Báo cáo đề dẫn và tóm tắt các báo cáo của HTKHQT: DẠY HỌC CHO HỌC SINH LỚP 1 CÓ KHÓ KHĂN VỀ ĐỌC In
Thứ ba, 25 Tháng 6 2013 17:32

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ

“DẠY HỌC CHO HỌC SINH LỚP 1 CÓ KHÓ KHĂN VỀ ĐỌC”

Preface International Conference

“Teaching first year students with special needs in reading”


PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha

Trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học,Trường ĐHSP TPHCM.

Kỹ năng đọc có ảnh hưởng quyết định đối với kết quả học tập. Hội Dyslexia của tổ chức UNESCO ước tính trong tổng số trẻ đang đi học có 8% đến 10%, cá biệt có những nơi lên đến 17% (trong đó 90% là trẻ em nam) có khó khăn về đọc, mặc dù chỉ số IQ của những HS này từ mức trung bình trở lên và trẻ không bị dị tật gì về cơ quan phát âm, lẫn cơ quan thị giác, thính giác [6]. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính chứng khó đọc ảnh hưởng tới 3% - 10% dân số thế giới (dẫn theo [1], [3]). Có những nhà giáo dục học cho rằng thực trạng HS Việt Nam “ngồi nhầm lớp”, như báo chí vẫn thường đề cập, có nguyên nhân từ thực tế: nhiều HS mắc chứng khó đọc nhưng không được phát hiện và can thiệp trị liệu kịp thời [2], [6]. Khó đọc là một chứng tật bẩm sinh. Trẻ mắc chứng khó đọc sẽ có cơ hội và điều kiện thuận lợi để có thể khắc phục được tật này, đồng thời giảm được nguy cơ suy kém các kỹ năng xã hội nếu chứng khó đọc ở trẻ được phát hiện và can thiệp sớm ngay từ những năm đầu tiểu học, thậm chí ngay ở giai đoạn trẻ học mẫu giáo [6]. Việc tìm kiếm và thực hiện các giải pháp trị liệu chứng khó đọc đã được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ trước và càng ngày càng có nhiều phương tiện, biện pháp hỗ trợ trị liệu chứng khó đọc một cách kịp thời và có hiệu quả đáng ghi nhận. Song ở Việt Nam ngoài các nghiên cứu của các tác giả Trần Trọng Thuỷ, Võ Thị Minh Chí (2009), Bùi Thế Hợp (2013) cho đến nay hầu như chưa có một nghiên cứu nào cung cấp một bức tranh toàn cảnh về chứng khó đọc của HS lớp 1 nói riêng và chứng khó đọc của HS Việt Nam nói chung; cũng chưa có một nghiên cứu nào công bố một hệ thống bài tập thực hành khắc phục chứng khó đọc từ phương diện ngôn ngữ đến phương diện tâm lý. Trong khi theo các thống kê của các y bác sĩ tâm lý tại các bệnh viện nhi đồng ở TPHCM, ngày càng có nhiều phụ huynh mang con đến khám và điều trị do trẻ mắc chứng khó học, trong đó có tới 70-80% trẻ mắc chứng khó đọc (Phạm Ngọc Thanh, 2007, 2010).

 

Khoảng 3 năm trở lại nay, việc quan tâm, hỗ trợ cho trẻ em Việt Nam có khó khăn về đọc đã được sự quan tâm chú ý của những người làm công tác giáo dục và nghiên cứu can thiệp trị liệu. Nhờ đó, Hội thảo Khoa học Dạy học cho HS lớp 1 có khó khăn về đọc sau gần một năm chuẩn bị đã nhận được gần 50 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài nước gửi về. Các báo cáo đều xoay quanh 3 chủ đề: Dạy đọc, viết cho HS ở những lớp đầu tiểu học; Chẩn đoán phát hiện sớm HS mắc chứng khó đọc; Hỗ trợ cho HS lớp đầu tiểu học có khó khăn về đọc.

 

Chủ đề 1: Dạy đọc, viết cho HS ở những lớp đầu tiểu học có 18 báo cáo đề cập đến các vấn đề hữu quan của hoạt động này. Với mục đích Để có thành công của HS trong giờ học tiếng Việt những ngày đầu đến trường, GS.TS. Lê Phương Nga, ĐHSP Hà Nội khẳng định dạy học dựa vào sự thành công của HS là một chiến lược cần phải đặt ra đối với các GV ở tiểu học, nhất là với GV khối lớp 1 vì đây là khoảng thời gian tạo nên sự thay đổi lớn trong cuộc sống của các em: từ vui chơi sang học tập. Tác giả bài viết nêu lên một số đề xuất nhằm giúp GV thay đổi một số nhận thức của mình theo hướng chú ý vào mặt thành công của HS lớp 1.

Việc hình thành kỹ năng đọc và viết cho trẻ trước khi vào lớp 1, được PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh, Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam, nhìn nhận từ bình diện tiếp cận tổng thể, xem việc hình thành kỹ năng tiền đọc, tiền viết là nội dung trọng tâm trong hoạt động chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi sẵn sàng đi học lớp 1, với các giải pháp “cho trẻ tiếp cận từ nghĩa đến các chữ cái và quy tắc kết hợp chữ để tạo tiếng, từ, câu”, “khuyến khích trẻ nêu ý tưởng cần biểu đạt đến dùng các chữ cái và quy tắc kết hợp chữ để ghi tiếng, từ, câu biểu đạt ý tưởng thành văn bản đơn giản”...

Quan tâm đến vấn đề dạy đọc cho HS lớp 1, TS. Vũ Thị Ân, ĐHSP TPHCM bàn đến việc dạy đọc cho trẻ cần chú ý đến những ảnh hưởng của hệ thống âm vị tiếng Việt, cũng như “cần tuân thủ nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp”, “dung lượng của ngữ liệu và tốc độ dạy phải phù hợp với mức độ lĩnh hội của trẻ”... Tác giả cũng đặt câu hỏi “có nên dạy học đọc sớm cho trẻ hay không?”, “làm thế nào để có giờ học vui và hiệu quả”?...

Từ việc “bao quát các tư liệu liên quan đến dạy học đọc ở bậc tiểu học để tìm hiểu và phát hiện những điểm tương đồng hoặc khác biệt trong cách hiểu các khái niệm cơ bản về dạy đọc giữa các nhà nghiên cứu giáo dục ngôn ngữ trong nước và quốc tế”, TS. Hoàng Thị Tuyết, ĐHSP TPHCM, cho rằng những khác biệt ở “cách hiểu về đọc thành tiếng và đọc thầm, về các thành tố tạo nên năng lực đọc nói chung và khả năng đọc lưu loát, về tính đa diện phức hợp của cơ chế đọc hiểu cũng như đọc lưu loát theo hướng phát triển người học trở thành người đọc độc lập”, buộc phải suy nghĩ về việc hợp lý hóa việc dạy và học đọc Tiếng Việt ở tiểu học, trên bình diện lý luận lẫn thực tiễn, nhất là ở hai lớp đầu cấp tiểu học. Trong đó, yêu cầu đọc lưu loát là một kết quả tiêu điểm nhất thiết phải đạt được ở mức thành công.

Dưới góc nhìn của sinh lý học thần kinh, với bài viết “Não bộ và việc dạy học đọc cho HS lớp 1”, ThS. Nguyễn Minh Giang, ĐHSP TPHCM nhấn mạnh “bất kỳ một kích thích ngôn ngữ nào cũng có thể là tín hiệu có điều kiện để hình thành phản xạ ngôn ngữ cho trẻ; việc học đọc hiệu quả sẽ tạo ra nền tảng để phát triển hầu hết các chức năng khác của vỏ não”.

Dựa trên những cơ sở lý luận về đặc điểm tâm sinh lý, vai trò của việc dạy đọc ở tiểu học, và khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ tiểu học, qua bài viết “Dạy đọc và phát triển ngôn ngữ cho HS lớp 1”, ThS. Hoàng Trường Giang và Vũ Thị Hải Anh đề cập đến những nội dung và yêu cầu cơ bản trong việc dạy đọc cho HS lớp 1 như: Rèn luyện cho trẻ kỹ năng nói và đọc, dạy trẻ cách nghe, đọc và phát âm đúng, dạy học đọc hiểu cho trẻ, dạy đọc cho trẻ khuyết tật... Cũng bàn về phương pháp dạy học đọc cho HS lớp 1, tác giả Lê Duy Hùng, TPHCM, tập trung vào ba phương pháp cơ bản: trực quan, đàm thoại và luyện tập.

Từ góc nhìn toán học, ThS. Trần Đức Thuận, ĐHSP TPHCM cho rằng việc dạy học ngôn ngữ cho người mới học tương tự với việc xây dựng một lý thuyết toán học mới. Người học cần được cung cấp vốn từ vựng cơ bản, cách kết hợp từ để tạo thành câu có ý nghĩa trong các ngữ cảnh phù hợp...

Nhóm Hỗ trợ học tiếng Việt thuộc tổ chức Room to Read, một tổ chức phi chính phủ, đang tiến hành hỗ trợ hoạt động dạy học nhằm nâng cao khả năng đọc cho trẻ em ở một số nước đang phát triển, gửi đến hội thảo các bài viết trình bày chiến lược, kỹ thuật dạy đọc lưu loát, đọc hiểu, dạy học từ vựng, viết chính tả hiệu quả cho HS những năm đầu đến trường. Quá trình luyện tập đọc lưu loát cho HS theo các cấp độ: đọc bảng từ rỗng, đọc câu, đọc đoạn văn với các hình thức khác nhau: cá nhân, nhóm đôi hoặc toàn lớp; các kỹ thuật dạy đọc hiểu như nói về bức tranh hoặc đồ vật; sử dụng sơ đồ tư duy; tóm tắt bài đọc qua câu hỏi; luyện tập hiểu nghĩa ở cấp độ từ, câu và đoạn văn; các kỹ thuật dạy chính tả như viết tiếng/từ (cá nhân/nhóm), viết tiếng/từ theo kỹ thuật “chép - che - đối chiếu” (cá nhân), viết câu (cá nhân), viết đoạn (cá nhân); hoặc các biện pháp dạy từ vựng như trò chơi ngón tay cái, trò chơi đúng - sai, hoàn thành câu minh hoạ ý nghĩa từ... của các bài viết đều có tác dụng tương hỗ giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy học đọc cho HS ở các lớp đầu cấp.

Qua nghiên cứu bổ dọc trên số lượng 62 trẻ, từ lớp lá đến lớp 1 tại một số trường của TPHCM bằng chương trình huấn luyện về ý thức âm vị để phát triển khả năng nhận biết, suy nghĩ và thao tác trên các đơn vị âm thanh của ngôn ngữ, đặc biệt là âm vị, của trẻ em tuổi mẫu giáo, TS. Huỳnh Mai Trang, ĐHSP TPHCM cho rằng việc thực hiện các chương trình huấn luyện phát triển ý thức âm vị trong giai đoạn cuối mẫu giáo là một bước chuẩn bị có hiệu quả tích cực rất đáng ghi nhận cho việc học ngôn ngữ viết ở đầu tiểu học.

Từ thực trạng nhiều phụ huynh của trẻ 5-6 tuổi rất băn khoăn giữa việc nên hay không nên cho trẻ học đọc trước chương trình lớp 1, và qua nghiên cứu thực nghiệm, tác giả Nguyễn Thị Thanh Trúc, Trường CĐSP Trung ương TPHCM kết luận việc sử dụng trò chơi đọc truyện qua tranh là một giải pháp hữu hiệu vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ vừa phát triển các kiến thức, kỹ năng, nhất là phát triển kỹ năng tiền đọc, nhằm chuẩn bị cho trẻ học đọc ở trường tiểu học một cách có hiệu quả.

Qua một nghiên cứu thử nghiệm bài tập Tự nhiên và Xã hội cho HS lớp 1, tác giả Phạm Phương Anh đề xuất những cải tiến về nội dung, hình thức của các bài tập Tự nhiên và Xã hội nhằm hỗ trợ rèn kỹ năng đọc, viết cho HS lớp 1 theo quan điểm tích hợp trong dạy học ở các lớp đầu cấp tiểu học.

Chủ đề 2: Chẩn đoán học sinh lớp 1 có khó khăn về đọc có 12 báo cáo bàn đến dưới các góc độ cơ sở lý luận, cách thức chẩn đoán, vai trò của chẩn đoán nhằm phát hiện sớm để hỗ trợ kịp thời, đúng phương pháp cho HS có khó khăn về đọc.

Cơ sở lý luận của nghiên cứu chẩn đoán sớm trẻ mắc chứng khó đọc, được giới thiệu qua trích đoạn công trình nghiên cứu “Chẩn đoán sớm và điều chỉnh chứng khó đọc ở HS tiểu học” của Abramova N.A, Trường ĐHSP quốc gia Samara (Cộng hoà Liên bang Nga). Tác giả của nghiên cứu này phân tích tâm lý làm chủ hành vi đọc theo chuẩn; cơ chế, hình thức của chứng khó đọc và giá trị của việc phát hiện sớm chứng khó đọc ở HS lớp 1 tiểu học.

Bác sỹ Phạm Ngọc Thanh, cố vấn tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, với bài viết “Chứng khó đọc” khẳng định “khó đọc là một rối loạn học tập với đặc tính là khó khăn trong việc đọc; là căn bệnh kéo dài suốt đời”, “chẩn đoán chứng khó đọc bao gồm việc đánh giá cách xử lý thông tin của trẻ từ khả năng nhìn, nghe, và tham gia trong các sinh hoạt”.

