BUỔI LÀM VIỆC VỚI TS. REED BEAMAN - GIÁM ĐỐC QUỸ KHOA HỌC QUỐC GIA HOA KỲ In
Thứ ba, 08 Tháng 12 2015 11:07

Vào lúc 9 giờ 00 ngày 4 tháng 12 năm 2015, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã tiếp và làm việc với TS. Reed Beaman - Giám đốc Quỹ Khoa học Quốc gia - Hoa Kỳ (viết tắt là NSF) và Bà Nguyễn Thúy Loan- Chuyên viên chính Vụ khoa học công nghệ và môi trường Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vế phía Nhà trường có Bà Nguyễn Thị Minh Hồng - Phó Hiệu trưởng, Ông Nguyễn Vĩnh Khương – Phó Trưởng phòng KHCN&MT-TCKH,  Bà Bùi Minh Tâm - Phó Trưởng phòng HTQT, đại diện Ban Chủ nhiệm các Khoa Địa Lý, Sinh học, Tâm lý, Vật lý và Hóa học cùng các sinh viên đã tiếp đón đoàn.

Sau khi chào xã giao, TS. Reed Beaman bày tỏ niềm vui mừng khi được đến làm việc tại Trường ĐHSP TP.HCM và trình bày mục đích của chuyến thăm bao gồm thông báo ngắn gọn về kết quả cuộc họp Hội đồng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lãnh vực khoa học công nghệ diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 12 năm 2015 tại Hà Nội và giới thiệu các hoạt động của NFS tại Hoa Kỳ. Văn phòng Quỹ NSF đặt tại Tokyo, Bruxelle và Bắc Kinh. NFS hỗ trợ tất cả các nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu về cực Bắc, cực Nam, nghiên cứu khoa học không gian và vũ trụ, sinh học, hóa, vật lý trái đất, môi trường, toán học. Trong đó, 94% nguồn quỹ của NFS được đầu tư vào nghiên cứu giáo dục và các hoạt động liên quan đến giáo dục. Một ví dụ tiêu biểu cho việc hỗ trợ nghiên cứu của NFS là sự  ra đời của công ty Google. Sau khi thành công và phát triển thành một công ty toàn cầu, Google đã đầu tư trở lại vào nghiên cứu của NFS để hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp. NSF tự hào có 214 nhà khoa học nhận tài trợ của NFS và giành được giải thưởng Nobel cao quý và nhiều thành quả khác trong nghiên cứu. Tiêu chí của NFS trong đầu tư hợp tác quốc tế là nghiên cứu khoa học chung trên phương diện hai bên cùng có lợi và tạo ra mạng lưới hợp tác khoa học giữa các đối tác với nhau. Ông cũng giới thiệu các hoạt động của NSF hợp tác với Việt Nam là 18 dự án từ 2010-2015 ước tính đạt 14,500,000 đô la.

Một số chương trình hợp tác quốc tế đang thực hiện đó là hợp tác nghiên cứu quốc tế về giáo dục và chương trình này nhận được tiền hỗ trợ khoảng từ 2,5 đến 3 tỷ đô la. NFS còn có các chương trình hợp tác nâng cao năng lực nghiên cứu và  hỗ trợ hợp tác của các nhà giáo dục Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong tương lai, TS. Reed Beaman mong có sự tham gia nhiều hơn nữa của các sinh viên và các nhà nghiên cứu Việt Nam vào các chương trình của NSF.

Sau khi TS. Reed Beaman giới thiệu các hoạt động của Quỹ NSF, đại diện các khoa đã trao đổi một số hoạt động nghiên cứu của khoa mình và cũng bày tỏ nguyện vọng nhận được sự hỗ trợ từ NSF trong các hoạt động nghiên cứu của các giảng viên và sinh viên. TS. Reed Beaman trình bày thêm về những tiêu chí của NSF để các khoa nhận sự hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ cũng như khuyến khích Chính phủ Việt Nam có các chương trình hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ để hai bên cùng có một chế chung tạo điều kiện cho việc tiếp nhận hỗ trợ của NFS.

Kết thúc buổi làm việc, PHT Nguyễn Thị Minh Hồng nhận định lại thế mạnh của Nhà trường trong 2 lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu về khoa học giáo dục. Thông qua đó, PHT Nguyễn Thị Minh Hồng bày tỏ mong muốn TS. Reed Beaman giúp Nhà trường tìm kiếm các đối tác để thực hiện chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu dài hạn và ngắn hạn; hỗ trợ cho Nhà trường thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học của cá nhân và tập thể. Cuối cùng Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Hồng đã thay mặt Nhà trường cám ơn TS. Reed Beaman và gửi lời chúc sức khỏe đến Ông cùng gia đình. Buổi làm việc kết thúc lúc 10giờ 30 phút cùng ngày.