Luận án Tiến sỹ: Điển hình hoá trong văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam (giai đoạn 1930-1945) In
Thứ ba, 12 Tháng 4 2011 18:35

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thuỷ

Năm thực hiện 2006

Tóm tắt luận án

MỞ ĐẦU

  1. 1.      LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

1.1.            Điển hình hóa là thành tựu nghệ thuật nổi bật của chủ nghĩa hiện thực phê phán, là đặc trưng cơ bản để phân biệt chủ nghĩa hiện thực phê phán với chủ nghĩa lãng mạn. Nghiên cứu điển hình hóa trong văn xuôi hiện thực phê phán ở Việt Nam giai đoạn 1930-1945 sẽ giúp ích cho những khám phá thêm vấn đề này ở những góc nhìn thẩm mỹ mới trong sử dụng sức mạnh liên ngành : lý luận văn học và mỹ học.

1.2.            Đầu thế kỉ XX, lịch sử văn học Việt Nam phân hóa thành hai dòng chính: văn học lãng mạn và văn học hiện thực. Hai dòng văn học này quả đã có những đóng góp quan trọng cho tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Luận án chọn chủ nghĩa hiện thực phê phán để nghiên cứu, vì đây là một trong những nghệ thuật tiền cách mạng, bám sát đời sống, có giá trị thức tỉnh nhân dân, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bằng những điển hình văn học bất hủ. Nó đã khơi dậy được lòng bất bình, không chịu đựng được với xã hội cũ và bồi dưỡng ý thức cần bứt phá, vươn lên đón chào một cuộc sống mới. Dòng văn học này ngay từ khi mới ra đời cũng đã được giới nghiên cứu rất quan tâm và đề cao, đặc biệt là nhà phê bình mác-xít Hải Triều.

1.3.            Điển hình hóa trong văn xuôi hiện thực phê phán là phương thức nghệ thuật tiêu biểu của dòng văn học này. Nó là một kiểu xây dựng nghệ thuật mới, góp vào tiến trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam, đặc biệt ở phương diện khám phá mâu thuẫn thời đại.

1.4.            Hiện nay, thành tựu của văn học hiện thực phê phán đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở khoa Ngữ văn các trường Đại học sư phạm, Đại học khoa học xã hội và nhân văn và các trường phổ thông trung học. Vấn đề nghiên cứu của luận án có thể đóng góp vào công tác giảng dạy và nghiên cứu ở các cấp học nói trên.

  1. 2.      LỊCH SỬ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

a)      Trước năm 1945.

Giới nghiên cứu văn học lúc này mới chỉ tập trung vào bản chất hiện thực của văn học. Đáng chú ý hơn cả là ý kiến của Vũ Ngọc Phan trong bộ Nhà văn hiện đại. Trên những nét lớn, ông đã đề cập đến những khuôn mặt của các nhà văn hiện thực đương thời; ý kiến của ông chủ yếu thiên về phương diện nghệ thuật và ý nghĩa nhân bản của các hình tượng. Hải Triều biểu dương Kép Tư Bền và khẳng định vai trò của khuynh hướng văn học tả thực. Vũ Trọng Phụng, Trần Minh Tước, Phú Hương cũng nhiệt liệt ca ngợi Tắt đèn.

b)      Từ 1945 – 1986.

Vấn đề điển hình hóa trong văn xuôi hiện thực phê phán ngày càng được giới nghiên cứu văn học quan tâm. Mở đầu là công trình nghiên cứu của nhóm Lê Quý Đôn (Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam - 1957), chuyên luận của Hà Minh Đức (Nam Cao-nhà văn hiện thực xuất sắc, 1961), công trình của nhà nghiên cứu Hồng Chương (Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật, 1962), Nguyễn Đức Đàn và Phan Cự Đệ (Bước đường phát triển tư tưởng và nghệ thuật của Ngô Tất Tố, 1962). Các công trình của Viện văn học (Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945, 1964), chuyên luận của Nguyễn Đức Đàn (Mấy vấn đề văn học hiện thực phê phán Việt Nam, 1968), và công trình của nhóm các tác giả Huỳnh Lý, Hoàng Dung, Nguyễn Hoàng Khung, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Trác (Lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945, 1973), đã thực sự lưu tâm đến những vấn đề lý luận chung về chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam. Công trình nghiên cứu của Phan Cự Đệ với cuốn Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (1974); Từ điển văn học (1984) của Nguyễn Hoành Khung là những công trình tiêu biểu.

  Thời kỳ này giới nghiên cứu mác-xít đã có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu thành tựu của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Nhiều công trình có tính khoa học cao, có sự phân tích đánh giá thỏa đáng. Tuy nhiên, việc vận dụng quan điểm, phương pháp nghiên cứu mác-xít cũng có lúc rơi và kiểu vận dụng máy móc công thức của Ph.Ăngghen về tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Bởi vậy, có ý kiến đề cao giá trị của Tắt đèn nhưng lại hạ thấp giá trị của Sống mòn và phê phán nặng nề tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.

  Ở Sài Gòn trước 1975, các nhà nghiên cứu chưa thực sự quan tâm đến dòng văn học này với tư cách là một phương pháp sáng tác, một trào lưu.

c)      Từ 1986 đến nay.

Trên tinh thần “đổi mới”, giới nghiên cứu văn học đã có cái nhìn toàn diện và “cởi mở” đối với các hiện tượng văn học “tiền chiến”. Công trình Nghĩ tiếp về Nam Cao (1992) do Phong Lê chủ biên; chuyên luận của Trần Đăng Suyền (Chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao, 2001) là những hướng nghiên cứu mới.

  Điểm qua một số công trình nghiên cứu trên, bước đầu luận án nhận thấy chưa có một công trình nào đứng ở liên ngành lý luận văn học và mỹ học khảo sát một cách trực tiếp về thành tựu điển hình hóa trong văn xuôi hiện thực phê phán.

  1. 3.      MỤC ĐÍCH, PHẠM VI NGHIÊN CỨU

a)      Luận án dùng phương pháp liên ngành để nghiên cứu nghệ thuật điển hình hóa của văn học hiện thực phê phán Việt Nam như hệ thống quan điểm thẩm mỹ, hệ thống kiểu nhân vật, hệ thống điều khiển chất liệu của nghệ thuật. Đồng thời, luận án còn phát hiện thêm tác động của các điển hình này tới sự hoàn thiện nhân cách của con người.

b)      Đối tượng của luận án là văn xuôi hiện thực phê phán. Luận án chỉ tập trung vào những tác phẩm có thành tựu cao về nghệ thuật của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng.

  1. 4.      PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

-         Phương pháp chung : Luận án dựa trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử coi văn học là một hình thái ý thức thẩm mỹ đặc thù của xã hội.