Ý thức rõ chẩn đoán trẻ gặp khó khăn trong học đọc là một vấn đề rất quan trọng, bởi lẽ chẩn đoán thiếu chính xác sẽ gây ra định hướng trị liệu sai lệch và hậu quả nghiêm trọng khôn lường, PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn, ĐHSP TPHCM nhấn mạnh khi thực hiện quá trình chẩn đoán cần phải hết sức cẩn trọng và nghiêm túc ở từng nội dung, từng chi tiết cụ thể; không đồng nhất kết quả học tập môn Tiếng Việt và chứng khó đọc; cũng cần xem xét não bộ cùng các nhầm lẫn khác…

Tìm hiểu về phương pháp chẩn đoán trẻ mắc chứng khó đọc của các nhà khoa học Liên bang Nga, TS. Nguyễn Thị Kim Anh, Trường CĐSP Trung ương TPHCM chọn giới thiệu các phương pháp chẩn đoán sớm chứng khó đọc ở HS lớp 1 được thể hiện trong công trình “Chẩn đoán sớm và điều chỉnh chứng khó đọc ở  HS tiểu học” của tác giả Abramova N.A, Trường ĐHSP Quốc gia Samara (Cộng hoà Liên Bang Nga). Những người quan tâm đến vấn đề trẻ Việt Nam mắc chứng khó đọc có thể tìm thấy những chia sẻ hữu ích qua các bài tập, các test đánh giá, phương pháp đánh giá của các nhà khoa học, các nhà giáo dục học Liên bang Nga, như bài tập yêu cầu trẻ kể trình tự, bài tập sao chép nhịp điệu, sao chép chuỗi hành động, lặp lại các con số, qua các trò chơi “Nhịp điệu”, “Nắm tay - lòng bàn tay và nắm cạnh bàn”; hoặc test “Chẩn đoán nhanh ngôn ngữ nói của HS lớp 1” tìm hiểu về mức độ cảm giác vận động của lời nói về các nội dung nhận thức âm vị, tình trạng của các kỹ năng vận động, cấu trúc ngữ pháp lời nói, vốn từ, kỹ năng sử dụng từ, kỹ năng tạo lập văn bản của HS; bài mẫu cùng kỹ thuật đánh giá khả năng nhận thức âm vị...

Qua nghiên cứu “Hỗ trợ HS lớp 1 khó đọc tại trường tiểu học”, ThS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và tác giả Nguyễn Ngọc Linh, Viện Nghiên cứu xây dựng phát triển xã hội học tập, đã mô tả quy trình, công cụ, cách thức đánh giá để chẩn đoán HS khó đọc, như sử dụng Bảng kiểm phát hiện khó khăn về đọc, viết, tính toán của Trung tâm quốc gia về khó khăn về học - Hoa Kỳ nhằm phát hiện những HS nghi ngờ mắc chứng khó đọc, dùng Trắc nghiệm trí tuệ trẻ em Wechsler-IV, tiếp theo đó là việc sử dụng Bộ công cụ đánh giá khả năng học tập của HS tiểu học...

Qua báo cáo “Dạy học đọc từ tiếp cận tâm lý học thần kinh – một cơ hội cho trẻ khó đọc”, PGS.TS. Võ Thị Minh Chí, ĐHSP Hà Nội giới thiệu các triệu chứng, các lỗi chính thuộc dạng khó đọc kiểu quang học giúp cho việc chẩn đoán được đúng đắn, tránh tình trạng “dán nhãn”, tình trạng chẩn đoán sai.

Với bài viết “Chứng dyslexia với chất lượng học tập của HS lớp 1”, TS. Trần Thị Thu Mai, ĐHSP TPHCM trình bày tình trạng gây cản trở sự phát triển của các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ như khó khăn khi đọc và đánh vần, viết chính tả; kỹ năng nhận biết âm vị kém; nhầm lẫn phương hướng, không nhớ trình tự các bước của một thao tác, học vẹt những điều không có nghĩa, khó làm toán, khó học xem đồng hồ, kỹ năng tổ chức, sắp xếp kém... Tác giả Trần Thị Tú Uyên cũng nêu những biểu hiện chính về tâm lý của HS lớp 1 mắc chứng Dyslexia, giúp GV có thêm những dấu hiệu để nhận diện đúng trẻ có khó khăn về đọc.

Bài “Phát hiện để can thiệp sớm cho trẻ có khó khăn về đọc” trình bày kết quả nghiên cứu của Joseph K. Torgesen và các cộng sự trong thời gian hơn 20 năm. Bài viết đề xuất các biện pháp và hệ thống các kiểu bài kiểm tra trẻ lớp cuối mẫu giáo và lớp 1 nhằm giúp GV mầm non và GV các lớp đầu tiểu học phát hiện sớm, can thiệp sớm. Đồng thời tác giả bài viết cũng khẳng định: giải pháp tốt nhất để giải quyết khuyết tật khả năng đọc là huy động nguồn vốn để phát hiện và can thiệp sớm ngay từ khi trẻ học mẫu giáo và vào lớp 1; bởi lẽ nếu để tới khi trẻ học lớp 3, thì việc chữa trị sẽ trở nên khó khăn hơn và tốn kém hơn nhiều.

Qua việc trình bày kết quả khảo sát đại trà 296 HS lớp 1 tại 32 trường tiểu học ở TPHCM và khảo sát, đánh giá sâu một nhóm nhỏ (4 HS) được chẩn đoán mắc chứng khó đọc, tác giả Lê Doản Thu Trang, với bài viết Tốc độ đọc – một dấu hiệu để nhận diện chứng khó đọc, đã khẳng định: tốc độ đọc là một dấu hiệu cần lưu tâm trong chẩn đoán, khảo sát năng lực đọc của HS lớp 1 cần được thực hiện sớm và thường xuyên để có thể nhận diện đúng và hỗ trợ kịp thời cho những HS có khó khăn về đọc do nguyên nhân bệnh lý mà không do nguyên nhân chậm phát triển.

Khảo sát khả năng đọc của 391 HS lớp 1 có tình trạng sức khỏe và tâm sinh lý bình thường, ở 11 trường tiểu học tại địa bàn TPHCM, nhóm sinh viên Đặng Thị Mai Thanh, Trần Thị Ngọc Hiền, Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Phụng Ái Thiên, Bùi Thị Tuyết Trinh, Khoa Giáo dục Tiểu học Trường ĐHSP TPHCM, nhận định chứng khó đọc là một thực tế đã và đang tồn tại ở HS lớp 1, cần có những nghiên cứu chẩn đoán cũng như can thiệp trị liệu sớm cho những HS mắc chứng khó đọc.

Nhận diện chứng khó đọc là một công việc phức tạp, nhất là với trẻ lớp 1. Bởi vì, ở lứa tuổi này, tác động của những yếu tố gây nhiễu như đặc điểm ngôn ngữ chưa hoàn thiện, ảnh hưởng phương ngữ... là không nhỏ. Với bài viết Phân biệt khó đọc, khó viết với đặc điểm của phương ngữ và đặc điểm ngôn ngữ chưa hoàn thiện ở tiểu học, ThS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam, khuyến nghị khi chẩn đoán trẻ khó đọc tránh nhầm lẫn với đặc điểm ngôn ngữ chưa hoàn thiện ở trẻ và đặc điểm phương ngữ. Sự phân biệt này không chỉ giúp cho việc đánh giá khả năng đọc, viết  của học sinh lớp 1 mà còn giúp can thiệp sớm cho khoảng 10% học sinh ở tiểu học gặp khó khăn về đọc, viết do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Khảo sát mẫu quá trình âm vị ở trẻ em Việt Nam, chuyên viên Âm ngữ trị liệu của Bệnh viện Nhi Đồng 1, Đỗ Thị Bích Thuận và Hoàng Văn Quyên cung cấp một mô tả khởi đầu về những lỗi phát âm, các quy trình âm vị được tìm thấy trong lời nói của trẻ Việt Nam nói tiếng Việt với hy vọng từ  kết quả nghiên cứu này và những nghiên cứu trong tương lai về mẫu quy trình âm vị sẽ cung cấp nguồn tư liệu cho hoạt động giảng dạy, điều trị cho trẻ có khó khăn về lời nói.

Chủ đề 3: Hỗ trợ cho học sinh lớp 1 có khó khăn về đọc

Giúp đỡ, hỗ trợ HS lớp 1 có khó khăn về đọc được nhiều tác giả quan tâm dưới nhiều bình diện can thiệp hỗ trợ tâm lý, vận động, tri nhận không gian, nhận thức âm vị, nhận thức chính tả, mở rộng vốn từ, cùng hệ thống bài tập, phương pháp, phương tiện dạy học... Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 21 báo cáo về vấn đề này.

Qua báo cáo “Dạy học đọc từ tiếp cận tâm lý học thần kinh – một cơ hội cho trẻ khó đọc”, PGS.TS. Võ Thị Minh Chí, ĐHSP Hà Nội khẳng định “Dạy đọc cho trẻ khó đọc do chậm phát triển các vùng chức năng trên não là hoàn toàn khả thi, nếu trẻ được chẩn đoán đúng về định khu vùng chậm phát triển (dưới góc độ Tâm lý học thần kinh) và có tác động phù hợp với mức độ phát triển hiện có ở trẻ”. Tác giả tập trung giới thiệu các lỗi chính thuộc dạng khó đọc kiểu quang học như khó đọc kiểu loạn ngôn, khó đọc kiểu loạn ngữ nghĩa, cùng các triệu chứng và phương pháp chính trong dạy đọc chỉnh trị cho trẻ khó đọc kiểu quang học theo từng giai đoạn với các chỉ dẫn cụ thể về mục đích, phương pháp, thao tác cụ thể, rõ ràng.

Qua nghiên cứu về trẻ Dyslexia, BS. Phạm Ngọc Thanh cho rằng “đa số trẻ khó đọc có thể thành công ở trường với sự dạy kèm hoặc chương trình giáo dục đặc biệt. Hỗ trợ cảm xúc cũng đóng vai trò quan trọng.”

Các tác giả Mai Mỹ Hạnh, Quang Thục Hào và PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn, ĐHSP TPHCM, với bài viết “Ứng xử với trẻ khó khăn trong học đọc dưới góc độ tham vấn và trị liệu” nhận định: hiện nay, đã có nhiều mô hình điều trị, các biện pháp can thiệp cho trẻ mắc chứng khó đọc. Tuy nhiên các mô hình và các biện pháp sẽ không thể phát huy tác dụng tích cực đối với việc cải thiện khả năng đọc của trẻ nếu bỏ qua các liệu pháp tâm lý. Bài viết giới thiệu các các vấn đề về ứng xử đối với trẻ có biểu hiện khó đọc nhằm phát huy tối đa sự tự tin, tính chủ thể cũng như khuyến khích trẻ nỗ lực cải thiện kỹ năng đọc của mình một cách tự giác và tích cực.

Cùng từ bình diện của tâm lý học, TS. Trần Thị Thu Mai qua bài viết “Can thiệp, trị liệu cho HS lớp 1 – nhìn từ góc độ tâm lý học” cho rằng “HS mắc chứng khó đọc có thể đọc, viết chính tả, và viết một cách xuất sắc nếu nhận được sự can thiệp và hướng dẫn phù hợp. GV tiểu học cần được huấn luyện về nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp can thiệp chứng khó đọc. Tùy thuộc việc xác định nguyên nhân của HS mắc chứng khó đọc mà có những biện pháp can thiệp trị liệu thích hợp như: giáo dục nhấn mạnh nhu cầu nâng cao sự tự tin, luyện tập, chỉnh âm vị, liệu pháp tâm lý, tư vấn cho cha mẹ, can thiệp có hướng dẫn, can thiệp có sự tham gia của bạn bè, can thiệp nhận thức, chiến lược về hành vi, học tập có trợ giúp của máy vi tính...”.

Hỗ trợ HS các lớp đầu cấp có khó khăn về đọc được nhìn nhận từ góc độ quản lý giáo dục qua bài viết Quản lý việc dạy đọc cho HS đầu cấp 1 gặp khó khăn về đọc trong chương trình GDHN hiện nay của ThS. Nguyễn Lương Hải Như, ĐHSP TPHCM. Tác giả đã đề cập đến một số thực trạng trong việc quản lý dạy học đọc cho HS đầu cấp 1 có nhu cầu đặc biệt về kỹ năng đọc trong chương trình GDHN hiện nay tại một số trường tiểu học trên địa bàn TPHCM, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện công tác quản lý này tốt hơn.

Tác giả Robert Dupré, chuyên viên hoạt động trị liệu Hội AMPHORE Pháp, với báo cáo “Mất phối hợp giữa động tác nhìn và không gian” đã trình bày hội chứng rối loạn phối hợp giữa động tác mắt và không gian với những phân tích cụ thể. Tác giả cũng giới thiệu các bài kiểm tra trắc nghiệm nhận thức thị giác và các phương pháp can thiệp trị liệu, cung cấp các chiến lược cho GV và phụ huynh trong việc hỗ trợ các HS có khó khăn về vấn đề này.

“Báo cáo một trường hợp khó khăn về học do mất phối hợp động tác nhìn - không gian” của BS Lê Tường Giao, Bệnh viện Nhi Đồng 1 mô tả việc can thiệp trị liệu cho 1 HS khó khăn về học do mất phối hợp động tác nhìn - không gian. Sau 3 tháng, tập luyện cơ mắt, tái huấn luyện động tác nhìn theo một chương trình CD có sẵn trong 20 tuần liên tiếp, với tổng số thời gian khoảng 60 giờ; thực hiện các bài tập huấn luyện sự xác định vị trí và sự tương quan trong không gian, kết quả môn hình học của HS Ph. từ 0/3 điểm được nâng lên 2/3 điểm.

Qua nghiên cứu thực nghiệm “Hỗ trợ HS lớp 1 khó đọc tại trường tiểu học”, ThS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và tác giả Nguyễn Ngọc Linh, Viện Nghiên cứu xây dựng phát triển xã hội học tập, mô tả vắn tắt quá trình tiến hành hỗ trợ nhóm HS lớp 1 khó đọc ở một trường tiểu học, thuộc thành phố Hà Nội đồng thời giới thiệu một mô hình hỗ trợ và các bài tập cùng biện pháp sử dụng chúng.

Biện pháp “Mở rộng khoảng cách giữa các chữ cái cải thiện việc đọc cho người mắc chứng khó đọc” với công cụ giúp cho kỹ thuật này được TS. Johannes C. Ziegler, Phòng Thí nghiệm Tâm lý học tri nhận, Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia và Đại học Aix-Marseille, Pháp giới thiệu và mô tả. TS. Johannes cho rằng biện pháp tăng khoảng cách giữa các chữ cái trong các từ và giữa các từ trong văn bản sẽ có hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện tốc độ đọc và độ chính xác của việc đọc ở trẻ em mắc chứng khó đọc. Ông cũng cho biết các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trẻ em ở Italy và Pháp trong độ tuổi từ 8-14 bị mắc chứng khó đọc, biện pháp này đã giúp trẻ cải thiện khả năng đọc về cả tốc độ và sự chính xác: trẻ đọc nhanh hơn 20% và độ chính xác của việc đọc tăng gấp đôi. Ông cũng giới thiệu ứng dụng iPad/iPhone được gọi là “DYS” được phát triển để điều chỉnh khoảng cách giữa các chữ cái và kiểm tra sự thay đổi trên việc đọc.

