Trò chuyện cùng SV: Sự dũng cảm của khát vọng In
Thứ sáu, 02 Tháng 3 2012 15:04

Khi nhà thơ Lưu Quang Vũ viết câu thơ "Tôi chán cả bạn bè tôi, mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới" thì hẳn là Vũ buồn. Nhưng nỗi buồn đó chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều nếu không xảy ra với thi ca mà xảy ra trong lĩnh vực kiến thức đời sống, khoa học kỹ thuật và công nghệ, bởi ở đó người ta luôn chờ đợi những tiến bộ tính theo từng phút từng giờ.

 

Thơ đời sau Trung Hoa có thể không bằng được thơ Đường thơ Tống. Một nhà văn hôm nay có thể không "vật" nổi một nhà văn thời cổ điển hay Phục hưng. Cũng như một Nguyễn Du của Trung đại bóng rợp trùm lên cả đương đại là chuyện dễ chấp nhận. Nhưng thật bất hạnh nếu chiếc máy hơi nước của thế kỷ 15 đến hôm nay vẫn tiếp tục bò lê bò càng trên phố xá đông đúc. Thật bất hạnh nếu vi trùng lao cho đến hôm nay vẫn chưa có tên gọi là vi trùng Koch. Thực bất hạnh nếu trong vốn từ vựng của loài người hôm nay chưa biết đến từ vắc-xin và thật bất hạnh khi con quỷ đậu mùa vẫn tiếp tục thò bàn tay gớm ghiếc ấn lên những gương mặt thiên thần của các em bé ngày nay. Muốn có được sự tiến bộ để vượt lên, để cho hôm nay khác hôm qua như vậy, phải bắt đầu từ khát vọng.

Trước hết là khác vọng của con người vượt qua tăm tối của nhận thức để tìm đến sự thật - sự thật của kiến thức, của chân lý khoa học. Đó cũng là khát vọng tự do của con người, bởi người ta chỉ thực sự tự do khi có đủ trí tuệ.

Đó còn là khát vọng của lòng yêu nước, yêu thương con người. muốn thay đổi cách nghĩ cách làm, sao cho xã hội tốt hơn, đưa cuộc sống con người tiến lên một bước phát triển mới. Ông Nguyễn Trường Tộ thuở còn thiếu nhi đã bỏ thời gian đi dọc con đê sông Hồng suốt hai ba ngày, để quan sát, để ước lượng những đống cát trong lòng sông cao hơn mặt ruộng bên ngoài đê đến một hai trượng thì hẳn là không phải để vui chơi, mà vì ông thương người dân châu thổ sông Hồng thường xuyên trong cảnh lụt lội. Đê Văn Giang ở Hưng Yên hồi đó vỡ 18 năm liền. Để rồi lớn lên, bằng những nghiên cứu thực nghiệm, ông đề xuất trị thủy sông Hồng bằng ý kiến trái ngược và mới lạ, không phải đắp đê mà là đào kênh giảm lưu lượng để vừa tránh họa vỡ đê lại tận dụng được phù sa cho cả một vùng đất châu thổ của ông cha để lại. Đây chỉ là một ý kiến nhỏ trong vô số những luận điểm đề xuất canh tân đất nước của ông Nguyễn Trường Tộ.

Nhưng tại sao khát vọng lại cần có lòng dũng cảm?

Bởi con người không dám phủ định những tri thức của chính mình. Nghiệp chướng này người ta gọi là sở tri chướng. Trong lịch sử dằng dặc gần 20 thế kỷ, chỉ vì người ta lỡ tin theo Aristotle (âm đọc tiếng Việt: A-rítx-tốt) rằng vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ mà đến cuối thế kỷ 16, khi Galileo Galilei (âm đọc tiếng Việt: Ga-li-lê-ô Ga-li-lê-i) trèo lên đỉnh tháp nghiêng Pisa để thả 2 viên bi nặng nhẹ khác nhau rơi xuống đất, để làm thực nghiệm cho mọi người tận mắt thấy rằng vận tốc 2 viên bi đó giống nhau, thì lập tức ông đã bị cho thôi việc và khởi đầu bao nỗi đọa đày danh dự, kéo dài mãi sau này. Cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ phần nào đó, cũng như vậy.

Em muốn tập sống tự lập, cần lòng dũng cảm. Muốn có khát vọng đổi thay, càng cần lòng dũng cảm. Suy cho cùng, chính nhờ ngược gió mà những cánh diều đã bay lên.

Đoàn Công Lê Huy

(Đặc san "Hãy nói yêu, thôi đừng nói yêu mãi mãi 3 - Trái Tim Tỉnh Thức"

kỷ niệm 20 năm báo Hoa Học Trò và 10 năm báo 2!)