Lỗi viết hoa - nguyên nhân và biện pháp khắc phục In

LỖI VIẾT HOA, NGUYÊN NHÂN
VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Nguyễn Thị Ly Kha

Quả hồng xiêm, Sapodilla1. Trong các loại lỗi chính tả mà học sinh tiểu học và trung học thường mắc phải, lỗi viết hoa chiếm một tỉ lệ đáng kể (theo kết quả thống kê sơ bộ của chúng tôi về lỗi chính tả của học sinh tiểu học và trung học thì lỗi viết hoa chiếm khoảng 22% tổng số lỗi). Khác với những loại lỗi chính tả do ảnh hưởng của cách phát âm, như viết lẫn lộn hai thanh hỏi-ngã, lẫn lộn s-x, l-n, tr-ch, v-d, r-g (âm đầu), lẫn lộn n-ng-nh, t-c, u-o, i-y (âm cuối), hay do không nắm nghĩa của từ, như viết lẫn lộn d-gi, lỗi viết hoa, trừ kiểu viết hoa tuỳ tiện, đều gắn với nguyên nhân người viết không nắm được quy tắc. Thành thử, việc phòng tránh lỗi viết hoa không phải là công việc nan giải và tỉ lệ lỗi viết hoa đáng lẽ cũng chỉ thấp như tỉ lệ lỗi viết những âm có quy tắc (như g-gh, ng-ngh, k-q-c). Thế nhưng, tình hình lại khác, tỉ lệ lỗi viết hoa tương đương với loại lỗi do phát âm lẫn lộn hoặc do không nắm nghĩa của từ, học sinh và cả người lớn vẫn có không ít người không biết viết hoa như thế nào cho đúng chính tả.

Trừ kiểu viết hoa tuỳ tiện, có thể phân chia lỗi viết hoa thành các nhóm sau:

Một là, không viết hoa bộ phận tên đệm trong tên người (Việt), chẳng hạn: *Trần Nguyễn mai Hoa[1], *Tôn nữ nguyệt Minh, *Thái thị Thanh Huyền, *Hoàng thị ngọc Minh, *Phạm sĩ Sáu, Huỳnh văn mười Ba, *Nguyễn thị bé Bảy,.. Hay viết hoa sai nhóm tên người dân tộc thiểu số, như *Vừ a Dính, *Nông văn Dền, *1 pa-kLơng, *Y ngông niêKdăm… Hoặc lỗi viết hoa tên người nước ngoài (thường gặp ở nhóm những tên riêng phiên âm theo âm Latin): dạng viết như viết tên người Việt, *Ăng Ghen, Lê Nin, v.v[2].

Phạm phải loại lỗi này do học sinh không nắm được quy tắc viết hoa tên người. Chữa và phòng tránh loại lỗi này không khó, chỉ cần hướng dẫn các em nắm quy tắc và rèn luyện theo quy tắc.

Hai là, không viết hoa chữ thứ hai và hoặc n trong tổ hợp tên riêng chỉ đất đai sông núi (nhất là những tên riêng gồm ba chữ trở tên), chẳng hạn *Điện biên phủ, *Hà giang, *Tân quy đông, *Ngũ hành sơn, *Phú quốc, *Côn lôn, *Ba đình, *(biển) đông, *(vịnh) bắc bộ, *Cửu Long giang, *(sông) Hồng hà, v.v... Một số địa danh vùng Tây Nguyên cũng thường bị viết sai, như *KRông-Pách, *Krông ana, *PRenn, …

Viết sai địa danh thường do học sinh không nắm vững quy tắc viết hoa. Thêm vào đó, cũng có những trường hợp vì các em không phân biệt tên chung và tên riêng; dạng này thường gặp ở những tên riêng địa lí có nguồn gốc từ những danh từ chỉ phương hướng, như biển Đông, vùng duyên hải miền Trung, đồng bằng Bắc Bộ, vịnh Bắc Bộ,… Và những trường hợp tên riêng có yếu tố Hán Việt thường được dùng trong những tổ hợp tên chung như giang, sơn, kiểu như sông Hồng Hà, dòng Lam Giang, dãy Trường Sơn, núi Thất Sơn…

Ba là, không viết hoa tên tác phẩm. Nhóm lỗi này thường gặp ở hai dạng: (1) không viết hoa, (2) viết hoa tất cả các chữ cái đầu của tên tác phẩm, chẳng hạn: *bài “côn sơn ca”, *truyện “cây tre trăm đốt”, *tuỳ bút “người lái đò trên sông Đà”, *luật giáo dục, *luật lao động, *bài thơ “tre Việt Nam”, *bài “Cây Và Hoa Bên Lăng Bác”, *truyện “Sang Cả Mình Con”, *bài Khúc Hát Ru Những Em Bé Lớn Trên Lưng Mẹ, v.v.

