Trò chuyện cùng SV: Kịp Tới Trường In
Thứ sáu, 02 Tháng 3 2012 15:03

Từ tháng Chín, những con phố chính ở Hà Nội sáng, chiều đều kẹt xe. Năm học mới đã bắt đầu. Bắt đầu những phụ huynh ngược xuôi đưa đón con đi học. Bắt đầu những sớm mưa ngập phố, giờ học đã tới mà cổng trường còn mơ hồ đâu đó sau lớp lớp xe cộ gào rú. Những mẹ con lập cập trong lốt áo mưa dơi. Những bố con buộc phải lách đi như làm xiếc trên đường. Những buổi sáng vội vã. Những chiều về bơ phờ trong khói bụi.

Vì sao tôi phải kịp tới trường? Vì sao bố mẹ tôi phải cần mẫn sớm sớm đưa tôi đến trường kịp giờ, chiều chiều lại đón tôi về trong bộn bề vất vả đến thế? Vì sao?

Vì tôi phải đi kịp, bạn phải đi kịp, bố mẹ mong tất cả chúng ta cùng đến kịp. Vì dân tộc này cần phải tiến kịp với toàn cầu. Dẫu thế giới ngày càng phẳng, thì cơ hội để đi kịp những quốc gia dân tộc dẫn đầu cũng là rất mong manh.

Ngay ở chính quê mình, cơ hội để đi kịp cũng không hẳn đã chia đều cho tất cả. Với tôi, để có một chiếc xe đạp đến trường có thể là chuyện rất bình thường. Với bạn, bạn phải đi bộ hàng cây số đường rừng, đu dây qua suối, cởi quần áo bơi qua cả một khúc sông thượng nguồn để đến lớp. Tôi đi trong ngổn ngang khói bụi của khao khát phát triển. Bạn đi trong hiểm nguy sông hồ dốc núi. Liệu có thật một ngày ta đến kịp cùng nhau?

Tối hôm đó cả thành phố như ướt sũng sau trận mưa dài. Chừng như đã muộn để còn là buổi tối, mà vẫn sớm để gọi là đêm khuya. Chuyến taxi cuối ca với hai người chừng đã mệt lắm sau một ngày vất vả. Người tài xế khắc khổ bỗng trải lòng về gần hai mươi năm kiếm sống ở Hà Nội. Từ Xuân Trường, Nam Định, vợ chồng ông lên Hà Nội làm công việc bới rác, rồi ông đi theo xe rác, học lái xe tải, cuối cùng trụ lại với nghề lái taxi gần mười năm. Hai mươi năm, họ đã nuôi 2 đứa con học hết phổ thông rồi vào đại học. Một đứa học Kinh tế Quốc dân, đứa kia là sinh viên Kinh doanh Công nghệ. Giờ đây người mẹ vẫn ngày ngày theo xe môi trường để bới rác. "Cho dù khổ, tôi cũng đã kịp đưa hai con tới giảng đường!", người lái taxi tự hào.

 

Chuyến tàu cuộc sống cuồn cuộn đêm ngày lao lên phía trước. Ngay cả những người ở nước phát triển, xếp vào nhóm G7, G8, "đi kịp" cũng là nỗi ám ảnh. Huống chi, Việt Nam vẫn là nước nghèo, vừa mới bước vào nhóm có thu nhập trung bình hôm qua thôi. Đi cho kịp là ám ảnh của người đang tụt lại phía sau, là khát vọng của gia đình, dòng họ, dân tộc còn biết hướng về phía trước. Nghèo không ám ảnh bằng lạc hậu, u tối. Cho con đi học có ý nghĩa hơn cả một khoản đầu tư là thế. Không chỉ để có công ăn việc làm, mà còn để "ngẩng mặt lên" biết mình có phẩm giá con người.

Mỗi ngày có bao nhiêu ông bố bà mẹ như thế trên rẻo đất này? Những ông bố bà mẹ truyền cho con cái cảm hứng "đi kịp", làm nên quyết tâm "tiến kịp" của dân tộc Việt Nam.

Và tôi tự hỏi, có thể nào ta không đến kịp. Nhất là kịp với kỳ vọng và muôn vàn yêu thương của mẹ của cha?

Hà Nhân

( trích báo Hoa Học Trò )