Nghiên cứu xây dựng bài tập nhận thức âm vị hỗ trợ HS lớp có khó khăn về đọc, thực nghiệm hệ thống bài tập nhận thức âm vị qua hỗ trợ cho 6 HS lớp 1 ở các trường Tiểu học P.C.T và T.Q.T TPHCM, các tác giả Đặng Ngọc Hân, Lê Thị Thuỳ Dương, Nguyễn Thị Ly Kha cho biết “nhóm được thụ hưởng thực nghiệm bài tập và phương pháp chuyên biệt có sự cải thiện rõ rệt ở lỗi nhầm lẫn trái/phải, trên/dưới và lỗi không đọc được vần” so với nhóm còn lại. Qua bài báo “Xây dựng nhóm bài tập nhận thức âm vị cho HS lớp 1 mắc chứng khó đọc”, các tác giả đã chứng tính đúng đắn và hiệu quả giả thuyết HS lớp 1 mắc chứng khó đọc sẽ cải thiện được khả năng nhận thức âm vị và có thể đạt được ở mức cơ bản các yêu cầu về kỹ năng đọc ở giai đoạn đầu tiểu học nếu được thụ hưởng các bài tập nhận thức âm vị kịp thời, đúng đắn, phù hợp.

Với báo cáo “Xây dựng bài tập vận động và bài tập tri nhận không gian cho HS lớp 1 mắc chứng khó đọc”, nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Trần Thị Tố Trinh, Bùi Thị Thành, SV năm thứ 4, Khoa Giáo dục Tiểu học ĐHSP TPHCM, đã trình bày kết quả thực nghiệm 11 bài tập vận động kết hợp với 17 bài tập tri nhận không gian và ứng dụng những bài tập này can thiệp cho 8 HS lớp 1 ở TPHCM mắc chứng khó đọc trong sự kết hợp chặt chẽ với các bài tập nhận thức âm vị, nhận thức chính tả, đọc lưu loát, mở rộng vốn từ bằng phương pháp đa giác quan cùng biện pháp trò chơi, tác động cá nhân và tác động trong nhóm nhỏ.

Nghiên cứu thử nghiệm 35 bài tập nhận thức chính tả có ứng dụng công nghệ thông tin can thiệp trị liệu cho 3 HS lớp 1 ở Trường Tiểu học Đ.V.N, TPHCM trong sự đối chứng với nhóm HS lớp 1 mắc chứng khó đọc, các tác giả Huỳnh Thanh Trúc, Võ Thị Tuyết Mai, Phạm Tường Yến Vũ, Vũ Ngọc Mai Nhi, Võ Ngọc Nhi, SV năm thứ 4, Khoa Giáo dục Tiểu học ĐHSP TPHCM cho biết với thế mạnh về đa hiệu ứng, màu sắc, âm thanh, bài tập nhận thức chính tả có ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp HS lớp 1 mắc chứng khó đọc khắc phục nhầm lẫn các âm vần khi đọc, viết. Đồng thời tốc độ đọc, viết của các em cũng tăng lên rõ rệt.

Nghiên cứu về tác dụng của bài tập mở rộng vốn từ tích hợp với các bài tập ngôn ngữ qua thực nghiệm cho một nhóm HS lớp 1 được chẩn đoán mắc chứng khó đọc, PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha, ĐHSP TPHCM cho rằng bài tập mở rộng vốn từ cũng là một loại bài tập có tác dụng tích cực trong việc cải thiện năng lực đọc cho trẻ có khó khăn về đọc. Kiểu bài tập này cần được tích hợp và vận dụng đồng thời với bài tập thức âm vị, nhận thức chính tả, đọc lưu loát và đọc hiểu.

Tìm hiểu hệ thống bài tập rèn kỹ năng đọc và phân biệt âm vần trong SGK Tiếng Việt 1, tác giả Nguyễn Thị Thu Trang nhận xét có không ít bài tập chưa phù hợp với HS có khó khăn về đọc. Phác thảo và thực hiện thử nghiệm bài tập có ứng dụng công nghệ thông tin cho 4 HS lớp 1 có khó khăn về đọc, tác giả cho rằng hệ thống bài tập này hứa hẹn sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả cho những HS lớp 1 khó đọc.

Qua bài viết “Trẻ khó học và một số biện pháp dạy trẻ khó học, TS. Lê Thị Minh Hà, Trường ĐHSP TPHCM, cho rằng với trẻ khó học cần sử dụng các biện pháp dạy học: giải quyết các nhu cầu học tập và sinh hoạt của trẻ, quan sát trẻ để tạo môi trường phù hợp, sự hỗ trợ của giáo viên, lập nhóm, dạy học phân biệt, tìm kiếm những cơ hội hoà nhập cho trẻ...

Các tác giả Phạm Hải Lê, Trần Đức Thuận, ĐHSP TPHCM qua bài viết “Từ điển điện tử hỗ trợ dạy học cho HS lớp 1 khuyết tật trí tuệ” đã giới thiệu sản phẩm từ điển điện tử từ ngữ giáo khoa hỗ trợ dạy học cho HS khuyết tật trí tuệ học lớp 1 hoà nhập. Bài viết cũng giới thiệu cách thức tạo lập các hợp phần cơ sở dữ liệu và chương trình của sản phẩm; giới thiệu bộ sản phẩm của từ điển với phiên bản dùng cho GV và phiên bản dùng cho HS cùng cách thức sử dụng bộ sản phẩm.

Những bất cập trong thực tế dạy học Tập đọc cho HS khiếm thính học hoà nhập và hướng khắc phục nhằm giúp trẻ khiếm thính học thành công trong trường tiểu học hoà nhập được TS. Đặng Thị Mỹ Phương bàn đến trong báo cáo “Thực trạng dạy học trẻ khiếm thính phân môn Tập đọc tại các trường tiểu học hoà nhập”.

“Phát triển khả năng đọc viết của trẻ khiếm thính đã được phục hồi thính giác” được tác giả Hà Kim Yến, chuyên viên Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đề cập. Tác giả khẳng định “trẻ điếc nặng - sâu có thể sử dụng thính giác để học nghe - nói và đi học ở trường bình thường nếu được cấy ốc tai điện tử (OTĐT) và được can thiệp sớm. Ở Việt Nam chỉ có 6% trong số vài trăm trẻ được cấy OTĐT đi học hoà nhập” điều này không chỉ gây lãng phí rất lớn mà còn gây thiệt thòi cho trẻ. Trẻ bị điếc nặng và sâu cần được cấy OTĐT sớm và có sự phối hợp can thiệp sớm giữa gia đình, giáo dục và y khoa để gia tăng cơ hội học hoà nhập của trẻ.

Qua phối hợp nghiên cứu thực trạng HS lớp 1 khó đọc, ThS. Phan Thị Quỳnh Như, Trường CĐSP Kiên Giang và cô Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Âu Cơ, Kiên Giang đã đề ra một số giải pháp giúp trẻ đọc tốt hơn qua báo cáo “Chứng khó đọc ở HS lớp 1 và một số giải pháp bước đầu giúp trẻ đọc tốt hơn”.

Hỗ trợ cho HS mắc chứng khó đọc còn được nhìn nhận từ vai trò của GVCN lớp. ThS. Nguyễn Thị Kim Oanh, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM với bài viết “Vai trò của GVCN lớp với HS mắc chứng khó đọc” cho rằng để giúp trẻ mắc chứng khó đọc, trong dạy học, người GVCN ngoài việc nắm đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ cần phối hợp vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp, và kết hợp phụ huynh để có thêm những kinh nghiệm giúp đỡ trẻ.

Trực tiếp dạy học HS lớp 1, tác giả Nguyễn Thị Mỹ, giáo viên Trường Tiểu học Nhuận Đức, huyện Củ Chi TPHCM trình bày những kinh nghiệm, những khó khăn qua bài viết “Dạy học môn Tập đọc cho HS lớp 1 đọc kém”.

Do giới hạn của thời gian tập hợp bài viết cho Hội thảo và do giới hạn số trang của một Kỷ yếu Hội thảo, nhiều nghiên cứu về dạy học cho HS có khó khăn về đọc chưa được tập hợp và giới thiệu trong Kỷ yếu này, hy vọng sẽ được các tác giả công bố ở những Hội thảo khoa học, ở những tạp chí khoa học khác.

Qua 46 báo cáo tham luận có thể nói bức tranh dạy học cho HS lớp 1 có khó khăn về đọc ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã được phác hoạ khá rõ nét trên các phương diện: lý luận, thực tiễn, giải pháp... Ban Tổ chức Hội thảo hy vọng những tham luận được trình bày trên diễn đàn, cũng như những bài viết được đăng trong kỷ yếu sẽ được quan tâm chú ý, thảo luận tại Hội thảo và sau Hội thảo, để sau Hội thảo chúng ta sẽ có những tác động tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa đối với hoạt động dạy học cho học sinh lớp 1 có khó khăn về đọc.

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, Ban Biên tập Kỷ yếu Hội thảo, chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến Ban Giám hiệu, Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường - Tạp chí Khoa học, Phòng Hợp tác Quốc tế cùng các phòng ban chức năng Trường ĐHSP TPHCM, Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo, NXB Đại học Sư phạm TPHCM, Khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, Ban điều hành Chương trình Đào tạo Chuyên viên Âm ngữ trị liệu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Trinh Foundation Australia, Tổ chức Room to Read Việt Nam, cùng các tác giả gửi báo cáo cho Ban tổ chức Hội thảo...  Chúc Hội thảo thành công.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Bùi Thế Hợp (2013), Dạy đọc cho trẻ khó khăn về đọc dựa trên vật liệu lời nói của trẻ, Luận án TS, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, 170tr.
  2. Hoàng Tuyết (2007), “Nhận diện HS “ngồi nhầm lớp” từ một quan điểm khoa học giáo dục”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tếNhững khó khăn trong học tập ngôn ngữ  và toán của HS tiểu học, ĐHSP TPHCM - Université Libre de Bruxelles (ULB), tr.92-102.
  3. Nguyễn Thị Kim Hoa (2013), Tổng quan nghiên cứu dạy học hỗ trợ cho học sinh khó đọc lớp 1-2, Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam.
  4. Phạm Ngọc Thanh (2007), “Trẻ rối loạn ngôn ngữ khám chữa tại Bệnh viện Nhi Đồng 1” . Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế “Những khó khăn trong học tập ngôn ngữ và toán của HS tiểu học”, ĐHSP TPHCM - Université Libre de Bruxelles (ULB) Belgique, 6/2007, tr.201-204.
  5. Phạm Ngọc Thanh (2010), “Khó khăn học tập”, http://www.nhidong.org.vn/Defau-lt.aspx?- sid=7&nid=2342.
  6. Trường ĐHSP TPHCM (2013), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế “Dạy học cho học sinh lớp 1 có khó khăn về đọc”, NXB Đại học Sư phạm TPHCM.
  7. UNESCO (2010), Report of World Dyslexia forum, Paris.

____________________________________________

Để có thành công của học sinh

trong giờ học Tiếng Việt những ngày đầu đến trường

GS.TS. Lê Phương Nga

Trường ĐHSP Hà Nội.

.

Tóm tắt

Dạy học dựa vào sự thành công của HS là một chiến lược cần phải đặt ra đối với các GV ở tiểu học, đặc biệt với GV khối lớp 1, vì đây là khoảng thời gian tạo nên sự thay đổi lớn trong cuộc sống của các em: từ vui chơi sang học tập nghiêm túc. Bài viết nêu lên một số đề xuất nhằm giúp GV thay đổi một số nhận thức của mình theo hướng chú ý vào mặt thành công của HS lớp 1.

Từ khóa: dạy học dựa vào sự thành công, HS lớp 1.

How to create success for children

on the early days learning Vietnamese language at school?

Abstract

Teaching students based on their success at school is important for all teachers at primary level, especially in year 1, because this time makes a remarkable change for children from playing to learning. Therefore, this article focuses on some teaching strategies to create the success for children during their early days at school, especially when learning Vietnamese language.

Keywords: children’s success, early days at school

____________________________________________

 

Hình thành kỹ năng đọc, viết cho trẻ trước khi vào lớp 1

PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

 

Tóm tắt

Thực trạng dạy đọc viết cho trẻ trước khi vào lớp 1 hiện nay của đa số các bậc PH đã phản ánh một mâu thuẫn gay gắt của nền giáo dục Việt Nam: quy trình dạy học đọc viết cho trẻ lớp 1 chưa thực sự sát hợp với việc hình thành hai kỹ năng này cho trẻ. Bài viết này nêu lên một hướng tiếp cận theo quan điểm tổng thể nhằm hình thành những kỹ năng tiền đọc, tiền viết một cách tự nhiên cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Từ khóa: quan điểm tiếp cận tổng thể, sự sẵn sàng đi học, trẻ lớp 1.

Teaching reading and writing skills to children before the first year at primary schools

Abstract

The teaching approach of current national Vietnamese language textbooks could cause some obstacles for first-year students to learn naturally and enthusiastically. Therefore, this article suggested an approach of whole language teaching to help 5-years-old students obtain pre-reading and pre-writing skills for learning Vietnamese language at primary schools.

Keywords: whole language teaching, readiness to learn, first-year students.

