Nhật kí về nguồn In
Thứ tư, 13 Tháng 4 2011 03:57

NHẬT KÍ VỀ NGUỒN

         Hành trình về nguồn của đoàn chúng tôi – các cán bộ, giảng viên khoa GDTH – thật đặc biệt. Lúc này đang là mùa đông. Mùa đông năm nay rét hơn những năm gần đây. Dường như chẳng ai chọn thời điểm này để lên ngàn, vượt thác. Về nguồn, chúng tôi mang tâm trạng hồi hộp, xốn xang rạo rực, ăm ắp tình cảm mến thương với những địa danh khởi đầu của những nguồn nước tạo thành các con sông đất Việt, nơi khơi dậy ngọn lửa cách mạng giải phóng dân tộc của những người con đất Việt…

Ngày thứ nhất

 

        Khoảng 11 giờ, chúng tôi có mặt ở thành phố Thái Nguyên. Khách sạn chúng tôi ở không lớn lắm nhưng khá tiện nghi. Sau khi nhận phòng, trong lúc chờ ăn trưa, tôi và mấy bạn trẻ dạo quanh tranh thủ chụp vài tấm hình làm kỉ niệm. Trước cửa vào khách sạn là một tấm biển sơn quét đẹp nổi rõ dòng chữ quảng cáo “Ở đây có bán hải sản đang bơi”. Chúng tôi cười ngất ngư bởi cách tiếp thị quá ấn tượng. Sài Gòn và Hà Nội cũng chỉ có đến hải sản tươi sống thôi. G. đưa máy lên bấm ngay một kiểu để làm tư liệu dạy môn Tiếng Việt cho sinh viên. Bữa trưa khá thịnh soạn. Món nào cũng ngon đặc biệt là rau. Rau cải, cải bắp ở đây ngọt và thơm khác hẳn cải Sài Gòn. Ngay cải Đà Lạt cũng không được ngọt như thế. Cơm nước xong, hướng dẫn viên nhắc nhở mọi người tranh thủ nghỉ ngơi để chiều lên đường sớm.

        Đúng 13h00, xe đưa đoàn đi thăm di tích ATK Định Hóa, Tân Trào mở đầu chặng hành trình về nguồn. Mưa nên đường trơn, xe phải chạy chậm. Có đoạn lái xe, hướng dẫn viên và thành viên trong đoàn phải xuống để vào nhà dân mượn xẻng tự san lấp thông đường. Chúng tôi không khỏi thắc mắc vì sao con đường dẫn dắt cháu con, kể cả bạn bè bốn phương đến với một vùng đất linh thiêng – chiếc nôi của cách mạng Việt Nam – lại nhỏ, có quãng còn gập ghềnh đến thế.

        Xuống xe, chúng tôi đi bộ qua một cây cầu nhỏ bắc ngang đập nước ngăn dòng suối lớn. Trước đây không có cầu. Muốn vào Nà Lừa phải lội suối. Mùa nước cạn thì dễ, nhưng mùa mưa lũ, nước dâng đầy, lại chảy xiết việc qua lại khó khăn. Hàng ngày, Bác vẫn xuống suối này lấy nước. Năm 1960, khi trở lại đây, Bác đã đề nghị cho xây đập để giữ nước phục vụ cho việc cấy trồng. Cây cầu được bắc dịp ấy. Lúc này, chúng tôi đang đứng trước lán Nà Lừa. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió buốt lạnh, núi rừng bao phủ mây mưa. Lập tức, cả đoàn bị cuốn hút bởi giọng nói ấm nhẹ của Loan – người hướng dẫn khu bảo tàng. Sau khi tốt nghiệp lớp hướng dẫn viên du lịch, Loan trở về làm việc ở đây cho gần quê hương. Loan có vóc người mảnh dẻ, cô khá xinh đẹp. Trong bộ áo chàm dân tộc pha chút hiện đại, làn da trắng trẻo của Loan càng thêm nổi bật. Mấy cậu trẻ trong đoàn  tấm tắc “Đúng là chè Thái, gái Tuyên”. Gọi Lán Nà Lừa vì lán được dựng ở Nà Lừa – vốn là Nà Lưa (có nghĩa là ruộng trên), nhưng không biết từ bao giờ người dân địa phương đọc biến âm thành Nà Lừa. Lán nhỏ được cất theo kiểu nhà sàn toàn bằng tre nứa. Liếp nứa thưa thế kia không thể cản được những luồng gió lạnh ùa vào. Lán gồm hai gian: gian trong là chỗ Bác nghỉ ngơi, gian ngoài là nơi Bác làm việc, họp hành và tiếp khách. Điều kiện ăn ở thiếu thốn, khí hậu khắc nghiệt khiến sức khỏe của Bác lúc ấy yếu đi nhiều. Nhân dân trong vùng phải vào tận rừng sâu tìm thuốc cắt cho Bác uống để chặn, cắt những trận sốt liên miên. Tôi lẩm nhẩm đọc bài thơ thuộc làu từ thuở nhỏ:

