Lời chào mừng tân sinh viên Khóa 43 ngành Giáo dục Tiểu học – Trường ĐHSP TPHCM In
Thứ tư, 18 Tháng 4 2018 08:58

Lời chào mừng tân sinh viên Khóa 43 ngành Giáo dục Tiểu học – Trường ĐHSP TPHCM

Kính thưa PGS. TS. Nguyễn Thị Ly Kha, nguyên Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, kính thưa quý thầy cô, thưa các em sinh viên các khóa từ 40 đến 42, thưa các em tân sinh viên khóa 43 của Trường ĐHSP TPHCM nhưng là khóa 23 của ngành Giáo dục Tiểu học.

Lời đầu tiên xin thay mặt các thầy cô, viên chức và các anh chị sinh viên các khóa trước, xin nhiệt liệt chào đón các em tân sinh viên ngành Giáo dục tiểu học có mặt tại buổi gặp mặt ngày hôm nay.

Cũng giống như tôi, giống các thầy cô và các anh chị cựu sinh viên, tôi tin chắc rằng các em tân sinh viên đang có cảm giác vinh dự, tự hào khi bước vào làm việc ở một trong những trường đại học lớn nhất, uy tín nhất trong hệ thống các trường đại học trong cả nước. Tôi hay nói với đồng nghiệp, bạn bè rằng ngôi trường này giống ngôi đền thiêng có nhiệm vụ giữ ngọn lửa ấm, giữ sự cao quý của nghề giáo, ngôi đền có sứ mệnh là giáo dục tinh thần trách nhiệm và thái độ phụng sự xã hội của giới chức nhà giáo.

 

Trong buổi gặp mặt hôm nay, tôi sẽ chọn một chủ đề để nói với các em tân sinh viên. Đối với khóa 41, tôi đã nói về việc phải đối mặt với thực tế và biết vượt qua thực tế, khóa 42 thì tôi đã nói về sự lo lắng, hãy lo lắng và biết lo lắng. Đối với khóa 43 tôi sẽ dành phần chia sẻ về nghề giáo. Gần đây báo chí nói khá nhiều về nghề giáo, về điểm chuẩn ngành sư phạm thấp, về sự khó khăn sau khi ra trường, về lương bổng, về sự vất vả và những bất cập khác của nó. Tôi đoán rằng gia đình nhiều em ở đây thuộc về gia đình ít có điều kiện, cũng giống như gia đình tôi thời tôi đi học. Có thể đó là một trong những lý do các bạn chọn ngành sư phạm, nơi có chi phí học tập thấp nhờ chính sách miễn học phí, nơi có cơ hội tìm kiếm việc làm dễ dàng trong sinh viên do nhu cầu tìm kiếm gia sư là sinh viên sư phạm, nhưng cũng là nơi có nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề việc làm do thiếu những chính sách hỗ trợ tốt từ chính phủ.

Tôi nghĩ rằng, với khả năng của các em, các em hoàn toàn có thể lựa chọn một ngành học hấp dẫn hơn ngành sư phạm để theo đuổi việc học tập, ví dụ ngành kĩ thuật, ngành kinh tế, ngành y dược. Chắc chắn sẽ có ai đó đã từng khuyên các bạn nên chọn những ngành đó mà lý do của họ có thể là: học sư phạm ra trường khó kiếm việc làm, nếu tìm được thì lương thấp, công việc nhiều áp lực, nhiều bất cập; trong khi học những ngành khác thì dễ tìm việc làm hơn, lương cao, nhiều cơ hội thăng tiến, lại được xã hội tung hô là kĩ sư, là doanh nhân, là bác sĩ.

Tôi nói rõ là không trách những người có quan điểm thực tế về phía đầu ra của một ngành nghề. Khi ai đó đủ lớn thì họ phải tự lựa chọn cuộc đời của họ, trách nhiệm lựa chọn đó thuộc về họ và chỉ thuộc về họ. Ở cái tuổi 18 này trở đi, đừng bao giờ trách một ai đó về sự nhầm đường của các em. Nhiều em ở đây nhà nghèo, trước đây nghèo, giờ vẫn còn nghèo. Nghèo thì dẫn tới nhiều khó khăn, thậm chí là nỗi sợ hãi và mặc cảm. Do đó nhu cầu thoát nghèo là nhu cầu chính đáng và phải làm. Tuy nhiên thầy khuyên các em rằng, hãy thoát nghèo bằng nỗ lực của bản thân, bằng sự cố gắng, bằng việc nâng mình lên, bằng tạo ra nhiều giá trị cho cuộc sống, bằng cách giúp người thì người sẽ giúp mình, bằng cách không phụ nghề thì nghề không phụ mình, chứ thầy không khuyên các bạn thoát nghèo bằng cách chọn ngành có nhiều cơ hội kiếm tiền.

Thầy nghĩ rằng với lựa chọn trở thành một giáo viên tiểu học, theo học tại một trong 2 trường đại học sư phạm lớn nhất cả nước, kèm một sự nỗ lực tối đa thì chắc chắn rằng sau này khi ra trường, các em sẽ không nghèo. Nếu nghèo thì tới gặp thầy để bị … la là không chịu nỗ lực, bị la là cam chịu với cuộc sống nghèo.

Đó là một số chia sẻ về nghề của một ông trưởng khoa, một người thầy sẽ dạy các bạn, của một người trong nghề nhưng đi trước các bạn. Những chia sẻ đó thầy coi như là một lời chào đón các bạn gia nhập vào ngôi đền chung giáo dục tiểu học. Hi vọng các em sẽ cùng với các thầy cô và các anh chị khóa trước chung tay giữ ấm ngọn lửa thiêng liêng và cao quý của nghề giáo. Trong sự nỗ lực, cố gắng tìm kiếm tri thức và rèn luyện bản thân, các thầy cô ở đây, các anh chị khóa trước sẽ hết mình giúp đỡ, hỗ trợ các em.

Chúc các em vững vàng, tự tin sẵn sàng chiếm lĩnh tri thức, vượt qua tất cả các khó khăn, đạt được nhiều thành công trong học tập. Hẹn gặp lại các em trong buổi lễ tốt nghiệp 4 năm nữa. Xin cảm ơn.