____________________________________________

Tản mạn về dạy - học đọc ở lớp 1

TS. Vũ Thị Ân, Khoa Giáo dục Tiểu học,Trường ĐHSP TPHCM

Tóm tắt

Bài viết nêu lên một số suy nghĩ của tác giả về vấn đề dạy - học đọc cho học sinh lớp 1, như: có nên có trẻ đi học trước 6 tuổi, những ảnh hưởng của hệ thống âm vị tiếng Việt đến khả năng đọc của trẻ…

Từ khóa: trẻ học sớm, hệ thống âm vị tiếng Việt và khả năng đọc, học sinh lớp 1

 

Some discussions about teaching and learning reading to first-year students

Abstract

This article discussed about teaching and learning reading to first-year students, such as: whether let Vietnamese children go to primary school earlier than the age of six; some effects of Vietnamese phonological system on first-year students’ ability to read…

Keywords: go to school before six-year-old, phonological system, reading skills, first-year students

____________________________________________

So sánh việc hiểu các khái niệm dạy đọc và những hàm ẩn cho việc dạy đọc

ở lớp đầu cấp tiểu học

TS. Hoàng Thị Tuyết, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM

Tóm tắt

Bài viết cố gắng bao quát các tư liệu liên quan đến dạy học đọc ở bậc tiểu học để tìm hiểu và phát hiện những điểm tương đồng hoặc khác biệt trong cách hiểu các khái niệm cơ bản về dạy đọc giữa các nhà nghiên cứu giáo dục ngôn ngữ trong nước và quốc tế. Về đại thể đã có một số quan niệm về cơ chế đọc, đọc hiểu trong nước tương đồng với quan niệm của quốc tế. Tuy nhiên, đi vào chi tiết, có không ít khác biệt trong cách hiểu những khái niệm cơ bản khác. Đó cách hiểu về đọc thành tiếng và đọc thầm, về các thành tố tạo nên năng lực đọc nói chung và khả năng đọc lưu loát, về tính đa diện phức hợp của cơ chế đọc hiểu cũng như đọc lưu loát theo hướng phát triển người học trở thành người đọc độc lập. Những khác biệt được tìm thấy này dẫn tôi đến một số suy nghĩ về việc hợp lý hóa việc dạy và học đọc Tiếng Việt ở tiểu học trên bình diện lý luận lẫn thực tiễn, đặc biệt ở hai lớp đầu cấp nơi mà đọc lưu loát là một kết quả tiêu điểm nhất thiết phải đạt được ở mức thành công.

Từ khoá: đọc, đọc hiểu, đọc lưu loát, đọc thành tiếng, đọc thầm.

Comparison of interpreting foundational concepts on teaching reading at primary levels

and its pedagogical implications

Abstract

The article is a review of Vietnamese and international literature to investigate possible similarities and differences in their interpretation of foundational concepts on teaching reading at primary levels. In general, there is the conformity in conceptualization of reading mechanism and reading comprehension. However, in details, differences were found in understanding many other concepts. These involve conceptualization of loud and silent reading, foundational components of reading capacity and reading fluency, the multifaceted and complex nature of reading comprehension and fluency in terms of the pedagogical aim to develop learners to be independent readers. Identifying these conceptual differences leads my suggestive thoughts on rationalization of teaching reading at primary levels from theoretical and practical perspectives, particularly at beginning levels in which reading fluency is emphasized as a focused learning outcome.

Keywords: reading, reading comprehension, reading fluency, loud reading, silent reading.

 


 

Não bộ và việc dạy học đọc cho học sinh lớp 1

ThS. Nguyễn Minh Giang, Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐHSP TP.HCM

Tóm tắt

Ngôn ngữ được hình thành và phát triển trên cơ sở sự điều khiển của nhiều vùng khác nhau của não bộ. Tuy nhiên hai vùng đóng vai trò quan trọng nhất cho hoạt động ngôn ngữ là vùng Broca và Wernicke. Các vùng ngôn ngữ nằm ở nửa bên trái của bán cầu đại não, nhưng chức năng ngôn ngữ liên quan đến tất cả các vùng khác nhau của não bộ. Sự hình thành và hoạt động của ngôn ngữ tuân theo cơ chế hình thành đường liên hệ thần kinh tạm thời của phản xạ có điều kiện. Do đó bất kỳ một kích thích ngôn ngữ nào cũng có thể là tín hiệu có điều kiện để hình thành phản xạ ngôn ngữ cho trẻ. Đến giai đoạn HS tiểu học kích thích ngôn ngữ thể hiện việc học đọc hiệu quả sẽ tạo ra nền tảng để phát triển hầu hết các chức năng khác của vỏ não.

Từ khoá: Não bộ, vùng Broca, vùng Wernicke, tín hiệu có điều kiện, phản xạ ngôn ngữ, kích thích ngôn ngữ, đường liên hệ thần kinh tạm thời.

Brain and teaching speaking to grade 1 students

Abstract

Language is formed and developed base on controlling many domains of brain in which Broca and Wernicke are two extremely important domains for language activities. Although language domains just lie in the left cerebral hemisphere, functions of language relate to all domains of the brain. The forming and activities of language conform to the mechanism formed by conditional reflex of temporary pass roads in nervous system. Therefore, any linguistic stimuli on the brain can be a conditioned signal to form linguistic reflex for children. For primary students, these linguistic stimuli representing effective reading capacity will make foundation to develop almost  functions of the children’s cortex.

Keywords: brain, Broca domain, Wernicke domain, signal condition, reflective language, language stimulation, the nerve temporary contact.

 



Dạy đọc và phát triển ngôn ngữ cho trẻ lớp 1

ThS. Hoàng Trường Giang

Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM

Vũ Thị Hải Anh

Khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐHSP TPHCM

Tóm tắt

Dựa trên những cơ sở lý luận về đặc điểm tâm sinh lý, vai trò của việc dạy đọc ở tiểu học, và khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ tiểu học, bài viết đề cập đến những nội dung và yêu cầu cơ bản trong việc dạy đọc và phát triển ngôn ngữ cho học sinh lớp 1 như: Rèn luyện cho trẻ kỹ năng nói và đọc, dạy trẻ cách nghe, đọc và phát âm sao cho đúng, dạy học đọc hiểu cho trẻ, dạy đọc cho trẻ khuyết tật...

Từ khóa: lớp 1, tiểu học, dạy đọc, phát triển ngôn ngữ.

Teaching Reading skill and developing languague to first grade students

Abstract

Based on the theories of children’s psychophysiological features, the role of teaching Reading at primary level, and language development of first grade students, this article talks about the requirements of teaching Reading and developing language to first grade students, such as: training speaking and reading skills, teaching listening, reading and pronunciation, teaching reading comprehension, and teaching for children with disabilities…

Keywords: first grade, primary, teaching speaking skill, developing language

____________________________________________

Dạy học ngôn ngữ cho người mới học từ góc nhìn toán học

ThS. Trần Đức Thuận

Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM.

 

Tóm tắt

Học ngôn ngữ và học toán có nhiều điểm tương đồng. Khi bắt đầu học, người học cần chấp nhận một số thuật ngữ cơ bản và các quy tắc ban đầu trước khi hoàn thiện các kỹ năng và hiểu sâu hơn về các từ đã học.

Từ khoá: khái niệm cơ bản, học ngôn ngữ, học toán.

Teaching new language to students – a mathematics viewpoint

Abstract

Learning language is similar to learning mathematics. At the beginning, students need to accept some basic terms, vocabularies and rules before they can improve their skills and deeply understand what they learned.

Keywords: basic terms, learning language, learning mathematics

____________________________________________

 

Dạy đọc lưu loát

Room to ReadViệt Nam.

Tóm tắt

Bài viết trình bày khái niệm đọc lưu loát và quá trình luyện tập đọc lưu loát cho học sinh theo các cấp độ: đọc bảng từ rỗng, đọc câu, đọc đoạn văn với các hình thức khác nhau: cá nhân, nhóm đôi hoặc toàn lớp.. Đặc biệt, ở từng cấp độ, bài viết trình bày các bước tiến hành cụ thể để người đọc có thể áp dụng dễ dàng vào thực tế.

Từ khóa: đọc lưu loát, dạy đọc lưu loát.

Teaching reading fluency

Abstract

The article talks about the concept of reading fluency and the process of practicing reading fluency for students according to levels: reading nonsense words, reading sentence, reading paragraph with different forms such as individual, pairs or whole class. Especially, in every level, the article presents specific steps to help readers apply this process to reality easier.

Keywords: reading fluency, teaching reading fluency.

____________________________________________

Strategies for teaching comprehension with text passages

Room to Read Việt Nam.

 

ABSTRACT

The article presents some strategies for teaching comprehension with text passages to help students access prior knowledge about the main idea and build anticipation. In term of this matter, these mentioned methods include active activities such as talking about a picture or object; creating mind maps; summarizing the text by asking questions; practicing meaning at the word, sentence and paragraph level. Moreover, this article also presents building fluency with text passages in specific steps, such as individual sentence reading, pair sentence reading, pairs / group paragraph reading.

Keywords: reading comprehension, teaching reading comprehension, reading fluency, teaching reading fluency.

 

Những chiến lược dạy đọc hiểu các đoạn văn bản

Tóm tắt

Bài báo trình bày các chiến lược dạy đọc hiểu cho học sinh để giúp các em nắm được các kiến thức nền tảng cho việc nắm bắt ý chính và hình thành các dự đoán khi đọc văn bản. Theo đó, các biện pháp được đề cập bao gồm các hoạt động tích cực như nói về bức tranh hoặc đồ vật; sử dụng sơ đồ tư duy; tóm tắt bài đọc qua câu hỏi; luyện tập hiểu nghĩa ở cấp độ từ, câu và đoạn văn. Ngoài ra, bài viết cũng trình bày việc xây dựng khả năng đọc lưu loát văn bản trong các bước cụ thể như đọc câu theo hình thức cá nhân hoặc nhóm đôi, đọc đoạn văn theo nhóm đôi hoặc toàn lớp.

Từ khóa: đọc hiểu, đọc lưu loát, dạy đọc hiểu, dạy đọc lưu loát.

____________________________________________

 

Teaching vocabulary

Room to Read Việt Nam.

 

Abstract

The article talks about the concept of vocabulary and effective teaching vocabulary methods with specific steps. Furthermore, this article also mentions some active learning vocabulary activities such as the thumb game, true/false game, completing sentences, illustrating meaning of words.

Keywords: Vocabulary, teaching vocabulary.

Dạy học từ vựng

Tóm tắt

Bài báo trình bày khái niệm vốn từ vựng và các phương pháp dạy học từ vựng hiệu quả với các bước cụ thể. Ngoài ra, bài viết cũng đề cập đến các hoạt động học tập từ vựng tích cực như trò chơi ngón tay cái, trò chơi đúng - sai, hoàn thành câu minh hoa ý nghĩa từ.

Từ khóa: từ vựng, dạy học từ vựng.

____________________________________________

Effective strategies for teaching dictation and spelling

Room to Read Việt Nam.

 

Abstract

The article talks about effective strategies for dictation and spelling, such as syllable and word dictation (individual/pair activity), syllable and word dictation (copying - covering - comparing technique) (individual activity), sentence dictation (individual activity), paragraph dictation (individual activity). In every strategy, the article also presents the specific steps to help readers follow and apply to reality easily.

Keywords: dictation and spelling, teaching dictation and spelling.

 

Các phương pháp dạy học chính tả hiệu quả

Tóm tắt

Bài viết trình bày các phương pháp dạy viết chính tả hiệu quả cho học sinh. Theo đó, các phương pháp này bao gồm: viết tiếng/từ (cá nhân/nhóm), viết tiếng/từ theo kỹ thuật “chép – che – đối chiếu” (cá nhân), viết câu (cá nhân), viết đoạn (cá nhân). Trong từng phương pháp, bài viết cũng trình bày các bước thực hiện cụ thể để người đọc dễ theo dõi và áp dụng vào thực tế.

Từ khóa: chính tả, dạy viết chính tả.

____________________________________________

Phương pháp rèn kỹ năng đọc cho học sinh lớp 1 thông qua môn tập đọc

Lê Duy Hùng

Trường THCS - THPT Trí Đức, TPHCM

 

Tóm tắt

Bước vào lớp 1 HS bắt đầu chuyển từ hoạt động chủ đạo là hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập. Ở lứa tuổi này, trẻ có những đặc điểm riêng, đó là trí giác của trẻ em còn mang tính trực quan cụ thể vì kinh nghiệm sống của các em còn hạn chế. Vì thế, trẻ thường lẫn các đối tượng có hình dạng hay cách phát âm na ná giống nhau. Vì vậy, người GV không chỉ có phương pháp dạy hợp lý, mà còn phải nắm được đặc điểm tâm lý HS. Bài viết này trình bày một số biện pháp rèn kỹ năng đọc cho HS lớp 1 thông qua môn tập đọc. Trong đó tập trung vào ba phương pháp cơ bản là: phương pháp trực quan; phương pháp đàm thoại và phương pháp luyện tập.

Từ khóa: phương pháp rèn kỹ năng đọc, HS lớp 1.

 

Methods to practice spelling skills for year 1 students in Spelling period

Abstract

In primary school, students change from entertainment activities to learning activities. Students at this age have some specific characteristics, such as visual recognition, limited experience of life. They are usually unable to distinguish the differences of some alphabet letters which have similar forms. Thefore, the teachers not only need to obtain well-teaching methods but also should have a deep understanding in children’s psychology. This article presents some methods to practice spelling skills for Year 1 students in Spelling periods, through 3 main methods: visual, pratical, conversational

Keywords: practices spelling skills, Year 1 students.

____________________________________________

Tác động của việc huấn luyện ý thức âm vị sớm

đối với thành tích học đọc của học sinh lớp 1

TS. Huỳnh Mai Trang

Khoa Tâm lý -

Giáo dục, Trường ĐHSP TPHCM.

Tóm tắt

Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu bổ dọc cùng với 62 trẻ, từ lớp Lá đến lớp 1 tại một số trường của TPHCM. Mục đích nghiên cứu là đánh giá tác động của chương trình huấn luyện về ý thức âm vị đối với sự phát triển của ý thức âm vị của trẻ mẫu giáo và đối với việc học đọc của HS lớp 1. Đây là một chương trình được thiết kế để phát triển khả năng nhận biết, suy nghĩ và thao tác trên các đơn vị âm thanh của ngôn ngữ, đặc biệt là âm vị, của trẻ em tuổi mẫu giáo. Kết quả cho thấy ảnh hưởng tích cực của chương trình huấn luyện này đối với thành tích học đọc của HS lớp 1. Điều này khẳng định rằng việc thực hiện các chương trình huấn luyện phát triển ý thức âm vị trong giai đoạn mầm non (cuối mẫu giáo) là một bước chuẩn bị hiệu quả cho việc học ngôn ngữ viết ở đầu tiểu học.

Effect of early phonological awareness training

on reading acquisitionin first grade children

Astract

A longitudinal study was conducted on 62 children, from the third year in kindergartens through the first grade in primary level. The study aimed to investigate the impact of the training program of phonological awareness on the development of phonological awareness and the reading acquisition. This is a program designed to develop the ability to recognize, think about and manipulate the sound units of the language, especially the phonemes, for preschool children. The results indicate the positive effect of early training of phonological awareness on the reading acquisition in first grade children. This confirms that the implementation of the training program to develop phonological awareness in preschool (end of kindergarten) is an effective preparation for learning written language in early elementary school.