-         Phương pháp cụ thể :

  1. Luận án dùng phương pháp liên ngành : lý luận văn học và mỹ học.
  2. Phương pháp hệ thống : Đặt điển hình hóa trong văn xuôi hiện thực phê phán trong hệ thống điển hình hóa của văn học nói chung để thấy được tính phổ biến và đặc thù của điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa.
  3. Phương pháp so sánh văn học qua các thời kỳ để thấy được bước tiến của điển hình hóa trong văn xuôi hiện thực phê phán.
  4. 5.      ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN

a)      Khi vận dụng phương pháp liên ngành, luận án đã cố gắng tìm ra quy luật vận động của cả một hệ thống xã hội: từ sự thay đổi văn minh, thay đổi tư tưởng sáng tạo thời đại, thay đổi tâm thế xã hội, thay đổi văn tự, tất yếu dẫn đến xuất hiện đối tượng thẫm mỹ mới; trong đó xuất hiện những vùng văn học khác nhau, có vùng chất liệu đặc sắc tạo nên dòng văn học hiện thực phê phán.

b)      Luận án chú ý đến mối quan hệ giữa quan điểm thẩm mỹ với nghệ thuật điển hình và nghệ thuật xây dựng các kiểu nhân vật điển hình của văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Luận án lần đầu tiên đã dựa vào tiêu chí “Tha hóa” để phân loại nhân vật điển hình.

c)      Luận án làm sáng tỏ hơn vấn đề “cái Tôi” của nhà văn và “cái tôi” của nhân vật trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam mà bấy lâu giới nghiên cứu chỉ dành “cái tôi” cho văn học lãng mạn.

d)      Luận án cũng đã cố gắng phát hiện thêm mặt sau của điển hình nghệ thuật, nghĩa là phần tác động của các điển hình này tới xã hội, đối với nhân cách con người theo quy luật thiết lập một sự thanh lọc bên trong tâm hồn con người.

  1. 6.      CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận án được tổ chức thành ba chương; 10 mục.

 

Chương I

NHỮNG TIỀN ĐỀ XÃ HỘI VÀ VĂN HỌC

DẪN TỚI CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC PHÊ PHÁN     1930-1945

1.1.  Cơ sở văn minh của văn hóa.

1.1.1.      Văn minh được phát động theo hướng công nghiệp phương Tây.

Trong làn sóng Âu hóa (từ sau hiệp ước Patơnốt - 1884), ở Việt Nam đã hình thành nên một số đô thị mới, tạo ra con người đô thị và lối sống đô thị. Vì vậy, văn học có điều kiện để gần gũi với quần chúng và quần chúng cũng có nhiều điều kiện để tiếp nhận thành tựu của văn hóa, văn học mới. Hơn thế, văn học hiện thực phê phán lại hướng về số đông, hướng về tầng lớp bình dân, cho nên được quần chúng chú ý hơn các nghệ thuật khác. Tầng lớp tri thức tiểu tư sản cũng bắt đầu phát triển. Họ cũng là tầng lớp mấp mé dưới đáy xã hội. Chính vì thế, giải tần quần chúng hâm mộ văn học hiện thực phê phán rộng hơn giải tần của văn học lãng mạn, siêu thực. Ngay cả các tầng lớp trên khi bị văn học hiện thực phê phán chĩa mũi nhọn vào thì họ không thể không chú ý. Văn học hiện thực phê phán không chỉ có khối bạn độc “thuận” mà còn có cả khối quần chúng “nghịch”. Đời sống thẩm mỹ thay đổi, tất yếu dẫn đến sự đổi thay của văn học.

1.1.2.      Văn hóa chủ yếu là nền văn hóa nô dịch “trong hành lang của văn hóa Pháp”.

Xâm chiếm nước ta, Pháp chủ trương dùng văn hóa để nô dịch dân Việt (mở một số trường Cao đẳng và Đại học). Từ 1902 đến 1922, Pháp đã đào tạo được một lớp tri thức cao cấp kiểu Tây ở Việt Nam. Một tầng lớp tri thức mới xuất hiện, cũng làm xuất hiện một đội ngũ nhà văn mới. Lúc này đã hội đủ khách thể thẩm mỹ và chủ thể sáng tạo, tạo ra hai dòng chính là hiện thực và lãng mạn. Trong đó xu hướng nghệ thuật “tả chân” càng ngày càng nhiều thành tựu, khi họ hướng về con người trong cảnh lầm than để thức tỉnh vị thế của cá nhân và qua đó cả dân tộc.

1.1.3.      Sự thay đổi kiểu tư duy thẩm mỹ.

Các nhà Nho yêu nước đầu thế kỷ đã nhận thức được sự thua kém của văn minh Việt Nam so với văn minh phương Tây ở chỗ một bên có tính chất “luôn luôn tĩnh” và một bên có tính chất “luôn luôn động”. Đây chính là nguyên nhân mà phương Tây đã tiến nhanh hơn phương Đông và khi Pháp đưa văn minh phương Tây vào Việt Nam đã nhanh chóng làm thay đổi cả kinh tế và đặc biệt là làm thay đổi cả cơ cấu xã hội và kiến trúc thượng tầng trong đó có sự thay đổi kiểu tư duy từ tư duy tĩnh (Sphèrique) sang tư duy phân tích, khám phá (Lingnère) – một yếu tố tạo nên sự hình thành của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam: phân tích mạch ngầm của các quan hệ xã hội bằng hình tượng thẩm mỹ.

1.2.  Ảnh hưởng của văn học và văn hóa phương Tây.

1.2.1.      Những mầm mống của chủ nghĩa hiện thức trước 1930.

Văn học dân gian, văn học cổ điển về cơ bản là một nền văn học nhân đạo, mang tính dân chủ. Những tiền đề này là cơ sở rất quan trọng để văn học hiện thực phê phán Việt Nam phát triển. Đến cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa hiện thực phát triển thành khuynh hướng văn học “lật xới” hiện thực qua tác phẩm của Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Nhưng phải đến sau 1920, người ta mới chứng kiến một sự chuyển mình thực sự của văn học với tên tuổi của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Bửu Mọc, Trần Quang Nghiệp,v.v…”Văn dĩ tải đạo” là quan niệm chính thống của văn học phong kiến, nay được thay thế bằng quan niệm văn học phản ánh hiện thực. Các cây bút miền Bắc như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học cũng đã có thành tựu. Nguyễn Công Hoan mới xứng đáng là “người đầu tiên có công khai phá con đường đi đến chủ nghĩa hiện thực phê phán” (Phan Cự Đệ).

1.2.2.      Văn học nửa đầu thế kỷ XX chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây, trong “hành lang của văn hóa Pháp”.

