Người mẹ động viên con ra trận năm 1979

Khi cuộc chiến chống quân bành trướng Trung Quốc đang diễn ra ác liệt, có một người mẹ viết thư động viên con trai bám trụ trận địa, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Khi thực hiện loạt bài về 40 năm cuộc chiến vệ quốc tháng 2-1979, trong cuộc nói chuyện, đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh (nguyên chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn, cựu chiến binh Sư đoàn bộ binh 337 - Quân khu 4) bất ngờ kể về một người mẹ ở Nghệ An với lá thư hoàn toàn bằng thơ viết gửi ra chiến trường động viên con trai mình chiến đấu.

Lá thư đặc biệt gửi ra chiến trường

40 năm trước, khi đọc lá thư ấy, chiến sĩ Nguyễn Văn Khuỳnh ấn tượng đến nỗi ông thuộc luôn cả bài thơ dài, cho đến 40 năm sau, ở tuổi 61, ông vẫn nhớ rành rọt.

 

"Sau này tôi tìm hiểu được biết bà mẹ có viết tay bài thơ trước trong sổ rồi chép lại gửi thư. Khi chép lại bà có chỉnh sửa một số câu, từ" - đại tá Khuỳnh cho biết.

 

Ông nhớ lại: "Khi đó tôi đang là nhân viên ban tổ chức sư đoàn, đi đến các đơn vị ở mặt trận động viên bộ đội thì nhận được lá thư của một người mẹ tên Phạm Thị Đào, địa chỉ ở Nghệ An, gửi cho con trai tên Văn Đức Tuấn.

 

Tuấn là chiến sĩ của đơn vị tôi, đang chiến đấu ở mặt trận Lạng Sơn. Khi mở ra kiểm tra, chúng tôi rất bất ngờ.

Bà mẹ viết thư hoàn toàn bằng thơ, dạng gần như lục bát vậy. Bà kể lại câu chuyện về cuộc đời mình: mất chồng 27 tuổi, nhà bị giội bom tan nát hết, một mình nuôi con 14 năm đến năm 18 tuổi thì cho con đi bộ đội.

 

Người mẹ ấy anh hùng lắm. Bà không xin cho con trai mình về mà lại động viên con cùng đồng đội chiến đấu đánh đuổi bọn bành trướng.

 

Bà còn nhắn nhủ nhờ các anh em chỉ huy, đồng đội kèm cặp, chỉ bảo con trai mình".

 

Lá thư đặc biệt ấy viết bằng thơ, gồm 112 câu, đề "Kính gửi Ban chỉ huy Lạng Sơn, Đại đội 5", bắt đầu bằng lời giới thiệu: "Tôi là mẹ của Văn Đức Tuấn/ Quê Quỳnh Lưu Nghệ Tĩnh vốn xưa nay".

 

Bà cho biết: "Tính đến nay đã bốn trăng rồi/ Lòng xao xuyến bồi hồi không yên dạ/ Ngày đơn vị chuyển quân đi xa quá/ Toàn anh em, đồng đội, cả chỉ huy/ Đường hành quân đành phải ra đi/ Tới Cao Lạng tức thì chiến đấu/ Tuấn con tôi tuổi còn thơ ấu/ Xa gia đình trả nợ máu cho cha...".

Sau khi kể về hoàn cảnh gia đình, người mẹ bày tỏ sự lo lắng vì con trai mình vẫn còn nhỏ dại và gửi gắm con trai cho các anh trong ban chỉ huy đơn vị:

 

Khi ở nhà mẹ dặn mẹ dò

 

Giờ xa cách ai bày cho em được

 

Sức thì yếu, trí còn non nớt

 

Chưa biết gì tính trước suy sau

 

Sẽ gặp khi mưa nắng dãi dầu

 

Còn lo ngại có câu gì va vấp...

 

Nhờ chỉ huy ngày đêm kèm cặp

 

Dạy bảo em học tập, vững lòng

 

...

 

Tôi là người mẹ đẻ xưa nay

 

Giờ xa cách nhờ các anh giúp đỡ

 

Em thiếu sót nhờ các anh chỉ lối

 

Tôi yên lòng để khỏi nỗi âu lo

 

Nhờ các anh mở rộng lòng cho

 

Để thay mẹ dặn dò em công tác

 

Đừng để em đi sai đường, hướng lạc

 

Trở thành người tệ bạc của quân nhân".

 

Gần cuối thư, người mẹ gửi lời chúc đến các cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị: "Chắc tay súng giữ lấy đất trời/ Khi có lệnh sẵn sàng chiến đấu" và động viên bộ đội: "Vui vui lên cho thế hệ ngày mai/ Lứa tuổi non vui khỏe, đời dài".