____________________________________________

 

Phát triển khả năng đọc của trẻ 5 – 6 tuổi bằng trò chơi đọc truyện qua tranh

Nguyễn Thị Thanh Trúc

Trường CĐSP Trung ương TPHCM.

Tóm tắt

Hiện nay, nhiều phụ huynh của trẻ 5-6 tuổi rất băn khoăn giữa việc nên hay không nên cho trẻ học đọc trước chương trình lớp 1. Việc giảm bớt thời gian chơi của trẻ để phục vụ cho việc rèn luyện các kỹ năng đọc, viết đang là một thực tế đáng lo ngại ở lứa tuổi này. Vì vậy, sử dụng trò chơi đọc truyện qua tranh là một giải pháp hữu hiệu vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ vừa phát triển các kiến thức, kỹ năng đặc biệt là kỹ năng đọc chuẩn bị cho trẻ học ở trường tiểu học.

Giả thuyết được đặt ra nếu trẻ 5-6 tuổi được sử dụng trò chơi đọc truyện qua tranh thì hiệu quả của việc phát triển khả năng đọc sẽ cao hơn. Bài báo này đề cập đến hiệu quả của trò chơi đọc truyện qua tranh và thực nghiệm một số trò chơi cho trẻ 5-6 tuổi ở TPHCM nhằm phát triển khả năng đọc của trẻ.

Từ khoá: đọc truyện qua tranh, khả năng đọc, trẻ 5-6 tuổi

Developing reading skills for 5-6 year-old children by comic story reading games

Abstract

There is a contradict among many parents of 5-6 year-old students about whether let children learn to read before going to first grade at school. It means that these children have been transfer their time for playing to time for practicing reading and writing. To solve this problem, comic story-reading game is an effective solution due to its suitability for children’s needs of playing and their knowledge and skills achievement.

Based on the hypothesis that if 5-6 year-old children read comic stories, their reading skills will be developed easier, this article refers to the effects of comic story-reading games and an experiment on forty 5-6-year-old children in Ho Chi Minh City to develop their reading skills.

Keywords: reading comic stories, reading skills, 5-6 year-old children.

____________________________________________

Thử nghiệm bài tập Tự nhiên và Xã hội rèn kỹ năng đọc, viết cho học sinh lớp 1

Phạm Phương Anh

Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường  ĐHSP TPHCM

 

Tóm tắt

Bài báo trình bày việc thử nghiệm bài tập Tự nhiên và Xã hội (TNXH) tích hợp hỗ trợ rèn kỹ năng đọc, viết cho học sinh (HS) lớp 1 để thấy được những điểm phù hợp và chưa phù hợp về nội dung, hình thức của các bài tập nhằm cải thiện, định hướng cho việc xây dựng và thử nghiệm hệ thống bài tập TNXH1 hỗ trợ rèn kỹ năng đọc, viết cho HS lớp 1 trong giai đoạn tiếp theo.

Từ khóa: tích hợp, kỹ năng đọc, kỹ năng viết, Tự nhiên và Xã hội, lớp 1.

A pilot study of using Natural and Social Science exercises

to support reading and writing skills for grade 1 students

Abstract

This article presents a pilot experiment of using Natural and Social Science exercises to support reading and writing skills for Grade 1 students in order to find out the appropriations and limitations in content and forms of these exercises.

Keywords: Integrate, reading skills, writing skills, Nature and Society, Grade 1.

__________________________________________

Chứng khó đọc (Dyslexia)

Phạm Ngọc Thanh

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM.

TÓM TẮT

Khó đọc là một rối loạn học tập với đặc tính là khó khăn trong việc đọc. Cũng được gọi là khiếm khuyết đọc – một dạng khiếm khuyết học tập thường gặp ở trẻ em. Đây là bệnh kéo dài suốt đời và chưa có cách chữa lành. Chứng khó đọc có thể liên quan đến tổn thương não, di truyền, hoặc ảnh hưởng của hooc-môn. Đảo ngược chữ và số là dấu hiệu báo động thường gặp. Chẩn đoán chứng khó đọc bao gồm việc đánh giá cách xử lý thông tin của trẻ từ khả năng nhìn, nghe, và tham gia trong các sinh hoạt. Trị liệu chứng khó đọc lý tưởng bao gồm kế hoạch giữa PH và GV. Đa số trẻ khó đọc có thể thành công ở trường với sự dạy kèm hoặc chương trình giáo dục đặc biệt. Hỗ trợ cảm xúc cũng đóng vai trò quan trọng.

Từ khoá: khó đọc, trị liệu, chẩn đoán, chương trình giáo dục đặc biệt.

Dyslexia

Abstract:

Dyslexia, also called specific reading disability, is a learning disorder characterized by difficulties in reading which is common in children. It is a lifelong condition with no cure. Dyslexia can be related to brain injury, hereditary, or hormonal influences which can cause letter and number reversals as a common warning sign. Diagnosis of dyslexia involves assessing the child's processing of information from seeing, hearing, and participating in activities. Treatment of dyslexia ideally involves cooperation between the parent(s) and the teachers. Most children with dyslexia can succeed at school by tutoring and/or a specialized education program. Emotional support also plays an important role.

Keywords: dyslexia, treat, diagnosis, program of special education.

____________________________________________

Chứng khó đọc với chất lượng học tập của học sinh lớp 1

TS. Trần Thị Thu Mai

Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường ĐHSP TPHCM.

Tóm tắt

Chứng khó đọc hay khó khăn trong tập đọc (dyslexia) là một trong những dạng chung nhất của các chứng khó khăn trong học tập xuất hiện ngay từ giai đoạn phát triển đầu tiên về học đọc . Chứng khó đọc là một tình trạng gây cản trở sự phát triển của các kỹ năng trong vấn đề ngôn ngữ của trẻ bao gồm cả lỗi chính tả, viết và đọc. Nó không liên quan đến sự suy giảm trí thông minh của trẻ, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập của trẻ khi vào lớp 1 như : khó khăn khi đọc và đánh vần - viết chính tả, kỹ năng nhận biết âm vị kém, nhầm lẫn phương hướng, không nhớ trình tự các bước của một thao tác, học vẹt những điều không có nghĩa, khó làm toán, khó học xem đồng hồ, kỹ năng tổ chức, sắp xếp kém...

Từ khoá: chứng khó đọc, lỗi chính tả

Dyslexia with study quality in grade 1 students

Abstract

Dyslexia is one of the common forms in learning disabilities found in the first development stage of reading. Dyslexia is a situation blocking the development of children’s language skills such as spelling, writing and reading. It does not relate to the declination of their intelligence; however, it may impact on many aspects of children’s learning quality, such as: difficulties in spelling and reading, weak phoneme identification skill, limitation in determining directions, mistakes in order of an act, rote learning in unmeaning things, difficulties in doing mathematics, in watching the clock, weak organization and arrangement skills...

Keywords: dyslexia, spelling errors

____________________________________________

Vài nét về đặc điểm tâm lý của trẻ lớp 1 mắc chứng khó đọc

HVCH Trần Thị Tú Uyên

Trường ĐHSP TPHCM.

Tóm tắt

Chứng khó đọc (dyslexia) là một dạng khó khăn trong học tập, cũng được xem là một dạng rối loạn về đọc. Ngoài việc áp dụng vật lý trị liệu hay vận dụng các kiểu bài tập hỗ trợ thì các giải pháp tâm lý cũng được cho là một nội dung cần thiết đối với HS mắc chứng khó đọc. HS lớp 1 mắc chứng khó đọc được can thiệp sớm bằng các liệu pháp tâm lý kết hợp chặt chẽ với các phương pháp dạy học thích hợp, hệ thống bài tập chuyên biệt, vật lý trị liệu... sẽ mang lại kết quả khả quan cho các em. Nội dung bài báo bước đầu chỉ ra vài nét về đặc điểm tâm lý của trẻ lớp 1 mắc chứng dyslexia và đề xuất một số giải pháp nhằm giúp trẻ cải thiện tình trạng khó khăn trong việc học đọc mà trẻ mắc phải.

Từ khóa: đặc điểm tâm lý, chứng khó đọc, học sinh lớp 1.

 

Some psychological features of dyslexic grade 1 students

Abstract

Dyslexia is a form of learning difficulty, known as reading disorder. Besides using physiotherapy and/or some types of supportive exercises for the dyslexic children, the psychological solution is also considered a necesssary. There are positive results for dyslexic grade 1 students intervened early by psychological methods in cooperation with suitable teaching methods, special exercises, physiotherapy... Hence, this article initially showed some psychological chracteristics of dyslexic children and suggested some solutions to help them improving their reading skills.

Keywords: psychological characteristics,  dyslexia, grade 1 student.

____________________________________________

Еоретическая ochoba исследования

"ранняя диагностика дислексии и ее коррекция в общеобразовательной школе”

Abramova N.A.

ĐHSP Quốc gia Samara (Cộng hoà Liên Bang Nga)

Thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Chaladze E.A về ngôn ngữ trị liệu.

Người dịch và giới thiệu: TS.Nguyễn Thị Kim Anh, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM.


RATIONALES OF THE STUDY

"EARLY DYSLEXIA DIAGNOSIS AND ADJUSTMENT IN ELEMENTARY STUDENTS"

Abstract

The article describes the rationales of speech therapy research “Early dyslexia diagnosis and adjustment in elementary students" of Abramova. N.A - Student of the National Pedagogical Samara University (Russia), supervised by Associate Professor, Dr. Chaladze E. A.. This article analyzed the effects of psychological standards on reading behaviors; mechanisms and forms of dyslexia; and the value of early diagnosis of dyslexia on elementary students. This study has demonstrated the need for early dyslexia diagnosis and adjustment for grade 1 students at primary school in the Russia Federation in particular and in the world in general..

Keywords: dyslexia, the psychological process of reading, mechanism of dyslexia

 

Cơ sở lý luận của nghiên cứu

"chẩn đoán sớm và điều chỉnh chứng khó đọc ở học sinh tiểu học”

Tóm tắt

Bài viết mô tả cơ sở lý luận của đề tài nghiên cứu ‘Chẩn đoán sớm và điều chỉnh chứng khó đọc ở HS tiểu học” do sinh viên Abramova N.A, Trường ĐHSP quốc gia Samara (Cộng hoà Liên Bang Nga) thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của Phó Giáo sư, Tiến sĩ về ngôn ngữ trị liệu Chaladze E.A. Bài viết đã phân tích tâm lý làm chủ hành vi đọc theo chuẩn; cơ chế, hình thức của chứng khó đọc và giá trị của việc phát hiện sớm chứng khó đọc ở HS lớp 1 tiểu học. Nghiên cứu này đã chứng minh sự cần thiết của việc phát hiện sớm và điều chỉnh chứng khó đọc cho HS lớp 1 tiểu học ở Cộng hoà Liên bang Nga nói riêng và trên thế giới nói chung.

Từ khóa: Chứng khó đọc, tâm sinh lý của quá trình đọc, cơ chế của chứng khó đọc

____________________________________________

Chẩn đoán trẻ khó khăn học đọc - đôi điều cần lưu tâm

PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn

Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường ĐHSP TPHCM.

Tóm tắt

Chẩn đoán trẻ gặp khó khăn trong học đọc là một vấn đề vô cùng quan trọng và việc thực hiện quá trình chẩn đoán cần phải cẩn thận và nghiêm túc. Bài viết đề cập đến những điều cần lưu ý trong việc chẩn đoán trẻ mắc chứng khó đọc như: không nên đồng nhất kết quả học tập môn Tiếng Việt và chứng khó đọc, cần xem xét vấn đề não bộ cùng các nhầm lẫn khác. Đây sẽ là một cơ sở giúp cho việc chẩn đoán tránh rơi vào tình trạng thiển cận, thiếu chính xác, gây ra định hướng trị liệu sai lệch và hậu quả nghiêm trọng.

Từ khóa: chẩn đoán, chẩn đoán trẻ gặp khó khăn trong học đọc, đôi điều cần lưu tâm, khó khăn trong học đọc, trẻ em.

Some considerations when diagnosing children with dyslexia

Abstract

Diagnosing children with dyslexia is an extremely important issue which should be performed carefully and seriously. This article mentions some considerations in diagnosing dyslexic children such as: we should not equate the learning outcomes of Vietnamese language and dyslexia, consider the brain issue and other confusions… to avoid myopic and inaccurate diagnoses causing improper therapies and serious consequences.

Keywords: diagnosis, diagnosis of children with dyslexia, dyslexia.

____________________________________________

Giới thiệu các phương pháp chẩn đoán sớm chứng khó đọc ở học sinh lớp 1

TS. Nguyễn Thị Kim Anh

Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM.

 

Tóm tắt

Chứng khó đọc có tác động tiêu cực đến toàn bộ quá trình học tập, sự phát triển tinh thần, lời nói và ngôn ngữ của đứa trẻ. Phát hiện những rối loạn này, định nghĩa chính xác về mức độ rối loạn đọc trong từng trường hợp ở trẻ, phân biệt chứng khó đọc từ, lỗi đọc đặc trưng là vô cùng quan trọng để xây dựng một hệ thống ngôn ngữ trị liệu cho trẻ em càng sớm càng tốt. Bài viết giới thiệu các phương pháp chẩn đoán sớm chứng khó đọc ở HS lớp 1 được trích từ đề tài nghiên cứu “Chần đoán sớm và điều chỉnh chứng khó đọc ở  HS tiểu học” của sinh viên Abramova N.A, trường ĐHSP quốc gia Samara (Cộng hoà Liên Bang Nga) thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Chaladze E.A về ngôn ngữ trị liệu.

Từ khóa: chứng khó đọc, phương pháp chẩn đoán sớm, phương pháp chẩn đoán sớm chứng khó đọc.

Early diagnosis methods for Year 1 dyslexic students

Abstract

Dyslexia has a negative impact on the whole process of children’s learning, spiritual, speech and language development. Diagnosis and adjustment of this disorder with specific reading errors is extremely important to design the language therapy process appropriate to the children. The article, taken from the research “Early dyslexia diagnosis and adjustment in elementary school pupils" of Abramova. N.A - Student of the National Pedagogical Samara University (Russia) introduces the early diagnosis methods of dyslexia for 1st grade students are.

Keywords: dyslexia, method of early diagnosis, early dyslexia diagnosis method

____________________________________________

Identification and Assessment to Prevent Reading Failure in Young Children

Joseph K. Torgesen

Reprinted with permission from the Spring/Summer 1998 Issue of American Educator, the quartely journal of the American Federation of Teachers.