Bốn là, không biết viết hoa tên cơ quan, tổ chức. Những lỗi như *trường tiểu học đốc binh Kiều, *trường trung học cơ sở Nguyễn Thị Lựu, *trường phổ thông trung học Châu Đốc, *hội liên hiệp khoa học kĩ thuật tỉnh Vĩnh Long, *sở giáo dục và đào tạo Đồng Tháp, *bộ thương binh - xã hội, nhà xuất bản mũi Cà Mau… không hiếm trong các bài viết của học sinh, sinh viên, học viên.

Tình trạng xưa nay nhiều học sinh không biết viết hoa tên tác phẩm, tên cơ quan tổ chức, ngoài nguyên do không nắm quy tắc, thiển nghĩ, còn vì học sinh không biết đấy là tên riêng, bởi các em không hề … được học. (Hệ thống ngữ liệu và bài tập thực hành cho học sinh khi học bài “Danh từ riêng” xưa nay thường chỉ đề cập đến tên người và tên đất. Trong các bài rèn luyện kĩ năng viết hoa, thường chỉ dừng lại ở nội dung viết hoa tên người Việt, địa danh Việt, viết hoa chữ đầu câu). (Chúng tôi đã thử kiểm tra kĩ năng nhận diện tên chung và tên riêng ở một số lớp tại chức (trong đó hầu hết là những người đang làm công tác giảng dạy những tri thức về tiếng Việt ở nhà trường phổ thông), phần lớn những người được hỏi đều trả lời rằng “tên riêng gồm tên người và tên đất đai, sông núi”, không đến 25% số người được hỏi kể thêm được tên cơ quan tổ chức và tên tác phẩm. Thành thử, việc học sinh không biết tên tác phẩm, tên cơ quan tổ chức là tên riêng và không biết viết hoa chúng thì cũng chẳng có gì đáng phàn nàn).

Ngoài ra, hiện tượng không biết viết hoa tên cơ quan tổ chức cũng phải kể đến lí do: quy định và thực tế viết hoa mảng tên riêng này trên sách báo lâu nay chưa được thống nhất. Văn bản “Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt” của Bộ Giáo dục ban hành ngày 05 tháng 3 năm 1984 không phải trường nào cũng có, giáo viên nào cũng biết. Và những người biết thì không phải ai ai cũng tuân thủ.

Năm là, loại lỗi viết hoa những danh từ (chung) vốn là tên riêng nhưng theo thời gian đã mất tính chất tên riêng, đã chuyển loại thành danh từ chung chỉ chủng loại. Thường gặp ở những trường hợp như: *thỏi mực Tàu, *gà Tàu, *bút Bi, *cá trê Phi, *dừa Xiêm.

Phạm phải loại lỗi này, do học sinh nhầm tưởng các danh từ chỉ chủng loại như tàu, bi, phi, xiêm là danh từ riêng.

Và sáu là, không viết hoa tên các danh hiệu, giải thưởng, chức danh,… Hầu hết, học sinh không biết viết hoa những từ ngữ loại này, chẳng hạn, các em viết: *anh hùng lao động, *nghệ sĩ nhân dân (ĐTS), *nhà giáo ưu tú (PVH), *được thưởng huân chương quân công, *huân chương lao động hạng nhất, *đạt giải nhất, *tổng giám đốc,… Hoặc viết hoa tất cả các chữ (dạng này chủ yếu tập trung vào mảng những từ ngữ chỉ chức danh), như *Hồ Chủ Tịch, *Mao Chủ Tịch (những trường hợp như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nguyễn Văn An,… hầu như lại không bị viết sai chữ tịch. Điều này có nguyên do từ việc nhận diện tên riêng, từ hình thức của tổ hợp tên).

