Nhật kí về nguồn (tiếp theo) In
Thứ sáu, 15 Tháng 4 2011 01:31

Ngày thứ hai

        Chia tay với những rừng cọ, đồi chè của Thái Nguyên, chúng tôi đến với những đồi sắn, nương mía nương ngô của Bắc Cạn. Trời rét đậm, nhưng không mưa. Tuyệt thật. Chúng tôi nói với nhau: Bác phù hộ cho đấy. Những đám mây rong ruổi cùng chúng tôi trên con đường uốn lượn. Có những khúc quanh gần khép một vòng tròn. Chúng tôi qua những địa danh nghe chẳng thơ chút nào: chợ Đồn, chợ Rã, Nà Vì, Cáy Phặc…

Bắc Cạn là thượng nguồn của nhiều dòng sông: sông Kì Lừa, sông Cầu tạo nên lục đầu giang…Đồi núi trùng trùng điệp điệp. Từ thị xã Bắc Cạn, xe đổ dốc xuống Ba Bể. Chúng tôi bắt gặp một cái chợ nhỏ ven đường. Để kịp giờ, bác tài không cho xe dừng lại. Kể cũng tiếc. Ngồi trên xe, mấy cậu thanh niên chỉ trỏ nhau cô kia có chồng rồi, cô nọ còn son. Mọi người ngạc nhiên hỏi: Làm sao biết được. Tr H và G tranh nhau trả lời: Nhìn còn lông mày hay đã cạo lông mày thì biết thôi. Thì ra, theo tục lệ ở đây, những cô gái chưa cạo lông mày thì chưa lấy chồng. Xe đi chậm lại, chúng tôi kịp nhận ra hàng hóa ở đây không khác mấy chợ huyện chợ xã dưới xuôi. Gần như dưới xuôi có gì thì ở đây có nấy: đồ nhựa, đồ nhôm, ti vi v.v.. đủ cả. Khác chăng là các sản vật núi rừng. Nấm tươi, nấm khô được xâu thành những xâu dài ngắn khác nhau – chắc chắn nấm tự nhiên rồi. Chẳng biết người ta bán được bao nhiêu một xâu và phải mất bao nhiêu thời gian họ mới hái được một xâu nấm như thế. Đến nhà nghỉ Ba Bể, chúng tôi ăn trưa, nghỉ ngơi một chút rồi tranh thủ lên xe. Từ đây đến Hồ còn mấy chục cây chứ chả ít. Hồ Ba Bể như một nơi thâm sơn cùng cốc nằm lọt thỏm dưới một thung lũng lớn chỉ cách mặt nước biển chừng 150m, xung quanh bao bọc là núi. Các nhà khoa học cảnh báo rằng chỉ khoảng 9 chục năm nữa, Hồ Ba Bể sẽ bị lấp đầy nếu phù sa của con sông Năng đổ vào Ba Bể không được xử lí rốt ráo. Tôi nghĩ nếu điều đáng buồn ấy xảy ra hẳn sẽ lại có câu chuyện về sự biến mất của hồ Ba Bể, hay gọi là Sự tích hồ Ba Bể 2 (Sự tích Hồ Ba Bể 1 kể về sự xuất hiện của hồ). Hồ Ba Bể do ba con sông đổ vào. Bể tiếng địa phương có nghĩa là hồ. Ba Bể được tạo bởi ba hồ lớn: hồ Lầm, hồ Lày, hồ Lù (còn gọi là Bé Lầm, Bé Lày, Bé Lù). Ca nô đưa chúng tôi đi vòng quanh các hồ khám phá thiên nhiên thắng cảnh của vườn quốc gia Ba Bể. Thiên nhiên nơi đây thật đẹp. Xung quanh hồ là núi đồi nhấp nhô. Cây cối ở đây có sức sống diệu kì. Chúng vươn lên từ các khe đá rồi sừng sững bám vào vách đá tỏa những tán lá xanh lọc không khí trong lành. Giá như cứ mãi thế này hoang sơ, nguyên thủy, con người đừng nghĩ đến chuyện tác động làm biến đổi tự nhiên vì bất cứ một lí do gì. Gần sát mép hồ, giữa màu xanh của chuối, sắn thấp thoáng những ngôi nhà sàn của người Tày, còn người Dao ở cao hơn (lưng chừng núi). Ca nô tấp vào bờ để chúng tôi lên Đảo An Mã. Từ trên đảo nhìn xuống xung quanh chẳng khác gì một bức tranh sơn thủy tuyệt diệu: sương giăng nhẹ nhẹ mờ mờ ảo ảo như trong thế giới thần tiên vậy. Mọi người thỏa thích chụp hình. Ca nô tiếp tục đưa chúng tôi dạo qua Đảo Bà. Ở vùng sơn cước chiều xuống rất nhanh . Sương bắt đầu giăng dày hơn, hơi lạnh tỏa ra từ các vách đá, từ lòng hồ nước dâng đầy. Trời thêm lạnh, ai cũng xuýt xoa co ro. Chỉ có Tr H chịu rét tài, lúc nào cũng phong phanh một chiếc áo sơ mi. Có lẽ do hắn mập, người ta nói người mập không biết rét.

        Chúng tôi trở lại nhà nghỉ lúc nhá nhem tối. Dùng bữa xong, mấy chị em nữ lại tụ tập ở phòng L.Kh. nói chuyện phiếm. Thôi thì đủ chuyện. H “con” ít chuyện mà bữa nay cũng tham gia rất ấn tượng. Câu chuyện H “con” kể có thể đặt tên là “Công nghệ làm sạch”. Chuyện rằng, ven sông có một bãi cỏ xanh mướt. Buổi chiều, lũ trẻ trong làng thường dắt trâu ra đây thả. Mặc cho trâu bò ung dung gặm cỏ, lũ trẻ bày chơi đủ trò: phân phe đánh trận, cướp cờ, bịt mắt bắt dê v.v.. Nhưng cái trò rủ nhau đại tiện tập thể rồi cứ thế nắm đuôi trâu, bò quất cho chúng chạy để cỏ chùi sạch mông cho mình thì rất lạ. Sáng kiến làm sạch không tốn giấy tốn nước của lũ trẻ cùng cái giọng kể của H “con” làm chúng tôi cười chảy nước mắt. Khoảng 10 giờ đêm, đám đàn ông gõ cửa ầm ĩ nhắc chúng tôi đi ăn cháo gà. Chả là lúc trưa, hai thị V, Ch có đặt cháo gà cho đoàn ở quán của một người dưới xuôi lên đây làm ăn sinh sống. Gà đồi ngon thật, chắc và ngọt. Bữa chiều từ Hồ Ba Bể về chúng tôi ăn trễ vậy mà bây giờ chén vẫn rất hăng. Mấy tay đàn ông xem chừng đã xỉn, giọng bắt đầu méo méo, “níu no” nên tiệc cháo gà kết thúc và cũng kết thúc ngày thứ hai trong cuộc hành trình về nguồn của chúng tôi. (Còn nữa. ANVU)