Abstract

The first-grade children obtaining slow start in reading rarely catch up with their peers at school. The consequences of a slow start become monumental when they accumulate exponentially over time. The author describes the elements of early diagnosis of children at risk about their problems in learning to read as well as methods for monitoring the growth of critical early reading skills. This article also describes the procedures allowing teachers to identify children who need extra help in reading before they experience serious failure, and to monitor the early development of reading skill to identify children who may require extra help during learning to read at elementary level.

Keywords: reading failure, prevent, identification, assessment.

 

Phát hiện để can thiệp sớm cho trẻ mắc chứng khó đọc

Tóm tắt

Trẻ gặp khó khăn khi đọc ngay từ lớp 1 thì gần như sẽ không bao giờ cải thiện được gì. Và hậu quả của việc đọc kém trở nên tệ hơn vì sự chuyển biến nhanh chóng của chứng khó đọc theo thời gian. Tác giả mô tả các yếu tố  phát hiện sớm và can thiệp sớm đối với những trẻ có nguy cơ mắc chứng khó đọc và các phương pháp kiểm tra sự phát triển những kỹ năng quan trọng cơ bản khi học đọc. Mục tiêu của việc này là mô tả những biện pháp giúp GV xác định được trẻ nào cần sự giúp đỡ trước khi trẻ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng và kiểm tra sự phát triển cơ bản kỹ năng đọc nhằm xác định những trẻ cần giúp đỡ khi học đọc suốt thời gian ở trường tiểu học.

Từ khoá: Khuyết tật khả năng đọc hay chứng khó đọc, can thiệp, phát hiện, đánh giá.

____________________________________________

Tốc độ đọc -  một dấu hiệu để nhận diện học sinh mắc chứng khó đọc

HVCH Lê Doản Thu Trang

Trường ĐHSP TPHCM.

Tóm tắt

Ở tiểu học, việc khảo sát khả năng đọc của HS nên được thực hiện sớm và thường xuyên. Xác định và can thiệp sớm có thể ngăn chặn việc đọc thất bại, giảm tỷ lệ trẻ mắc chứng khó đọc và mức độ nghiêm trọng của chứng khó đọc ảnh hưởng đến kết quả học tập  của trẻ. Kết quả của một nghiên cứu khảo sát 296 em HS lớp 1 tại 32 trường tiểu học thuộc địa bàn TPHCM đã chỉ ra rằng trẻ em có nguy cơ bị đọc khó khăn có thể được phát hiện sớm thông qua việc kiểm tra tốc độ đọc của trẻ. Tốc độ đọc chính là tiêu chí quan trọng để nhận diện trẻ mắc chứng khó đọc.

Khảo sát ở một nhóm HS được chẩn đoán có khó khăn về đọc cho kết quả trẻ mắc chứng khó đọc ngoài những khó khăn về nhận diện chữ cái, đánh vần, đọc trơn từ rời... Tốc độ đọc của nhóm trẻ có khó khăn cũng có cách biệt khá xa với nhóm không khó khăn.

Từ khóa: chứng khó đọc, tốc độ đọc, HS lớp 1, khả năng đọc

 

Reading speed – a sign To identify dyslexic students

Abstract

Early identification and intervention can prevent reading failure, reduce the incidences of children with dyslexia and the severity of dyslexia on children's academic performance. This article presents the result of a survey with 296 Grade 1 students in 32 primary schools in HCM City which showed that reading speed is an important criteria in identifying children with dyslexia.

This survey between two groups of dyslexic and non-dyslexic children illustrated that the first group was diagnosed with more difficulties in letter recognition, spelling, reading fluency ... and reading speed than their counter-part group.

Keywords: dyslexia, reading speed, grade 1 student, ability to read

____________________________________________

Từ thực trạng đọc của học sinh lớp 1 đến vấn đề phát hiện sớm

học sinh mắc chứng Dyslexia

Trần Thị Ngọc Hiền, Nguyễn Thị Thanh Hương,
Đặng Thị Mai Thanh, Nguyễn Phụng Ái Thiên,
Bùi Thị Tuyết Trinh

Sinh viên K34, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM

Đề tài thực hiện dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha.

Trường ĐHSP TPHCM.

TÓM TẮT

Chứng khó đọc (dyslexia) được xem là một dạng “khuyết tật không nhìn thấy”. Thực hiện đề tài “Từ thực trạng đọc của HS lớp 1 góp phần phát hiện sớm HS mắc chứng Dyslexia”, chúng tôi mong muốn sẽ cung cấp những số liệu và cứ liệu hữu ích cho người nghiên cứu về xây dựng test chẩn đoán và nội dung can thiệp sớm cho HS mắc chứng khó đọc (dyslexia) ở giai đoạn đầu tiểu học.

Qua kết quả khảo sát khả năng đọc của 391 HS lớp 1 có tình trạng sức khỏe và tâm sinh lý bình thường, ở 11 trường Tiểu học tại địa bàn TPHCM, có thể nói rằng chứng khó đọc là một thực tế đã và đang tồn tại ở HS lớp 1, cần có những nghiên cứu chẩn đoán cũng như can thiệp trị liệu sớm cho những HS mắc chứng khó đọc.

Từ khoá: Can thiệp trị liệu, Chứng khó đọc, Kỹ năng đọc, Nhận diện chứng khó đọc, Nghiên cứu chẩn đoán

From grade one student’s reading fact to early dectection of dyslexia

Abstract

Dyslexia is considered a form of “invisible disable”. Doing the research “From grade one student’s reading fact to early dectection of dyslexia”, we hope to provide the useful data and evidence for the researchers of test construction diagnosis and early intervention content for students with dyslexia in the early grades of the primary school.

Through the survey from  391 students’ reading skill of grade 1 at 11 primary schools in Ho Chi Minh city that have normal health and psychology, we can say that dyslexia is a reality and existing in grade 1. We need to have the diagnostic research and early therapeutic interventions for dyslexic students.

Keywords: Therapeutic intervention, Dyslexia, Reading skill, Identification of dyslexia, Diagnostic research

____________________________________________

Phân biệt

khó đọc, khó viết với đặc điểm của phương ngữ và đặc điểm ngôn ngữ chưa hoàn thiện

ở học sinh tiểu học

ThS. Nguyễn Thị Lan Anh

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

.

Tóm tắt

Chứng khó đọc, khó viết được hiểu là do có khó khăn trong việc giải mã các âm vị và thể hiện các âm vị đó bằng các kí tự.  Việc tìm ra các tiêu chí đánh giá sát thực để đưa ra các biện pháp can thiệp là hết sức cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Muốn  đưa ra được các tiêu chí tốt cần phải phân biệt được khó đọc, khó viết với đặc điểm ngôn ngữ chưa hoàn thiện ở trẻ (đặc biệt là lớp 1) và đặc điểm phương ngữ. Sự phân biệt này không chỉ giúp cho việc đánh giá khả năng đọc, viết  của học sinh lớp 1 mà còn giúp can thiệp sớm cho khoảng 10% học sinh ở tiểu học gặp khó khăn về đọc, viết do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Từ khoá: khó khăn về đọc, khó khăn về viết, ngôn ngữ chưa hoàn thiện, phương ngữ

Distinguishing dyslexia and dysgraphia

of grade 1 students having immature language and dialects

Abstract

Dyslexia and dysgraphia relate to difficulties in decoding phonemes and demonstrating those to letters. It is essential and important for children’s development to find out appropriate evaluation criteria for intervening these children. As a result, it is critical to distinguish dyslexia and dysgraphia of students (especially, the first grade) having immature language and dialects. This distinction will not only help to evaluate the literacy capacity of grade 1 students but also to intervene timely and approximately for at least 10% of elementary students with dyslexia or dysgraphia.

Keywords: dyslexia, dysgraphia, immature language, dialect

____________________________________________

Khảo sát mẫu quy trình âm vị ở trẻ em Việt Nam bị rối loạn âm lời nói

trong độ tuổi từ 3 đến 7 tuổi tại bệnh viện nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh

Đỗ Thị Bích Thuận, Hoàng Văn Quyên

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM

 

A survey for phonological processes of Vietnamese children with speech sound disorder

from 3 to 7 years old at children’s hospital number 1, Ho Chi Minh city

PURPOSE OF THE PROJECT

Speech therapy is a  specialty of the Rehabilitation Department. It is a new field in Vietnam. There is little scientific research about phonological processes of Vietnamese children with speech sound disorder. This professional project was undertaken to identify the phonological processess of Vietnamese children with speech sound disorders.

MỤC TIÊU

Âm ngữ trị liệu (ANTL) là một chuyên ngành thuộc chuyên khoa Phục hồi chức năng. Đây là một lĩnh vực rất mới tại Việt Nam. Tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM, năm 2011 chúng tôi đã nhận khám và điều trị tổng số là 987 bệnh nhi có nhu cầu can thiệp về âm ngữ trị liệu, trong đó số bệnh nhi bị rối loạn âm lời nói là 156 bệnh nhi chiếm 16 % trong tổng số bệnh nhi can thiệp về ANTL. Cho đến thời điểm này có rất ít công trình nghiên cứu khoa học khảo sát quy trình âm vị ở trẻ em Việt Nam bị rối loạn âm lời nói (SSD). Nghiên cứu này được thực hiện đáp ứng mục tiêu nhận biết những quy trình âm vị ở trẻ em Việt Nam bị rối loạn âm lời nói.

____________________________________________

Dạy học đọc từ tiếp cận tâm lý học thần kinh - một cơ hội cho trẻ khó đọc

PGS.TS. Võ Thị Minh Chí

Trường ĐHSP Hà Nội

 

Tóm tắt

Dạy đọc cho trẻ khó đọc do chậm phát triển các vùng chức năng trên não là hoàn toàn khả thi, nếu trẻ được chẩn đoán đúng về định khu vùng chậm phát triển (dưới góc độ Tâm lý học thần kinh) và có tác động phù hợp với mức độ phát triển hiện có ở trẻ. Như vậy, cơ hội học tập trong các nhà trường phổ thông mở ra cho trẻ chậm phát triển ranh giới.

Từ khóa: Dạy học đọc, đọc, Tâm lý học thần kinh, trẻ khó đọc.

 

Teaching reading in terms of neuropsychology - an opportunity for dyslexics

Abstract

Teaching children with dyslexia due to the underdeveloped funtional regions of the brain is possible if that child is diagnosed correctly the underdeveloped areas (in terms of Neuropsychology), and has been consistently intervened with his/her existing level of development. Therefore, more opportunities to study better at schools will be opened for dyslexic students.

Keywords: dyslexic, neuropsychology, reading, reading teaching.

____________________________________________

Ứng xử với trẻ khó khăn trong học đọc dưới góc độ tham vấn và trị liệu

Mai Mỹ Hạnh, Quang Thục Hảo

Sinh viên Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường ĐHSP TPHCM

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường ĐHSP TPHCM

 

Tóm tắt

Hiện nay, đã có nhiều mô hình điều trị, các biện pháp can thiệp đạt hiệu quả cao và việc sử dụng các hình thức điều trị trên sẽ không thể phát huy tác dụng tích cực đối với việc cải thiện khả năng đọc của trẻ nếu bỏ qua các liệu pháp tâm lý. Dưới góc nhìn tham vấn - trị liệu, các vấn đề về ứng xử một cách khoa học và tinh tế với trẻ em có biểu hiện khó đọc được đề cập đến trong bài viết nhằm phát huy tối đa sự tự tin, tính chủ thể cũng như khuyến khích trẻ nỗ lực cải thiện kỹ năng đọc của mình một cách tự giác và tích cực.

Từ khóa: chứng khó đọc, tham vấn, trẻ khó khăn trong học đọc, trị liệu, ứng xử.

 

Behavior to children with dyslexia under the view of consultation and therapy

Abstract

There are several models of effective treatment and intervention to dyslexic children. However, these forms of treatment must be cooperated with psychological therapies to achieve the most effectiveness in improving reading ability of dyslexic children. Under the view of psychological consultation and therapy, this article mentions some scientific and sensitive behaviors to children with difficulties in reading in order to maximize their confidence, subjectivity, and encourage them to improve their reading skills positively and voluntarily.

Keywords: behavior, children who are hard to read, consultation, dyslexia, therapy.

____________________________________________

Can thiệp, trị liệu cho học sinh lớp 1 mắc chứng khó đọc - nhìn từ góc độ tâm lý học

TS. Trần Thị Thu Mai

Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường ĐHSP TPHCM

 

Tóm tắt

Học sinh mắc chứng khó đọc có thể đọc, viết chính tả, và viết một cách xuất sắc nếu nhận được sự can thiệp và hướng dẫn phù hợp. Giáo viên tiểu học cần được  huấn luyện về nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp can thiệp chứng khó đọc. Tùy thuộc việc xác định nguyên nhân của học sinh mắc chứng khó đọc mà có những biện pháp can thiệp trị liệu thích hợp như: giáo dục nhấn mạnh nhu cầu nâng cao sự tự tin, luyện tập, chỉnh âm vị, liệu pháp tâm lý, tư vấn cho cha mẹ, can thiệp có hướng dẫn, can thiệp có sự tham gia của bạn bè, can thiệp nhận thức, chiến lược về hành vi, học tập có trợ giúp của máy vi tính...

Từ khóa: can thiệp, chứng khó đọc, học sinh lớp 1 mắc chứng khó đọc, tâm lý học, trị liệu.

 

The therapeutic intervention in grade 1 dyslexic children - a psychological view

Abstract

Dyslexic students can be excellent in reading, spelling and writing if they are given reasonable instructions and interventions. Primary teachers need to be trained to recognize causes, symptoms and intervention methods of dyslexia. Regarding on the classifications of dyslexia, different intervention methods will be applied, such as: teaching methods emphasizing the needs of improving confidence, phoneme adjustment, psychological therapy, consultancy for parents, direction intervention, intervention with peers’ helps, acquisition intervention, behavior strategy, studying by computers...

Keywords: dyslexia, dyslexia of children in grade 1, psychology, therapeutic, interference.

