Những chiến công chưa kể của người thương binh anh hùng (kỳ cuối) In
Chủ nhật, 20 Tháng 5 2012 03:28
8:30, 29/08/2011



"Cấp ủy cũng chưa biết phải giải quyết sao cho vẹn tròn. Chả lẽ cứ là giao thông viên, tình báo viên là không được cưới hỏi? Nhưng khó, cả hai chúng tôi đều cùng ngành tình báo, lại ở hai hệ thống khác nhau. Nếu sau này một người bị bắt, sẽ dễ đổ vỡ cả hai đường dây thì quá nguy hiểm" - Nguyễn Văn Thương nhớ lại phút cam go.

Suýt chết dưới hai làn đạn và đám cưới bí mật

Đường dây giao thông của A36 lúc này có khi phải qua vùng của ta, vùng của địch, vùng xôi đậu, vùng bán hợp pháp, hợp pháp… nên Thương phải thay đổi hình dạng rất nhiều lần từ một anh lính cho đến tay lái buôn, khi thì đi xe đò, lúc lại cuốc bộ. Một lần, tại chợ Đồng Xoài, Thương bị một tốp du kích cải trang bí mật kè súng giải đi. Đến quãng vắng, tốp du kích quật ngã Thương và lục soát. Một người la lên: "Nghi đâu trúng phóc đó. Nó là thám báo của CIA nè, đại úy Ngọc nè, hết chối nha con". Thương bị giải sâu vào vùng giải phóng. "Tên thám báo" bị trói vào gốc cây mít, "tang chứng vật chứng" gồm thẻ căn cước, thẻ đặc phái viên CIA, hình tổng thống, tiền USD và cả một lá cờ ba sọc nho nhỏ bày ra trước mặt.

Một anh du kích phán: "Hôm nay, chúng ta tử hình tên CIA nguy hiểm này!". Óc Thương căng như dây đàn. Trong giây phút hiểm nghèo đó, Thương chợt nhớ đến vị chỉ huy trinh sát chuyên đánh thám báo trong vùng, cổ họng Thương bật lên: "Tư Minh, cho tôi gặp ổng, tôi sẽ khai hết". Tiếng người du kích: "Đúng là CIA, nó biết tất cả tên chỉ huy của mình. May mà bắt được mày, không thì tụi tao ăn bom tọa độ do mày chỉ điểm rồi".

Nhưng rồi ý thức trách nhiệm của tốp du kích vẫn thắng. Họ giải Thương đến một tiệm may trong ngõ vắng, gõ cửa. Người đàn ông có tên Tư Minh soi ngọn đèn dầu nhìn kỹ mặt "đại úy Ngọc", xong nói: "Ờ, tôi biết mặt thằng này ở Bình Dương, thôi cởi trói…". Quay sang Thương, Tư Minh nói nhỏ: "May mà mày khôn khéo để tụi nó dong về, không thì tai hại biết cỡ nào!". Hú hồn!

 

Đại tướng Lê Văn Dũng (người thứ hai từ trái qua) và lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm gia đình đồng chí Nguyễn Văn Thương.

Nhiều lần đi công tác ghé ngang Phú Hòa Đông (Củ Chi), Thương hay ghé xin nước uống, cơm ăn tại nhà má Hai Kiều (vợ liệt sĩ) và để ý thương Hai Em, con gái má Hai Kiều. Má Hai Kiều cũng chỉ biết Thương làm cách mạng, chứ không rõ Thương làm nhiệm vụ gì. Còn Thương do nhiệm vụ bí mật và do… muốn cưới Hai Em, nên có lần đã theo dõi và biết Hai Em đang làm giao thông tình báo hệ địch vận.

