Nụ cười tiểu học In
Thứ sáu, 25 Tháng 3 2011 07:28

Cố hương

Ngà ngà say, họ bắt đầu khích nhau. Thôi thì đủ chuyện. Nào là cuyện làm ăn, chuyện con cái. Khổ cho ông nào chỉ có con gái luôn bị xem thường… Chẳng hiểu thế nào, chuyện lại quay sang luận về chốn chôn nhau cắt rốn. A gọi B là dân cướp biển, C bảo B là dân cá gỗ…B nói C là dân “Tay gậy, tay bị khắp nơi tung hoành”. C vùng đứng bật dậy: Đấy là ngày xưa, quê tớ bây giờ lịch sự rồi, bây giờ phải là:

Samsonai cói, gậy trúc cầm tay
Ung dung, tự tại chiều nay lên đường
Hiên ngang đứng giữa phố phường
Giang tay đón nhận tình thương đồng bào.

 Bầu

Nhà Bé trồng một giàn bầu. Trái bầu nào cũng mập mạp, tròn vo giống cái hồ lô trong phim Tây du kí. Một lần, Bé cho tôi một trái đã phơi khô trưng cho đẹp. Tôi đặt trên bàn làm việc, ai nhìn cũng thích và đều lần lượt xếp hàng xin bầu của Bé. Cái tên Bé “bầu” có từ đấy. Vài tháng sau, tôi tính xin thêm một trái nữa để trưng trên bàn làm việc ở nhà. May quá, gặp Bé ở hành lang lớp học, tôi hỏi ngay: Bé ơi, còn bầu không? Bé trả lời: phá rồi. Tôi ngạc nhiên: Phí thế, phá bao giờ? Bé nói: Hôm qua. Vừa lúc ấy chị bạn đi tới. Chị nhìn Bé với bộ mặt chứa đầy sự cảm thông và niềm ái ngại: Trời, mới hôm qua sao hôm nay đã đi làm? Đừng có chủ quan em ạ. Các cụ nói rồi, một lần sa bằng ba lần đẻ đấy. Tôi và Bé đều ngớ người.

 

Mấy tháng rồi ?

Các thành viên của tổ KHTN hàng tháng trích từ khoản KKLĐ 100. 000đ/ người để góp quĩ “ăn chơi”. Thỉnh thoảng mọi người lại hỏi cô NG (người giữ qũy): được mấy tháng rồi?

 

Chửa

Chuẩn bị cho hội thảo khoa học, bài viết gửi về nhiều, BBT bận rộn đến chóng mặt, nhất là bộ phận đọc và sửa bài. Xin hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa họ.
LK: Chị T ơi, sao mấy bài này chị chưa đọc bài nào? Thế này thì biết bao giờ mới đăng được kiỷ yếu?
HT: Ai bảo LK là chưa đọc?
LK: Có thấy chửa gì đâu.
HT: (xúc động, nói trong nghẹn ngào) Chửa rồi lại bảo chưa chửa, chưa chửa mà được như thế này à?
LK: Thế thì chị chửa khác em.


Trong giờ học

Giáo viên ghi bài tập lên bảng Hãy giải nghĩa các thành ngữ sau : đánh trống lảng; giận cá chém thớt; ôm rơm nặng bụng…
Dưới lớp, học viên xôn xao.
Giáo viên: Có gì thắc mắc à?
Cuối lớp, một cánh tay mạnh dạn giơ lên.
Giáo viên: Vâng, xin mời chị !
Học viên: Thưa cô, cô viết sai ạ!
Giáo viên (nhìn đi nhìn lại trên bảng) : Có chỗ nào sai đâu
Học viên : Dạ chữ lảng và chữ chém
Giáo viên  (ngạc nhiên) : Sao lại sai ?
Học viên (nghĩ rằng giáo viên chưa nhìn ra) : Phải là đánh trống lànggiận cá chép thì mới có nghĩa chứ ạ!
Giáo viên !!!

                         (Vũ Thị Ân biên tập)

 Trước phòng thi

Giám thị: Đề nghị các anh chị chuẩn bị Thẻ sinh viên để chúng tôi kiểm tra!
Sinh viên: Thưa thầy, mất thẻ rồi thì sao ạ!
Giám thị: Thì thay bằng Chứng minh nhân dân.
Sinh viên: (laáy điện thoại di động) gọi: A lô, anh à, anh mang chứng minh nhân dân đến cho em ngay, không nó không cho vào thi.
Giám thị: ???

         

Đẻ con thầy

Sinh viên: Thưa thầy, em xin đăng kí thi môn Ngữ pháp tiếng Việt ạ!
Thầy: Sao lần trước chị vắng thi?
Sinh viên: Em đẻ thầy!
Thầy (tròn mắt): Đẻ thầy?
Sinh viên: Dạ không, em đẻ con thầy!
Bạn gái thầy (vừa bước vào) : Con thầy nào ?

 

Nước biển

Trên chuyến xe chở cô thầy cô đi tìm hiểu thực tế phổ thông, đường xa, để xua đi sự mệt mỏi, cô N hỏi : Mọi người có muốn nghe chuyện Nước biển không?
Tất cả nhao nhao: Kể đi !
Cô N: Trong giờ địa lí, thầy giáo hỏi Nước ta giáp với nước nào? Một học sinh nhanh nhảu giơ tay và đứng lên trả lời: Dạ thưa thầy, nước ta phía Tây giáp với nước Lào và nước Campuchia, phía Bắc giáp với nước Trung Quốc, còn phía Đông và Nam giáp với nước…biển ạ!
Mọi người: Cười ồ lên.
Cô T : (đang lim dim bừng tỉnh): Nước biển là nước nào?
Mọi người cười nghiêng ngả. Thế là hết mệt.

 

Từ Hải đứng chết kiểu nào?

Sinh viên đang tập đóng các trích đoạn Kiều để chuẩn bị ngoại khóa. Một sinh viên nam được phân đóng vai Từ Hải hỏi giáo viên - người vừa là tổng phụ trách vừa đạo diễn: “Thưa cô tư thế Từ Hải đứng chết như thế nào?”. Giáo viên ngớ ra vừa suy nghĩ, vừa lẩm bẩm: “Ừ nhỉ, Từ Hải lúc đứng chết ra sao”. Dường như không tìm được câu trả lời, giáo viên quay sang sinh viên: “Thôi, em muốn đứng chết thế nào cũng được.”

                     (Vũ Thị Ân biên tập)