Hoạt động của lý luận văn học cũng có nhiều đổi thay theo hướng duy lý. Biểu hiện là lý luận văn học đã tiến tới khám phá các mối quan hệ cơ bản của văn chương với đời sống xã hội: văn học với hiện thực, nhưng là hiện thực thẩm mỹ; văn học có tác dụng khai mở dân trí. Các quan điểm lý luận trên đây cho thấy rõ ý thức cách tân của văn học đầu thế kỷ XX. Văn học ngày càng hướng tới những tư tưởng mới, quan điểm cách mạng xã hội, văn học phải gắn với cuộc đời, vừa tiếp thu tinh hoa của văn hóa truyền thống vừa hướng tới văn hóa nhân loại. Bám sát đời sống, gắn với tồn vong của dân tộc, định hướng này đã góp vào thúc đẩy nên văn học hiện thực phê phán phát triển.

1.2.3.      Nền văn học Việt Nam từ 1900 trở đi phát triển trong một điều kiện hoàn thiện dần một văn tự mới : chữ Quốc ngữ.

Văn học hiện thực Việt Nam sinh ra trong thời đại mà văn học cổ điển đã được xếp hạng và chấm dứt; cái hay ở đây là còn có sự chấm dứt của văn tự cũ để sang Quốc ngữ, văn tự mới. Hơn nữa, xã hội Việt Nam lại phát triển rất đa dạng. Cho nên, ngôn ngữ mới lại mang thêm nhiều màu sắc mới. Đấy chính là cơ sở cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực phê phán ở nước ta. Bởi vì, chủ nghĩa hiện thực phê phán lấy chính đời sống với những mâu thuẫn đa dạng, bộn bề của nó làm đối tượng miêu tả, mà đời sống một nửa được biểu đạt bằng ngôn ngữ.

1.3.  Tâm thế xã hội.

1.3.1.      Xu hướng xác định vị thế cá nhân trong xã hội, vấn đề cái “Tôi” được khẳng định.

Phát hiện ra cái Tôi và ý thức về một cái Tôi (Nam Cao và Nguyên Hồng) với khát vọng đổi đời đã mang lại tính chiến đấu mạnh mẽ, tính tích cực của dòng văn học hiện thực phê phán. Các nhà văn hiện thực phê phán khi khám phá điển hình đời sống, điển hình xã hội bao giờ cũng đặt chúng vào cái Tôi trải nghiệm đầy ý thức của mình trong xu hướng muốn vượt thoát khỏi vũng lầy cuộc sống đương thời để đi tới một ngày mai tốt đẹp hơn. Đây chính là đặc điểm thẩm mỹ quan trọng nhất khiến chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945 khác hẳn “cái Tôi nội cảm” của văn học lãng mạn.

1.3.2.      Cuộc đấu tranh giữa hệ tư tưởng tư sản và vô sản nhằm khẳng định hệ tư tưởng văn hóa dân chủ mới là chủ nghĩa Mác – Lênin.

Những năm 30 của thế kỉ XX, xã hội Việt Nam phát triển trong hoàn cảnh hội nhập và tiếp biến với văn hóa phương Tây, đồng thời luôn ý thức đặt văn học vào cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp hết sức gay gắt, nhằm đi tới phá bỏ chế độ thực dân phong kiến, xây dựng một hệ thống chế độ mới. Hoàn cảnh đó đã dẫn đến những cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, ý thức hệ, hình thành những quan điểm, những tâm lý thẩm mỹ và khuynh hướng, trào lưu văn học khác nhau. Cuộc tranh luận nghệ thuật 1935-1939 giữa hai phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”, định hướng cho văn học hiện thực phê phán giữ được bản chất của mình. Đồng thời với Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), nhóm Văn hóa cứu quốc đã nâng tầm cao cho những tác phẩm văn học hiện thực phê phán.

1.3.3.      Một chủ nghĩa nhân văn mới được hình thành (với những ý nguyện và khát vọng sống mới, tinh thần độc lập dân tộc).

Chủ nghĩa nhân văn ở nước ta đã thành tựu phần lớn trong văn học lãng mạn. Đặc trưng mới mẻ của chủ nghĩa nhân văn trong văn hiện thực phê phán là hướng đến những con người cùng khổ, hướng đến sự yêu thương những con người lao động, những con người bé nhỏ trong xã hội với khát vọng đổi thay, mong muốn có một cuộc đời mới.

                                                     

* * *

Văn minh công nghiệp tạo ra lối sống đô thị, đến lượt nó, đô thị làm thay đổi toàn bộ lối sống cá nhân của văn minh lúa nước. Kéo theo đó, nó làm thay đổi cả tâm trạng, tâm thế của con người thời đại; đặc biệt nó đã làm thay đổi nhịp sống của con người, thay đổi trình độ dân trí. Đấy cũng là nguyên nhân làm thay đổi cả hệ tư tưởng văn hóa, thay đổi cách sáng tạo văn học, nghệ thuật. Vì vậy, chủ nghĩa hiện thực phải đợi đến giai đoạn 1930-1945 mới phát triển rực rỡ.

 

Chương 2

Ý THỨC THẨM MỸ CỦA NHÀ VĂN VÀ CÁC KIỂU NHÂN VẬT

ĐIỂN HÌNH CỦA VĂN XUÔI

HIỆN THỰC PHÊ PHÁN VIỆT NAM (1930-1945)

2.1. Ý thức thẩm mỹ của các nhà văn hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945.

            2.1.1. Nguồn gốc xã hội

Mẫu thuẫn dân tộc và mẫu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc đẩy người nông dân và dân nghèo thành thị vào con đường bần cùng hóa. Sự phân hóa giai cấp trong xã hội diễn ra dữ dội, tinh thần phản kháng ngày càng dâng cao. Chọn giải pháp nhìn thằng vào các ung nhọt xã hội để phanh phui nó ra, dẫn tới cảm hứng phê phán, một cảm hứng đặc biệt của văn học hiện thực.

2.1.2. Những quan điểm thẩm mỹ cụ thể của các nhà văn hiện thực phê phán Việt Nam trong sáng tạo nhân vật điển hình.

1/ Văn học phải phản ánh sự thật, nhưng đó lại là sự thật trái chiều của đời sống; cái sự thật ngang trái, bất công. Văn học phải hướng tới số phận của con người, nhưng không phải con người nói chung mà là con người thuộc tầng lớp thứ ba.

2/ Văn học phải góp phần làm thay đổi xã hội trên hai phương diện: xóa nỗi bất công và hướng đến tình thương, tạo một chỗ đứng mới thanh cao cho con người.

3/ Văn học với bản chất là sáng tạo.

2.2. Tiến trình dẫn văn học tới vấn đề nhận thức vai trò của nhân vật điển hình.

Văn học cổ thường xây dựng các nhân vật có chức năng thực hiện quan điểm thẩm mỹ truyền thống trên cơ sở “văn dĩ tải Đạo”. Đây là kiểu nhân vật điển hình của một phương diện, điển hình về loại, chưa phải là điển hình về tính cách. Văn học lãng mạn lại chú ý đến cái riêng, đến cá tính, tâm trạng bên trong của nhân vật. Nhân vật của chủ nghĩa hiện thực lại là con người bình thường, con người lịch sử cụ thể. Giai đoạn 1930-1945 là giai đoạn sự phát triển nhảy vọt của cá nhân, của ý thức “cái Tôi”. Văn học phản ánh nhân vật như một tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình tạo nên nghệ thuật đặc sắc của văn học hiện thực phê phán.

