cành”, “kiếp sau” trở thành vô nghĩa. Tất cả đều cho thấy một cá nhân vật chất, trần thế duy nhất đang được ý thức, mọi huyễn hoặc siêu nghiệm đều đáng ngờ. Chữ “dục” hạnh phúc thầm kín, khó nói nhất xưa nay, bị khinh bỉ nhất của con người, nay đã được nói to lên bằng ngôn ngữ của tự nhiên như một cái quyền chính đáng, nhân danh âm dương, tạo hoá :

Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh,

Nọ loài chim chắp cánh cùng bay.

Liễu sen là thức cỏ cây,

Đôi hoa cùng sánh đôi dây cùng liền.

Cá nhân rõ ràng chưa ý thức mình như một nhân tố có quyền của xã hội  người. Nó chỉ mong được tồn tại như mọi vật của tạo hoá, như chim muông, côn trùng, cây cỏ. Đó chẳng phải là phần đáng thương nhất của thân phận con người hay sao ? Trong tư tưởng Nho giáo, con người không có gì là riêng của mình, từ thân thế, tài sản cho đến danh phận, bổng lộc đều là của cha mẹ hay vua ban. Giờ đây con người ý thức một cái gì là của riêng mình mà mình phải biết giữ gìn thì mới còn được. Đó cũng chẳng phải là một phát hiện lại về con người hay sao ? Nho giáo chủ trương một lý tưởng  lập thân để được bất hủ, không cùng nát với cỏ cây. Nay con người tự thấy mình cùng một chất với cỏ cây, muốn hưởng cuộc đời vốn dễ hư nát, tàn lụi ấy, chẳng phải là một phản tư (reflexion) đó sao ? “Gác khói”, “đài lân”, “kiếp sau” đều trở thành hão huyền, xa lạ. ý thức cá nhân làm con người không tin vào cái vĩnh viễn, họ chỉ tin vào lúc này, kiếp này, thân này. Đó là một bước ngoặt trong quan niệm con người trong văn học Việt Nam.

II

Giá trị hư ảo, vô nghĩa của cá nhân con người trong Cung oán
ngâm khúc
của Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798)

Cung oán ngâm khúc đặc biệt đau đớn với tính chất hư ảo, biến hoá của giá trị con người. Tính chất biến ảo vô thường của con người và thế giới đã được biết đến từ lâu. Nếu là nhà thiền học họ sẽ khuyên ta biết phá vật – ngã lưỡng chấp, bài trừ vọng niệm để được giải thoát và thanh thản tâm hồn. Nhưng con người trần thế đã ý thức được mình là thực tại, vì thế biến ảo mới đau lòng.

Người cung nữ là một biểu trưng cho giá trị tài – sắc,  có quyền được hưởng mọi điều kiện hạnh phúc, sung sướng. Giá trị ấy được cực tả là cao nhất, vang dội nhất, gây ấn tượng nhất :

            Nụ hoa chưa mỉm miệng cười,

Gấm nàng Ban đã lạt mùi thu dung.

            Bóng gương lấp ló trong mành,

Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.

Hương trời đắm nguyệt say hoa,

Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình.

Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,

Nét đan thanh bậc chị chàng Vương.

Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,

Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng…

Không cần bắt bẻ câu miêu tả ước lệ cường điệu, cũng không nên ghét cái “tính” khoe khoang, hợm mình nếu có ở đây. Vấn đề là, dù là giá trị cao nhất đi nữa thì trong tạo hoá cũng không có chút giá trị gì. Bởi vì ở trong cảnh “bãi bể nương dâu”, đời người chỉ là cái thân phù thế, chỉ là “Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”, là “Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh”, “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”, là “giấc Nam Kha hư ảo”,…

Cả khúc ngâm oán hận về nỗi cá nhân không có một chút quyền nào :

Quyền hoạ phúc trời tranh mất cả,

Chút tiện nghi chẳng trả phần ai.

Cái quay búng sẵn trên trời,

Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm !

Trong khi đó con người lại thấy cuộc sống cảm tính là hấp dẫn nhất : Cung oán ngâm khúc đã cực tả những cảnh tình dục rất khêu gợi :

Cái đêm  hôm ấy đêm gì,

Bóng dương lồng bóng đồ my trập trùng.

Chồi thược dược mơ màng thuỵ vũ,

Đoá hải đường thức ngủ xuân tiêu.

Cành xuân hoa chúm chím chào,

Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai.

Xiêm nghê nọ tả  tơi trước gió,

áo vũ kia lấp ló trong trăng.

Sênh ca mấy khúc vang lừng,

Cái thân Tây tử lên chừng điện Tô.

Hoặc :

Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt,

Lúc cười sương cợt tuyết đền phong.

Đoá lê ngon  mắt cửu trùng,

Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu.

Vẻ vưu vật trăm chiều chải chuốt,

Lòng quân vương chi chút trên tay.

Má hồng không thuốc mà say,

Nước kia muốn đổ, thành này muốn long.

Vườn Tây uyển khúc trùng thanh dạ,

Giải Lân xuân điệu ngả Đình hoa.

Thừa ân một giấc canh tà,

Tờ mờ nét ngọc, lập loà vẻ son.

Con người nhân danh nhu cầu hoà hợp âm dương phổ quát có từ trong Kinh dịch :

Kìa điểu thú là loài vạn vật,

Dẫu vô tư cũng biết đèo bòng.

Có âm dương có vợ chồng,

Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê([1]).

Vậy con người không phải oán trách “con tạo”, “cái quay”, “trẻ tạo hoá”, “trời” mà là trách xã hội người.

Xét theo Phật học thì nên diệt dục diệt khổ, chứ không nên oán. Xét theo Nho học thì con người sao thoát khỏi mệnh trời. Không oán người, không trách trời, an phận thì vô sự. Nhưng Nguyễn Gia Thiều đã làm ngược lại. Ông miêu tả cảnh hành dục không như một tội lỗi kiểu Truyền kỳ mạn lục mà như một niềm kiêu hãnh, sung sướng. Cả ở đây con người cá nhân cũng xuất hiện như một phát hiện lại, đi ngược giáo lý.

Có thể nói thế kỷ XVIII đã xảy ra một bước ngoặt lớn trong quan niệm con người cá nhân, làm nở rộ một dòng văn học nhân đạo, khác với văn học nhân nghĩa là chủ đạo trước đó. Bước ngoặt làm đổi thay giá trị con người ấy là : Trước thế kỷ XVIII cá nhân chỉ được đánh giá trong thang bậc đạo lý, nghĩa lý, lý trí và ở sức mạnh tinh thần, con người càng có nghị lực vươn lên bao nhiêu, càng khắc phục cá nhân nhỏ bé, phàm tục bao nhiêu thì càng có giá trị. Bởi vì nghĩa lý, đạo lý, giáo lý là cái thiện,  còn mọi thứ dục, lục dục, nhân dục, nhất là tình dục đều là cái ác. Bây giờ tình hình lật ngược lại. Quyền sống của con người trần thế, giá trị con người thân xác với bao thứ “dục” chính đáng của nó là trung tâm điểm của giá trị. Bất kỳ cái gì chà đạp giá trị ấy, quyền sống ấy thì đều là cái ác, cái xấu, cái đáng oán hận.

III

Con người cá nhân bản năng trong thơ Hồ Xuân Hương
(thế kỷ XVIII – XIX)

Một biểu hiện hiếm có, độc đáo của con người cá nhân trong văn học Việt Nam thời kỳ này là con người bản năng trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đây là điều mà nhiều nhà nghiên cứu văn học thời kỳ này đã khẳng định. Nguyễn Lộc viết : “Hồ Xuân Hương không giả dối, bà đã công khai nói lên cái sự thật ấy. Thoả mãn cuộc sống bản năng cũng là một khát vọng chính đáng của con người giống như bất cứ  một khát vọng chính đáng nào ; và điều đáng chú ý hơn nữa ở nhà thơ này là đã công khai nói đến cuộc  sống bản năng, dù viết về những đề tài cốt  để người ta liên tưởng đến chuyện trong buồng kín của vợ chồng, nhưng bất cứ một bài thơ nào của bà cũng đều gợi lên một cảm giác đẹp hiếm có. Và chính  điều này đã nâng nhà thơ lên hàng những nghệ sĩ lỗi lạc, chứ không phải là những kẻ tầm thường làm thơ, viết văn với mục đích khiêu dâm”([2]).

