Hội thảo "Giáo dục Mỹ thuật bậc Tiểu học Nhật Bản - Việt Nam" In
Thứ tư, 12 Tháng 6 2019 08:22

Tiếp nối thành công của Hội thảo quốc tế “Dạy học Khoa học ở tiểu học theo phương pháp giáo dục Nhật Bản” và tập huấn “Dạy học Khoa học bậc Tiểu học” cho giáo viên các trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 1/2019, Khoa Giáo dục Tiểu học trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã đón tiếp và làm việc với đoàn đai biểu trường Đại học Osaka Kyoiku về các nội dung: tìm hiểu thực tế giáo dục tại trường Tiểu học Việt Nam, thảo luận về các hoạt động hợp tác giáo dục, chương trình trao đổi giảng viên – sinh viên và tổ chức hội thảo quốc tế, trao đổi kinh nghiệm giáo dục mỹ thuật Nhật Bản – Việt Nam. Chương trình làm việc diễn ra và buổi sáng và buổi chiều ngày 16/5/2019.

Buổi sáng ngày 16/5/2019, Đoàn Giáo sư Đại học Osaka Kyoiku đã phối hợp cùng với Đoàn giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM - khoa Giáo dục Tiểu học xuống thăm và tìm hiểu thực tế giáo dục tại trường Tiểu học Him Lam, quận 6. Trong buổi làm việc, thầy Trần Sỹ Thy – Hiệu trưởng trường Tiểu học Him Lam đã giới thiệu tổng quan về lịch sử của trường, chương trình giảng dạy, tập thể sư phạm cũng về những hoạt động học tập và ngoại khóa của nhà trường. Sau đó, Đoàn làm việc đã dự giờ hai tiết học thực tế Khoa học và Mỹ thuật do giáo viên của trường giảng dạy.

Hình lưu niệm buổi tìm hiểu thực tế giáo dục tại trường Tiểu học Him Lam - Quận 6

Hình trái (từ phải qua trái): Giáo sư Katagiri Masanao và Trợ lý Giáo sư Nakaya Fumio

Hình phải (từ trái qua phải): Giáo sư Kato Kanae, Giáo sư Aoki Hiroko, Giáo sư Watanabe Mika

Hình trái (giữa): Thầy Trần Sỹ Thy – Hiệu trưởng trường Tiểu học Him Lam

Hình phải: Giáo viên trường Tiểu học Him Lam cùng giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học

Trao quà lưu niệm giữa trường Đại học Osaka Kyoiku và trường Tiểu học Him Lam

Buổi chiều, Đoàn làm việc đã có buổi họp trao đổi thảo luận về chương trình hợp tác giáo dục đôi bên. Một số kết quả thu được sau buổi làm việc như là: chương trình tập huấn giảng dạy Khoa học lần 2 sẽ được diễn ra vào tháng 9 năm 2019; nhóm giáo sư Mỹ thuật trường Đại học Osaka sẽ giảng dạy một ngày cho sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học; lên kế hoạch cụ thể cho chương trình trao đổi giảng viên đôi bên vào cuối năm 2019.

Buổi chiều cùng ngày, Khoa Giáo dục Tiểu học đã tổ chức Hội thảo “Giáo dục Mỹ thuật bậc Tiểu học Nhật Bản – Việt Nam” nhằm giới thiệu chương trình và trao đổi kinh nghiệm Giáo dục Mỹ thuật của hai bên. Buổi hội thảo có sự tham dự của Giáo sư Katagiri Masanao, Trợ lý Giáo sư Nakaya Fumio, Giáo sư Kato Kanae, Giáo sư Watanabe Mika, Giáo sư Aoki Hiroko thuộc đại học Osaka Kyoiku; Tiến sĩ Ngô Thị Phương – Phó trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học, Tiến sĩ Vũ Như Thu Hương, Tiến sĩ Tăng Minh Dũng – giảng viên Khoa Toán – Tin học cùng gần 100 sinh viên các Khoa Giáo dục Tiểu học, Khoa tiếng Nhật…

Tại buổi hội thảo, ThS. Lê Tống Ngọc Anh – giảng viên Mỹ thuật của Khoa Giáo dục Tiểu học đã giới thiệu chương trình giáo dục Mỹ thuật bậc Tiểu học tại Việt Nam cũng như những thay đổi trong nội dung chương trình đào tạo giáo viên của Khoa sắp tới nhằm đáp ứng sự thay đổi của chương trình mới và nhu cầu, phát triển của Xã hội trong tương lai.

Sau đó, Tiến sĩ Watanabe Mika cũng đã chia sẻ về những triết lý, những nghiên cứu gần đây của giáo dục Mỹ thuật bậc Tiểu học của Nhật Bản. Hội thảo diễn ra sôi nổi với phần thảo luận, chia sẻ của sinh viên, giảng viên hai bên rất bổ ích và thú vị. Khoa Giáo dục Tiểu học mong muốn được hợp tác nhiều hơn để học hỏi kinh nghiệm đào tạo giáo viên Mỹ thuật cũng như những kiến thức, kỹ năng trong việc giảng dạy Mỹ thuật ở tiểu học.

Kết thúc ngày làm việc, các giáo sư, giảng viên trường Đại học Osaka Kyoiku và các giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, khoa Toán – Tin cùng toàn thể các bạn sinh viên cùng chụp hình lưu niệm hoạt động hợp tác - trao đổi kinh nghiệm giáo dục giữa hai bên. Tất cả đều mong chờ và hi vọng vào chương trình tập huấn, những dự án hợp tác giáo dục sắp tới sẽ không chỉ tập trung vào Khoa học, mỹ thuật mà sẽ được mở rộng đến những môn học khác để từ đó, chương trình đào tạo giáo viên Tiểu học sẽ càng ngày càng phát triển, hoàn thiện.