2.3. Thành tựu xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình của văn xuôi hiện thực phê phán 1930-1945.

            2.3.1. Về khái niệm “điển hình” và “điển hình hóa”.

“Phạm trù điển hình là phạm trù quan trọng nhất của mỹ học hiện thực” (X.M.Pêtơrốp). Trần Đình Sử xác định : “Điển hình là một sự khái quát cao của sáng tạo nghệ thuật”. “Về bản chất, cái điển hình không phải là cái cá biệt nhưng điển hình nghệ thuật thì phải đồng thời là cái cá biệt”. Muốn xây dựng được một điển hình văn học, nhà văn phải tuân theo nguyên tắc điển hình hóa. Điển hình hóa theo nghĩa rộng là “con đường đưa sáng tạo nghệ thuật tới chất lượng cao”. Bản chất của điển hình hóa là một phương thức để tạo ra hình tượng nghệ thuật, để cây dựng nhân vật điển hình. Trong nghĩa hẹp, điển hình hóa là “hình thức khái quát hóa đặc trưng của phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa, hình thành trên cơ sở quan sát tính lắp đi lắp lại tương đối ổn định của các hiện tượng tính cách và quá trình cuộc sống cùng loại trong thực tế”. Hai cách hiểu trên đều được sử dụng trong luận án.

2.3.2. Những phương diện cơ bản quy định việc xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình của chủ nghĩa hiện thực phê phán.

Phương pháp lấy chất liệu văn học:

            Chủ nghĩa hiện thực phê phán rất chú trọng yếu tố khách quan- đối tượng phản ánh của tác phẩm văn học. Các nhà văn hiện thực phê phán đều lấy những điển hình đời sống, điển hình xã hội cộng với cái Tôi có tinh khuynh hướng để xây dựng nên những điển hình văn học. Họ đặc biệt chú ý đến nguyên mẫu.

- Thế giới quan của nhà văn:

Trong một điều kiện lịch sử mới, các nhà văn hiện thực phê phán Việt Nam đã nhìn thấy mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc đó là mâu thuẫn giữa nông dân và địa chỉ. Tắt đèn, Bước đường cùng, Chí Phèo …đã chĩa mũi nhọn đả kích vào giai cấp thống trị phong kiến và bước đầu thấy được sự chuyển biến theo hướng tích cực của một số nhân vật chính.

- Ý thức về phương pháp sáng tác:

Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan đều dùng phương pháp phân tích lịch sử, cụ thể qua các chi tiết chân thực để xây dựng những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình…Các nhà văn trẻ như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao và Nguyên Hồng đều phát biểu quan điểm sáng tác rõ rệt của mình khi bắt đầu cầm bút.

- Những tư tưởng sáng tạo văn học với những nét thống nhất cái nhìn về số phận con người (lấy chủ nghĩa nhân đạo làm cơ sở).

“Chủ nghĩa nhân đạo là cơ sở lý tưởng thẩm mỹ của nghệ thuật hiện thực”(X.M Pêtơrốp). Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng đều xuất phát từ chủ nghĩa nhân đạo cao cả để xẻ chia, thông cảm và phản ánh. Trong văn xuôi hiện thực phê phán, ta thấy “thấm nhuần một tinh thần nhân đạo cao quý”.

- Ngoài ra còn phải kể đến một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến thành tựu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam, đó là đã thừa kế thành tựu của văn học Pháp và văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Nga.

2.3.3. Diễn tiến về xây dựng nhân vật điển hình trong văn xuôi hiện thực phê phán 1930-1945.

            Diễn tiến về điển hình hóa có thể chia làm ba giai đoạn : 1930-1935; 1936-1939; 1940-1945.

            Đầu thế kỷ XX, khuynh hướng hiện thực trong văn học Việt Nam đã biểu hiện trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Trọng Khiêm, Đặng Trần Phất, Nguyễn Chánh Sắt. Tuy vậy, nhân vật của văn học giai đoạn này vẫn chưa đạt đến điển hình văn học theo đúng nghĩa của nó. Năm 1930-1935, văn học hiện thực phê phán hình thành, phát triển trở thành một trào lưu sáng tác hoàn chỉnh. Nguyễn Công Hoan là tác giả tiêu biểu, nhưng điển hình hóa vẫn chưa trở thành bút pháp nghệ thuật đặc sắc. Giai đoạn 1936-1939 là thời kỳ nở rộ của văn học hiện thực phê phán: phong phú về số lượng, đa dạng về phong cách và có nhiều tác phẩm đạt đến đỉnh cao về chất lượng (Giông tố, Số đỏ, Tắt đèn). Văn học thời kỳ này đạt đến độ chín trong tư duy hiện thực: xây dựng được “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Nhiều hình tượng nhân vật đã trở thành những điển hình bất hủ. Giai đoạn 1940-1945, khuynh hướng hiện thực phê phán đứng trước những thử thách mới. Tính chất phê phán đi xuống rõ rệt. Họ đành chuyển hướng mà không “tàn lụi”. Sức sống của một số cây bút trẻ xuất hiện nhờ vào hướng tiếp cận hiện thực mới (Mạnh Phú Tư, Đỗ Đức Thu, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng). Một số tác phẩm đạt đến đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực kiểu mới: Sống mòn, Chí Phèo của Nam Cao. Điển hình hóa đã đi từ xung đột dân tộc, xung đột giai cấp (Tắt đèn, Bước đường cùng, Giông Tố, Chí Phèo), đến xung đột gia đình, xung đột đời tư cá nhân (Sống mòn, Đứa con, Làm lẽ…).

2.3.4. Các kiểu nhân vật điển hình trong văn xuôi hiện thực phê phán.

 Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại các kiểu nhân vật, luận án dựa vào thực tiễn văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX và chọn một tiêu chí được coi như một đóng góp nhỏ của mình là dựa vào hiện tượng tha hóa của con người

 ( thuật ngữ tha hóa là thuật ngữ triết học do Hêghen và Mác sử dụng rất nhiều) đem ứng dụng vào trong nghiên cứu điển hình văn học ta sẽ thấy các kiểu nhân vật sau :

1)      Kiểu nhân vật lao động bị áp bức, bị dồn vào con đường tha hóa, nhưng cố vượt lên với tinh thần phản kháng.