ý thức về nhu cầu bản năng là biểu hiện của ý thức cá nhân. Phân tâm học cho biết có một vô thức cá nhân sâu xa bao gồm tất cả những thúc đẩy của bản năng, mà những cưỡng chế xã hội và văn hoá đã chôn vùi, “bịt miệng”, nhưng không huỷ diệt được. Vô thức sâu xa bao gồm toàn thể những thúc đẩy nguyên thuỷ, những thúc đẩy này tạo thành tính cảm tính (affectivité) cổ xưa của con người. Nhưng cái làm cho vô thức được cá nhân hoá là những dấu vết của đời sống riêng tư của mỗi người, những biến cố nguyên nhân của hiện tượng dồn ép([3]). Nói chung hiện tượng công khai các ám ảnh tình dục trong văn học đều có mấy nguyên nhân : Một là chủ nghĩa cấm dục kéo dài phản tự nhiên, giả dối khiến người ta phản ứng ; hai là đời sống tình dục thực tế bị ức chế, không thoả mãn ; ba là tình cảm sùng bái sinh thực khí nguyên thuỷ. Ngoài ra cũng chú ý tính thời thượng của mỗi thời.

ở Việt Nam, chịu ảnh hưởng Nho giáo, tư tưởng “nam nữ hữu biệt”, “nam nữ thụ thụ bất thân”, để lộ thân thể bị xem là ô nhục. Tư tưởng cấm dục của Tống Nho càng khắc nghiệt và giả dối. Cuộc sống truỵ lạc trong cung đình, tướng phủ thời ấy đã quá tai tiếng, tương phản gay gắt với đạo đức phong kiến. Tuy vậy, số phận đặc biệt với nhiều thiệt thòi trong cuộc đời tình duyên đã để lại dấu ấn thiếu thốn, không thoả mãn sâu đậm trong tâm tình của Hồ Xuân Hương. Nhưng cái chính ở chỗ bà là một cá tính mạnh mẽ, ngang tàng, dám nói cái mà đời ít người dám nói trong thơ. Vì vậy thơ bà thể hiện chân thực tình cảm của bà :

Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,

Sau giận vì duyên để mõm mòm.

Tài tử văn nhân ai đó tá ?

Thân này đâu đã chịu già tom !

(Tự tình III)

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.

Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tý con con !

(Tự tình II)

Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,

Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.

(Tự tình III)

Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc,

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi !

(Khóc ông Phủ Vĩnh Tường)

Chàng Cóc ơi, chàng Cóc ơi !

Thiếp bén duyên chàng có thế thôi !

(Khóc Tổng Cóc)

Năm thì mười họa hay chăng chớ,

Một tháng đôi lần có cũng không.

Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,

Cầm bằng làm mướn, mướn không công !

(Làm lẽ)

Một cuộc sống mà tất cả đều nửa vời, nửa đoạn, dang dở, thiếu thốn hoàn toàn, thể hiện một sự bất mãn dai dẳng, sâu sắc, liên tục trong cuộc đời ân ái. Thực tế thì như vậy, mà đạo đức xã hội lại cấm đoán, kiêng khem một cách giả dối khêu gợi ở bà một tình cảm chống đối, muốn xé toạc mọi che đậy.

Cái cá nhân không thoả mãn bị dồn nén ấy trở thành ám ảnh làm cho thơ bà có cái nhìn ngộ nghĩnh, nhìn đâu cũng thấy cơ thể người phụ nữ và việc sinh hoạt chốn buồng khuê. Đây là điểm đã được nhiều người khẳng định([4]). Nhưng điều mới mẻ là nhà thơ xem đó là một nhu cầu đương nhiên, công khai, có tính chất thách thức :

Quản bao miệng thế lời chênh lệch,

Không có, nhưng mà có, mới ngoan.

