Tiết lộ về những chiến dịch máy bay không người lái của CIA In
Thứ tư, 23 Tháng 3 2011 14:41


2:35, 22/03/2011

Các chiến dịch được thực hiện bởi cả một bộ máy nhân sự khổng lồ, nhiều tầng và hoạt động theo cách chuyên nghiệp và có phương pháp nhất. Hơn một năm sau khi rời khỏi chức vụ (John A.Rizzo giữ chức Trưởng ban cố vấn pháp lý cho CIA từ năm 2003 đến 2009), Rizzo bắt đầu tiết lộ với báo chí về vai trò của ông trong "những chiến dịch giết người" của CIA trong những năm qua.

Đó là một gian phòng trông có vẻ bình thường bên trong một cao ốc văn phòng ở Northern Virginia. Nơi đây đầy rẫy những màn hình máy vi tính, bàn phím và bản đồ đủ loại. John A. Rizzo - Trưởng ban Cố vấn pháp lý của CIA - cùng với những người khác đang chăm chú nhìn vào những hình ảnh trên màn hình hiển thị: Một người đàn ông cùng với gia đình đang ngồi trên một chiếc xe bon bon trên một con lộ cách xa nơi đây hàng ngàn kilômét. Rồi chiếc xe chạy chậm lại và người đàn ông bước ra ngoài.

Không lâu sau đó hình ảnh một vụ nổ chiếm hết cả màn hình và người đàn ông bị giết chết. Một chiếc máy bay không người lái (drone) đã tấn công giết chết người đàn ông - một nghi can khủng bố cao cấp - khi ông ta đã rời chiếc xe và ở xa hẳn những thành viên gia đình.

"CIA rất chú ý đến chi tiết này. Họ cố gắng giảm thiểu tối đa những tổn hại bên lề, nhất là đối với phụ nữ và trẻ con", Rizzo nói. Những chiến dịch sử dụng drone để tìm và diệt những nghi can khủng bố, chiến binh Al-Qaeda và Taliban, của CIA được mọi người biết đến từ lâu. Nhưng quá trình xác định xem những ai sẽ trở thành mục tiêu là vấn đề chưa được công khai trước đó.

Các chiến dịch được thực hiện bởi cả một bộ máy nhân sự khổng lồ, nhiều tầng và hoạt động theo cách chuyên nghiệp và có phương pháp nhất. Hơn một năm sau khi rời khỏi chức vụ (John A.Rizzo giữ chức Trưởng ban cố vấn pháp lý cho CIA từ năm 2003 đến 2009), Rizzo bắt đầu tiết lộ với báo chí về vai trò của ông trong "những chiến dịch giết người" của CIA trong những năm qua.

Rizzo, 63 tuổi, nói: "Về cơ bản đó là danh sách những người sẽ bị giết chết. Máy bay không người lái Predator là vũ khí được chọn, nhưng có thể một ai đó sẽ bắn vào đầu anh".

Con số những vụ giết người của CIA, được tiến hành phần nhiều ở Pakistan, đã gia tăng đáng kể sau khi ông Obama lên nắm quyền, và những chiến dịch bí mật này trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược chống khủng bố của Mỹ. CIA quyết định những ai sẽ trở thành mục tiêu sát hại là câu chuyện minh bạch, nhưng chưa được nhiều người biết đến.

Quân đội và CIA thường truy sát cùng những mục tiêu - ví dụ như Osama bin Laden - nhưng xử lý ở những khu vực khác nhau trên thế giới. Đôi khi họ phối hợp với nhau thành một đội, hay thậm chí trao đổi những nhiệm vụ với nhau. Khi cựu sĩ quan CIA A.Crumpton được điều đến Afghanistan sau ngày 11/9/2001, ông và tướng Stanley McChrystal - cựu lãnh đạo Bộ chỉ huy liên quân tác chiến đặc biệt, một đơn vị quân đội bí mật - cùng làm việc bên nhau và cấp dưới của họ cũng như vậy. Crumpton nhớ lại: "Một số người mà tôi biết và những người làm việc cho tôi đều cộng tác với ông (McChrystal) và ngược lại".

Một số chuyên gia chống khủng bố nói Tổng thống Obama và nhóm cố vấn của ông ưu tiên chọn giải pháp tiêu diệt những nghi can khủng bố hơn là giam giữ những đối tượng này. Để biện hộ cho giải pháp không khoan nhượng này, các quan chức chính quyền Obama nói những cuộc tấn công giết người bằng drone đang tiêu diệt những chiến binh Al-Qaeda và làm giảm thiểu những cơ hội tấn công khủng bố khác. Họ cũng cẩn thận trấn an dư luận rằng những vụ giết người này là hợp pháp.

Khi bị báo chí tra vấn, quan chức chính quyền Obama nói: "Những chiến dịch (chống khủng bố) được tiến hành đúng theo luật pháp nước Mỹ và tuân theo những quy định pháp lý do Bộ Tư pháp cung cấp".

