Trò chuyện cùng SV: Khi nhận cũng là cho In
Thứ sáu, 02 Tháng 3 2012 15:03

1. "Khi con tôi càng lớn, nó lại càng ít nói (với bố mẹ) và cũng ít lắng nghe".

"Thật khó để ( bố mẹ ) hiểu trong đầu con cái đang nghĩ điều gì".

"Khi tôi lớn, thật ra có những điều ( bố mẹ nói ) tôi cảm thấy sao thật khó nghe, không thể nào tiếp nhận nổi".

Cuộc sống có những điều thật khó nói, ngay cả khi thực ra nó không phải là điều khó nghe. Và cũng có nhiều điều thật khó tiếp nhận, dù nó cũng là điều vô cùng giản dị. Ấy là khi có đủ giao tiếp mà không thể có mối giao cảm. Nói mà không nói với, nghe mà chẳng nghe thấy nói chi đến nghe thấu, hiểu thấu.

Vậy đó, vấn đề của tuổi mới lớn là nhiều khi có quá nhiều vấn đề. Mỗi người là một tiểu vũ trụ, để hiểu được thật không đơn giản. Vài chàng học trò một ngày bỗng biến thành "người sống thực vật" trong chính ngôi nhà có mẹ có cha của mình. Đôi cô bé một ngày bỗng biến thành "người mưa", chở theo mình những đám mây tích nước sầm sì khó hiểu.

2. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng dễ cô đơn.

Khi đời sống cá nhân được tự do phát triển, cũng là khi con người dễ rơi vào phân lập. Những tiểu vũ trụ tồn tại cạnh nhau mà không có mối giao cảm, không "với" cũng chẳng "cùng". Sự phân lập vốn cần thiết cho cái tôi phát triển trong một giai đoạn nhất định. Nhưng khi có thêm những trợ thủ "phòng riêng", "tai nghe", "tin nhắn"... sự phân lập dễ trượt đến cực đoan. Con ngồi trong phòng nhắn tin cho mẹ dưới bếp, hay online để chat với bố đang ở tầng trên. Dẫu cho hệ thống giao tiếp công nghệ đã có thêm những tín hiệu cảm xúc, thì những emotion icon ( biểu tượng cảm xúc ) cũng không thể làm nên mối giao cảm thực sự. Sự tiện lợi công nghệ giúp cuộc sống vội vã có đủ thời gian cho tất cả, nhưng cũng dễ dàng lấy đi tất cả những gì đẹp đẽ trong mối quan hệ con người.

 

3. Hãy cứ cho đi rồi sẽ có ngày nhận lại. "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".

Cho đi khiến đời sống nhẹ nhõm hơn. Và đôi khi, biết cách nhận cũng chính là chúng ta đang cho đi. Có những bức tường than khóc, vì nó "biết nhận". Có những cái cây "đóng đinh cơn giận" vì nó "biết nhận". Tạm gác chiếc tai nghe nhạc để "nhận" một lời thở than từ mẹ. Biết nhận từ bố một món quà mà thực ra ta không hẳn thích, phải chăng cũng chính là lúc "cho đi". Cũng như bố mẹ đôi khi phải biết cách nhận lại phản chiếu trong con cái những vụng dại một thuở của chính mình cũng chính là cách để thấu hiểu hơn con cái bây giờ. Trong một vài khoảnh khắc, có thể ta ngỡ ngàng rằng mình phải hăng say "cho đi" những lời khuyên, thì thực ra, việc cần làm lại chỉ là làm sao để chúng ta biết cách "nhận lại" những lời hờn giận, trách móc, thở than, là đã đủ.

Biết nhận đủ nắng sẽ tốt tươi vươn lên.

Biết nhận cả sấm sét bão giông mưa dầm sẽ khiến đời thêm thú vị.

Biết cách nhận một lời than thở cũng là ta đang cho những niềm vui, niềm an ủi.

Hà Nhân ( báo Hoa Học Trò )