Sau khi trình bày xong lý lịch của Hai Em cho "đàng trai", thì gặp trở ngại phía "đàng gái", lý do: "Chúng tôi tốn biết bao công sức mới gây dựng được một giao thông viên, nay gả cho phía các đồng chí rồi sẽ mất người". Phía "đàng trai" cam đoan: "Cưới xong sẽ không rút người của địch vận". Tuy nhiên "đàng gái" sau một thời gian xem xét lại nêu lý do mới rất chí lý: "Hai Em là gái chưa chồng. Nếu tổ chức cưới xin, bọn tề ấp điều tra gốc tích làm ảnh hưởng đến công việc phía "đàng trai" thì sao?"…

Nguyễn Văn Thương nhớ lại phút cam go: "Cấp ủy cũng chưa biết phải giải quyết sao cho vẹn tròn. Chả lẽ cứ là giao thông viên, tình báo viên là không được cưới hỏi? Nhưng khó, cả hai chúng tôi đều cùng ngành tình báo, lại ở hai hệ thống khác nhau. Nếu sau này một người bị bắt, sẽ dễ đổ vỡ cả hai đường dây thì  quá nguy hiểm". Buồn quá không biết  giải quyết thế nào, anh gặp người yêu thổ lộ một cách rất vụng về: "Cô Hai, cô có thương tôi thì cô ừ một tiếng". Không ngờ Hai Em nói như khóc: "Em… ưng". Hạnh phúc quá, quyết xin cấp trên cho cưới bí mật.

Ngày cưới được chọn trùng với một ngày giỗ trong nhà để che mắt địch. Đơn vị của Thương gom góp tiền mua tặng cô dâu đôi bông tai. Hai Em bán con heo đánh được cặp nhẫn cưới. Phần Thương… chẳng có gì. Một năm sau, Hai Em cấn thai. Má Hai Kiều nói: "Hai Em, mày mời một lính ngụy đến nhà chơi, uống nước để cho chòm xóm thấy. Rồi má lu loa lên, đe nẹt mày để mày thú nhận dại dột mà có thai với thằng đó". Hai Em khóc: "Hổng được má ơi, bạn bè sẽ khinh con hư đốn quan hệ với ác ôn". Má Hai Kiều mạnh miệng: "Cái vụ này cả nhà làm chứng cho mày, thằng Tư Thương biết là đủ rồi, tổ chức biết là đủ rồi"… Liêm, con  trai đầu lòng của Nguyễn Văn Thương, vì thế đã phải mang họ mẹ!

Bắt tình báo CIA trên đôi chân giả

Ngày 10/2/1969, Nguyễn Văn Thương bị bắt khi trên đường đi công tác. Nhưng ông vẫn kịp thời hủy tài liệu  và chiến đấu đến hết đạn, hạ trên 20 lính Mỹ. Rủi thay, một tên chiêu hồi đã biết mặt Thương nên CIA quyết tâm khai thác lời khai của ông bằng mọi cách, kể cả dùng tiền, gái đẹp, chức vụ… Không khuất phục được Thương, bọn chúng ra lệnh cưa chân ông trong 6 lần làm cả hai chân của người tình báo cụt gần đến háng. Đến ngày 14/2/1973, giặc mới trao trả tù binh và sau đó Nguyễn Văn Thương được đưa đi an dưỡng. Sau khi bình phục và ngay khi miền Nam được giải phóng, Nguyễn Văn Thương lại vào trận trên đôi chân giả!

Sau những ngày tháng 4/1975, Nguyễn Văn Thương lại có mặt trong đoàn cán bộ quân quản, trực tiếp gặp  hỏi cung đám tay sai của CIA còn sót lại không kịp di tản. Anh gặp lại thiếu tá Xuân, đối thủ cũ. Cách đấy 4 năm, cũng tại căn phòng này, Xuân đã từng hầm hè a dua quan thầy cưa chân người tình báo mà hắn biết chắc là Nguyễn Văn Thương…

Với ý đồ tâng công chuộc tội, Xuân khai rành mạch: "Cách đây 3 tháng, nhận thấy Sài Gòn sắp thất thủ, CIA đã cài đại tá Bách (bí danh Nhạn Bạch) ra đảo đợi thời cơ để tung biệt kích vào đất liền. Tôi có dịp tháp tùng trung tướng  Nguyễn Khắc Bình ra đảo nên nhớ rõ vị trí, ám hiệu liên lạc…". Nắm được mọi diễn biến, nhất là rất rõ tên Bách vốn là kẻ từng tham gia hỏi cung mình, Nguyễn Văn Thương quyết tâm xông trận. Sau khi báo cáo tình hình và được đồng ý, Thương chỉ huy 2 tiểu đội công an vũ trang đi trên 2 tàu (ngụy trang tàu thành tàu cá) xuất phát từ sông Sài Gòn vào ban đêm để giữ bí mật…