Tờ Los Angeles Times từng mô tả John A. Rizzo là "luật sư có ảnh hưởng nhất trong lịch sử CIA", và người ta có thể cho rằng Rizzo là người hiểu rõ hơn bất cứ ai khác trong chính quyền Obama về những yếu tố pháp lý trong các chiến dịch tiêu diệt nghi can khủng bố theo danh sách mục tiêu của CIA. Rizzo tốt nghiệp khoa Luật Đại học George Washington và sống tại Washington D.C trong thập niên 70 thế kỷ XX khi Ủy ban Giáo hội Mỹ tiết lộ báo cáo về những âm mưu ám sát lãnh đạo nước ngoài của CIA. Rizzo cảm thấy đây là một cơ hội và nói: "Trước những gì đang diễn ra, họ cần những luật sư". Thế là chẳng bao lâu sau Rizzo đầu quân vào CIA.

Những thập niên sau đó - khi những cuộc thẩm vấn và chiến dịch giết người của CIA tăng mạnh sau ngày 11/9/2001 - Rizzo trở thành trung tâm của chương trình thẩm vấn mạnh tay dưới thời chính quyền Bush tại những điểm đen, hay những nhà tù bí mật, nằm rải rác ở Afghanistan cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Luật sư  John C. Yoo của Bộ Tư pháp Mỹ viết một "tài liệu về tra tấn" nổi tiếng trong tháng 8/2002 do Rizzo yêu cầu thông tin chi tiết về những kỹ thuật tra tấn được sử dụng đối với những tù nhân của Mỹ. Trước đây, Rizzo từng hy vọng trở thành trưởng cố vấn pháp lý cho CIA nhưng các thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng nghị viện không chấp nhận bởi vì vai trò của Rizzo trong CIA sẽ cho phép những cuộc tra tấn được tiến hành. Rizzo về hưu năm 2009. Giờ đây Rizzo đôi khi có vẻ khoe khoang. Ông hỏi: "Có bao nhiêu giáo sư luật đồng ý cấp giấy phép giết người?".

Ông quan sát những vụ tiêu diệt các nghi can khủng bố cấp cao qua hình ảnh video hiển thị trong văn phòng của CIA. Ngồi trong văn phòng ở tầng 7 trụ sở CIA với tài liệu về nghi can khủng bố đặt trước mặt, Rizzo tự hỏi không biết cha mẹ của ông nghĩ gì về đứa con có nhiệm vụ phê chuẩn những vụ giết người.

Sau khi Tổng thống Bush cho phép CIA truy kích những chiến binh Al-Qaeda sau ngày 11/9/2001, "các luật sư luôn có phần tham gia", Crumpton nói. "Họ giúp chúng tôi hiểu luật pháp quốc tế và những vấn đề liên quan đến vi phạm biên giới và giải thích rõ ẩn ý trong chỉ thị của tổng thống". Theo lệnh của Bush, rất đông người hoạt động trong những trại huấn luyện khủng bố trở thành mục tiêu bị sát hại, và không chỉ có những nghi can khủng bố.

Trung tâm phụ trách những chiến dịch giết người là Trung tâm Chống khủng bố của CIA, nơi mà những luật sư - khoảng 10 người, Rizzo nói - soạn thảo văn bản quyết định một cá nhân nào đó là mối đe dọa trầm trọng cho nước Mỹ. Những văn bản của CIA đều tuân thủ pháp luật tuyệt đối và được xem xét cẩn thận, thường dài đến 5 trang.

Rizzo nói ông và các quan chức CIA bị chỉ trích rất nhiều vì đã cho phép tiến hành những cuộc tra tấn tù nhân dưới thời chính quyền Bush, trong khi sự phản đối những chiến dịch giết người tăng cao dưới chính quyền Obama là không nhiều. Từ năm 2004 đến 2007, Tổng thống Bush cho phép tiến hành 42 cuộc tấn công bằng drone, theo Tổ chức New America Foundation. Con số này tăng hơn 4 lần dưới thời ông Obama - ít nhất là 180 cuộc tấn công drone.

Trong tháng 12/2010, người dân Pakistan đã đổ xuống đường phố Islamabad để phản đối những cuộc tấn công bằng drone và bày tỏ sự ủng hộ đối với Karim Khan, cư dân Waziristan, người có con trai và em trai bị giết chết trong cuộc tấn công bằng drone năm 2009 và vụ việc được kiện ra tòa chống lại CIA. Quan chức Mỹ nhấn mạnh những vụ giết người theo mục tiêu là có nền tảng pháp lý chắc chắn, nhưng nhiều học giả không đồng tình.

Gary Solis ở Đại học Georgetown, tác giả cuốn "Luật về xung đột vũ trang", nói, những người cho phép tấn công bằng drone là "những chiến binh chống lại pháp luật" và có thể là đối tượng truy tố. Trong những ngày này, Rizzo đang viết một cuốn hồi ký. Ông không nói đến vấn đề đạo đức trong công việc của ông, nhưng cố gắng chấm dứt sự dính líu đến nhiệm vụ giết người mà ông đảm trách trong quá khứ

Thục Miên (tổng hợp)

http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosomat/2011/3/74660.cand