Hội thảo “Đặc điểm việc giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ trong môi trường ngoài ngôn ngữ” In
Thứ sáu, 25 Tháng 11 2011 05:50
Hoi thao cua Trung tam Nga

Vào lúc 14 giờ ngày 16 tháng 11 năm 2011 tại trung tâm Nga trực thuộc trường Đại Học Sư Phạm Tp. HCM, đã diễn ra hội thảo “Đặc điểm việc giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ trong môi trường ngoài ngôn ngữ” do bà Elena Skiaeva– Giám đốc Trung tâm Nga thuộc Trung Tâm Khoa Học và Văn Hóa Nga tại Hà Nội trình bày.

 

Tại hội thảo bà Elena đã nêu lên tình hình phát triển tiếng Nga hiện nay. Có rất nhiều công ty, đối tác Nga tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. Hàng năm, hàng ngàn lượt khách Nga đến Việt Nam du lịch, đặc biệt là tại Phan Thiết, Mũi Né. Thế nhưng số người biết tiếng Nga còn hạn chế, lực lượng hướng dẫn viên biết tiếng Nga không nhiều; một số biết tiếng Nga theo kiểu tự phát, tự học nên không có trình độ chuyên môn cao. Các loại sách tiếng Nga được dịch thuật rất ít, đặc biệt khoảng trống sách văn học Nga hiện đại là rất lớn.

Đặc điểm của môi trường tiếng Nga tại phía Bắc tương đối phát triển. Số lượng công ty sử dụng tiếng Nga nhiều, số người biết tiếng Nga khá đông; vẫn còn nhiều trường THCS và THPT dạy tiếng Nga; các hoạt động phong trào tiếng Nga còn khá sôi nổi. Trong khi đó tại Tp. Hồ Chí Minh các hoạt động tương đối yên ắng hơn. Không còn nhiều trường THPT dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ; chỉ còn 2 trường đại học có khoa Nga đó là trường đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh , và trường đại học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Tp. Hồ Chí Minh.

Về vấn đề học tiếng Nga tại đại học, bà cho biết cùng với sự phát triển của thế giới, việc học tiếng Nga hiện nay cũng chuyển biến tích cực. Sự trú trọng vào ngữ pháp truyền thống không còn; nên kết hợp thực hành tiếng qua các ngữ cảnh, tình huống… Tuy  còn thiếu môi trường thực tập tiếng Nga trong thực tế nhưng sinh viên có thể sử dụng mạng Internet để tìm hiểu tài liệu, xem phim, nghe các chương trình bằng tiếng Nga.

Trong tương lai với sự phát triển trở lại của tiếng Nga nhu cầu sử dụng những người biết tiếng Nga sẽ rất lớn. Sự tham gia đầu tư, hợp tác của các công ty, đối tác đến từ Nga ngày càng lớn sẽ kéo theo những cơ hội phát triển cho những người có thể sử dụng tiếng Nga thành thạo. Bởi thế khoa Nga trường đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh đã và đang chuẩn bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng học tập và làm việc để có thể nắm bắt cơ hội  này. Khoa Nga và trung tâm Nga đã kết hợp giảng dạy tiếng Nga cho một số công ty như công ty dầu khí BP, Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO),… đồng thời các lớp dạy  tiếng Nga buổi tối cũng đã được mở ra để mọi người từ sinh viên, học sinh, công nhân viên, người đi làm…những người có mong muốn tiếp cận ngôn ngữ đầy hứa hẹn này tham gia. Với trang thiết bị hiện đại, tư liệu học tập dồi dào, nhiều đầu sách bằng tiếng Nga phong phú tại trung tâm Nga, việc học tiếng Nga sẽ trở nên gần gũi và thú vị hơn bao giờ hết.

Buổi hội thảo kết thúc bằng việc tổng kết lại tình hình tiếng Nga hiện nay, xu hướng phát triển trong tương lai. Đồng thời một khía cạnh khác cần được quan tâm là xuất bản các sách song ngữ Nga Việt để ngay cả những độc giả không biết tiếng Nga cũng có thể hiểu được thêm về đời sống, văn hóa, và con người Nga hiện đại.

Sáng ngày 17 tháng 11 nhân dịp Festival Tiếng Nga tại thành phố Hồ Chí Minh, tại trung tâm Nga đã diễn ra cuộc thi hát. Cuộc thi bao gồm  9 tiết mục. Trường đại học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh dự thi với  4 tiết mục, trường đại học Khoa Học Xã Hội Và  Nhân Văn Tp. Hồ Chí Minh có 5 tiết mục.

Hoi thao cua trung tam tieng Nga

 Cuoc thi hat cua trungtam tieng Nga

 

Thành phần Ban giám khảo gồm có:
1/ Bà Elena Skiaeva- Giám đốc trung tâm khoa học & văn hóa Nga Hà Nội
2/ Bà Natalia Zolkina - Giám đốc trung tâm Nga tại Tp. Hồ Chí Minh
3/ Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó chủ tịch kiêm tổng thư kí hội Hữu nghị Việt Nga tại TPHCM

Ba tiết mục đạt giải
1/ Nguyễn Văn Chương - Giải nhất ( trường đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh)
2/ Vũ Đình Quân - Giải nhì (trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Tp. Hồ Chí Minh)
3/ Trương Thị Minh Nguyệt - Giải ba (trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Tp. Hồ Chí Minh)