(Không chồng mà chửa)

Còn thú vui kia sao chẳng vẽ,

Trách người thợ vẽ khéo vô tình.

(Đề tranh tố nữ)

Quân tử  dùng dằng đi chẳng dứt,

Đi thì cũng dở, ở không xong.

(Thiếu nữ ngủ ngày)

Quân tử có yêu thì đóng cọc,

Xin đừng mân mó nhựa ra tay.

(Quả mít)

Hiền nhân quân tử ai là chẳng,

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo…

(Đèo Ba Dội)

Đá kia còn biết xuân già dặn,

Chả trách người ta lúc trẻ trung.

(Đá ông chồng bà chồng)

Thú vui  quên cả niềm lo cũ,

Kìa cái diều  ai nó lộn lèo.

(Quán Khánh)

Nhà thơ không xem cái lẳng lơ là lẳng lơ, không xem cái tục là tục, không xem dâm là dâm. Tất cả đều hồn nhiên, tự nhiên. Đã đến lúc không nên nói đến cái gọi là dâm và tục trong thơ bà, mà nên nói đến những ám ảnh tính dục, nhu cầu giải phóng nhãn quan tính dục phong kiến cổ hủ như một nhu cầu của con người cá nhân. Cũng có người hiểu cái “dâm” trong thơ Hồ Xuân Hương là biểu hiện của văn hoá phồn thực. Thiết nghĩ hiểu như vậy là đẩy vấn đề sang địa hạt ý thức tôn giáo, xa lạ với ý thức cá nhân của nhà thơ.

IV

Con người cá nhân cô đơn, xót mình đầy tâm trạng
trong thơ chữ Hán và Truyện Kiều của Nguyễn Du (1766 – 1820)

1. Sự xuất hiện của con người cá nhân trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đã được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra. Phan Ngọc là người đã nêu ra nhiều nhận xét sâu sắc về vấn đề này. Theo ông, trước hết, mọi người thời này đều cảm thấy xã hội đang tan vỡ, mọi giá trị của nó bị đứt tung, không phương cứu vãn. Phạm Thái (1777 -1813) kêu : “Đến nay tan tành phong cảnh, nát bét quy mô”. Hoàng Lê nhất thống chí nhận xét về Lê Chiêu Thống : “Nước Nam từ khi có vua đến nay không thấy có ông vua nào hèn hạ như thế”. Trong điều kiện đó, theo nhà nghiên cứu, cá nhân phải tìm chỗ dựa vào tài của mình. Chữ “tài từ chỗ là một từ kiêng kỵ của thời đại trước, trở thành ý niệm động lực của thời đại mới. Do đó nét tiêu biểu thứ hai của thời này là mọi  người đều ý thức về cái tài của mình, đều khoe tài và đều đòi hỏi phải đãi ngộ họ xứng đáng với cái tài của họ([5]). Phan Ngọc nhận thấy tất cả những người có thật của thời đại ấy  đều khoe tài. Nguyễn Huệ (1752 – 1792), Nguyễn Hữu Chỉnh ( ? – 1787), Đặng Trần Thường (1759 – 1816), Nguyễn Hữu Cầu ( ? – 1751), Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), Cao Bá Quát (1809 – 1854), Phan Huy ích (1750 - 1822), Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) đều khoe tài của mình. Các bậc nữ giới như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh, thế XIX),… đều khoe tài. Các nhân vật chính trong Truyện Kiều cũng đều thế : “Tư tưởng thị dân đòi hưởng lạc, đòi hỏi hạnh phúc, chống lại thói an bần lạc đạo xuất hiện và trở thành xu thế chính. Các tài tử ra đời để thay thế các quân tử, các trượng phu, là những người độc chiếm văn đàn trước đây. Các tài tử ấy học đạo thánh hiền nhưng suy nghĩ theo lối thị dân”([6]). Nhận định này đúng cho một khoảng thời gian dài từ thế kỷ XVIII cho đến hết thế kỷ XIX. Nó giúp soi sáng thêm cơ sở xã hội và quan niệm con người cá nhân thời đại.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, từ Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Hồ Xuân Hương,… đã nổi lên con người cá nhân với tình cảm thương thân, xót thân. Có thể nói trong văn học thời này đã khởi đầu một khuynh hướng văn học chữ Thân, chứ không phải văn học chữ Tài, Truyện Kiều là tiêu biểu nhất([7]).