 Tắt đènBước đường cùng thể hiện sức mạnh quật khởi vốn tiềm tàng trong nhân dân lao động. Đó là những tác phẩm có hệ thống nhân vật thể hiện cái nhìn con người “trên tinh thần giai cấp”. Chị Dậu bị dồn vào thế phải bán con, bán nhân phẩm nhưng vẫn giữ được bản chất tốt đẹp của mình. Ngô Tất Tố đã phát hiện ra bản chất tốt đẹp tiềm ẩn của người nông dân. Nguyễn Công Hoan lại là nhà văn có ý thức đưa vào tác phẩm hình ảnh của người nông dân sớm giác ngộ tinh thần đoàn kết, lòng hữu ái giai cấp. Những người nông dân giàu tinh thần phản kháng này là hình tượng đẹp của tác phẩm.

2)      Kiểu nhân vật phản diện thuộc tầng lớp thống trị tự lao vào tha hóa đến mất hết tính người.

  Sự phân biệt nhân vật phản diện, chính diện gắn với sự ra đời của giai cấp trong xã hội. Với những hình tượng nghị Quế, nghị Lại, nghị Hách, Bá Kiến, các nhà văn hiện thực có điều kiện lách sâu vào ung nhọt xã hội. Ngòi bút của các nhà văn trở thành vũ khí chiến đấu, giáng vào đầu bọn quan tham lại nhũng, địa chủ phong kiến, tư sản mại bản những đòn hiểm. Những hình tượng điển hình về nhân vật phản diện thuộc tầng lớp thống trị trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam đã “miêu tả đúng đắng những quan hệ thực tế, nó phá vỡ được những ảo tưởng có tính chất quy ước và đang thống trị nó về bản chất của các quan hệ này, làm lung lay được cái tinh thần lạc quan của thế giới tư sản gieo rắc hoài nghi về tính chất bất biến của những cơ sở của trật tự hiện tồn” (Mác – Ăng ghen – Lênin bàn về văn học và nghệ thuật).

3)      Kiểu nhân vật “hãnh tiến” – tha hóa ngược ( Đỗ Văn Khang )

   Xuân tóc đỏ là một nhân vật tính cách, một nhân vật điển hình của chủ nghĩa hiện thực, có tính cách phong phú và đa dạng, tiêu biểu cho loại người hạ lưu, vô học, nhờ hoàn cảnh “xã hội bát nháo” đã tạo điểu kiện cho hắn tiến thân trở thành một kẻ “nổi tiếng”. Nó là một nhân vật “tiến lên trong xã hội tư sản hoàn toàn bằng con đường gian trá, bịp bợm” (Phan Cự Đệ). Hoàn cảnh đã tạo điều kiện rất thuận lợi để Xuân bước tới vinh hoa, phú quý, rồi chính nó “từ chỗ bị động, nó tiến lên chủ động, khai thác triệt để vận đỏ của nó” (Nguyễn Đăng Mạnh).

4)      Kiểu nhân vật bị tha hóa nhưng quyết không chịu tha hóa đến cùng.

  Nhân vật Tám Bính của Nguyên Hồng và nhân vật Chí Phèo của Nam Cao tiêu biểu cho kiểu loại nhân vật này. Trong tác phẩm của Nam Cao, kiểu con người tha hóa được khai thác một cách toàn diện và triệt để. Tha hóa và chống lại tha hóa, các nhân vật đã phải trả một cái giá rất đắt cho chính mình. Nguyên Hồng và Nam Cao đã cố gắng đi tìm những nét đẹp còn ẩn sâu trong tâm hồn của những con người bị tha hóa- một quan niệm rất tiến bộ của các nhà văn hiện thực phê phán Việt Nam.

5)      Kiểu nhân vật tiểu tư sản trí thức bị tha hóa nhân cách với những bị kịch vỡ mộng.

  Văn học hiện thực phê phán với đối tượng thẩm mỹ mới của mình đã sáng tạo được một kiểu nhân vật mới – những người trí thức. Từng ôm ấp những hoài bão lớn, từng mơ ước và mơ ước đó là chính đáng, nhưng những nhân vật đó đều phải gò mình trong hoàn cảnh, bị hoàn cảnh níu kéo. Bi kịch của họ là cuộc giằng xé dai dẳng, giữa một bên là khát vọng cao cả và một bên là cuộc sống tầm thường. Thứ, Điền, Hộ là những người trí thức đầy ước mơ, hoài bão, vật lộn trong những lo toan của đời thường, họ đều rơi và bi kịch vỡ mộng. Chính điều này đã tạo ra phương diện tinh tế của văn học. Nam Cao đã nói về họ với sự cảm thông sâu sắc và hiểu biết thực sự.

 

Chương 3

NGHỆ THUẬT ĐIỂN HÌNH HÓA

TRONG VĂN XUÔI HIỆN THỰC PHÊ PHÁN VIỆT NAM

 

3.1. Nghệ thuật xây dựng các loại hình nhân vật điển hình của văn học hiện thực phê phán Việt Nam.

3.1.1. Điển hình hóa nhân vật chính diện.

            Chị Dậu là hình ảnh của một nhân vật chính diện tiêu biểu của văn xuôi hiện thực phê phán. Đây là kiểu nhân vật gần với truyền thống, được xây dựng theo khát vọng của nhân dân : nhân vật chính diện bao giờ cũng đẹp và được thể hiện với bút pháp lý tưởng. Vì vậy, nhân vật trung tâm ở đây là dạng nhân vật điển hình mà phần khái quát hóa thành công hơn phần cá thể hóa. Nhà văn thường chú trọng miêu tả ngoại hình hơn là nội tâm. Ngô Tất Tố là trường hợp tiêu biểu.

3.1.2. Điển hình hóa nhân vật phản diện.

            Chọn nhân vật phản diện làm nhân vật trung tâm, văn học hiện thực phê phán thành công trong cách phản ánh các tưởng phản quái gở của thời đại. Nguyễn Công Hoan rất có sở trường về điển hình hóa nhân vật phản diện. Ông thường tô đậm một số nét điển hình của loại nhân vật này và phóng đại lên để người đọc dễ nhận diện. Điển hình hóa nhân vật nghị Hách, Vũ Trọng Phụng đã tạo nên một nhân vật phản diện với nhiều đức tính xấu, thậm chí cực xấu. Như vậy, tính cách điển hình của hắn hiện nguyên hình là một kẻ thống trị gian hùng và khả ố. Hình tượng nghị Hách là hình tượng trung tâm và nổi bật của tác phẩm lấn át nhân vật chính diện. Điển hình hóa nhân vật Bá Kiến, Nam Cao tập trung miêu tả tính cách nham hiểm hơn là chú trọng miêu tả hình thức. Với các nhân vật phản diện này, văn xuôi hiện thực phê phán đã làm được một sứ mệnh rất cao cả đó là nhìn thấyvạch rõ chân tướng cũng như bản chất của giai cấp thống trị và dự báo dự sụp đổ không tránh khỏi của chúng.

3.1.3. Điển hình hóa nhân vật dị dạng.