____________________________________________

Hỗ trợ học sinh lớp 1 khó đọc tại trường tiểu học

ThS. Nguyễn Thị Kim Hoa

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Nguyễn Ngọc Linh

Viện Nghiên cứu xây dựng phát triển xã hội học tập

Tóm tắt

Đọc là nội dung chính, là kỹ năng nền tảng - điều kiện tiên quyết để học sinh (HS) có thể hoàn thiện cấp tiểu học và tiếp tục học tập ở các cấp học cao hơn. Nếu HS khó đọc không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiệm trọng. Vì thế, việc phát hiện sớm và hỗ trợ đúng cách các em ngay từ lớp 1 giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, cơ hội học tập của các em. Bài báo này mô tả vắn tắt quá trình tiến hành hỗ trợ nhóm HS lớp 1 khó đọc ở một trường Tiểu học, thuộc thành phố Hà Nội đồng thời giới thiệu một mô hình hỗ trợ và các bài tập cùng biện pháp sử dụng.

Từ khoá: Khó đọc, học sinh lớp 1 khó đọc, mô hình hỗ trợ khó đọc, quy trình hỗ trợ khó đọc.

Supporting grade 1 students with reading difficulties in primary school

Abstract

Reading is a fundamental skill - a prerequisite for students to complete primary level and continue studying at higher levels. Students with reading difficulties but not be diagnosed and intervened timely can tackle with many serious problems. Therefore, early diagnosis and support for children with reading difficulties from the First Grade play the most important role in guatanteeing the quality and opportunities of the learning for these students. This article described the process of supporting Grade 1 students with reading difficulties at one primary school in Hanoi, and introduced a new model and exercises to support them.

Keywords: reading difficulties, grade 1 students with reading difficulties, supporting model for students with reading difficulties, supporting processes for student with reading difficulties.

____________________________________________

Les dyspraxies, les troubles visuo-spatiaux

(THE LOSING OF CO-ORDINATION BETWEEN EYE MOVEMENT AND SPACE)

Robert Dupré

Hội AMPHORE, Pháp

Dịch bởi Khoa Vật lý trị liệu & Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM

AMPHORE Association, France

 

Abstract

The article talks about disorder of co-ordination between eye movement and space with specific analysis. In details, the author introduces concept, signs, classification of the co-ordination as well as of the disorder. Based on this, readers can approach the tests of visual perception development and teaching methods and strategies to help children with this disorder in need.

Keywords: regulation, disorder, co-ordination, eye movement and space.

 

Mất phối hợp giữa động tác nhìn của mắt và không gian

Tóm tắt

Bài báo trình bày hội chứng rối loạn phối hợp giữa động tác mắt và không gian với những phân tích cụ thể. Theo đó, tác giả giới thiệu khái niệm, các biểu hiện, phân loại của sự điều phối. Ngoài ra, bài viết cũng trình bày khái niệm, dấu hiệu của hội chứng rối loạn này. Đặc biệt, thông qua bài viết, người đọc cũng được tiếp cận bài kiểm tra trắc nghiệm về sự phát triển nhận thức thị giác và các phương pháp dạy học cung cấp các chiến lược cho GV trong việc hỗ trợ các học sinh có khó khăn về vấn đề này.

Từ khóa: điều phối, rối loạn, phối hợp, động tác nhìn của mắt và không gian.

____________________________________________

Báo cáo một trường hợp khó khăn về học do mất phối hợp động tác nhìn - không gian

Lê Tường Giao

Khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM

Tóm tắt

Bài viết giới thiệu về việc can thiệp trị liệu cho 1 HS khó khăn về học do mất phối hợp động tác nhìn -không gian. HS HHPh, 16 tuổi, học lớp 8, khó đọc và khó học do khó khăn về nhìn. HS Ph. đã được tập luyện cơ mắt, tái huấn luyện động tác nhìn theo một chương trình CD có sẵn trong 20 tuần liên tiếp, với tổng số thời gian khoảng 60 giờ; thực hiện các bài tập để huấn luyện sự xác định vị trí và sự tương quan trong không gian. Đồng thời Ph cũng được hỗ trợ học tập bằng một số dụng cụ như thước có khe trống để đọc một đoạn văn, kí hiệu xanh - đỏ để đánh dấu nơi bắt đầu đọc và nơi kết thúc, dùng chữ với cỡ lớn so với bình thường... Sau 3 tháng, kết quả môn toán hình học của Ph từ 0/3 điểm được nâng lên 2/3 điểm.

Từ khoá: mất phối hợp động tác nhìn - không gian, khó khăn về đọc và học, can thiệp trị liệu.

One-case report on learning difficuties due to visuospatial disorder

Abstract

The report introduces the therapy intervention in learning difficulties due to visuospatial disorder in one case – HHPh, 16 years-old, grade 8 student, has difficulties in reading and learning resulting from the visuospatial disorder. He has been re-trained eye muscles, visuospatial perception skills according to the available-CD program during 20 weeks continually in total 60 hours; he has also performed specific exercises for identifying the position and the relation in space, with some supportive tools, such as a ruler with space to focus on a paragraph in reading, or green-red signs for recognizing the beginning and ending of a paragraph, individual exercises designed in big font… After 3 months of the intervention, he gets improved in mathematics, in which geometry score increased from 0/3 to 2/3.

Keywords: Visuospatial disorder, difficulties in reading and learning, therapy intervention.

____________________________________________

Extra-large letter spacing improves reading in dyslexia

Johannes C. Ziegler

Laboratoire de Psychologie Cognitive, CNRS et Aix-Marseille Université, Center of Excellence on Brain and Language, Marseille, France.

Abstract

Increasing the spacing between letters within words and between words within text improves reading speed and accuracy in children with dyslexia (Zorzi et al, 2012). Recognition is impaired when letters are closer than a critical spacing. Extra-large spacing might offer a promising tool to reduce the negative effects of crowding and improve reading.

In this study, 54 dyslexic Italian and 40 dyslexic French children aged between 8 and 14 years are tested the effects of letter spacing on the text reading ability. In the two countries, wider spacing enabled the children to improve their reading both in terms of speed and precision. They read 20% faster and made half as many errors.

Also, an iPad/iPhone application known as “DYS” was developed to adjust the spacing between letters and to test the benefits of such modifications on reading.

In conclusion, the findings offer a practical way to ameliorate dyslexics’ reading achievement without training.

 

Mở rộng khoảng cách giữa các chữ cái cải thiện việc đọc cho người mắc chứng khó đọc

Tóm tắt

Tăng khoảng cách giữa các chữ cái trong các từ và giữa các từ trong văn bản cải thiện tốc độ đọc và độ chính xác của việc đọc ở trẻ em mắc chứng khó đọc (Zorzi et al, 2012). Sự nhận dạng bị suy yếu khi những chữ cái gần hơn so với khoảng cách then chốt. Mở rộng khoảng cách có thể cung cấp một công cụ đầy hứa hẹn để cải thiện việc đọc.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu những trẻ em ở Italy và Pháp trong độ tuổi từ 8-14 bị mắc chứng khó đọc. Ở cả hai quốc gia, mở rộng khoảng cách giúp trẻ cải thiện khả năng đọc về cả tốc độ và sự chính xác. Trẻ em đọc nhanh hơn 20% và độ chính xác của việc đọc tăng gấp đôi.

Bên cạnh đó, một ứng dụng iPad/iPhone được gọi là “DYS” được phát triển để điều chỉnh khoảng cách giữa các chữ cái và kiểm tra sự thay đổi trên việc đọc.

Tóm lại, nghiên cứu này cung cấp một cách thiết thực để cải thiện khả năng đọc của người mắc chứng khó đọc mà không cần thông qua rèn luyện.

____________________________________________

Quản lý việc dạy học đọc cho học sinh đầu cấp 1 gặp khó khăn về đọc

trong chương trình giáo dục hoà nhập hiện nay

ThS. Nguyễn Lương Hải Như

Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM

Tóm tắt

GDHN là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình giáo dục ở Việt Nam hiện nay cũng như trên toàn thế giới.Tuy nhiên, thực tế hiệu quả và khả năng quản lý của chương trình này là một vấn đề cần nhiều bàn luận. Bài viết đề cập đến một số thực trạng trong việc quản lý dạy học đọc cho HS đầu cấp 1 có nhu cầu đặc biệt về kỹ năng đọc trong chương trình GDHN hiện nay tại một số trường tiểu học trên địa bàn TPHCM. Từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện công tác quản lý này tốt hơn.

Từ khóa: GDHN, HS đầu cấp 1, khó khăn về đọc

Teaching reading management for lower-primary students with special needs

in reading in inclusive education curriculum

Abstract

Inclusive education has been accelerated for years in Vietnam. However, the effects of this program on students with special needs in learning have been still under-debated. Therefore, this article will present the reality of teaching Reading management in inclusive education curriculum through a survey and interviews with Year 1 teachers at some primary schools in Ho Chi Minh City. Some suggestions for managers and teachers are also included.

Keywords: inclusive education, lower-primary students with special needs in reading

____________________________________________

Xây dựng bài tập vận động và bài tập tri nhận không gian

cho học sinh lớp 1 mắc chứng khó đọc

Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Bùi Thị Thành,Trần Thị Tố Trinh

Sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM

Đề tài được thực hiện dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM

 

Tóm tắt

Chứng khó đọc (dyslexia) là dạng khuyết tật học tập phổ biến ở trẻ em. Không chỉ gặp khó khăn khi đọc mà trẻ bị dyslexia còn có vấn đề về tri nhận không gian. Vì vậy song song với vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu... thì các bài tập vận động và bài tập tri nhận không gian được xem là một nội dung cần chú ý trong can thiệp trị liệu cho trẻ khó đọc.

Giả thuyết được đặt ra nếu HS lớp 1 mắc chứng khó đọc được can thiệp sớm bằng phương pháp đa giác quan kết hợp chặt chẽ với các bài tập vận động, tri nhận không gian bên cạnh các bài tập nhận thức âm vị, nhận thức chính tả, đọc lưu loát, mở rộng vốn từ thì sẽ có những chuyển biến tốt trong việc học đọc của mình. Bài báo này đề cập đến việc thực nghiệm xây dựng 11 bài tập vận động kết hợp với 17 bài tập tri nhận không gian và ứng dụng những bài tập này can thiệp cho 8 HS lớp 1 ở TPHCM mắc chứng khó đọc.

Từ khóa: chứng khó đọc, bài tập vận động, tri nhận không gian, can thiệp trị liệu, HS lớp 1.

 

Design motor exercises and spatial awareness exercises for grades 1 dyslexic students

Abstract

Dyslexia is a common learning disability in children with difficulties in  reading and spatial awareness. Accompany with physical therapy, psychology,...  the motor exercises and spatial awareness exercises  are considered noteworthy methods to treat dyslexic children.

Based on the hypothesis that if grade 1 dyslexic students is early intervened by multisensory method combining with motor exercises, spatial awareness exercises, and phonological awareness, orthography, vocabulary exercises, there will be positive changes in reading. This article mentions experiment of applying 11 motor exercises and 17 spatial awareness exercises for eight Year 1 students in HCMC infected by dyslexia syndrome.

Keywords: dyslexia, motor exercises, spatial awareness exercises, intervention, grade 1 students.

____________________________________________

Xây dựng nhóm bài tập nhận thức âm vị cho học sinh lớp 1 mắc chứng khó đọc

Đặng Ngọc Hân, Lê Thị Thùy Dương

SV khoá 34, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM.
Nguyễn Thị Ly Kha

PGS.TS. Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM.

Tóm tắt

Giả thuyết của đề tài: HS lớp 1 mắc chứng khó đọc sẽ cải thiện được khả năng nhận thức âm vị và có thể đạt được các yêu cầu về kỹ năng đọc ở giai đoạn đầu tiểu học nếu được thụ hưởng các bài tập nhận thức âm vị kịp thời, đúng đắn, phù hợp. Đề tài có mục tiêu xây dựng nhóm bài tập nhận thức âm vị (ứng dụng phương pháp đa giác quan và phương tiện Flash) dành cho HS lớp 1 mắc chứng khó đọc. Thực nghiệm bài tập nhận thức âm vị được thực hiện trên 6 HS lớp 1 ở trường Tiểu học P.C.T và T.Q.T. Kết quả nhóm được thụ hưởng thực nghiệm bài tập và phương pháp chuyên biệt có sự cải thiện ở lỗi nhầm lẫn trái/phải, trên/dưới và lỗi không đọc được vần.

Từ khóa: bài tập nhận thức âm vị, chứng khó đọc, nhận thức âm vị, phương pháp đa giác quan, trò chơi Flash.

Designing phonemic awareness exercises for first-grade dyslexic students

Abstract

The hypothesis of the study: first-grade dyslexics will be able to improve phonemic awareness and to achieve required reading skill at the early primary level if they approach to phonemic awareness exercises timely and appropriately. The objective of this study is to design phonemic awareness exercises (using multi-sensory approaches and Flash application) for first-grade dyslexics. Six first-grade students in P.C.T and T.Q.T primary school participated in this study. After the intervention with phonemic awareness exercises, the experimental group reduced errors in distinguishing between left and right, between over and under, ability to read rhymes.

Keywords: phonemic awareness exercises, dyslexia, phonemic awareness, multi-sensory approach, Flash game.

____________________________________________

Thiết kế bài tập nhận thức chính tả có ứng dụng công nghệ thông tin

cho học sinh lớp 1 mắc chứng khó đọc

Huỳnh Thanh Trúc, Võ Thị Tuyết Mai, Phạm Tường Yến Vũ, Vũ Ngọc Mai Nhi,Võ Ngọc Nhi

Sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM.

Đề tài được thực hiện dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM.

Tóm tắt

Nhiều nghiên cứu về chứng khó đọc cho rằng chứng khó đọc tác động trước hết đến khả năng đọc và viết – hai kỹ năng quan trọng trong phân môn Tiếng Việt. Thực tế cho thấy những HS mắc chứng khó đọc thì kết quả môn chính tả cũng thường dưới mức trung bình. Cho đến nay, ở Việt Nam, các công trình có liên quan đến chứng khó đọc ở HS lớp 1 về vấn đề nhận thức chính tả chỉ dừng ở mức độ giới thiệu, gợi ý, sơ lược, chưa sử dụng như bài tập chuyên biệt để can thiệp trị liệu. Mặt khác, HS mắc chứng khó đọc có khả năng tập trung rất kém, bài tập có ứng dụng công nghệ thông tin có thế mạnh về đa hiệu ứng, màu sắc, âm thanh. Điều này có tác dụng lớn trong việc thu hút sự chú ý của các em. Nghiên cứu thử nghiệm 35 bài tập nhận thức chính tả có ứng dụng công nghệ thông tin can thiệp trị liệu cho 3 HS lớp 1 ở trường Tiểu học Đ.V.N đã cho kết quả: nhầm lẫn các âm vần khi đọc, viết ở các em đã giảm đi, đồng thời tốc độ đọc, viết đều tăng.