Loại lỗi này cũng gồm hai kiểu: không viết hoa chữ nào (thường gặp hơn), hoặc viết hoa tất cả các chữ.

Không gặp hiện tượng không viết hoa chữ đầu câu. Vì quy tắc viết hoa chữ cái đầu câu, học sinh được học, được rèn luyện thường xuyên. Hơn thế, “dụng cụ trực quan” – sách giáo khoa – chữ cái đầu câu được viết hoa luôn luôn “đập” vào mắt các em. (Trong khi tên riêng, tần số xuất hiện ít hơn rất nhiều, danh hiệu, huân chương may ra chỉ xuất hiện trong các bài đọc của môn Ngữ văn).

(Những loại lỗi viết hoa như vừa nêu không chỉ gặp ở các bài viết của học sinh tiểu học, học sinh trung học mà còn gặp ở cả những bài viết của sinh viên, học viên. Độ phân bố các kiểu loại lỗi ở các bài viết của sinh viên, học viên cũng tương tự như ở các bài viết của học sinh).


2.
Trong những trường hợp phải viết hoa, trừ trường hợp viết hoa tu từ và viết hoa chữ cái đầu câu, còn lại đều gắn liền với việc nhận diện tên riêng. Bởi vậy, khi dạy chính tả cũng như khi dạy các kiến thức về danh từ, cần phải chú ý hướng dẫn học sinh nhận diện đúng tên riêng và cách viết hoa từng loại tên riêng. Chẳng hạn:

– Phải liệt kê các loại tên riêng cho học sinh nắm (tên người (/động vật); tên đất, sông núi; tên cơ quan tổ chức; tên tác phẩm) để các em có cơ sở nhận diện đúng các loại tên riêng.

– Đồng thời phải hướng dẫn quy tắc viết hoa cụ thể cho từng kiểu loại tên riêng: viết hoa tên người Việt, địa danh Việt (phải lưu ý hướng dẫn cả cách viết một số địa danh được phiên âm từ ngôn ngữ dân tộc thiểu số (thuộc nhóm ngôn ngữ đa tiết tính)), tên người dân tộc thiểu số (tên của những nhóm dân tộc thuộc loại hình ngôn ngữ đơn tiết tính, như Mường, Tày, Nùng và tên của những nhóm dân tộc thuộc loại hình ngôn ngữ đa tiết tính, như Bahna, Hrê, Brâu, M’nông), tên người nước ngoài, địa danh nước ngoài, tên cơ quan tổ chức, tên tác phẩm.

Khi dạy viết hoa tên người, người dạy cũng nên lưu ý người học hai trường hợp khá đăc biệt. Đó là những tên riêng có cách viết khác với kiểu viết thông thường như (Nguyễn Văn) Dzu, (Lê Trần) Dzũng, (Phan Nguyễn) Sol,… do dụng ý của người khai sinh. Hoặc những trường hợp nếu là từ thường dùng thì hiện nay vẫn chấp nhận cả hai kiểu dáng chữ, như ký-kí, lý-lí, mỹ-mĩ, quy-qui… nhưng nếu là tên riêng thì buộc phải viết theo dạng đã chọn dùng (ở giấy khai sinh và hoặc các thứ giấy tờ tuỳ thân). Chẳng hạn phải viết Trương Vĩnh Ký (tên của một nhà văn hoá quê Vĩnh Long) chứ không viết *Trương Vĩnh Kí).

– Cần lưu ý hướng dẫn học sinh nhận diện và phân biệt những từ vốn là tên riêng nhưng đã được dùng chuyển loại thành danh từ (chung) chỉ chủng loại, như mực tàu, cá trê phi, dừa xiêm,… với những trường hợp danh từ riêng làm định ngữ chỉ loại như xoài Cao Lãnh, nước mắm Phú Quốc, cam xã Đoài,… Số danh từ riêng chuyển loại thành danh từ chung chỉ chủng loại không nhiều (tuyệt đại bộ phận là tên riêng địa lí, như phi (, giáo viên chỉ cần liệt kê danh sách cho học sinh, các em sẽ thuộc ngay, không tốn thời gian.