            Điển hình hóa nhân vật dị dạng trở thành một đóng góp đáng kể của văn xuôi hiện thực phê phán, mà tiêu biểu hơn cả là sáng tác của Nam Cao. Ông hay ví von so sánh con người ứng với loài vật, đồ vật. Những nhân vật này bị hoàn cảnh làm méo mó đến mất cả nhân hình : xấu xí, dị dạng. Trong khi và đồng thời với việc đặt các nhân vật dị dạng thành nhân vật trung tâm của tác phẩm, nhà văn đã để cho các nhân vật bình thường khác xuống hàng thứ yếu, hoặc trong mối quan hệ khăng khít với nhân vật dị dạng để tô đậm thêm cuộc đời của kiểu nhân vật này. Nam Cao chú trọng miêu tả sự băng hoại về mặt hình thức để nói lên sự tha hóa về mặt tâm hồn. Bằng bút pháp cường điệu, lố bịch hóa nhân vật, tác giả tô đậm thêm tính bi kịch có tính quy luật của một lớp người là nạn nhân của hoàn cảnh.

3.1.4. Nhân vật được xây dựng từ nguyên mẫu, hoặc tự phân thân.

            Lần đầu tiên trong lịch sử, nên văn học này đã coi chính đời sống cùng các quan hệ của nó trong dòng chảy lịch sử làm chất liệu của nghệ thuật. Vũ Trọng Phụng và Nam Cao là hai nhà văn thường sử dụng nguyên mẫu cho sáng tác. Hầu hết các nhân vật trong Số đỏ đều có nguyên mẫu trong cuộc đời. Về nhân vật Bá Kiến, Nam Cao từng mượn nguyên mẫu là nghị Bính. Thứ (Sống mòn), Điền (Giăng Sáng), Hộ (Đời thừa) đều là những phân thân của Nam Cao. Huyên trong Hai dòng sữa, Sinh trong Hơi thở tàn, An trong Ngọn lửa đều là những nhân vật mang dáng dấp của Nguyên Hồng.

3.2. Nghệ thuật sử dụng thời gian và không gian, các yếu tố trào lộng góp phần khắc họa tính cách nhân vật điển hình.

3.2.1. Nghệ thuật sử dụng thời gian.

            Thời gian nghệ thuật của văn xuôi hiện thực phê phán là thời gian hiện thực hàng ngày (không có thời gian tương lai), đôi khi tương lai cũng lóe lên nhưng rồi tắt ngấm. Để khắc họa tính cách của những nhân vật điển hình rơi vào hoàn cảnh bế tắc thì thời gian thường là thời gian dồn nén (tận cùng, cuối tuần, cuối ngày, cuối năm, cuối vụ thuế), làm tăng thêm tình trạng gay gắt của hoàn cảnh, tạo điều kiện để nhân vật bộc lộ tính cách (thời gian trong Tắt đèn, Bước đường cùng, Giông tố). Thời gian trong Giông tố là thời gian bất thường, không ổn của các nhân vật. Ngay sau thời điểm đó, cuộc đời của các nhân vật chuyển sang một hướng khác mà thường là theo hướng tiêu cực. Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê, Trúng số độc đắc lại tiêu biểu cho thời gian gấp gáp như sự đảo lộn của cuộc đời. Thời gian nghệ thuật đa tuyến là một cách tân của văn xuôi hiện thực phê phán (Giông tố, Trúng số độc đắc, Sống mòn, Bỉ vỏ).

3.2.2. Nghệ thuật sử dụng không gian.

            Trong văn học hiện thực phê phán nổi bật lên là không gian tù túng, quẩn quanh dồn ép con người, không gian của những người bần cùng, của những người dưới đáy vô vọng. Không gian riêng tư cá nhân – không gian điểm còn được miêu tả rất đậm nét trong nhiều tác phẩm. Trong nhiều tác phẩm của dòng văn học này nổi bật lên sự đối lập một cách gay gắt giữa không gian với con người, tạo nên một kiểu khong gian cô đặc lại, bủa vây con người: hình ảnh của mặt trời, bầu trời. Văn học hiện thực phê phán còn có xu hướng viết về không gian mở (Vỡ đê, Người tù được tha). Đặc điểm nổi bật ở văn xuôi hiện thực phê phán là khi nhân vật điển hình ở trong hoàn cảnh hẹp thì tính cách thường sinh động, nếu tách nhân vật ra khỏi hoàn cảnh hẹp, nhân vật không sinh động nữa. Sự biến đổi của không gian làm cho nhân vật của văn học hiện thực phê phán bị hẫng hụt, biến đổi, dễ trôi theo dòng nước cuốn (Chí Phèo, Tám Bính, Thị Mịch).

3.2.3. Nghệ thuật sử dụng yếu tố trào lộng.

            a) Tình huống mang tính kịch cao.

            Nguyễn Công Hoan lưu ý tới độ chênh giữa hoàn cảnh và tính cách. Tiếng cười của Vũ Trọng Phụng là phát hiện ra các bảng giá trị, các chuẩn mực của xã hội bị đảo lộn để tạo ra một thế giới nghệ thuật đảo lộn, ngớ ngẩn lố bịch, nhố nhăng rởm đời. Với ý nghĩa đó, “cười là tinh thần của lòng căm thù” (Banzắc).

            b) Nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật.

            Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng thường sử dụng chi tiết tạo hình mang tính trực tiếp bề ngoài nhưng lại là sự thể hiện trực tiếp tính cách bên trong. Bằng nghệ thuật phóng đại lột mặt nạ, các nhà văn hiện thực phê phán bóc trần bản chất trống rỗng, thói huênh hoang vô nghĩa, lạm dụng thời thế của các nhân vật cần phải lên án, đả phá.

            c) Nghệ thuật xây dựng giọng điệu các nhân vật.

            Nghệ thuật trào lộng đạt đến mức độ cao còn nhờ vào việc nhà văn cá tính hóa nhân vật bằng ngôn ngữ. Ngô Tất Tố đặc tả giọng điệu của nghị Quế : giọng điệu lạnh tanh, kẻ cả, của lối “văn minh làng quê”. Mỗi nhân vật của Vũ Trọng Phụng có một thứ ngôn ngữ riêng, không thể lẫn vào đâu được ( giọng điệu của nghị Hách, giọng điệu của Xuân tóc đỏ). Vũ Trọng Phụng còn dùng tiếng nhại để đối tượng phải tỏ mặt thật. Giọng điệu nhại trở thành thủ pháp chủ đạo của tác phẩm hài hước. Nghệ thuật trào lộng trong tác phẩm Nam Cao thường dùng hình thức đa giọng điệu (song thanh) để châm biếm hay tự giễu nhân vật (Chí Phèo, Sống mòn). Đến văn học hiện thực phê phán, ngôn ngữ nhân vật, giọng điệu nhân vật được sử dụng một cách uyển chuyển, linh hoạt nhiều bình diện, đa sắc màu, phong phú như cuộc đời, góp phần khắc họa tính cách nhân vật điển hình.

3.3. Đặc trưng thẩm mỹ của những tính cách điển hình trong văn học hiện thực phê phán.