 

Thấy lá thư quá hay, thượng sĩ Nguyễn Văn Khuỳnh báo cáo với đại tá Nguyễn Chấn - chính ủy Sư đoàn 337.

 

Quá khâm phục trước tinh thần sẵn sàng hiến dâng cả đứa con mình cho Tổ quốc của người mẹ xứ Nghệ, đại tá Nguyễn Chấn chỉ đạo phổ biến lá thư trong toàn đơn vị để động viên tinh thần bộ đội và để cán bộ, chiến sĩ học tập tinh thần quả cảm, anh hùng của người mẹ Nghệ An.

 

Khí chất của bà mẹ xứ Nghệ

 

40 năm sau.

 

Một ngày mùa đông đầu năm 2019, chúng tôi về huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), quyết tâm tìm cho được bà Phạm Thị Đào.

 

Bà vẫn còn sống và hiện đang ở thị xã Hoàng Mai. Ở tuổi 81, bà vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thần thái tinh anh.

 

Hỏi chuyện về lá thư đặc biệt ấy, cụ Đào cười rổn rảng: "Hồi đó thấy 4 tháng trời mất tin con, không nhận được thư từ gì, tui lên Nghi Lâm (một xã thuộc huyện Nghi Lộc - PV) hỏi thăm thì mới biết đơn vị con chuyển đi đâu rồi.

 

Hỏi dân làng, dân làng nỏ (không) biết. Sau ông bác tui cũng là bộ đội ở sư đoàn nói hắn ra Lạng Sơn chiến đấu đánh quân bành trướng Trung Quốc, tui mới biên thư động viên con, gửi bài thơ ni ra Lạng Sơn.

 

Tui không biên thư bình thường mà làm thơ. Tui thích làm thơ, dễ đọc...".

 

"Tui cho con đi bộ đội để trả nợ máu cho cha", cụ Đào bất ngờ nói.

 

Và câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường ấy hóa ra lại là chuỗi tháng năm đầy sóng gió, truân chuyên.

 

21 tuổi lập gia đình. 27 tuổi góa chồng. Trong kháng chiến chống Mỹ, chồng bà, ông Văn Đức Huấn, là cán bộ bưu điện Nghệ An, trên đường đi làm nhiệm vụ thì hi sinh.

 

Khi đó, Văn Đức Tuấn, con trai đầu lòng của bà mới 4 tuổi. Không lâu sau đó, căn nhà của bà bị bom giội tan nát hết.

 

"Nỏ còn cái gì ăn! Đến cái mảnh quần mảnh áo cũng không có để mặc, cái bát mẻ cũng không có mà ăn. Tui phải đi xin từng miếng ăn, từng cái áo cái quần cũ" - cụ Đào nói.

 

Nuôi con 14 năm, khi con 18 tuổi, bà cho con nhập ngũ. Trong thời gian con trai huấn luyện tân binh ở Nghi Lâm, bà đã lên đơn vị thăm con một lần và rất yên tâm khi thấy chỉ huy đơn vị tận tình còn con trai thì trưởng thành hơn.

 

Ngày 8-11-1978, bà viết thư bằng thơ gửi về Nghi Lâm động viên con: "Con ngày đêm lo việc luyện quân/ Sự sớm tối quây quần bên bè bạn/ Hãy tuân lệnh cấp trên giao phó/ Con đừng nên ương bướng không hay".

 

Không bao lâu sau khi con trai nhập ngũ, đầu năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra. 19 tuổi, Văn Đức Tuấn cùng đơn vị hành quân thần tốc ra miền Bắc để chiến đấu chống quân bành trướng.

 

Năm 1982, anh Văn Đức Tuấn xuất ngũ trở về. "Về mà hắn gầy, răng rụng mất 3 cái lúc đánh nhau với quân Trung Quốc. Năm 1983 hắn cưới vợ. Năm 2008 thì hắn mất vì bệnh..." - cụ Đào cho biết.

 

Không chỉ sẵn sàng hiến dâng đứa con của mình cho Tổ quốc, bản thân bà Đào khi còn trẻ, thanh xuân của bà cũng làm nhiều việc vì đất nước: tham gia dân công hỏa tuyến từ khi 18 tuổi.

 

Năm 2001, bà Đào được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng Huy chương kháng chiến hạng nhì vì thành tích trong kháng chiến chống Mỹ.

 

MY LĂNG (Tuổi Trẻ Online)