Suy nghĩ về đại họa 2012 In
Thứ năm, 17 Tháng 3 2011 01:14

Mấy năm trước mọi người xôn xao bàn tán về bộ phim Mỹ “2012- năm đại họa” (2012: Doomsday).Theo bộ phim, ngày 21/12/2012 được người Maya cổ tiên đoán là ngày tận thế của loài người. Mở đầu phim là cảnh Mặt trời hoạt động mạnh, khối cầu lửa Mặt trời trở nên sôi sục với những cơn bùng nổ dữ dội. Năng lượng phóng xuống Trái đất tăng bất thường khiến xảy ra sóng thần, động đất và hàng loạt tai họa khác. Loài người không còn có thể sống trên hành tinh Trái đất được  nữa mà phải ra đi…

Photobucket

Thảm kịch xảy ra tại Nhật bản trong những ngày qua có vẻ rất giống những gì mà bộ phim giả tưởng kia đã mô tả. Đó là động đất, sóng thần, với hàng loạt tổn thất về người và của, làm chấn động cả địa cầu. Một lần nữa, người ta lại xôn xao bàn tán về ngày tận thế.

Vậy, về mặt vật lý, có lý do nào xác đáng để chúng ta phải lo sợ những lời tiên đoán trên sẽ trở thành hiện thực hay không? Theo tôi, một nhà vật lý nghiên cứu về Mặt trời, có thể xét đến những lý do sau đây:

  1. Hoạt động Mặt trời: Năm 2012 được dự báo là năm cực đại của chu kỳ hoạt động Mặt trời thứ 24, với số vết đen Mặt trời được dự báo là 140, kèm theo đó sẽ là các trận bão Mặt trời mạnh (bùng nổ Mặt trời, phóng khí vành  Nhật hoa). So với các chu kỳ khác, có thể nói năm 2012 Mặt trời hoạt động rất mạnh (cực đại chu kỳ 23 là năm 2000 với số vết đen thực tế là 120, số cơn bão Mặt trời không nhiều). Trong phim, đây chính là nguyên nhân gây nên động đất, sóng thần. Theo tôi, cơ chế vật lý của vấn đề này còn chưa sáng tỏ. Tuy nhiên, hiện tại có thể giải thích sơ bộ như sau: các bức xạ phóng ra từ các vụ bão Mặt trời là các bức xạ điện từ, hạt mang điện (electron, proton), và các đám mây plasma mang đường sức từ của Mặt trời. Các bức xạ điện từ đến Trái đất trong 8 phút.  Các dòng hạt có thể đến Trái đất hay không còn tùy theo vị trí xuất phát, chuyển động của Mặt trời và sự tương tác với từ trường liên hành tinh. Và nếu đến chúng sẽ bị từ quyển Trái đất ngăn cản. Nếu vào được Trái đất (ở vùng gần cực) chúng sẽ gây nên hiện tượng cực quang. Ngoài ra, bão Mặt trời có thể gây bão từ, bão điện ly. Các tác động của hoạt động Mặt trời lên khí quyển tầng cao của Trái đất như đã mô tả ở trên với cơ chế vật lý được hiểu biết tương đối rõ ràng, nhưng với thủy quyển và thạch quyển của Trái đất vẫn chưa tường minh.
  2. Ngày đông chí: Ngày 21/12/2012 là ngày đông chí. Đây là thời điểm Trái đất ở gần điểm cận nhật, tức điểm gần Mặt trời nhất (vậy mà lại là mùa đông!). Theo định luật vạn vật hấp dẫn, lực hút của Mặt trời lên Trái đất khi đó sẽ tăng lên, chắc chắn sẽ tác động đến Trái đất (làm tăng thủy triều chẳng hạn). Tuy nhiên, việc này xảy ra hàng năm và xưa nay Trái đất chả hề hấn gì.
  3. Trục quay của Trái đất bị lệch: Hiện nay, trong khi quay quanh Mặt trời trục quay của Trái đất giữ nguyên phương và làm với pháp tuyến của mặt phẳng Hoàng đạo một góc không đổi α=23027’. Điều đó tạo nên sự khác biệt về độ dài ngày đêm tại những vĩ độ địa lý khác nhau, bốn mùa và các đới khí hậu trên Trái đất như hiện nay. Vì lý do nào đó góc α thay đổi ( điều này đã xảy ra ngày 11/3 vừa qua, do động đất trục quay lệch đi khỏi vị trí cũ 10cm) chắc chắn Trái đất sẽ bị ảnh hưởng. Lệch càng nhiều ảnh hưởng càng nặng, ngày có thể sẽ ngắn hơn, khí hậu có thể sẽ thay đổi, băng giá tràn lan. Đây chính là cảnh diễn ra trong bộ phim trên.

Với các lý do trên mọi người hãy suy nghĩ và tự kết luận về tương lai Trái đất trong năm 2012!

Cũng cần phải nói thêm rằng bộ phim trên đã chưa tính tới thảm họa hạt nhân có thể xảy ra sau đó (như hiện nay). Và đây có thể mới thực sự là “nhân tai” đe dọa tương lai loài người!

Chúng ta cần làm gì để tương lai mãi mãi tươi sáng, hỡi loài  người?

Tiến sỹ Vật lý Địa cầu Trần Quốc Hà