                  Một nhà sàn đơn sơ vách nứa

                  Bốn bên suối chảy cá bơi vui

                  Đêm đêm cháy hồng bên bếp lửa

                  Ánh đèn khuya còn sáng trên đồi

                  Nơi đây sống một Người tóc bạc

                  Người không con mà có triệu con

                  Nhân dân ta gọi Người là Bác

                  Cả đời Người là của nước non

        Nước mưa nhòa trên mặt, chúng tôi nghẹn ngào rời Lán Nà Lừa – tạm biệt nơi lưu giữ dấu ấn của những tháng ngày Bác làm việc ở đây chuẩn bị cho cuộc  tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Nhà bảo tàng Tân Trào nằm ở một ngọn đồi khác trên một khu đất rộng khá bằng phẳng. Trước sân, phía trái treo một cái khánh lớn, phía phải treo một cái trống. Theo nghi thức, tôi và Trần H thay mặt mọi người gióng trống, đánh chiêng để trình diện thổ công thổ địa. Tiếng trống tiếng chiêng vang ngân đánh thức cả một vùng rừng núi tĩnh lặng. Nhân viên bảo tàng hướng dẫn chúng tôi chuẩn bị nghi lễ dâng hương trước anh linh Bác. Bác ngồi trên cao, uy nghi, vời vợi. Tôi chạnh nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài Bác ơiMong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Lúc sinh thời cũng như khi đã ở cõi vĩnh hằng Bác vẫn bình dị, quên mình, Bác đâu  thích được tôn vinh. Lúc này đây, chắc hẳn Bác đang nghe thấu lời khấn cầu của chúng tôi “Xin Bác phù hộ cho Quốc thái dân an; gia đình chúng cháu mạnh khỏe, an khang, hạnh phúc”. Đã muộn, thời gian không cho phép đoàn nấn ná ở đây lâu, còn điểm nữa chúng tôi muốn đến là đình Tân Trào. Trời lạnh, có mưa nên càng buốt giá, nhưng lạ thay khi bỏ áo mưa, ô nón bước vào đình chúng tôi thấy ấm hẳn lên. Đình Tân Trào đơn sơ được dựng toàn bằng gỗ. Quốc dân đại hội lần thứ nhất họp tại đây. Điện thờ đặt ở gian giữa chắc là thờ Thành Hoàng bổn xứ giống như dưới xuôi. Tại đây dân làng thường dâng lễ cầu xin trời đất cho mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu, ngô lúa đầy bồ. Ngay trước cửa đình hiện hữu một phiến đá tự nhiên biểu thị cho sự vững chãi trường tồn. Phiến đá nằm ở đây từ bao giờ không biết. Chỉ biết rằng đó là vật linh thiêng. Người dân bản kể rằng trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thanh niên trai tráng của bản trước khi ra trận tới đây thắp nhang cầu xin bình an nên sau trận mạc tất cả đều trở về nguyên vẹn. Cũng tại đây, Bác đã đọc lời thề quyết giành độc lập tự do cho dân tộc. Từ đó phiến đá có tên gọi là phiến đá thề. Chúng tôi chẳng ai bảo ai lần lượt cắm nhang xung quanh phiến đá và cũng thầm thì cầu khấn. Tạm biệt đình Tân Trào, chúng tôi trở ra với cây đa Tân Trào. Hình ảnh cây đa Tân Trào trong suy nghĩ của mọi người lâu nay rất lớn, sum suê, tán rộng. Thực tế không như thế. Hướng dẫn viên nói với chúng tôi rằng: trước đây tán nó rộng khoảng 60m. Nhưng về sau nhiều nhánh bị khô, chết dần. Hiện tại người ta phải dùng cây gỗ bắc giàn để chặn giữ, nâng đỡ các nhánh con còn yếu và phục hồi các cành nhánh cỗi. Bây giờ chúng tôi mới biết Đội tuyên truyền giải phóng quân thành lập không phải ở đây. Dưới tán đa này Bác Hồ đã phát lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc. Chỉ một buổi chiều, không có điều kiện để đi hết các địa danh nổi tiếng khác của khu Định Hóa ATK trùng điệp. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi chúng tôi cũng thấu hiểu sâu sắc nỗi gian truân, sự hi sinh vô bờ bến của lãnh tụ, của các chiến sĩ cách mạng, ít nhiều biết được phong phục tập quán của người dân nơi đây. Cả bản chỉ toàn nhà sàn. Chính quyền địa phương muốn giữ nếp nhà truyền thống – một nét bản sắc của vùng cao. Ra khỏi khu ATK Tân Trào thì trời tối. Xe chạy ngang một thị trấn nhỏ san sát các lò bánh chưng, các bảng hiệu quảng cáo bánh chưng. Công – cậu hướng dẫn viên vui tính của đoàn cho biết bánh chưng ở đây rất nổi tiếng. Chẳng ai hưởng ứng vì cứ nghĩ bánh chưng ở đâu chả vậy lại chỉ có 5 ngàn một chiếc thì chất lượng khó có thể ngon. Nhưng rồi V, Ch – thủ lĩnh về cơ sở vật chất của đoàn cũng xuống mua mấy chiếc cho mọi người ăn thử. Ngon thật – Trần H phán, rồi mọi người đều có chung nhận xét như thế. Bỗng dưng tôi cứ thấy ngậm ngùi xót xa cho những người làm ra chiếc bánh. Lớn nhỏ cũng bấy nhiêu công đoạn: gói luộc; cũng phải có nếp đậu thịt, lá lạt…làm sao có lời. Rồi lại tự nhủ phải có lời thì người ta mới làm chứ, không nhiều thì ít, điều quan trọng là giữ và quảng bá cái nghề truyền thống của cộng đồng. Bánh chưng ngon, ăn ngang dạ nên cơm bữa nay dư nhiều. Tối chỉ có cánh đàn ông ra khỏi khách sạn khám phá thành phố Thái Nguyên về đêm, còn hầu như lo tắm giặt, nghỉ ngơi chuẩn bị cho cuộc hành trình ngày hôm sau. Mấy phụ nữ tụ tập ở phòng tôi tán chuyện. Chúng tôi bàn luận về chuyến tham quan chiều nay, nói lên những cảm nhận của mỗi người về những điều được thấy ở chặng đầu của hành trình về nguồn. Rồi chuyện lại xoay sang “làng văn hóa” để rồi tiếng cười của làng văn hóa cứ chập chờn, lung linh trong giấc ngủ của chúng tôi. (Còn nữa. ANVU)