Những địa chỉ đỏ trong lòng thành phố mang tên Bác In
Thứ hai, 07 Tháng 10 2013 15:21

ể chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Bộ Tư lệnh Miền (Nam Bộ) đã lên kế hoạch xây dựng cơ sở bí mật trong nội thành để cất giấu vũ khí, cán bộ, chiến sỹ biệt động, cũng như làm cơ sở tiền chỉ huy trong các trận đánh. Cùng với các chiến sĩ biệt động thành, những cơ sở này đã làm nên một huyền thoại trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Nơi đọc lệnh Tổng tiến công

Với địa thế nằm ngay trung tâm dân cư, rộng thoáng, nên tiệm phở Bình ở số 7 đường Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng phường 8 quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) được chọn làm cơ sở chỉ huy tiền phương của Biệt động Thành trong Tết Mậu Thân 1968. Đây cũng là địa điểm phát lệnh cho các trận đánh khiến quân địch kinh hoàng như Dinh Độc Lập, Đại Sứ quán Mỹ… Để hoạt động, các chiến sỹ trong đội biệt động đã vào vai người giúp việc của tiệm phở.

Kể cho chúng tôi về cơ sở này, ông Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn), nguyên Phó Chỉ huy trưởng – Tham mưu trưởng, phân khu Biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn Gia Định không khỏi xúc động: Từ 1967 đã có nhiều cán bộ đến trú tại tiệm phở Bình, công tác và hội họp. Khoảng 1 tháng trước Tết Mậu Thân, chỉ huy đơn vị là ông Nguyễn Văn Trí (bí danh Hai Trí), Chính trị viên đơn vị Biệt động 159 (sau đổi tên là J9/T700), thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định đến chỉ thị cho ông Ngô Toại- chủ tiệm phở Bình gấp rút dự trữ lương thực cho khoảng 100 người dùng trong một tháng. Nhận chỉ thị, ông Toại tích trữ lương thực, thực phẩm. Trong thời gian đó, các chiến sĩ lần lượt bí mật đến ở tại phòng phía sau lầu 1 của tiệm phở. Đây là các chiến sỹ của nhiều đơn vị, điện đài, y tế, giao liên…thuộc Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6. Và từ chỗ là một nơi để các chiến sỹ “tá túc”, lui tới nghiên cứu trận địa, Sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 đã quyết định chọn tiệm phở Bình làm trụ sở tập kết các chiến sỹ cán bộ để truyền đạt mệnh lệnh trong đợt Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

23 giờ kém 15 phút, mùng 1 Tết Mậu Thân, tại tiệm phở Bình, đồng chí Võ Văn Thạnh (tức Ba Thắng) nhân danh chính ủy Sở Chỉ huy Tiền phương – phân khu 6 đọc lời hiệu triệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ông nhắc lại lời thề : “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và phát lệnh cho các cụm biệt động làm nhiệm vụ xung kích tiến công vào các cơ quan đầu não của Mỹ- Ngụy. Sau khi quân ta nổ súng đồng loạt tấn công địch ở các mục tiêu đã đề ra, tiệm phở bị địch bao vây. Địch bắt được một số chiến sĩ chưa kịp thoát. Vợ chồng ông Toại bị bắt vào Tổng nha. Dù bị địch tra tấn dã man suốt 20 ngày đêm chết đi sống lại, nhưng ông nhất quyết không khai. Không khuất phục được ông, chúng đã đưa ông ra tòa kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Sau Hiệp định Paris 1973, cùng nhiều chiến sĩ khác, ông được trao trả tại Lộc Ninh.

Hầm vũ khí bí mật

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà có căn hầm chứa vũ khí bí mật ở số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 10, quận 3. Nhìn vào ngôi nhà rất đỗi bình thường này không ai nghĩ rằng đây từng là ngôi nhà chứa vũ khí của quân ta. Ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên thiếu tá đặc công, hội viên Hội Cựu chiến binh phường, đồng thời là người được ông Năm Lai tin cậy giao trông coi căn hầm này, xúc động hồi tưởng: Năm 1967, đồng chí Trần Văn Lai (tức Năm Lai) đã mua căn nhà này theo sự thống nhất với người chỉ huy đơn vị để làm cơ sở giấu vũ khí phục vụ cho các mục tiêu xung quanh và trận đánh vào đầu não của Ngụy - Dinh Độc Lập. Sau khi mua xong căn nhà, anh Năm Lai tiến hành sửa sang, xây hầm bí mật chứa vũ khí. Căn hầm bí mật gồm 2 tầng, sâu 3 m, mỗi chiều 2,5m có lỗ thông hơi và nắp đậy bí mật liên thông nhau. Hầm xây xong, tổ chức bố trí cho ông tiếp nhận vũ khí. Để đưa vũ khí về hầm, các chiến sỹ biệt động thành khéo léo che giấu vũ khí trong bộ ván, dưới sọt trái cây... nhằm qua mắt địch. Ngoài ra, để tránh sự chú ý của láng giềng, xe chở vũ khí từ Củ Chi đến căn nhà này, thường đi vào những lúc nhá nhem tối, khi đi cửa trước, lúc đi cửa sau để vào nhà bốc dỡ. Vũ khí được chuyển xuống hầm lúc đó gồm trên 2 tấn súng AK, súng ngắn, bộc phá, lựu đạn, đạn các loại…

Đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân, 15 chiến sĩ Đội 5 biệt động tập trung tại căn hầm nhận vũ khí. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Tô Hoài Thanh (Ba Thanh), cả đội đã thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968. Sau khi các chiến sĩ biệt động bị bắt, địch cho người đến bắn phá căn nhà này vì nghi ngờ đây là nơi trú ngụ của đội biệt động. Sau này, căn nhà đã rơi vào tay địch nhưng bọn chúng không hề biết trong nhà có căn hầm bí mật.

Hiện tại, nơi đây vẫn lưu dấu những kỉ vật, sự kiện về trận đánh oanh liệt của Đội 5 biệt động Sài Gòn vào cơ quan đầu não của Ngụy. Đến nay, căn hầm chứa vũ khí năm xưa mà Đội 5 biệt động thành đã sử dụng đánh mục tiêu Dinh Độc Lập vẫn mang con số 287/70 thuộc đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3 và được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp Quốc gia.

Chiến tranh qua đi, trở về cuộc sống bình thường, những con người từng tham gia các trận đánh trong nội thành Sài Gòn làm nên lịch sử của Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 vẫn luôn giữ được khí phách anh hùng. Còn những địa chỉ đỏ một thời nay vẫn luôn là nơi quý giá để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử chiến đấu của thế hệ cha anh./.

(Nguồn: http://dangcongsan.vn)