Giá trị của sự tử tế In
Thứ ba, 18 Tháng 9 2007 16:19

Bé phụ làm bánhCác bậc cha mẹ thường đặt câu hỏi: Trong thế giới vật chất và đầy cạnh tranh này, tôi có thể dạy con cái trở thành người tử tế được không? Câu trả lời là hãy bắt đầu bằng cách làm một người lớn tử tế. Khi con trẻ thấy bạn đi xa thêm cả cây số để giúp đỡ bạn bè, mang vác đồ đạc giúp ai đó, làm bữa để thết đãi một gia đình mới vừa dọn đến, hoặc mời người không giống như bạn đến nhà chơi, lẽ tự nhiên nó sẽ thấy điều đó như một cách sống đúng đắn.

Cha mẹ là tấm gương cho con cái. Khi con cái chứng kiến mẫu gương tử tế của cha mẹ, chúng sẽ biết phải bắt đầu từ đâu. Trẻ con có sẵn sự đồng cảm từ thuở thơ ấu. Lúc mới sinh ra, chúng khóc khi nghe thấy đứa trẻ khác khóc; chúng đưa con búp bê yêu thích cho đứa bạn thích chơi đã làm gãy chân búp bê. Chúng ta có khuynh hướng trông chờ con cái vượt qua khỏi lòng thương hại này và trở thành người chỉ biết quan tâm đến mình. Chúng ta bảo: “Trẻ con không biết chia sẻ”. Các bé trai thường được khen thưởng vì thông minh hoặc quyết đoán, nhưng lại thường không được khen vì thể hiện lòng trắc ẩn.

Sự tử tế, thái độ đồng cảm, lòng trắc ẩn và tình yêu thương phát triển từ sự trân trọng và kính trọng, rồi sau đó lại tạo nên sự trân trọng và kính trọng. Thay vì so sánh trẻ và khuyến khích sự ganh đua – “Con có giọng hát hay nhất trong dàn đồng ca” – hãy khen ngợi trẻ vì sự quan tâm đến người khác của nó, chẳng hạn: “Mẹ thích cách con khen bức tranh của bạn”. Trong nền văn hóa nghiêng về khuynh hướng đạt thành tích hiện nay, chúng ta tập trung nhiều hơn vào điểm số và các chiến thắng thể thao hơn là các giá trị của tấm lòng. Bạn hãy dành thời gian để công nhận những hành động tử tế như những giá trị thực sự.

Chúng ta có thể dệt nên sự tử tế trong cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn chúng ta làm “bảng tử tế” và gắn nó lên tủ lạnh. Mỗi lần một thành viên nào trong gia đình làm một điều gì đó tử tế, người đó có thể viết lên trên bảng này. Bạn có thể lập danh sách những cơ hội thể hiện sự tử tế trong ngày và yêu cầu trẻ làm theo. Sau đây là một vài gợi ý để chúng bắt đầu:

- Cười với bác tài xế xe buýt.

- Giữ cánh cửa cho người sau mình bước vào.

- Cho người khác mượn cuốn sách mình yêu thích.

- Giúp ai đó tìm kiếm vật họ đánh mất.

- Giúp em làm bài tập về nhà.

- Ngồi cùng với một đứa trẻ thường ngồi một mình trên xe buýt.

- Nếu bọn trẻ nói xấu về một người nào đó, hãy phản đối điều đó.

- Làm dư một mẻ bánh và mang đặt trên bậc cửa nhà hàng xóm.

- Vỗ về, an ủi người đang cần như vậy.

Bạn hãy nhắc nhở bọn trẻ rằng mỗi ngày chúng có thể làm khác đi. Chúng có thể có ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác thông qua những nỗ lực đơn giản: một nụ cười, cái gật đầu, tiếng cười chia sẻ, lời nói tử tế, lời thầm cầu mong điều tốt đẹp cho người khác...

HOÀI VY (Theo Kindness counts)