Chung tay vì các em HS,SV nghèo ở huyện Cần Giờ Print
Tuesday, 30 August 2011 03:34

 

CHUNG TAY VÌ CÁC EM HỌC SINH NGHÈO Ở HUYỆN CẦN GIỜ

Phạm Thị Hiền Hoa

UV BCH CĐ Trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh

Cuộc vận động Vì người nghèo đã trở thành một hoạt động thường niên mang tính nhân văn sâu sắc. Sau 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã có sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ, được toàn xã hội quan tâm sâu sắc, góp phần thiết thực vào chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước. Song hành với cuộc vận động là Chương trình học bổng Nguyễn Hữu Thọ nhằm chăm lo cho học sinh nghèo.

Vào đầu mỗi năm học Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban vận động Vì người nghèo Thành phố đã cùng với các đơn vị tài trợ từ các ngành, các giới, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... tổ chức tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo. Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh cũng là một trong các đơn vị tài trợ từ nguồn đóng góp một ngày lương của toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên trong Trường.

Chương trình học bổng Nguyễn Hữu Thọ đã đem lại nhiều kết quả tốt, có tác dụng thiết thực góp phần  trong việc hỗ trợ kinh phí học tập cho các em, giúp các em học sinh, sinh viên nghèo, hiếu học tự tin và cố gắng phấn đấu học tập vươn lên, đã kịp thời chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn gần như phải bỏ học giữa chừng được tiếp tục học tập. Đã có nhiều học sinh, sinh viên nghèo nhờ học bổng Nguyễn Hữu Thọ như được chắp thêm đôi cánh ước mơ trên giảng đường đại học.

Ngày 16/8/2011, Công đoàn Trường cùng với Liên đoàn lao động Thành phố và các đơn vị tài trợ đến với 3 xã nghèo của huyện đảo Cần Giờ, tổ chức trao học bổng Nguyễn Hữu Thọ và phương tiện đi học cho học sinh, sinh viên nghèo từ nguồn “Quỹ vì người nghèo”. Mỗi suất học bổng cho học sinh THCS và THPT là 1,2 triệu đồng, bậc trung học nghề và cao đẳng 1,5 triệu đồngvà bậc đại học 2 triệu đồng.

6 giờ sáng chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Liên đoàn lao động thành phố để kịp đón chuyến đò ra huyện đảo Thạnh An lúc 8 giờ. Thạnh An, là xã xa nhất và nghèo nhất của huyện Cần Giờ một nửa là thuộc diện hộ xóa đói giảm nghèo, chủ yếu làm nghề ngư và muối. Điều kiện sống và sinh hoạt của các em học sinh còn nhiều thiếu thốn, việc di chuyển hằng ngày để đi học của các em THPT rất khó khăn, dậy từ 4g sáng để đi tàu gần 2giờ mới đến chỗ học, khiến rất nhiều em phải nghỉ học sớm để mưu sinh giúp đỡ cho gia đình.

Giáo viên thay đổi liên tục do điều kiện quá khó khăn cũng là nguyên nhân khiến việc học của các em ở đây không được liền mạch.

Chuẩn bị ra đảo                                                                                                                                Cảnh đảo từ bến đò

Tại xã Thạnh An, chúng tôi đã trao tặng 166 suất học bổng cho các em học sinh THCS và THPT, 9 suất học bổng cho các em học sinh trung học nghề và cao đẳng, 5 suất học bổng cho các em sinh viên đại học và 52 xe đạp trị giá 1 triệu 200 ngàn đồng/ chiếc.

Tại Thị trấn Cần Thạnh, chúng tôi đã trao tặng 234 suất học bổng  cho các em học sinh THCS và THPT, 9 suất học bổng cho các em học sinh trung học nghề và cao đẳng, 2 suất học bổng cho các em sinh viên đại học.

Lễ Phát học bổng tại xã Thạnh An cùng với đồng chí Nguyễn Việt Cường, P.Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh

Lễ phát học bổng tại Thị trấn Cần Thạnh

Tiếp tục cuộc hành trình, 15 giờ chúng tôi có mặt tại xã Long Hòa. Lễ phát học bổng ở đây có lẽ được xem là lớn nhất trong 3 nơi mà chúng tôi đến. Tại đây, chúng tôi đã trao tặng 324 suất học bổng cho các em học sinh THCS và THPT, 11 suất học bổng cho các em học sinh trung học nghề và cao đẳng, 16 suất học bổng cho các em sinh viên đại học và 20 xe đạp .

Lễ phát học bổng tại xã Long Hòa cùng đồng chí Phạm Văn Kết - UVTV, Chánh Văn phòng LĐLĐ.TP

 

Chiều đến, chúng tôi trở về, niềm vui và nỗi buồn đan xen. Qua khỏi bến phà Bình Khánh trời bắt đầu đổ mưa, rồi mưa như trút nước. Một ngày chúng tôi đã nếm trải cái nắng, gió và mưa  nhưng làm sao thấm được so với cuộc sống hàng ngày còn khó khăn của những người dân nghèo huyện đảo Cần Giờ. Chúng tôi cảm thấy nặng trĩu ưu tư, việc trao học bổng thế này chỉ là biện pháp tạm thời. Chúng ta sẽ làm gì đây để những nơi khó khăn như Cần Giờ, thoát ra khỏi cảnh nghèo khó. Các cháu học sinh, sinh viên ở đây phải được cắp sách đến trường mà không phải nặng lòng vì nỗi lo học phí, mưu sinh.