3.3.1. Sự thống nhất biện chứng giữa cái chung và cái riêng, giữa khái quát hóa và cá thể hóa.

            Các nhân vật nghị Hách, Chí Phèo, Xuân tóc đỏ, Tám Bính, chị Dậu … đều là những nhân vật có cá tính hóa rõ nét, nó là “con người này” như ông già Hêghen đã nói. Nghị Hách là một thành công xuất sắc của điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa. Xây dựng nhân vật này, Vũ Trọng Phụng thể hiện độ chín trong tư duy hiện thực của ông. Về mặt cá tính, hình tượng chị Dậu không gây được ấn tượng sâu sắc như hình tượng Chí Phèo. Nhưng những chi tiết mà Ngô Tất Tố đã có ý thức để miêu tả hình tượng này từ ngoại hình đến nội tâm là của riêng chị Dậu. Chí Phép là nhân vật có cá tính rõ nét. Nhân vật Thứ là nhân vật có tính cách đa chiều. Tuy không độc đáo như nhân vật của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, nhưng nhân vật Thứ đã đạt đến mức độ điển hình hóa sâu sắc.

3.3.2. Tính đa dạng về màu sắc thẩm mỹ.

            Trong tác phẩm hiện thực phê phán, các màu sắc thẩm mỹ pha trộn đan chéo nhau, chuyển hóa lẫn nhau. Có khi trong một yếu tố tự sự có pha lẫn cái cao cả, cái thấp hèn, cái đẹp và cái xấu, chất thơ và chất “văn xuôi”. Tính đa dạng về màu sắc thẩm mỹ được thể hiện trong từng nhân vật, từng sự kiện, từng chi tiết. Các nhà văn hiện thực chủ nghĩa là người nắm bắt và miêu tả sự chuyển hóa các sắc thái thẩm mỹ này một cách chắc tay. Nghị Hách, Xuân tóc đỏ, Chí Phèo, Thứ là những hình tượng điển hình cho sự chuyển hóa này.

3.3.3. Có sự phát triển hợp lô gíc nội tại của tính cách.

            Trong tác phẩm hiện thực phê phán có sự phát triển của tính cách một cách logíc. Chị Dậu là một người phụ nữ hiền dịu, đảm đang, một người phụ nữ rất truyền thống nhưng bị hoàn cảnh dồn ép mãi, chị đành đứng lên đánh trả người nhà lý tưởng. Sự phát triển tính cách của Tám Bính cũng là hợp lý. Mịch và Long trong Giông tố cũng là những nhân vật bị tha hóa theo một quá trình. Miêu tả sự chuyển biến tính cách của nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã đạt đến một nghệ thuật chắc tay. Sự chuyển đổi nội tại tính cách của Chí Phèo là những trang viết hay nhất của truyện ngắn cùng tên.

3.3.4. Sự thống nhất biện chứng giữa tính lưu chuyển và tính bất biến.

            Nhân vật của văn xuôi hiện thực phê phán vừa có tính ổn định như bản chất vốn có, đồng thời tính cách đó lại phát triển trong quá trình đấu tranh với hoàn cảnh. Tính bất biến của chị Dậu là một người phụ nữ bé nhỏ, yêu chồng, thương con, sống một cuộc sống bình dị ở thôn quê và bằng lòng với cuộc sống đó. Tính lưu chuyển của chị Dậu là vùng lên phản kháng. Điều này hợp với sự phát triển tính cách của chị. Nó cũng phù hợp với cái nhìn tốt đẹp của Ngô Tất Tố về người phụ nữ nông dân Việt Nam. Chí Phèo cũng là một nhân vật thể hiện rất rõ hai yếu tố này. Tính bất biến làm nền tảng cho tính lưu chuyển, chúng là hệ quả của nhau để tạo nên một tính cách hoàn chỉnh, sống động. Xuân tóc đỏ, Tám Bính là những nhân vật có sự hòa quyện những nét tính cách này.

3.3.5. Xây dựng được tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình.

            Điển hình hó của chủ nghĩa hiện thực phê phán là phải chọn những chi tiết chân thực, chọn sự va chạm giữa tính cách và hoàn cảnh tiêu biểu của đời sống làm đối tượng khai thác thẩm mỹ. Do đó, tính cách của chủ nghĩa hiện thực là tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, giữa hai yếu tố này có mối quan hệ biện chứng với nhau. Hoàn cảnh điển hình của chủ nghĩa hiện thực phê phán chủ yếu là hoàn cảnh xấu, hoàn cảnh bóp chết hạnh phúc của con người, làm biến dạng con người. Tính cách của các nhân vật trong chủ nghĩa hiện thực phê phán là tính cách chống đối lại hoàn cảnh đó, hoặc vùng vẫy chống lại hoàn cảnh nhưng đều bị hoàn cảnh làm cho thất bại, chưa ai có thể thành công trong việc cải tạo hoàn cảnh mà thường bị hoàn cảnh chi phối, lấn át. Các tác phẩm Tắt đèn, Bước đường cùng, Bỉ vỏ, Giông tố, Số đỏ, Chí Phèo, Sống mòn đã tạo ra được các hoàn cảnh điển hình nổi bật, tạo điều kiện cho các tính cách phát triển.

3.4. Tác động của điển hình hóa đối với xã hội và con người.

            Vấn đề tác động của điển hình hóa đối với xã hội là vấn đề trường tồn của điển hình văn học. Chức năng nhận thức và giáo dục của văn học thể hiện rõ nét qua những hình tượng điển hình. Những điển hình này là một đi không trở lại, nhưng nó là dấu ấn về một xã hội đã qua; giúp người đọc nhận thức bản chất của chế độ ấy và thêm tin yêu vào sự tốt đẹp của xã hội ta ngày mai.

            Hình tượng nghệ thuật chỉ có giá trị khi nghệ sĩ dùng nó để miêu tả và bảo vệ cái đẹp, lên án cái xấu, tác động đến cảm xúc của công chúng. Văn học là một phương tiện quan trọng dùng ảnh hưởng của nó hướng con người đến Chân, Thiện, Mỹ. Song, để ảnh hưởng đến mức cao nhất, văn học không thể tác động một cách chung chung, trừu tượng mà cần tạo nên những kinh nghiệm, những tấm gương về tư cách người, những điển hình văn học bất hủ. Văn học hiện thực phê phán còn thức tỉnh ý thức con người, thúc đẩy họ có thái độ rõ rệt đối với số phận của mỗi người. Dòng văn học này đã tạo thành ở bạn đọc thái độ phủ định đối với hiện thực xã hội không xứng đáng. Đến đây, chúng ta có thể khẳng định rằng, sức mạnh của chủ nghĩa hiện thực là ở chỗ nhà văn đúng giữa thực tại, tìm cách khám phá những tương phản quái gở của thời đại để mọi người xa lánh cái xấu, qua đó tự tìm lấy cái đẹp.