2. Con người cá nhân xuất hiện bao giờ cũng là một sự phân hoá khỏi cái chung, sự hiện diện những nhu cầu vượt khỏi khuôn khổ chung của xã hội. Trong văn học trung đại, khi con người là một bộ phận của đẳng cấp, gia tộc, bị đồng nhất trực tiếp vào cộng đồng, tự cảm thấy các thuộc tính của cộng đồng ấy như là thuộc tính tự nhiên của chính mình, thì con người chưa thể có ý thức về con người cá nhân. Người ta bắt đầu cảm thấy được số phận và thực thể cá nhân khi nào bị tách rời ra khỏi cộng đồng ấy.

“Luân lạc”, “tha hương”, “biếm trích”, “ly biệt” với bè bạn thân nhân để lưu lạc nơi góc bể chân trời, nơi đất khách là những trạng thái khiến con người ý thức được cá nhân của mình. Thanh Hiên thi tập tràn đầy tình cảm tha hương, luân lạc. Trong 80 bài thơ của tập này có đến 2/ 3 nói tới luân lạc. “Khách”, “lữ” là trạng thái con người thường xuyên ở ngoài quê hương, cộng đồng, bè bạn. Đó là trạng thái để con người cảm thấy cô độc, “vô cố nhân”, “tứ cố vô thân”. Hàng chục bài thơ với sự trở đi trở lại chữ “lữ”, “khách” đã thể hiện cái cá nhân “vô thân” của con người. ý thức cá nhân càng rõ rệt khi chưa được “nhân thức” (người khác chưa biết mình), còn “vị ngộ” (chưa gặp được minh chúa), chưa có người “tri kỷ” :

Cao sơn lưu thuỷ vô nhân thức,

Hải giác thiên nhai hà xứ tầm.

(Non cao nước chảy tri âm ai đó,

Góc bể chân trời biết đâu mà tìm).

(Lưu biệt Nguyễn đại lang)

Cá nhân được ý thức trước hết ở khía cạnh thiếu bạn bè – thiếu người đồng chí, đồng cảm, thân thiết :

Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ

(Ta có tấc lòng không biết nói với ai)

Bồi hồi đối ảnh độc vô ngữ

(Bồi hồi đối ảnh một mình không biết nói với ai)

ỷ biến lan can vô dữ ngữ

(Dựa bên lan can không biết nói với ai)

Thứ đến là ý thức về sự tàn tạ của cơ thể mình – già nua, yếu đuối, bệnh hoạn,… trước sức công phá của thời gian và thế sự. Cái thân duy nhất của một con người bỗng chốc héo hon, tàn tạ, tóc bạc, răng long, da mồi. Nhiều nhà nghiên cứu đã chú ý đến việc Nguyễn Du nói nhiều đến tóc bạc, thân già, đa bệnh. Đó cũng chính là bằng chứng của ý thức cá nhân.

Nhưng ý thức cá nhân thể hiện sâu hơn ở chỗ thấy những giá trị mà mình quý trọng, nâng niu đã trở nên vô dụng, vô nghĩa :

Mệnh đẳng hồng mao bất tự tri

(Mệnh bằng cái lông mà không biết)

Con người “có tài” bỗng trở nên “bất tài” :

Thư kiếm vô thành sinh kế thúc

(Sách kiếm đều không thành tựu, không gì mưu sinh)

Nhất sinh từ phú tri vô ích,

Mãn giá cầm thư đồ tự ngu.

(Một đời từ phú biết là vô tích sự,

Đầy giá đàn sách, chỉ là tự lừa dối mình).

