Những cảm xúc từ chuyến viếng thăm đất nước Chùa Tháp In

Đã trở về và làm việc được hơn hai tuần nay nhưng ấn tượng về chuyến du lịch tham quan Campuchia vẫn còn in đậm trong mỗi chúng tôi.

Đây có lẽ là một trong những chuyến đi thành công nhất mà Ban chủ nhiệm khoa GDTH kết hợp với Công đoàn Khoa tổ chức cho công đoàn viên trong dịp hè vừa qua. Sự tận tuỵ của BCN và Công đoàn Khoa đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của hầu hết công đoàn viên trong Khoa cùng với một số thành viên của gia đình họ. Ngoài ra, khách mời danh dự của Khoa còn là cộng tác viên của khoa và một số anh chị đã nghỉ hưu. Với thành phần tham gia như vậy nên không khí trong đoàn rất đầm ấm, thân mật giống như trong một đại gia đình. Điều này đã giúp cho một số anh chị không cảm thấy mệt mỏi khi phải di chuyển bằng xe trên những chặng đường rất dài trong suốt chuyến đi.

 

Cảnh vật và con người của đất nước Chùa Tháp đã thực sự “hút hồn” khách du lịch. Tại Xiêm Riệp, chúng tôi ai cũng choáng ngợp trước những di tích cổ xưa đồ sộ với những đường nét chạm khắc tinh xảo, công phu trên đá… Dấu tích của một nền văn minh rực rỡ đã từng bị chìm trong quên lãng lại hiện ra với tất cả vẻ bí ẩn và quyến rũ làm mê mẩn biết bao khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới.

 

Viếng thăm  Angkor Wat, cố đô Xiêm Riệp

 

Thủ đô Phnom Pênh thật sự khác biệt. Nổi bật trong lòng một thành phố hiện đại, sầm uất, giống như nhiều thành phố khác trên thế giới với những toà nhà cao tầng, sòng bạc tấp nập… là cung điện vàng son, nguy nga lộng lẫy.

Trước Hoàng cung- thủ đô Phnompenh

Trên suốt chặng đường, bản sắc văn hoá của dân tộc Campuchia  hiện ra trước mắt chúng tôi qua những mái nhà sàn bình dị, những chiếc cổng làng, cổng chùa với nét chạm khắc đặc trưng, những cánh đồng hoang sơ thấp thoáng bóng những cây thốt nốt in trên nền trời xanh thẳm, những đàn trâu, bò ung dung gặm cỏ…Bản sắc ấy càng thể hiện rõ nét hơn trong những nụ cười bình dị và hiếu khách của người dân Campuchia. Tôi có cảm giác như đó chính là nụ cười đã được chạm khắc trên đá từ ngàn năm trước trên những đền đài cổ kính còn được lưu giữ đến tận ngày nay. Và tôi tin rằng, mặc gió mặc mưa, mặc những dâu bể của cuộc đời, nụ cười ấy đã và sẽ tồn tại mãi mãi như sức sống mãnh liệt của dân tộc nhiều vinh quang nhưng cũng lắm thương đau này.

Trong chuyến đi, chúng tôi đã ghé thăm Biển Hồ, nơi sinh sống của cộng đồng người Việt Nam. Nhìn cuộc sống bấp bênh cả nghĩa đen và nghĩa bóng của đồng bào mình trên sóng nước Biển Hồ, chúng tôi ai cũng cảm thấy nao lòng. Trường Tiểu học Việt Nam, gọi là lớp thì đúng hơn, cũng được đặt trên một con thuyền. Khi chúng tôi ghé thăm, lớp học đang có khoảng hơn ba mươi học sinh tuổi ước chừng từ sáu, bảy đến mười ba, mười bốn. Không đồng phục, không sân chơi, thiếu thốn cả những trang thiết bị cần có của một lớp học. Tuy nhiên, những thiếu thốn ấy cộng với dấu ấn của cuộc mưu sinh vất vả còn in trên những khuôn mặt non nớt trẻ thơ vẫn không che được ánh mắt háo hức, khát khao học tập của các em. Các em ngoan ngoãn, lễ phép, biết vòng tay, cúi đầu cám ơn khi nhận quà… Đồng nghiệp của chúng tôi, một cô giáo đã đứng tuổi và một thầy giáo còn rất trẻ tiếp chúng tôi rất thân tình. Nắm bàn tay thân mật của họ, nói lời cám ơn họ mà tôi bỗng thấy mắt mình cay xè. So với họ, chúng tôi thấy mình thật may mắn khi được làm việc trong một môi trường quá thuận lợi. Và bất chợt tôi bỗng cảm thấy mình thật nhỏ bé trước họ.

Chúng tôi rời trường học trong ánh mắt lưu luyến của các em học sinh. Những tiếng hát, câu chào đôi chỗ còn chưa tròn âm tiếng Việt vẫn như theo chúng tôi trên suốt chặng đường về.

Thăm trường Tiểu học Việt Nam trên Biển Hồ

Từ những cảm xúc này, chúng tôi càng cảm thấy có ý thức hơn, trách nhiệm hơn với trọng trách “trồng người” mà mình đang mang trên vai, với tập thể mà mình đang gắn bó này.

Thật là một chuyến đi với nhiều cảm xúc, nhiều những điều mới mẻ. Xin cám ơn nhà trường, cám ơn Ban chủ nhiệm và Công đoàn Khoa GDTH đã tạo điều kiện cho chúng tôi có được một chuyến đi đầy ý nghĩa này.

Đỗ Nga

TP. Hồ Chí Minh ngày 14 tháng 9 năm 2010