Từ khóa: Chứng khó đọc, bài tập nhận thức chính tả, ứng dụng công nghệ thông tin, HS lớp 1, kỹ năng đọc - viết.

Designing spelling exercises with information technology

for first grade dyslexic student

Abstract

Studies of dyslexia conclude that children with dyslexia have primarily problems in the ability to read and write - two important skills in learning. This fact shows that dyslexic students often obtain below-average spelling score. So far in Vietnam, there are no intervention methods or therapeutic tools to support this skill for dyslexic children.  Application exercises with technology have given the advantage of multi-effects, color, sounds,… The study tested 35 spelling exercises with information technology to intervene 3 first grade students in Đ.V.N primary schools. The result showed that the children’s confusion of syllables in reading and writing were reduced, and their reading and writing spead were increased.

Keywords: dyslexia, spelling exercises, application of information technology, first grade student, reading-writing skills.

____________________________________________

Bài tập có ứng dụng công nghệ thông tin

giúp trẻ mắc chứng khó đọc phân biệt âm vần

HVCH Nguyễn Thị Thu Trang

Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu về chứng khó đọc là một vấn đề nhận được sự quan tâm trong nhiều khía cạnh khác nhau với các nghiên cứu điển hình của nhiều nhà chuyên môn.Tuy nhiên, việc tập trung xây dựng một hệ thống bài tập rèn khả năng đọc và phân biệt âm vần cho trẻ mắc chứng khó đọc vẫn chưa được nghiên cứu một cách tỉ mỉ. Hệ thống bài tập rèn kỹ năng đọc và phân biệt âm vần trong chương trình SGK lớp 1 vẫn chưa thực sự phù hợp với trẻ mắc chứng khó đọc. Khảo sát cho thấy lỗi sai mà trẻ mắc chứng khó đọc mắc phải nhiều nhất là lỗi sai về âm vần. Vì vậy việc xây dựng hệ thống bài tập về âm vần vừa thu hút vừa phù hợp sẽ hỗ trợ hiệu quả trong quá trình trị liệu cho những trẻ mắc phải hội chứng này.

Từ khoá: chứng khó đọc, HS lớp 1, đọc và phân biệt âm vần, SGK Tiếng Việt, bài tập ứng dụng công nghệ thông tin.

Applying information technology

to help dyslexic children acquire phonemes and rhymes

Abstract

In Vietnam, dyslexia has been taken interested in different aspects. However, intervened excercises to help these students to acquire phonemes and rhymes has not been studied in depth, whereas, those in current textbooks are unsuitable for first grade dyslexic children. The statistics showed that the most common mistake that these children encountered was incorrectly pronouncing the words. Therefore, a design of phoneme-and-rhyme excercises is necessary to intervene them.

Keywords: dyslexia, grade 1 students, phoneme and rhyme acquisition, Vietnamese textbooks.

____________________________________________

Bài tập mở rộng vốn từ hỗ trợ học sinh lớp 1 khó đọc

PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha

Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM.

Tóm tắt

Bài viết trình bày một nghiên cứu về tác dụng của bài tập mở rộng vốn từ (MRVT) cho HS lớp 1 được chẩn đoán mắc chứng khó đọc. Qua kết quả thực nghiệm, tác giả cho rằng bài tập MRVT cũng là một loại bài tập có tác dụng tích cực trong việc cải thiện năng lực đọc cho HS có khó khăn về đọc; loại bài tập này cần được xây dựng tích hợp với các bài tập ngôn ngữ khác (bài tập nhận thức âm vị, nhận thức chính tả, nhận thức ngữ âm, đọc lưu loát và đọc hiểu) và cần tiến hành đồng thời với bài tập vận động, bài tập tri nhận không gian, tâm lý trị liệu.

Từ khoá: bài tập mở rộng vốn từ, học sinh lớp 1, chứng khó đọc.

Vocabulary expansion exercises
to support first grade dyslexic students

Abstract

This article presents an experimental research on using vocabulary expansion exercises to support first grade dyslexic students. The results of the research shows that these exercises have strongly positive effects on improving reading capacity of dyslexic students. These exercises should be applied in company with phonemic awareness, phonological awareness, spelling awareness and reading fluency and comprehension exercises.

Key words: vocabulary expansion exercises, dyslexic students, first grade students.

____________________________________________

Trẻ khó học và một số biện pháp dạy trẻ khó học

TS. Lê Thị Minh Hà

Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường ĐHSP TPHCM.

Tóm tắt

Những trẻ được coi là khó học là những trẻ có biểu hiện kém về khả năng đọc, viết hay làm phép tính như các bạn cùng trang lứa mặc dù trí tuệ trẻ bình thường. Hay nói cách khác, những trẻ được xem là gặp khó khăn trong học tập khi trẻ không thể đạt được những kỹ năng mang tính học thuật phù hợp với lứa tuổi của mình

Từ khóa: Khó học, trẻ khó học

Children with learning disabilities and some teaching methods

Abstract

Children with learning disabilities are those who display poor performance in reading, writing or maths in comparison with their peers although they have normal intelligence. In other words, children are considered learning disabilities when they are not able to achieve age-appropriate academic skills. This article presents definition, classification and symptoms of children with learning disabilities; as well as some teaching methods to support them.

Keywords: learning disabilities, children with learning disabilities.

____________________________________________

Từ điển điện tử hỗ trợ dạy học cho học sinh lớp 1 khuyết tật trí tuệ

Phạm Hải Lê, Trần Đức Thuận

Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TPHCM.

Tóm tắt

Bài viết giới thiệu sản phẩm từ điển điện tử từ ngữ giáo khoa hỗ trợ dạy học cho học sinh khuyết tật trí tuệ học lớp 1 hoà nhập. Bài viết cũng giới thiệu cách thức tạo lập các hợp phần cơ sở dữ liệu và chương trình của sản phẩm; giới thiệu bộ sản phẩm của từ điển với phiên bản dùng cho giáo viên và phiên bản dùng cho học sinh; cách sử dụng bộ sản phẩm.

Từ khoá: từ điển điện tử, từ ngữ giáo khoa, lớp 1, khuyết tật trí tuệ.

 

Electronic dictionary

supporting teaching grade 1 students with intellectual disabilities

Abstract

The article introduces an Electronic Dictionary of Textbook Lexical Terms in order to support teaching grade 1 students with intellectual disabilities. This article also presents the methods to collect data and design the program; illustrates two versions for teacher and students; and guides to use the dictionary

Keywords: electronic dictionary, textbook lexical terms, intellectual disabilities.

____________________________________________

Thực trạng dạy học trẻ khiếm thính phân môn Tập đọc tại các trường tiểu học hoà nhập

TS. Đặng Thị Mỹ Phương

Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường ĐHSP TPHCM.

Tóm tắt

Phân môn Tập đọc có ý nghĩa quan trọng và được xem như một công cụ để phát triển nghe nói cho trẻ khiếm thính. Nó còn là phương tiện để lĩnh hội một cách chính xác kiến thức, kỹ năng các môn học trong nhà trường. Hơn nữa khả năng đọc hiểu còn giúp trẻ khiếm thính có thể tiếp cận nền văn hoá xã hội, học hỏi kinh nghiệm, tiếp tục học lên và hoà nhập cộng đồng. Nhưng trên thực tế việc dạy học phân môn này còn nhiều bất cập, việc phát hiện những hạn chế trong quá trình dạy học phân môn Tập đọc và đưa ra hướng khắc phục sẽ góp phần giúp trẻ khiếm thính học thành công trong trường tiểu học hoà nhập.

Từ khóa: trẻ khiếm thính, trẻ điếc, trường tiểu học hoà nhập

 

Reality of teaching reading to the children with hearing loss at inclusive primary school

Abstract

Reading not only plays a significant role but also is considered as a tool to promote listening and speaking skills for children with hearing loss. It is also a mean to acquire knowledge, and skills accurately. Moreover, reading ability helps these children to approach the culture, to experience, to pursue higher education, and to be connected to the community. However, the teaching this subject has been still insufficient. Therefore, diagnosing the limitations of teaching Reading and suggesting solutions will help the children with hearing loss getting success in their study at inclusive primary schools.

Key word: the children with hearing loss, the deaf children, integrated primary school

____________________________________________

Phát triển khả năng đọc - viết của trẻ  khiếm thính đã được phục hồi thính giác

Hà Thị Kim Yến

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM

Tóm tắt

Trẻ điếc nặng - sâu có thể sử dụng thính giác để học nghe - nói và đi học ở trường bình thường nếu được cấy ốc tai điện tử (OTĐT) và được can thiệp sớm. Ở Việt Nam chỉ có 6% trong số vài trăm trẻ được cấy OTĐT đi học hoà nhập. Nếu cấy OTĐT sau 3 tuổi, khi vào lớp 1, tuổi nghe - nói của trẻ chỉ ở mức 2 – 3 tuổi, người khác chỉ hiểu được 50 đến 70% lời nói của trẻ; vốn từ của trẻ nghèo nàn, câu thường dưới 3 từ, cấu trúc câu không hoàn chỉnh. Trẻ sẽ thiệt thòi rất nhiều khi đi học mặc dù 96% số trẻ này có tiềm năng học tập như những trẻ bình thường khác. Vì kỹ năng đọc - viết có được là từ sự phát triển khả năng nghe – nói, nên cần cấy OTĐT sớm và có sự phối hợp can thiệp sớm giữa gia đình, giáo dục và y khoa để gia tăng cơ hội học hoà nhập của trẻ khiếm thính cấy OTĐT.

Từ khóa: cấy ốc tai điện tử, điếc nặng sâu, kỹ năng đọc viết.

Developing the ability of reading and writing in children cochlear implanted

Abstract

When children with severe to profound hearing loss are implanted cochlear early, they are able to use the audition to develop speech and language. 96% of the children with cochlear implant were tested that they have learning potential as similar as normal children.

In Vietnam, there have been several hundred children with cochlear implant, but only 6% of them being mainstreamed in regular schools. A lot of children were implanted later than 3 years old; hence at the first grade age of elementary school, their hearing age is as same as a normal 2 year-old child. Their intelligibility is about 50 – 70% to the strangers, the vocabulary is poor, the sentences are short, less than 3 words, the structure of sentences is not well-developed. Thus, they encounter a lot of disadvantages in studying because reading and writing skills are acquired during the development of listening and speaking skills. This article argues that there should be early intervention cooperated between parents, educators and clinics, so cochlear implanted children have more opportunities to be mainstreamed.

Keywords: reading writing ability, cochlear implanted, severe profound deaf.

____________________________________________

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm với học sinh mắc chứng khó đọc

ThS. Nguyễn Thị Kim Oanh

Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM

Tóm tắt

Chứng khó đọc là một tình trạng gây cản trở sự phát triển của các kỹ năng trong ngôn ngữ của trẻ bao gồm cả lỗi chính tả, viết và đọc. Chứng khó đọc ảnh hưởng đến trẻ bằng nhiều cách khác nhau. Trẻ mắc chứng khó đọc rất khó để phát hiện, vì trẻ không có biểu hiện bất thường, vẫn vui chơi sinh hoạt như những trẻ khác. Thời gian để biết trẻ có mắc chứng khó đọc hay không chỉ thực sự xuất hiện khi trẻ bắt đầu đi học. Ở phạm vi bài viết, chúng tôi bàn đến vai trò của GVCN lớp đối với những trẻ mắc chứng khó đọc này.

Từ khóa: giáo viên chủ nhiệm, chứng khó đọc, vai trò của giáo viên chủ nhiệm.

The role of form teachers to primary school dyslexia students

Abstract

Dyslexia is a symptom that hinders the development of literate skills in children, including spelling, reading and writing. Dyslexia affects children in different ways. It is very difficult to detect children with dyslexia until they starts schooling, because the child is not abnormal, he/she joins in activities like other children. It is not a big problem for teachers to identify if children are dyslexic, but there are concerns about their perceptions of methods and means of teaching children with dyslexia. In the scope of this article, we discuss the role of form teachers in teaching children with dyslexia.

Keywords: head teacher, dyslexia, role of form teacher.

____________________________________________

Chứng khó đọc ở học sinh Lớp 1 và một số giải pháp bước đầu giúp trẻ đọc tốt hơn

Phan Thị Quỳnh Như

ThS. Trường CĐSP Kiên Giang

Trần Thị Liên

Trường Tiểu học Âu Cơ, Kiên Giang

Tóm tắt

Bài viết này bàn về chứng khó đọc ở đối tượng HS lớp 1 và đề ra một số giải pháp cải thiện giúp trẻ đọc tốt hơn. Hiểu đúng một cách khoa học về chứng khó đọc, GV có thể đem lại những hiệu quả cụ thể đối với từng cá nhân HS bị mắc khó đọc để trẻ hoà nhập tốt trong học tập với bạn bè cùng lớp.

Từ khóa: Dạy Tập đọc, khó khăn về đọc.

Dyslexia in six-year-old children and some basic solutions

Abstract

This article discusses some basic solutions to deal with six-year-old dyslexic children. Approaching the problem from scientific viewpoint, teachers can assist those suffering from dyslexia in their studying.

Keywords: teaching reading, difficulties in reading.

____________________________________________

Một vài suy nghĩ về việc dạy học môn tập đọc cho học sinh lớp 1 có khó khăn về đọc

Nguyễn Thị Mỹ

Trường Tiểu học Nhuận Đức, Củ Chi

Tóm tắt

Bài viết đề cập một số suy nghĩ của tác giả về vấn đề dạy - học cho trẻ khó đọc ở tiểu học, từ thực trạng đọc và nhận diện âm vần của trẻ, đến các biện pháp, kỹ thuật dạy học mà tác giả đã áp dụng. Đồng thời, bài viết cũng cho thấy sự quan tâm của GV tiểu học đến chứng khó đọc (dyslexia) ở trẻ.

Từ khóa: Dạy Tập đọc, HS lớp 1, khó khăn về đọc.

 

Some discussions

about teaching reading to first grade students having difficulties in reading

Abstract

This article discusses about teaching children having difficulties in reading, such as the reality of reading capacity and phonemic awareness of first grade students, and some strategies that the author of this article used to apply in her class. Besides, the author also pays her attention to dyslexia about the characteristics, forms, diagnosis and interventions.

Keywords: teaching reading, first grade students, difficulties in reading.