Vô luỵ vị ưng chiêu quỷ trách,

Bất tài đa khủng tốc quan phi.

(Vô luỵ vì lẽ không làm cho quỷ ám,

Bất tài rất sợ việc quan bị chê là làm sai).

Vậy là tài năng, kiến thức đều vô ích cả. Giá trị đảo lộn. Xem thế thì biết Nguyễn Du không phải là người thị tài, khoe tài. Chẳng những thế, ông còn thấy mang tài là mang khổ. “Phàm sinh phụ kỳ khí ; thiên địa phi sở dung” (Phàm người sinh ra có khí lạ, trời đất không dung thân). Vậy là tài mệnh tương đố, “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Cũng như những người cùng thời đại, Nguyễn Du tự ý thức về cá nhân qua mấy ý niệm : vô thân, thân chóng tàn, “tài vô sở dụng” (tài không được chấp nhận). Và để nâng cao giá trị con người, ông đề xướng chữ tâm : “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nhưng chữ “tâm” của Nguyễn Du cũng mang nội hàm cá nhân. Đó không phải giản đơn là cái tâm nhà Phật  tâm bất nhị, không phân biệt ta  người, nội  ngoại, tâm vô ngã. Bản thân sự lên án số mệnh, oán thán cuộc đời không phải là ứng xử của cư sĩ. Trước hết đây là cái tâm Nho gia : trung, hiếu, tiết, nghĩa, liêm, sỉ. Nhưng đáng chú ý là cái tâm trắc ẩn, thương thân, liên tài. ở Truyện Kiều đã có bóng dáng tâm học đời Minh. Đã đọc Kim Vân Kiều truyện tất đọc bài tựa của Thiên Hoa Tàng chủ nhân vốn mang tư tưởng tâm học. Khác với nhà Phật xem sắc, thân, tâm chúng sinh với hỷ – nộ  ai – lạc chỉ là vọng niệm, còn Nguyễn Du xem đó là cái có thật của mỗi người, thừa nhận cái đau xót là hiện hữu của mỗi người, là quyền sống của mỗi cá nhân  người, ai cũng như ai. Trong Truyện Kiều, ông viết :

Thịt da ai cũng là người,

Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau.

Đêm xuân ai dễ cầm lòng cho đang

Tấm lòng ân ái ai ai cũng lòng

Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai…

Ông không chỉ thức nhận cá nhân vật chất mà còn thừa nhận cá nhân bình đẳng.

Nguyễn Du cũng nói tới việc tu Phật để giải thoát, nhưng ông xem đó chỉ như một việc tự huỷ hoại đời người :

Đã đem mình bỏ am mây…

Như vậy, khát vọng lớn nhất của con người là được sống trọn vẹn cuộc đời trần thế, không tin vào những hứa hẹn siêu hình xa xôi. Thể nghiệm cuộc sống cá nhân, Nguyễn  Du phát hiện con người cá nhân rất nhỏ bé. Ông dành chữ “chút” để nói về kiếp người, đời người, tình người :

Thì chi chút ước gọi là duyên sau

 Thưa rằng chút phận ngây thơ

Của tin gọi một chút này làm ghi

Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là

Xét nàng chút phận thuyền quyên

Rằng tôi chút nghĩa đèo bòng

Chút còn ân ái chưa xong

Nàng rằng còn chút nghề chơi…

Văn học thời trước thường thấy một cái “ta” mạnh mẽ, cương liệt, to  lớn : “Ai hay chẳng hay thì chớ – Bui một ta khen ta hữu tình (Nguyễn Trãi), “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ – Người khôn người đến chốn lao xao (Nguyễn Bỉnh Khiêm),… Đó là vì con người được đồng nhất với Đạo, dựa vào sức mạnh của Đạo. Nguyễn Du nhìn người như một cá nhân tách khỏi Đạo nên hiểu rõ cái nhỏ bé của nó trước cuộc đời.