 

KẾT LUẬN

            Dùng phương pháp liên ngành để nghiên cứu Điển hình hóa trong văn xuôi hiện thực phê phán 1930-1945, luận án đã giải quyết một số vấn đề sau :

  1. Về mặt khách quan, văn học hiện thực phê phán chỉ ra đời khi cuộc sống hội đủ các yếu tố sau :

-             Văn minh công nghiệp và kinh tế hàng hóa được phát động ở nước ta và bắt đầu bám rễ vào xã hội, có hiệu lực tạo nên cuộc sống mới và chi phối cuộc sống từng giờ, từng phút.

-             Tầng lớp thị dân phát triển nhanh thành một lực lượng phải tính đến trong xã hội. Tầng lớp này có một năng lực mới về thị hiếu thẩm mỹ: bắt nhạy cái đẹp mới và khát vọng khẳng định cái Tôi. Tầng lớp này có học, tự nó trở thành một “thực khách” của nền nghệ thuật sử dụng ngôn từ.

-             Tầng lớp thứ ba xuất hiện làm xuất hiện đối tượng thẩm mỹ mới và nhân vật mới của văn học, đặc biệt là của văn học hiện thực phê phán.

-             Văn học đã xuất hiện một hệ thống quan niệm mới về xã hội, con người, về hiện tại và tương lai. Triết học Khai sáng và chủ nghĩa nhân văn là cơ sở của nền văn học mới.

-             Kiểu tư duy “tuyến tính” đầy chất duy lý mang tính phân tích cao là cơ sở của tư duy nghệ thuật hiện thực phê phán.

-             Cảm hứng sáng tạo quan trọng nhất của thời này là cảm hứng phủ định những cái xấu xa, thấp hèn, để đi tìm cái đẹp mới.

-             Văn tự mới xuất hiện đã dần hoàn thiện, đủ năng lực diễn đạt mọi ngóc ngách của đời sống và tâm lý con người.

  1. Như vậy, ngay đầu thế kỷ XX cho tới đầu 1930, hoàn cảnh cuộc sống đã hội đủ điều kiện khách quan, chỉ còn thiếu một nhân tố chủ quan đó là ngọn lửa sáng tạo của nhà văn. Nhưng, nhà văn của thời đại mới, chỉ có thể là những tài năng xuất thân từ đội ngũ tri thức Tây học. Các nhà văn trí thức Tây học là nghịch tử của chính sách mở trường Cao đẳng và Đại học từ những năm 1906 của Pháp nhằm kéo thanh niên ta ra khỏi phong trào Đông du và đào tạo tay sai phục vụ chính sách thuộc địa của chúng. Các nhà văn thời này là sản phẩm của thời đại, đồng thời cũng là những tài năng vượt lên trên thời đại, dùng văn học để biểu hiện trí lớn của mình hướng về những người cần lao.

  Tư tưởng cơ bản của các nhà văn thời này là tư tưởng khai sáng và đượm chất nhân văn. Với các nhà văn hiện thực phê phán thì nghệ thuật cơ bản của họ là nghệ thuật phủ định mặt nghịch chiều của đời sống, đó là nghệ thuật đầy tính hài kịch nhằm phát hiện những xung đột gay gắt giữa tính cách và hoàn cảnh của con người đương thời. Mục đích nghệ thuật chủ yếu của các nhà văn hiện thực phê phán là xây dựng các điển hình văn học với đặc điểm là chi tiết chân thực, tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình.

  1. Điển hình hóa trong văn học bao giờ cũng kết lại ở nhân vật điển hình. Các kiểu nhân vật điển hình là sự cụ thể hóa ý đồ sáng tác của nhà văn và là sự thể hiện dấu ấn cá nhân, sở trường sáng tác văn chương của nghệ sỹ. Luận án đã dùng tiêu chí “Tha hóa” để phân loại thành năm kiểu nhân vật điển hình chủ yếu của văn học hiện thực phê phán. Đóng góp lớn nhất của dòng văn học này chính là sự phát hiện tầng lớp thứ ba (bình dân, nông dân, trí thức) mà trước đây chưa có một dòng văn học nào đạt tới sự phản ánh toàn diện, sâu sắc như vậy.
  2. Luận án đi sâu nghiên cứu thành tựu nghệ thuật của văn học hiện thực phê phán trên cấp độ một chỉnh thể nghệ thuật. Luận án cũng đã phân chia nghệ thuật lựa chọn loại hình nhân vật, nghệ thuật sử dụng thời gian, không gian, nghệ thuật trào lộng và nghiên cứu sâu đặc trung thẩm mỹ của những tính cách điển hình trong văn học hiện thực phê phán với tính cách là một nghệ thuật chịu ảnh hưởng lớn của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trên thực tế, nghệ thuật này thống nhất trong một hình tượng. Cùng với ý thức thẩm mỹ, tư tưởng sáng tạo chân chính của mình, các nhà văn hiện thực phê phán Việt Nam đã nâng bước cho thành tựu văn chương của mình và góp phần làm cho hình tượng được thăng hoa lên gấp bội. Nhờ đó, văn học hiện thực phê phán là dòng văn học có tác dụng góp vào uống dòng lịch sử và nhen lên ngọn lửa đấu tranh chống giai cấp thống trị đương thời. Luận án còn cố gắng làm rõ thêm ảnh hưởng của điển hình văn học tới con người thời đại.

Chọn phương pháp sáng tác “lật xới” những mặt trái của đời sống để đi tìm cái Đẹp mới cho con người, chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam đã phản ánh đúng đặc trưng của thời đại. Thời đại mà con người lao động, quần chúng nhân dân đã được thức tỉnh, chuẩn bị làm một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương. Nói cách khác, chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945 đã có công đẩy sức mạnh của sự phê bình đến đỉnh cao, để toàn dân ta thay thế sự phê bình trên văn học thành sự phê bình bằng vũ khí.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CỐNG BỐ

CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

  1. Nguyễn Thị Thu Thủy (2003), Quá trình cá nhân hóa cá thể và xã hội hóa nhân cách qua văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945, Văn hóa nghệ thuật (số 2), tr 66 – 70.
  2. Nguyễn Thị Thu Thủy (2004), Nghệ thuật góp phần hoàn thiện nhân cách, Văn hóa nghệ thuật (số 9), tr 78 – 82.
  3. Nguyễn Thị Thu Thủy (2005), Tiến trình nhận thức vai trò nhân vật điển hình của văn học, Văn hóa nghệ thuật (số 8), tr 91 – 94.
  4. Nguyễn Thị Thu Thủy (2005), Những tiền đề dẫn tới chủ nghĩa hiện thực phê phán 1930 – 1945, Văn hóa nghệ thuật (số 10), tr 81 – 85.
  5. Nguyễn Thị Thu Thủy (2006), Cái tôi trong văn học hiện thực phê phán, Văn hóa nghệ thuật (số 10), tr 74 – 76.