– Mặt khác cũng cần hướng dẫn học sinh nhận diện và phân biệt những trường hợp từ chỉ phương hướng với tên riêng địa lí, như phía bắc, phía nam, miền Bắc, miền Nam, đồng bằng Bắc Bộ, vịnh Bắc Bộ, phía tây, phương tây, phía đông, phương đông, hướng đông, hướng tây, các nước Phương Tây, các nước Phương Đông,...

Dấu hiệu cơ bản cần lưu ý học sinh nhận diện và phân biệt tên riêng và tên chung là: tên riêng là tên gọi riêng một người, một vật cụ thể xác định; còn tên chung dùng cho cả chủng loại, không cụ thể, không xác định.

Ngoài việc dạy nắm vững quy tắc và yêu cầu rèn luyện kĩ năng viết hoa tên riêng cần giảng dạy và rèn luyện kĩ năng viết hoa tu từ. Chẳng hạn, cần hướng dẫn học sinh nắm các quy tắc viết hoa tên các huân chương, giải thưởng, danh hiệu, chức danh, viết hoa những từ ngữ tỏ ý tôn trọng,…

3. Viết hoa sai, ngoài những nguyên do thuộc về người học (không phân biệt được tên chung, tên riêng, không nắm được quy tắc), thuộc về người dạy (chưa chú ý hướng dẫn học sinh rèn luyện quy tắc viết hoa, chưa chú ý hướng dẫn học sinh phân biệt tên chung và tên riêng) còn có những nguyên do thuộc về chương trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy học.

Sách tiếng Việt (sách cải cách, sách chỉnh lí) ở các lớp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của chúng ta xưa nay đều chưa chú ý đúng mức và toàn diện đến các nội dung dạy học các quy tắc viết hoa. (Trong sáu nhóm lỗi viết hoa nêu trên, lỗi viết hoa tên người (Việt) chiếm tỉ lệ thấp nhất. Điều này không khó giải thích. Đây là trường hợp viết hoa mà học sinh thường gặp nhất, được rèn luyện nhiều nhất. Ngoài ra, sách giáo khoa tiếng Việt ở tiểu học, trung học cơ sở (sách cải cách và sách chỉnh lí), khi dạy các nội dung về danh từ từ riêng đều có phần luyện tập về kĩ năng này).

Một tín hiệu đáng mừng là sách Tiếng Việt 4, Tiếng Việt 5, sách Ngữ văn 6 – sách thí điểm chương trình năm 2000 – đã chú ý đến các khía cạnh cụ thể của quy tắc viết hoa, chẳng hạn như quy tắc viết hoa tên người Việt, người nước ngoài, địa danh Việt, địa danh nước ngoài, quy tắc viết hoa tên cơ quan, tổ chức, các giải thưởng, danh hiệu, huân chương,… (Hình như đây là lần đầu tiên, sách giáo khoa bộ môn Ngữ văn của chúng ta đã đã tỏ ra là có chú ý một cách đủ đầy và toàn diện về nội dung, yêu cầu rèn luyện kĩ năng viết hoa bên cạnh những kĩ năng khác). Điều này là dấu hiệu cho ta có quyền hi vọng ít năm nữa tình trạng lỗi viết hoa sẽ giảm tỉ tệ một cách đáng kể.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Sách giáo khoa Tiếng Việt 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 (sách cải cách và sách chỉnh lí)
2. Sách giáo khoa Tiếng Việt 2, 3, 4 (sách thí điểm chương trình năm 2000)
3. Dự thảo chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt 5 (sách thí điểm chương trình năm 2000)
4. Sách Ngữ văn 6 (sách thí điểm chương trình năm 2000)

Đã đăng trên Tạp chí Giáo dục, số 8 năm 2002

Ghi chú

[1] Dấu * được dùng để đánh dấu những trường hợp bị xem là lỗi.

[2] Những dẫn chứng về lỗi viết hoa trong bài này đều được dẫn từ các bài viết, bài trắc nghiệm kĩ năng tiếng Việt của học sinh, sinh viên, học viên mà chúng tôi thu thập được. Ngoài ra, cũng có một vài lỗi được trích từ một vài cuốn kỉ yếu, sách, báo.