Thể nghiệm cuộc sống cá nhân, Nguyễn Du thấy mọi cá nhân đều có chỗ yếu đuối và lầm lỗi, coi đó như một đặc điểm của con người. Hồ Tôn Hiến là một đại thần, nhưng là con người, hắn cũng như ai : “Cho hay mặt sắt cũng ngây vì tình”. Nàng Kiều trung, hiếu,  trinh, liệt, không sợ chết, nhưng khi nhận thấy Thúc Sinh tại dinh Hoạn Thư đã xiết bao run sợ, hãi hùng :

Nghe thôi kinh hãi xiết đâu,

Đàn bà thế ấy thấy âu một người.

ấy mới gan, ấy mới tài,

Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời.

Sự khiếp sợ như một phẩm chất tầm thường, theo quan niệm lý tưởng hoá cổ xưa, chỉ thuộc loại người hèn nhát, đối lập với phẩm chất khí phách, bất khuất truyền thống, không thể được xếp cùng một dãy với các phẩm chất trung, hiếu, tiết, nghĩa, trinh, liệt. Thể hiện niềm khiếp sợ với lòng cảm thương sâu xa, chứng tỏ Nguyễn Du đã bắt đầu thừa nhận con người bình thường với các nhược điểm, khuyết điểm có thể có, thừa nhận con người sống với ý nghĩa riêng của cá nhân. Chẳng hạn Kiều có thể tham “Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu”, có ý nghĩ “Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”, có chỗ không thể dứt khoát, khi cậy em thay lời : “Duyên này thì giữ vật này của chung”,…

Đến đây có thể nói Nguyễn Du đã có ý niệm về tâm lý cá nhân làm nền tảng cho sự miêu tả nhân vật. Ông không chỉ miêu tả con người lý tưởng, khuôn mẫu, mà còn miêu tả “con người này”, con người sống trong tình huống cụ thể, cá biệt và ứng xử với tất cả những gì nó có. Đây là con người cá nhân trong dạng chỉnh thể toàn vẹn, đầy mâu thuẫn mà người ta không thể nhìn nhận nó theo một quan niệm định sẵn. Chính đặc điểm này dẫn đến cái nhìn nhiều chiều của nhà văn trong miêu tả nhân vật([8]).

Truyện Kiều là đỉnh cao về quan niệm con người cá nhân trong văn học cổ điển Việt Nam với nhiều bình diện phong phú nhất, phức tạp nhất. So với con người cá nhân trong giai đoạn văn học trước, với con người trong Chinh  phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Hồ Xuân Hương,… có thể nói đây là tập đại thành về quan niệm con người cá nhân của thời đại.


([1]) Các trích dẫn Cung oán ngâm khúc trên đây đều rút từ Cung oán ngâm khúc,  Nguyễn Lộc khảo đính, giới thiệu, NXB Văn học, H., 1986.

([2]) Xem : Lời  giới thiệu trong sách Thơ Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, H., 1987, tr. 11.

([3]) J. P. Charrier, Phân tâm học, Lê Thanh và Hoàng Dân dịch, NXB Trẻ, Sài Gòn, 1972, tr. 20.

([4]) Xin xem : N. I. Niculin, Bàn về thơ Hồ Xuân Hương trong sách Những vấn đề lý luận của văn học phương Đông, NXB Khoa học Mátxcơva, 1969, tr. 294 – 301. Tác giả cho rằng cơ thể con người trở thành nhân vật trong thơ của thi sĩ (tr. 295). Xem thêm : Đỗ Đức Hiểu, Đổi mới phê bình văn học, bài Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương, NXB Khoa học xã hội – NXB Mũi Cà Mau, 1993, tr. 85 – 102.

([5]) Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”, NXB Khoa học xã hội, H., 1985, tr. 46.

([6]) Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”, Sđd, tr. 44.

([7]) Xem thêm : Trần Đình Sử, Tư tưởng nhân vật và cách kể chuyện của Nguyễn Du trong sách Những thế giới nghệ thuật thơ, NXB Giáo dục, 1995.

([8]) Xem thêm : Trần Đình Sử, Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn  Du trong “Truyện Kiều”,  Tạp chí Văn học, số 6, 1983, tr. 9 – 12.

 

nguồn: trandinhsu.wordpress.com