… 9h sáng thì hai chiếc tàu đã đến Mũi Cà Mau. Từ đây, họ đi thêm gần 100km nữa thì tấp vào một hòn đảo nằm giữa biển Hà Tiên và Rạch Giá. Neo một thời gian thì qua ống nhòm, Thương và tên Xuân đã nhận ra ám hiệu an toàn trên một chiếc ghe mục. 2h chiều, mọi người chuẩn bị lên đảo. Một bóng áo cà sa vàng xuất hiện ở lưng chừng núi, Xuân giải thích: "Trước đây, CIA đã bí mật thủ tiêu các vị sư sãi đang tu trong ngôi chùa nhỏ trên núi, chiếm dụng chùa và cho người cải trang. Hiện nay Nhạn Bạch đang đợi tướng Nguyễn Khắc Bình và tôi để nắm tình hình tiếp tục tổ chức đánh phá cách mạng…".

Thương nhận rõ tên CIA đầu cạo trọc, áo cà sa quàng để hở một bên vai trần đúng phong cách Phật giáo Tiểu thừa Khmer. Hắn đang ngờ ngợ nhìn thiếu tá Xuân thì Xuân và Sơn (trung úy  công an của ta) bước đến, chào theo đúng kiểu nhà binh rồi nghiêm giọng: "Thiếu tá Xuân đây, chú mày lên bẩm đại tá có tao đến".

Khi tên đội lốt nhà sư vừa khuất vào trong chùa, Sơn ra dấu để Thương chỉ đạo anh em công an tỏa lên bờ chiếm các vị trí xung yếu.  Một lúc sau, tên canh chừng đưa tay vẫy, thiếu tá Xuân và Sơn đi lên theo bậc tam cấp. Phía trên bậc thềm trước chánh điện, đã thấy tên Nhạn Bạch mặc jean cởi trần, hai bên hông đeo 2 khẩu súng xề xệ y như cao bồi. Nhận ra Xuân, tên Nhạn Bạch cười ha hả: "Dù bằng đường biển à, ông tướng sao rồi?” (ý hỏi tướng Nguyễn Khắc Bình). Xuân bình tĩnh đáp theo đúng kịch bản của Thương dựng sẵn: "Ổng bị say sóng, mệt quá nằm dưới tàu. Ổng dặn đại tá xuống tàu để bàn bạc cho nhanh rồi ổng còn ra hải phận quốc tế cho kịp cuộc hẹn với Thái Lan".

Tên Nhạn Bạch không mảy may nghi ngờ theo chân Xuân và Sơn  xuống tàu.  Trong lúc Xuân lùi lại mấy bước thì Sơn cùng hai chiến sĩ công an khác ập vào tước ngay 2 khẩu súng của Nhạn Bạch, còng tay hắn ra sau chỉ trong tích tắc. Hắn há hốc mồm chưa kịp định thần thì Nguyễn Văn Thương bước ra trên đôi chân giả và cặp nạng gỗ!

Năm 1978, Chuẩn úy Nguyễn Văn Thương vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ai cũng nghĩ rằng đấy là phần thưởng do tinh thần thà hy sinh chứ không khai báo mạng lưới tình báo để rồi bị cưa chân của Nguyễn Văn Thương. Ít ai rõ những chiến công thầm lặng khác của người tình báo anh hùng này, bởi nhiều lý do khác nhau. Song dù sao trong mắt thế hệ trẻ hôm nay, tấm gương Nguyễn Văn Thương vẫn rất cần được sẻ chia, thấu hiểu và tôn vinh đúng với những chiến công  mà ông đã phấn đấu và giành được!


Dương Minh Anh

http://antg.cand.com.vn